Triều đại nhà Trần/Danh nhân, di tích
Danh nhân
[sửa]Nhà Trần đã để lại một dấu ấn lớn trong lịch sử Việt Nam với sự nở rộ đáng kể về số lượng danh nhân. Ta có thể phân biệt các danh nhân dưới triều Trần ra làm hai: Danh nhân thuộc họ Trần và danh nhân ngoài dòng họ Trần. Trong họ Trần, đó là Trần Thái Tông (Trần Cảnh, 1218-1277), Trần Thánh Tông (Trần Hoảng, 1240-1290), Trần Nhân Tông (Trần Khâm, 1258-1308), Trần Hưng Đạo (12??-1300), Trần Quang Khải (1241-1294), Trần Khánh Dư (?-1285), Trần Thủ Độ (1194-1264), Trần Huyền Trân, Trần Khát Chân (?-1399), Trần Quốc Toản... Những danh nhân ngoài dòng họ Trần có thể kể như sau: Lê Văn Hưu (1230-1322), Nguyễn Thuyên, Chu Văn An (1292-1370), Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), Phạm Ngũ Lão (1255-1320), Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Hiền, Trương Hán Siêu (?-1354), Phạm Sư Mạnh, Hồ Tông Thốc...
Trong số các danh nhân ấy, xin giới thiệu một người trong dòng họ Trần là thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản và một nhân vật ngoài dòng họ Trần là Lê Văn Hưu, sử gia đầu tiên của đất nước.
- Trần Quốc Toản
Hội nghị Bình Than là một hội nghị giữa nhà vua cùng các vương hầu, quan lại, tướng soái cao cấp của nhà Trần để bàn sách lược chống lại sự xâm lăng của Nguyên Mông. Trong không khí bừng bừng ấy, một thiếu niên tôn thất nhà Trần là Trần Quốc Toản có theo đến nhưng vì còn nhỏ (16 tuổi) nên không được dự bàn. Quốc Toản uất ức, tay đương cầm quả cam bóp bẹp ra lúc nào không biết. Khi tan hội, các vương hầu ai nấy ra về, lo việc sắm sửa binh thuyền để cự địch. Trần Quốc Toản cũng thế, về nhà cho may một lá cờ to với sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Ông tụ họp được hơn nghìn người thân thuộc, cùng nhau chuẩn bị vũ khí để chống giặc. Đến khi xuất trận, Quốc Toản luôn đi trước, khí thế dũng mãnh, đánh chỗ nào quân địch cũng phải lùi.
Trong hai cuộc chiến thắng chống quân Nguyên (1284-1288), Trần Quốc Toản đều lập được công lớn. Trong trận Hàm Tử (1284), Quốc Toản được cử làm phó tướng cho Trần Nhật Duật, thắng trận, Quốc Toản được hân hạnh là người đưa tin về cho Trần Hưng Đạo. Đến trận Chương Dương, Quốc Toản đã cùng Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão đốc quân tử Thanh Hóa đi vòng đường bể đến tấn công bất ngờ vào quân Nguyên ở Chương Dương. Trong trận đuổi quân Thoát Hoan ra khỏi thành Thăng Long, Quốc Toản cũng góp phần đáng kể.
- Lê Văn Hưu
Lê Văn Hưu là một học giả xuất sắc của đời Trần, và là người hậu thế xem là sử gia đầu tiên của Việt Nam. Ông quê làng Phú Lý (thôn Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông nổi tiếng là người thông minh và học giỏi từ nhỏ. Năm 1247 nhà Trần mở khoa thi đầu tiên lấy tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhân, Thám hoa), Lê Văn Hưu đậu Bảng Nhãn, lúc đó ông mới 17 tuổi, Ông được bổ làm Kiểm pháp quan (một chức quan về hình luật), sau lại được sung chức Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sứ viện Tu giám. Thời gian này Lê Văn Hưu được vua Trần Thái Tông sai soạn bộ "Đại Việt sử ký" viết về lịch sử Việt Nam từ đời Triệu Đà (207 trước Công nguyên) đến đời Lý Chiêu Hoàng. Không rõ Lê Văn Hưu soạn bộ này từ lúc nào, chỉ biết đến năm 1272 thì hoàn tất. Bộ sử gồm tất cả ba mươi quyển, được đưa lên cho vua Trần Thánh Tông xem và được nhà vua khen ngợi.
Lê Văn Hưu có thời gian làm đến Thượng Thư bộ binh và là phó của Thượng tướng Trần Quang Khải, được phong tước Nhân Uyên hầu. Ông mất ngày 23.3 năm Nhâm Tuất (1322) thọ 92 tuổi, an táng tại xứ Mả Giòm, nay thuộc thôn Phủ Lý Nam xã Triệu Trung, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Tác phẩm của Lê Văn Hưu được biết duy nhất chỉ có bộ "Đại Việt sử ký" nhưng nay đã thất truyền. Tuy thế, chính từ cơ sở chủ yếu của bộ sử này mà Ngô Sĩ Liên, một sử gia đời Lê đã soạn được bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" có giá trị để người đời sau hiểu về cội nguồn của dân tộc.
Di tích
[sửa]- Chùa Phổ Minh
Chùa Phổ Minh tọa lạc trên quê hương của họ Trần ở thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, cách thành phố Nam Định khoảng chừng 3 km về phía Bắc.
Các vua nhà Trần, dù bận việc triều chính ở Thăng Long nhưng luôn hướng về quê hương, và khi lên làm Thái Thượng hoàng thì thường về sống ở đấy. Vua Trần Thái Tông, sau khi đuổi quân Mông Cổ ra khỏi đất nước, liền nhường ngôi cho con (1258), về sống ở Tức Mặc, cho xây cung Trùng Quang ở đây và thăng làng Tức Mặc lên làm phủ Thiên Trường. Chùa Phổ Minh được xây vào buổi đầu của vương triều (1262) nên có quy mô khá to lớn. Chùa nằm về phía Tây của cung Trùng Quang. Chùa Phổ Minh còn được gọi là chùa Tức Mặc hay chùa Tháp. Không biết chùa được xây từ năm nào, nhưng kiến trúc quan trọng nhất của chùa là chiếc tháp thì được hoàn thành vào năm 1305.
Cấu trúc của chùa dựa theo trục cân xứng từ cổng Tam Quan qua nhà bia, tháp và đền toàn Tam Bảo. Trong toàn Tam Bảo có nhiều tượng đẹp và sinh động như tượng "Phật nhập Niết Bàn", "Văn Thù Bồ Tát", "Phổ Hiền Bồ Tát".
Hiện vật tượng trưng cho nghệ thuật khắc gỗ của đời Trần còn lưu lại đáng chú ý nhất là bốn cánh cửa bằng gỗ lim lớn (mỗi tấm cao 1m92, rộng 0m79) được lắp ráp ở nhà Bái Đường, ngay ở lối đi vào chính giữa của chùa. Bốn cánh cửa này hiện nay vẫn còn chắc chắn và nguyên vẹn dù đã trải qua 700 năm. Mỗi cánh cửa được chạm rồng công phu và tinh xảo, con rồng uốn lượn theo hình lá đề rất uyển chuyển. Tất cả hoa văn ấy được bố trí cân xứng nhau, cho nên khi đóng lại tạo nên một không gian trang trí hoàn chỉnh. Ngoài bốn cánh cửa lim ấy ra thì chùa không còn đồ gỗ nào khác của thế kỷ ấy.
Còn chiếc tháp, vì là cột kết cấu bằng gạch đá nên vẫn còn tồn tại. Tháp được xây muộn hơn chùa gần nửa thế kỷ (1305). Tháp quay mặt về hướng Nam, có hình chóp, cao 21m gồm 14 tầng. Tháp được xây trên một hồ cạn, vuông. Hồ có hành lang bao bọc, bốn phía có cửa. Để tháp hình vuông mỗi cạnh 5,2m. Tầng đế tháp cao 2,2m xây bằng đá xanh, có hình dáng bông sen nở xòa mỗi cạnh đều có cửa. Các tầng tháp đều có mái cong ở bốn phía và bốn cạnh cũng đều có cửa tò vò, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới và cứ thế vút lên tạo nên dáng vẻ cách điệu và ước lệ của một chiếc hoa sen khổng lồ đang hé nở. Phía cao trên đỉnh tháp là một chỏm nhọn có hình bầu rượu.
Vào năm 1987 chùa và tháp đều được trùng tu lại để bảo toàn di tích kiến trúc này cho hậu thế.