Triều đại nhà Trần/Thời kỳ hưng thịnh

Tủ sách mở Wikibooks

Trần Cảnh (1218-1277) lên ngôi hoàng đế (tức Trần Thái Tông), niên hiệu Kiến Trung, cha của Trần Cảnh là Trần Thừa làm Thượng hoàng, chú là Trần Thủ Độ làm Quốc Thượng phủ. Từ đó, vì Trần Thái Tông còn nhỏ, Trần Thủ Độ đã chi phối rất nhiều đến công việc chính trị như việc bức tử Thượng hoàng Lý Huệ Tông (1226), việc xây dựng lại thành Thăng Long (1230), việc thảm sát tập thể tôn thất nhà Lý (1232).

Khi lớn lên, Trần Thái Tông tỏ rõ ra có bản lĩnh, đưa được xã hội đã bị rối loạn cuối triều Lý trở lại ổn định. Để sửa lại kỷ cương đã quá lỏng lẻo cuối triều Lý, nhà vua định ra pháp luật khá nghiêm khắc. Những người phạm tội trộm cắp đều phải chặt chân, chặt tay, thậm chí bị voi giày.

Hệ thống quan lại cũng được định chế lại dưới triều vua Trần Thái Tông. Cao hơn hết là Tam Công, Tam Thiếu, Thái úy, Tư Mã, Tư Đồ, Tư Không. Ở dưới là các quan văn võ chia làm hai chức: nội chức (quan tại triều ở các bộ) và ngoại chức (quan địa phương). Cứ 10 năm thì các quan được thăng thêm một hàm và 15 năm thì lên một chức. Ai có quan tước thì con được thừa ấm làm quan, còn những người khác bất kể giàu nghèo đều phải đi lính. Tuy thế, những người có học vẫn có thể tham chính qua con đường thi cử.

Các vua Trần rất chú ý đến việc chiêu hiền đãi sĩ. Từ năm 1232 vua Trần Thái Tông đã mở khoa thi Thái học sinh, đến năm 1247 lại đặt ra Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Chính trong kỳ thi này đã xuất hiện nhiều kỳ tài như Trạng nguyên 13 tuổi Nguyễn Hiền, Bảng nhãn và về sau là sử gia Lê Văn Hưu.

Triều Trần phân ra hai loại ruộng công: ruộng quốc khố và ruộng thác điền. Ruộng thác điền là ruộng thưởng công cho các quan, đóng thuế rất ít. Thuế thân thì căn cứ vào số ruộng có được mà đóng bằng tiền còn thuế ruộng thì đóng bằng thóc.

Trong nước có một số thay đổi về hành chính. Năm 1242, Trần Thái Tông chia nước ra làm 12 lộ, mỗi lộ có An Phủ sứ chánh và phó cai trị và có sổ dân tịch riêng. Dưới lộ là phủ, châu huyện do các Đại Tư xã hay Tiểu Tư xã trông coi, Đơn vị sau cùng là làng xã. Xã quan do dân bầu, được gọi là chính sử giám.

Người trong nước được phân ra từng hạng: con trai vào 18 tuổi thì gọi là tiểu hoàng nam, từ 20 tuổi là đại hoàng nam, 60 tuổi trở lên là lão hạng.

Dưới triều vua Trần Thái Tông, vào năm 1258, quân Mông Cổ sang xâm lược Đại Việt. Nhà vua lãnh đạo toàn dân, đẩy lui được cuộc xâm lăng này. Sau chiến thắng, vua nhường ngôi cho Thái tử Hoảng và lên làm Thái Thượng hoàng. Ngài về quê Tức Mặc, lập cung Trùng Quang để ở, dành thì giờ đi ngao du sơn thủy và nghiên cứu Thiền học. Ngài trước tác một số tác phẩm quan trọng như "Kiến trung thường lệ" (năm quyển), "Quốc triều thông chế", một số thi văn và quan trọng nhất là cuốn cảo luận triết học 'Khóa hư lục". Ngài làm Thái Thượng hoàng 19 năm thì mất (1277).

Trần Thánh Tông là một ông vua nhân từ. Dưới triều của nhà vua, trong nước bình yên không có nội loạn hoặc ngoại xâm. Nhà vua chú trọng đến nông nghiệp, bắt các vương hầu công chúa chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc để khai khẩn đất hoang. Điền trang của vương hầu bắt đầu có từ đấy.

Năm 1278 vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Khâm và lên làm Thượng Hoàng. Thái Tử Trần Khâm lên làm vua, tức Trần Nhân Tông.

Dưới thời Trần Nhân Tông, chữ Nôm bắt đầu được trọng dụng. Nguyễn Thuyên, quan Hình bộ Thượng thư đã làm thơ phú bằng chữ Nôm, về sau nhiều người làm theo và gọi đó là Hàn luật.

Một điểm son khác của thời này là công cuộc đánh đuổi quân Nguyên. Đế quốc Nguyên Mông bành trướng thế lực, diệt được nhà Tống, phát động hai lần xâm lược Đại Việt từ 1284 đến 1288. Nhưng vua Trần Nhân Tông cùng các kiệt tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản,... đã oanh liệt đánh bại toán quân được mệnh danh bách chiến bách thắng này.

Năm 1293, khi việc nước đã ổn định, vua Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên và lên làm Thái Thượng hoàng rồi đi tu ở núi Yên Tử lấy hiệu là Trúc Lâm đầu đà. Sau khi Thượng hoàng mất, các môn đệ tôn ông là Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm. Thái tử Trần Thuyên lên ngôi, ấy là Trần Anh Tông. Đây là một bậc minh quân biết trọng đãi tôi trung, thưởng phạt phân minh và có một chính sách cai trị vững vàng.

Vua Anh Tông không kể gì đến thân hay sơ trong việc dùng người, nhà vua chỉ căn cứ vào tài năng mà cho chấp chính chứ không cứ phải là người họ Trần. Vì thế nhà vua được nhiều nhân tài giúp sức như Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão.

Một nhân vật khá đặc biệt và tài ba là Mạc Đĩnh Chi, người học trò thi đỗ Trạng Nguyên vào năm 1304, đã giúp vua tích cực trong việc ngoại giao với nhà Nguyên. Trong chuyến đi sứ vào năm 1308, với tài năng ứng đối linh động ông đã thu phục được sự kính nể của vua Nguyên và được vua Nguyên phong danh hiệu "Lưỡng quốc Trạng nguyên".

Đoàn Nhữ Hài là một người học trò có tài đã giúp vua ổn định được hai châu Ô và Lý. Trương Hán Siêu vốn là mạc khách của Trần Hưng Đạo, được Trần Hưng Đạo tiến cử lên vua. Vua trọng dụng ông, sai ông soạn nên những bộ sách quan trọng về tổ chức chính quyền và về luật pháp như "Hoàng Triều Đại Điển", "Hình Luật Thư".

Dưới thời Trần Anh Tông, Đại Việt có thêm được đất hai châu Ô và Lý (vùng đất Bình Trị Thiên ngày nay) do cuộc hôn nhân giữa công chúa Huyền Trân, em vua với Chế Mân, vua Champa. Để cưới được công chúa Huyền Trân, Chế Mân (Shinhavarman III) lấy hai châu ấy làm lễ dẫn cưới. Một năm sau khi gả Huyền Trân, vào năm 1307, vua Anh Tông cho thu nhận hai Châu Ô và Lý, đổi tên lại là Hóa Châu và Thuận Châu, sai Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị.

Dưới thời Anh Tông, tục lệ Việt Nam có nhiều thay đổi như tục xâm mình của các vua được bãi bỏ. Từ thời Hùng Vương cho đến bấy giờ, các vua Việt có tục lệ lấy chàm vẽ rồng vào đùi nhưng Anh Tông từ chối thực hiện tục lệ ấy. Vì thế các vua thời sau cũng không theo nữa. Một hủ tục khác cũng được bỏ dần, đó là tục hôn nhân cận huyết của họ Trần. Dù chưa được chấm dứt hẳn nhưng hôn nhân trong họ đã dần dần ít đi.

Vua Trần Anh Tông làm vua đến năm 1314 thì nhường ngôi cho Thái tử Mạnh và lên làm Thái Thượng Hoàng.

Thái tử Mạnh (Minh Tông) lên làm vua, thừa hưởng được sự thịnh trị của các triều vua trước. Các quan đại thần tài năng trước như Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu tiếp tục giúp vua cai trị đất nước. Ngoài ra còn có các nhân vật khác nổi lên như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An góp phần vào việc chấp chính.

Dưới thời vua Minh Tông, các quân sĩ không phải vẽ mình như trước nữa (1323) và từ đấy nước ta bỏ lệ vẽ mình. Để đề cao tình gia tộc, nhà vua ra lệnh cấm người trong họ đi kiện nhau. Danh nho Chu Văn An đỗ Thái học sinh năm 1314, nhưng không ra làm quan. Mãi sau, nghe danh tiếng của ông, vua Minh Tông mời ông ra bổ nhiệm làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy học cho Thái tử Trần Hạo.