Wikibooks:Chính sách biểu quyết

Tủ sách mở Wikibooks

Tại Wikibooks, biểu quyết được định nghĩa là việc biểu thị đồng ý hoặc phản đối về một vấn đề nào đó, một cuộc biểu quyết là cuộc thu thập những ý kiến đó. Biểu quyết là một những cách tìm đồng thuận tại Wikibooks. Các cuộc biểu quyết chỉ cho thấy sự đồng tình hay không đồng tình của một vấn đề, nhằm khiến cho sự đồng thuận trở nên rõ ràng hơn. Nếu như đây là một cuộc chọn lựa các phương án, hãy xem Wikibooks:Chính sách bầu chọn.

Tổ chức biểu quyết[sửa]

1. Mục tiêu và đối tượng biểu quyết[sửa]

Mục tiêu biểu quyết là đích đến của một cuộc biểu quyết, trong khi đối tượng biểu quyết là nhân vật chính, thứ chịu ảnh trực tiếp từ kết quả biểu quyết đó. Trước khi mở một cuộc biểu quyết cần xác định rõ mục tiêu và đối tượng biểu quyết, tránh tạo ra các biểu quyết vô nghĩa.

2. Khởi tạo biểu quyết[sửa]

Ai cũng thể tạo một biểu quyết, tuy nhiên có thể xảy ra tình trạng lạm dụng mở biểu quyết vô tội vạ. Để đối phó với việc mở tràn lan biểu quyết, các khu vực biểu quyết quan trọng thường giới hạn điều kiện khởi tạo và số lần mở biểu quyết tối đa trong một khoảng thời gian.

Tiến hành biểu quyết[sửa]

1. Thời gian tổ chức[sửa]

Một cuộc biểu quyết phải có thời gian tổ chức cụ thể, bao gồm thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc. Thông thường, nếu người mở không xác định thời điểm bắt đầu biểu quyết thì mặc định bắt đầu tính từ lúc biểu quyết được khởi tạo. Thời gian kết thúc tùy thuộc vào quy định cụ thể từng loại biểu quyết. Nếu không quy định nào nói gì thì các biểu quyết sẽ diễn ra trong 7 ngày theo thông lệ.

2. Tham gia biểu quyết[sửa]

Bất kỳ ai cũng có thể cho ý kiến tại biểu quyết, nhưng không phải ai cũng được bỏ phiếu tại đây. Tùy từng khu vực biểu quyết sẽ có điều kiện tham gia bỏ phiếu. Nếu chưa quy định gì thì làm theo thông lệ: tối thiểu phải sử dụng tài khoản để bỏ phiếu. Hai hay nhiều tài khoản cùng một chủ sở hữu không được phép tham gia cùng một cuộc biểu quyết, Wikibooks có công cụ hỗ trợ kiểm tra việc này, nếu vi phạm sẽ bị phạt và toàn bộ phiếu của những tài khoản đó sẽ bị vô hiệu.

3. Lá phiếu biểu quyết[sửa]

Bất kỳ cuộc biểu quyết nào cũng có 3 loại phiếu: phiếu thuận, phiếu chống và phiếu trắng. Với vấn đề được đề cập ở biểu quyết, phiếu thuận biểu thị sự đồng tình, phiếu chống thể hiện sự phản đối, trong khi đó phiếu trắng có nghĩa vừa đồng tình vừa phản đối hoặc không đồng tình cũng không phản đối vấn đề đó.

4. Tỉ lệ đồng thuận và bù phiếu[sửa]

Tỉ lệ đồng thuận là phần trăm số phiếu thuận trên tổng số phiếu, có giá trị trong việc kết luận biểu quyết. Khi tính tỉ lệ, phiếu trắng được tính là một nửa phiếu thuận và một nửa phiếu chống.

Phiếu bù là loại phiếu đặc biệt trong các cuộc biểu quyết. Để tránh trường hợp kết thúc mà không đem lại ý nghĩa, lá phiếu này sẽ được gửi tới những cuộc biểu quyết không đạt chỉ tiêu số phiếu khi đã quá hạn. Số lượng phiếu bù gửi tới bằng số phiếu còn thiếu và có giá trị tương đương các phiếu chống trong việc tính tỉ lệ đồng thuận. Phiếu bù không phải một loại phiếu biểu quyết, nó là một phiếu tượng trưng và chỉ có giá trị trong việc tính tỉ lệ đồng thuận.

Kết thúc và thi hành biểu quyết[sửa]

1. Kiểm tra kết quả[sửa]

Công việc kiểm tra kết quả cần được thực hiện sau khi hết thời gian biểu quyết, bao gồm việc kiểm đếm số phiếu và kiểm tra tính hợp lệ của phiếu. Theo thông lệ chung, các cuộc biểu quyết được tổ chức theo nguyên tắc quá bán, tức là vấn đề được nêu ra trong biểu quyết sẽ được thông qua khi và chỉ khi tỷ lệ phiếu thuận chiếm hơn một nửa tổng số phiếu. Tuy nhiên, tùy theo khu vực biểu quyết mà nguyên tắc này có thể bị thay thế bởi một hay nhiều điều kiện khác sao cho phù hợp.

2. Thi hành biểu quyết[sửa]

Biểu quyết sẽ được thông qua ngay khi kết thúc và thời điểm bắt đầu hiệu lực nằm trong những điều được thông qua ấy. Nếu không đề cập, biểu quyết sẽ có hiệu lực ngay khi được thông qua, không thì hiệu lực bắt đầu từ ngày được lên lịch sẵn. Trường hợp đặc biệt là các biểu quyết liên quan đến thay đổi quy định, chúng bắt buộc phải được ấn định cụ thể ngày thi hành và được thông báo rộng rãi.

3. Hiệu lực biểu quyết[sửa]

Các biểu quyết sẽ có hiệu lực cho đến khi nó bị thay thế hoặc bị đảo ngược bằng một biểu quyết khác. Ngoài ra, biểu quyết khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm cũng có thể bị hủy hiệu lực và kết luận lại.