12 con giáp đông phương/Mão

Tủ sách mở Wikibooks

Mão hay Mẹo là một trong số 12 chi của Địa chi, thông thường được coi là địa chi thứ tư, đứng trước nó là Dần, đứng sau nó là Thìn.

Tháng Mão trong nông lịch là tháng hai âm lịch.

Về thời gian thì giờ Mão tương ứng với khoảng thời gian từ 05:00 tới 07:00 trong 24 giờ mỗi ngày.

Về phương hướng thì Mão chỉ phương chính đông.

Theo Ngũ hành thì Mão tương ứng với Mộc, theo thuyết Âm-Dương thì Mão là Âm.

Mão mang ý nghĩa là đông đúc tươi tốt, chỉ trạng thái của cây cỏ trong khoảng thời gian này tại các vĩ độ ôn đới thấp và nhiệt đới.

Để tiện ghi nhớ hoặc là do sự giao thoa văn hóa nên mỗi địa chi được ghép với một trong 12 con giáp. Tại Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên (gồm cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc) và Nhật Bản thì Mão tương ứng với thỏ, còn tại Việt Nam thì nó tương ứng với mèo. Tại sao lại như vậy? Liên hệ trực tiếp giữa 'mèo' (âm thượng cổ, còn duy trì trong tiếng Việt/khẩu ngữ) và 'Mão' (âm Hán trung cổ - theo Đường Vận/Tập Vận: 莫飽切, 音昴 mạc bão thiết, âm mão) và 'Mẹo' đã ghi nhận như dưới đây:

[ 上古音 ]:幽部明母,meu - so với dạng mèo tiếng Việt

[ 广 韵 ]:莫飽切,上31巧,mǎo,效開二上肴明

[ 平水韵 ]:上声十八巧 [ 国 语 ]:mǎo

[ 粤 语 ]:maau5
[ 闽南语 ]:bau2 

Các dữ kiện về âm thượng cổ 'meu' (mèo) kể trên còn chứng minh rằng dạng 'mèo' thượng cổ đã cho ra dạng 'Mão/mǎo' trung cổ, và đã "hoá thạch" hay trở nên bất tử trong tiếng Việt. Ở Trung Quốc ngày nay vẫn còn tồn tại một loài động vật họ mèo tên là "thố tôn" - "thỏ khỉ" (Otocolobus manul), cho thấy rằng việc nhầm lẫn giữa thỏ và mèo đã xuất hiện từ lâu trong văn hóa Trung Quốc, và có thể là một lý do dẫn đến việc liên hệ địa chi Mão với loài mèo chứ không phải loài thỏ trong một số nền văn hóa.

Trong lịch Gregory, năm Mão là năm mà chia cho 12 dư 7.