Wikibooks:Dự án/Bách khoa toàn thư

Tủ sách mở Wikibooks

Bách khoa toàn thư là một dạng tài liệu bao gồm thông tin về mọi lĩnh vực trong đời sống, từ kinh tế đến xã hội, từ văn hóa đến chính trị, từ khoa học đến tâm linh. Khi được tạo nên, chúng sẽ là những báu vật, chính là những kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý báu của toàn thế giới. Dự án viết bách khoa toàn thư trên Wikibooks chính thức khởi động năm 2024, và sẽ là một dự án đầy thách thức nhưng cũng vô cùng ý nghĩa.

Nhiều người sẽ thấy dự án này giống với trang Wikipedia. Thật vậy, cùng là viết bách khoa toàn thư nên giữa Dự án và Wikipedia có nhiều điểm chung. Chúng cùng mục tiêu là ghi chép lại những tinh hoa tri thức của loài người, cùng hướng đến xây dựng một bách khoa uy tín nhất. Nhưng nếu chỉ vậy, nếu không có sự khác biệt thì Dự án này sẽ không được ra đời. Giữa Wikipedia và Dự án viết bách khoa toàn thư trên Wikibooks có một số điểm khác biệt cơ bản về mục tiêu và nội dung:

Thứ nhất, Wikibooks xây dựng bách khoa như viết một cuốn sách làm giàu cho tủ sách hiện tại. Cuốn bách khoa sẽ có định dạng, nguyên tắc thiết kế và nguyên tắc trình bày riêng theo phong cách truyền thống của Wikibooks.

Thứ hai, Wikibooks phân mảnh các chủ đề ra từng cuốn khác nhau. Điều này không chỉ khiến cho việc biên tập và quản lí trở nên dễ dàng, mà còn làm cho các độc giả tra cứu các bách khoa một cách khoa học và chuyên sâu.

Thứ ba, Wikibooks có thể bao gồm các bách khoa với chủ đề hẹp, sâu và các chủ đề không xuất hiện trên Wikipedia. Bây giờ, những thứ đó sẽ có mặt trên Wikibooks với một phong cách biên tập hoàn toàn mới.

Thứ tư, Wikibooks định hướng học tập. Nội dung trong bách khoa sẽ được viết rõ ràng, có sự tiết chế và được thiết kế thêm hệ thống câu hỏi mở rộng phục vụ tìm hiểu, phân tích và nghiên cứu sâu. Các trang trong một bách khoa cũng sẽ liên kết chặt chẽ và hợp lí đến nhau.

Thứ năm, Wikibooks không bị gò bó và sẽ kèm theo bất cứ thứ gì khác cần thiết. Các bảng số liệu, các bài luận, các bài đánh giá, các danh mục sẽ thường xuyên xuất hiện trong bách khoa toàn thư như là phụ trợ cho các mục từ chính.

Thứ sáu, Wikibooks không chạy theo thời đại. Điều này không có nghĩa là những cuốn bách khoa sẽ bị làm ngơ khi một vài thông tin nào đó bị lỗi thời. Chắc chắn một điều rằng, thông tin sẽ được cập nhật sớm nhất có thể. Vấn đề nói đến ở đây là, sẽ không có cuốn bách khoa nào viết về những sự kiện thời sự xảy ra gần đây. Những sự kiện đã an bài trong quá khứ, hay những giá trị kiến thức, khoa học trăm năm bền vững mới là những gì chúng tôi đang tập trung đến.

Đó là 6 điểm khác biệt cơ bản khi so sánh với Wikipedia bên cạnh những sự tương đồng đã biết. Đây vẫn đang là một dự án ươm mầm, và hi vọng nó sẽ đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, kết trái, gặt hái nhiều quả ngọt trong tương lai.

Số lượng lĩnh vực lớn nhỏ để viết bách khoa toàn thư khi được thống kê có thể lên tới hàng trăm. Khi được phát triển hết tầm cỡ, bách khoa toàn thư có thể trở thành khu vực biên tập trọng điểm của Wikibooks và thu hút nhiều độc giả quan tâm.

Trung bình một cuốn nhỏ có khoảng 100 - 200 mục từ, trong khi một cuốn lớn dao động 400 - 500 mục từ. Khai thác một cách triệt để, chúng ta có thể tạo tới 100.000 mục từ đến từ dự án viết bách khoa này.

Để hỗ trợ thực hiện dự án lớn này, chúng ta có thể sẽ tổ chức những cuộc thi với phần thưởng được tài trợ từ Quỹ Wikimedia. Dự kiến sẽ tổ chức cuộc thi quý, mỗi năm 4 lần, mỗi lần kéo dài 1 tháng.

Một số loại bách khoa điển hình[sửa]

Dựa theo nội dung, một số bách khoa điển hình là:

  1. Bách khoa tri thức - cung cấp các thông tin, kiến thức về một chủ đề hay lĩnh vực nào đó.
  2. Bách khoa từ điển - một hình thức giải nghĩa các từ dưới dạng các kiến thức.
  3. Bách khoa tiểu sử - cung cấp thông tin, tiểu sử về một người nổi bật nào đó.
  4. Bách khoa địa phương - cung cấp các thông tin, kiến thức tổng hợp hoặc trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong phạm vi một địa phương nào đó.
  5. Bách khoa học sinh - thông tin được thiết kế riêng cho mục đích học tập trên trường của học sinh.

Trong số 5 loại vừa kể, đứng đầu là bách khoa tri thức, cũng là dạng trọng tâm của dự án. Bách khoa tiểu sử, đặc biệt là về những nhân vật còn sống, không phải là mục tiêu của dự án này.


Phạm vi chủ đề bách khoa[sửa]

Dạng bách khoa rộng và cần tầm nhìn bao quát nhất là bách khoa về những đại lĩnh vực. Chẳng hạn Bách khoa toàn thư Toán học, người viết chắc hẳn phải là người hiểu biết rộng về toán thì mới có thể đảm đương một lĩnh vực rộng lớn như này. Bên cạnh toán, các đại lĩnh vực khác bao gồm hóa học, vật lí, sinh học, lịch sử, địa lí và hơn thế nữa. Với các lĩnh vực này, có khoảng 15 - 20 bách khoa tiềm năng và mỗi cuốn sẽ có thể khai thác từ 3 - 5 nghìn mục từ.

Cũng cần một tầm nhìn rộng, nhưng các lĩnh vực thu hẹp sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc biên soạn, chẳng hạn như một cuốn Bách khoa toàn thư Con người, một lĩnh vực con của sinh học. Tuy nhiên, đi kèm với việc thu hẹp lĩnh vực thì những mục từ chuyên sâu hơn cũng phải được xuất hiện. Các lĩnh vực như này, ước tính có khoảng 400 - 500 bách khoa tiềm năng, mỗi cuốn sẽ có thể khai thác từ 500 - 1000 mục từ.

Có thể thu hẹp lĩnh vực hơn nữa, nhưng điều đó đòi hỏi người biên tập có một sự am hiểu tường tận và trình độ chuyên sâu. Càng thu hẹp lĩnh vực, số lượng bách khoa riêng lại tăng lên, yêu cầu một sự quản lí chặt chẽ đến từ các quản trị viên.

Trình độ sửa đổi[sửa]

Một vấn đề được đặt ra là độ tin cậy và mức hữu ích của bách khoa toàn thư được biên tập trên Wikibooks. Tuy là mở rộng cho mọi người sửa đổi, nhưng thực thế đòi hỏi có sự phân biệt trình độ giữa các sửa đổi. Có 4 loại trình độ sửa đổi:

  1. Không biết: họ không có hiểu biết gì về lĩnh vực này. Tất cả những gì họ có thể làm đó là không làm gì, hoặc sửa một vài lỗi liên quan đến dấu câu, chính tả.
  2. Tò mò: họ có chỉ hiểu lĩnh vực một cách bề ngoài. Có một vài lỗi họ thể biên tập và chỉnh sửa, tuy nhiên lời khuyên là không nên can thiệp quá sâu.
  3. Hiểu biết: họ có hiểu biết về lĩnh vực và là một người đáng tin cậy trong việc lấy ý kiến, lời khuyên về lĩnh vực đó.
  4. Chuyên gia: các chuyên gia trong lĩnh vực, họ có kinh nghiệm lâu năm và trình độ chuyên môn cao, và họ biết cần làm gì, viết gì.

Công việc sửa đổi, biên tập không chỉ dừng lại ở việc viết sao cho hay, cho đúng. Điều này còn bao gồm việc thiết kế trình tự nội dung sao cho hợp lí, hữu ích và đúng mạch logic.

Một số bách khoa toàn thư tiềm năng[sửa]

1. Bách khoa toàn thư Sinh học

Lĩnh vực Sinh học này quả thực rất lớn vào đồ sộ. Đây còn là một chủ đề thực sự khó và không dễ viết. Rất nhiều kiến thức Sinh học cần có những người hiểu biết và cả chuyên gia trong lĩnh vực. Sẽ thật ngưỡng mộ những ai có thể biên tập và đảm đương chỉ đạo biên tập cuốn bách khoa này.

Là một lĩnh vực lớn, số lượng mục từ có thể khai thác trải dài trên hàng tá chủ đề, ước tính sẽ có khoảng 5 nghìn mục từ tiềm năng. Một số chủ đề triển vọng trong lĩnh vực này là:

  1. Sinh học tế bào
  2. Di truyền
  3. Tiến hóa
  4. Sinh thái học
  5. Cổ sinh vật học
  6. Sinh học môi trường
  7. Công nghệ sinh học
  8. Thần kinh học
  9. Thực vật học
  10. Động vật học
  11. Vi sinh vật học
  12. Sinh hóa
  13. Giải phẫu

Nhiều người nghĩ cứ là sinh học là tập trung viết về loài sinh vật, nhưng lĩnh vực này không đơn giản như vậy. Những mục từ mô tả các loài sinh vật vẫn được viết, nhưng chỉ những loài tiêu biểu trong giới sinh học cũng như trong đời sống mới được chọn để viết trong bách khoa.

2. Bách khoa toàn thư Lịch sử

Lịch sử là một chủ đề lớn không kém cạnh và cũng là một chủ đề phức tạp và tạo nhiều tranh cãi.

Là một lĩnh vực lớn, đương nhiên số lượng nội dung có thể khai thác là không hề nhỏ. Một số nội dung có thể viết trong cuốn này là:

Nhân vật lịch sử: Khoảng 500 mục từ được phân bổ để trình bày về những con người có thật và có tầm ảnh hưởng lớn trong tiến trình lịch sử loài người. Danh sách nhân vật trải dài trên nhiều lĩnh vực (chính trị, quân sự, nghệ thuật, giáo dục, khoa học,...), qua nhiều thời kỳ (cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại), tại nhiều vùng địa lý khác nhau (châu á, châu âu, châu phi, trung quốc,...).

Khái niệm lịch sử: Lịch sử có nhiều khái niệm và thuật ngữ khác nhau. Những thứ đó sẽ được diễn giải và minh họa cụ thể bằng những dẫn chứng trong lịch sử.

Chiến tranh: Là những thứ đẫm máu và khốc liệt được kể lại trong những trang sử. Chiến tranh là một phần không thể bỏ qua khi học về lịch sử. Những trận đánh, chiến dịch và chiến tranh tiêu biểu làm xoay chuyển thế giới sẽ được trình bày trong cuốn bách khoa này. Có khoảng 100 mục từ sẽ phân bổ cho nội dung này.

Bên cạnh những mục từ, bách khoa lịch sử nên có thêm hệ thống những bài viết diễn giải, tô thêm sắc màu cho những kiến thức lịch sử khô cứng kia. Các bài viết có thể bao gồm giải thích, liệt kê, trình bày những nội dung liên quan đến lịch sử, số bài viết tiềm năng có thể lên tới hàng trăm bài.

3. Từ điển Phát minh

Phát minh là thành quả cho sự sáng tạo và tiến bộ của văn minh loài người. Các phát minh đã làm cho cuộc sống của con người dần trở nên tiến bộ, loại bỏ những tư duy lạc hậu và dần tiến tới một cuộc sống văn minh, nề nếp hơn.

Cùng thuộc dự án "bách khoa toàn thư", nhưng lại mang tên "từ điển", điều này nghĩa rằng cuốn sách này không đạt đến nội dung như một cuốn bách khoa toàn thư.

Một số lĩnh vực phát minh khi viết cuốn từ điển này:

  1. Nông nghiệp, trồng trọt
  2. Y tế, dược phẩm, điều trị
  3. Giao tiếp, liên lạc
  4. Giao thông, vận tải
  5. Công nghiệp, sản xuất
  6. Năng lượng
  7. Đồ dùng gia đình
  8. Thể dục, thể thao
  9. Thiết bị điện, điện tử
  10. Thực phẩm, nguyên liệu

Cần lưu ý không nhầm lẫn phát minh với 2 khái niệm khác là khám phá và sáng tạo:

  • Khám phá là tìm ra những quy luật, những điều vốn có của tự nhiên, những điều ấy vẫn sẽ còn đó cho dù con người có xuất hiện hay không. Trong khi đó, những phát minh của con người sẽ không bao giờ tồn tại nếu như con người không xuất hiện.
  • Sáng tạo là những thay đổi dựa trên những thứ vốn có. Nó giúp cải tiến, làm phong phú thêm những gì con người đang có. Trong khi đó, một phát minh được sinh ra để giải quyết những vấn đề lớn đang tồn tại. Đó là những công cụ, ý tưởng, cách làm hay học thuyết có thể làm thay đổi nhận thức của con người.