Bước tới nội dung

Triều đại nhà Trần/Kinh tế, xã hội

Tủ sách mở Wikibooks

Dưới thời Trần đã xuất hiện những sở hữu đất đai rất lớn, đó là những điền trang của quý tộc và quan lại. Nhà Trần khuyến khích việc khẩn hoang, đặt ra chức Đồn điền chánh sứ và phó sứ để phụ trách việc khẩn hoang. Vua Trần Thánh Tông chủ trương cho các vương hầu, công chúa, phò mã chiêu tập dân nghèo đi khai khẩn các vùng đất ven biển. Nhờ vậy mà những điền trang hoặc thái ấp rộng lớn đã xuất hiện. Như thái ấp của Trần Hưng Đạo ở Nam Định hoặc điền trang của nhà sư Pháp Loa, đệ nhị tổ phái thiền Trúc Lâm. Nhà sư này có đến khoảng 15.000 đệ tử, 1.000 tá điền và gần 2000 mẫu ruộng.

Công việc đê điều cũng được các vua đầu đời Trần chăm sóc, các chức Hà đê phó chánh sứ được đặt ra dưới triều vua Trần Thái Tông đã đưa công việc bảo vệ đê điều vào quy củ. Năm 1244, đê Đĩnh Nhĩ (đê Quai Vạc) được đắp dọc theo hai bên bờ sông Hồng, ngăn được nước lũ cho các đồn điền ven sông. Nhà Trần còn ra lệnh bồi thường cho nông dân nếu đê đắp lấn vào ruộng của dân. Hàng năm, vào tháng giêng quan Hà đê phải đốc thúc việc bồi đắp các đê đập cho đến mùa hè thì phải xong. Vào mùa mưa lở, quan phải thân hành đi kiểm tra tình hình đê điều và khi hữu sự thì bất phân giàu nghèo, già trẻ ai ai đều phải tham gia việc bảo vệ đê.


Công thương nghiệp đã có những bước phát triển mới. Kinh đô Thăng Long có vùng phụ cận, có chợ, có phố xá và các phường thủ công. Buôn bán được mở rộng trao đổi với nước ngoài. Hải cảng cho tàu buôn nước ngoài đến là Vân Đồn, các tàu buôn từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tấp nập ra vào thương cảng này.

Trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông, nền kinh tế nước nhà bị chựng lại. Kinh thành Thăng Long bị quân thù chiếm đóng ba lần. Nhiều công trình kiến trúc bị thiêu hủy, nhiều làng xóm bị phá hoại. Sau chiến tranh, nền kinh tế được phục hồi nhanh chóng. Kinh thành được xây dựng lại, chùa chiền mọc lên.