Triều đại nhà Trần/Chiến thắng quân Mông Nguyên

Tủ sách mở Wikibooks

Chiến thắng lần thứ nhất (1258)[sửa]

Chiến công đầu tiên xảy ra dưới thời vua Trần Thái Tông vào năm 1258. Vào đầu thế kỷ XIII quốc gia Mông Cổ được thành lập dưới quyền uy của Thành Cát Tư Hãn (Thiết Mộc Chân), tung hoành vó ngựa xâm lược khắp Âu á và thành lập được một đế quốc rộng lớn từ bờ Thái Bình Dương cho đến bờ biển Hắc Hải.

Vào năm 1258, Chúa Mông Cổ bấy giờ là Mong-ké (Mông Kha, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) sai em là Hốt Tất Liệt (Kubilay) đánh lấy nước Đại Lý (Vân Nam bây giờ) và chuẩn bị đánh nhà Tống. Để dùng Đại Việt làm bàn đạp tấn công nhà Tống từ phía Nam, Hốt Tất Liệt cho sứ sang bảo vua Trần phải thần phục. Vua Trần Thái Tông cho giam đoàn sứ giả lại rồi sai Trần Hưng Đạo đem quân lên giữ phía Bắc.

Không thấy đoàn sứ giả trở về, quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) tràn xuống sông Thao, xâm lấn Đại Việt. Trần Thái Tông thân chinh ra cự địch nhưng không thắng phải rút về Thăng Long. Trước sức uy hiếp của ba vạn quân Mông thiện chiến, nhà vua lại phải rút khỏi Kinh thành về đóng ở sông Thiên Mạc (Đông An, Hưng Yên).

Quân Mông Cổ chiếm được thành Thăng Long, tìm thấy đoàn sứ giả bị trói trong ngục, lại có một người đã chết nên vô cùng tức giận, ra sức chém giết dân chúng trong thành.

Trong tình thế nguy nan ấy vua Trần Thái Tông hỏi kế triều thần. Người em ruột của vua là Trần Nhật Hiệu khuyên nên "nhập Tống" nhưngThái sư Trần Thủ Độ khảng khái trả lời: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Được khích lệ, Trần Thái Tông yên tâm chuẩn bị lực lượng.

Sa đồ trận Quy Hóa năm 1257 nơi Hà Bổng chỉ huy tập kích quân Nguyên Mông

Không quá mười ngày sau khi chiếm thành Thăng Long, quân Mông Cổ đã gặp khó khăn vì không kiếm ra được lương thực lại thêm không phủ hợp thủy thổ, nên bị ốm bệnh rất nhiều. Trần Thái tông liền phản công, cho tiến quân ngược dòng sông Hồng đánh lấy Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng ở Hà Nội) và đuổi bật quân Mông Cổ ra khỏi Thăng Long. Quân Mông Cổ thua, chạy rút về Vân Nam, trên đường tháo chạy, vì quá mỏi mệt và khiếp sợ nên không quấy nhiễu dân chúng, do đó được gọi là giặc Phật.

Ngày mồng một Tết năm Mậu Ngọ (1258), vua Trần Thái Tông ngự triều làm lễ phong thưởng cho các người có công. Một tháng sau đó, nhà vua truyền ngôi cho Thái tử Hoảng và lên làm Thái Thượng hoàng. Đại Việt có được một thời gian yên bình từ sau chiến thắng này cho đến năm 1285.

Tuy tình hình trong nước yên ổn, nhưng quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Mông Cổ gặp nhiều rắc rối. Nhân dịp vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho vua Trần Thánh Tông, vua Mông Cổ sai sứ sang phong vương và đặt điều lệ là ba năm phải cống một lần. Lệ cống gồm có nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy toán số và thợ thuyền. Mỗi thành phần ba người, cùng với các sản vật quý như sừng tê, ngà voi, đồi mồi... Ngoài ra, vua Mông Cổ còn đặt quan giám trị (Đạt lỗ hoa xích) để kiểm tra các châu quận của Đại Việt.

Tuy bề ngoài thần phục Mông Cổ nhưng vua Trần Thánh Tông chú trọng việc quân sự để phòng bị. Vua cho tuyển đinh tráng ở các lộ làm lính, phân quân đội ra làm quân và đô, mỗi quân có 30 đô, mỗi đô có 80 người.

Năm 1266, vua sai sứ sang Mông Cổ thương lượng để không phải cống người nữa. Vua Mông Cổ đồng ý nhưng ra 6 điều khoản khác:

  1. Vua Trần phải qua Mông Cổ chầu
  2. Vua Trần phải cho con hay em sang Mông Cổ làm con tin
  3. Đại Việt phải nạp số dân trong nước cho Mông Cổ
  4. Đại Việt phải chịu việc binh dịch
  5. Đại Việt phải nộp thuế
  6. Mông Cổ vẫn duy trì chế độ quan giám trị.

Vua Thánh Tông cứ lần lữa không chấp nhận. Bấy giờ Hốt Tất Liệt đã lên làm vua Mông Cổ (1260), cho sứ sang dụ vua Trần sang chầu. Vua Trần Thánh Tông cáo bệnh không đi.

Năm sau, Hốt Tất Liệt lại cho sứ sang xác định vị trí của cột đồng Mã Viện. Vua Thánh Tông cho trả lời là cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không tìm ra.

Đến năm 1275 vua Thánh Tông cho sứ sang nhà Nguyên (Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu thành Đại Nguyên vào năm 1271) xin miễn chức giám trị đi, mà thay vào một loại có tư cách như sứ thần. Nhà Nguyên không chịu, cứ bắt Đại Việt phải tuân thủ 6 điều lệ như đã định. Vua Trần Thánh Tông cũng không nhượng bộ

Năm 1279 nhà Nguyên đánh bại nhà Tống, làm chủ Trung Hoa. Từ đó nhà Nguyên tiếp tục mở rộng đất đai về phía Nam. Đại Việt trở thành mục tiêu của đại quân tinh nhuệ nhà Nguyên.

Nghe tin vua Trần Nhân Tông lên ngôi (1279) vua Nguyên sai sứ là Sài Thung sang hạch hỏi, lấy cứ vua Trần dám tự lập làm vua không xin phép triều đình nhà Nguyên. Sài Thung buộc vua Nhân Tông phải sang chầu Nguyên chủ để chuộc lỗi nhưng vua từ chối.

Năm 1282, nhà Nguyên lại cho sứ sang dụ vua qua chầu, vua cử người chú là Trần Di ái đi thay mình. Vua Nguyên không bằng lòng, lập ra "tuyên phủ ty" để giám trị Đại Việt. Khi phái đoàn nhà Nguyên đến để tiến hành việc giám trị, vua nhân Tông cho đuổi về.

Hốt Tất Liệt bèn mua chuộc Trần Di ái, phong ái làm An Nam quốc vương và sai Sài Thung dẫn 1.000 quân hộ tống về nước. Vua Trần cho quân đón đánh ở ải Nam Quan, Sài Thung bị bắn mù một mắt phải tháo chạy về nước còn Trần Di ái thì bị bắt, bị tội đồ làm lính.

Chiến thắng lần thứ hai (1285)[sửa]

Năm 1282. Nguyên chủ sai con là Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương, cùng Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân giả lấy tiếng mượn đường sang Champa. Riêng Toa Đô chỉ huy một toán thủy binh, tiến đánh Champa bằng đường biển.

Trước mưu toan xâm lược của quân Nguyên, vua Trần triệu tập công hầu, quan lại tại Bình Than (Hải Hưng) bàn kế phòng đánh và chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu. Trần Hưng Đạo được phong làm tiết chế thống lĩnh toàn quân, Trần Quang Khải làm thượng tướng, Trần Khánh Dư làm phó Đô tướng quân.

Để khích lệ mọi người đứng lên chiến đấu vì đại nghĩa Trần Hưng Đạo viết và truyền bài hịch nổi tiếng "Hích Tướng Sĩ"

[...] Huống chi ta cùng các người, sinh ra vào lúc rối ren, lớn lên vào buổi hoạn nạn, thấy sứ giả của giặc qua lại dọc ngang ngoài đường, khua tất lưỡi cú vọ mà khinh rẻ triều đình, đem cái thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng[...] Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột như như cắt, chỉ giận không được ăn thịt nằm da, đốt gan uống máu thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng[...]"

Tướng sĩ được khích lệ, ai nấy một lòng diệt giặc. Họ lấy mực xâm lên tay hai chữ "sát Thát" để tỏ lòng quyết tâm của mình.

Trần Hưng Đạo phân công Trần Khánh Dư đem quân ra trấn giữ cảng Vân Đồn, còn Trần Bình Trọng thì đi đóng đồn trên sông Bình Than. Phạm Ngũ Lão đóng từ biên giới cho đến Chi Lăng, Trần Nhật Duật đóng ở Tuyên Quang đến Tam Đái (Nam Phú Thọ, Đông Bắc Vĩnh Yên). Các tướng khác cũng đem quân đóng giữ các nơi quan yếu. Riêng Trần Hưng Đạo đóng ở Nội Bàng (vùng xã Bình Nội, Bắc Giang), trên con đường đi về Vạn Kiếp (Hải Dương) để tiếp ứng cho các nơi. Trong khi ấy, vua Nhân Tông cho người mang lễ vật sang xin nhà Nguyên hoãn binh nhưng nhà Nguyên không chấp nhận. Thoát Hoan được lệnh tiến quân. Vua Nhân Tông bèn triệu tập hội nghị Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh xin đánh (1/1285).

Tháng 1 năm 1285, đại quân do Thoát Hoan chỉ huy ào ạt tiến qua Lạng Sơn, nhằm đến Nội Bàng. Trên đường đi, tuy bị quân của Đại Việt chận đánh kịch liệt, đại quân của Thoát Hoan vẫn kéo đến được Nội Bàng và bao vây quân Đại Việt tại đây. Ngày 2/2/1285, một trận chiến ác liệt nổ ra. Thấy thế quân Nguyên quá mạnh, Trần Hưng Đạo cho quân rút về Vạn Kiếp. Thoát Hoan lại cho quân truy đuổi, dùng lực lượng k?binh hùng hậu bao vây Vạn Kiếp. Một lần nữa, Trần Hưng Đạo lại cho rút quân. Một bộ phận đến đóng ở Hải Đông (Hải Dương), một bộ phận khác tiến về Lạng Sơn, còn đại bộ phận rút về giữ Nam ngạn sông Hồng. Cầm cự một thời gian, đại quân rút về Thiên Trường (Nam Định). Vua và triều đình cùng rời bỏ Thăng Long về tụ tại đây


Quân Nguyên vào thành Thăng Long, gặp phải cảnh "nhà không vườn trống", một chiến thuật của nhà Trần được nhân dân hưởng ứng. Thoát Hoan cho một toán quân truy đuổi quân Trần Hưng Đạo đến Thiên Trường. Để chặn bước tiến của địch, Trần Hưng Đạo cho đánh một trận ở sông Thiên Mạc (Hưng Yên). Tại đây Trần Bình Trọng bị bắt và tử tiết với lời nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc".Bấy giờ 100.000 quân của Toa Đô không đánh thắng được Champa, bèn kéo quân theo đường bộ ra đánh Nghệ An để hợp quân với Thoát Hoan. Thoát Hoan liền sai Ô Mã Nhi đem quân theo đường bể tiếp ứng. Trần Hưng Đạo cho Trần Quang Khải đưa binh vào đóng ở Nghệ An chận đường Toa Đô. Toa Đô liền dùng thuyền nhỏ đưa quân theo đường biển ra Trường Yên (Ninh Bình ngày nay).

Tình hình hết sức nguy cấp. Quân địch hai gọng từ phía Bắc và dưới phía Nam, cùng đánh thốc để hợp quân. Trần Hưng Đạo phải đưa vua chạy đến Hải Dương, sau đó đến Quảng Yên rồi lại theo đường sông trở về lại Thanh Hóa. Trong hoàng tộc họ Trần có người ra đầu hàng mà điển hình là Trần ích Tắc, con thứ năm của Trần Thái Tông.

Để chặn không cho Toa Độ hội quân cùng Thoát Hoan, Trần Hưng Đạo điều động Trần Nhật Duật cùng Trần Quốc Toản đón đánh Toa Đô ở bến Hàm Tử (Hưng Yên). Toa Đô thua to phải rút về chống giữ. Đồng thời Trần Hưng Đạo phái Trần Quang Khải cùng Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản đi vòng đường bể, đánh thẳng vào quân Nguyên ở Chương Dương và tiến sát thành Thăng Long. Thoát Hoan đem quân ra chống cự không lại phải bỏ thành Thăng Long chạy về Bắc Ninh. Quân Đại Việt chiếm lại được thành Thăng Long. Để đánh dấu chiến thắng này, Trần Quang Khải làm bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư".

Trong khi ấy, Trần Hưng Đạo cho tiến quân đánh Toa Đô và Ô Mã Nhi ở Tây Kết. Toa Đô bị trúng tên chết còn Ô Mã Nhi thì chạy trốn về nước.

Nghe tin Toa Đô tử trận, Thoát Hoan vội đem quân chạy, định rút về, nhưng Trần Hưng Đạo đã đoán được ý đồ ấy, cho Phạm Ngũ Lão đợi ở Vạn Kiếp, khi quân Nguyên chạy sang thì đổ ra đánh. Quân Nguyên thua to, mất hết nửa quân số còn Thoát Hoan thì phải chun vào ống đồng cho quân đẩy chạy về. Quân Đại Việt đại thắng.

Chiến thắng lần thứ ba (1288)[sửa]

Thất bại nặng nề ấy làm Hốt Tất Liệt hết sức tức giận, quyết định đình việc đi đánh Nhật Bản và sai đóng thêm chiến thuyền, chuẩn bị sang đánh lại Đại Việt. Sang năm 1287 quân Nguyên ồ ạt kéo sang. Quân bộ vẫn do Thoát Hoan chỉ huy, vượt biên giới, đánh vào Lạng Sơn rồi tiến xuống phía Nam và đóng tại Vạn Kiếp. Quân thủy gồm 600 chiến thuyền lớn, do Ô Mã Nhi chỉ huy, tiến vào Đại Việt bằng đường biển và hội quân cùng Thoát Hoan ở Vạn Kiếp.

Biết đại quân như thế tất phải có nhu cầu cao về lương thực, Trần Hưng Đạo phân công Trần Khánh Dư đem quân chặn đánh đường vận lương của quân Nguyên. Trần Khánh Dư tập kích địch ở Vân Đồn, phá được thuyền lương của địch. Đợi mãi không thấy thuyền lương, Thoát Hoan xua quân tiến đến Thăng Long. Triều đình nhà Trần phải rút về Thanh Hóa. Thoát Hoan đốt phá kinh thành rồi rút quân về Vạn Kiếp. Nhưng Thoát Hoa không thể ở đây được lâu. Thiếu lương thực trầm trọng, Thoát Hoan phải rút quân. Trên đường tháo chạy, đến sông Bạch Đằng, quân của Thoát Hoan lọt vào trận địa cọc ngầm do Trần Hưng Đạo bố trí sẵn. Ô Mã Nhi bị bắt, Thoát Hoan thoát được về nước (1288).

Tuy thắng trận, nhưng trước sức mạnh của quân Nguyên vua Trần Nhân Tông cho người sang xin giảng hòa. Vua Nguyên cũng đành bằng lòng.

Vua Trần định công tội cho quan lại, ghi chép công trạng của tướng sĩ vào sách gọi là Trung Hưng thực lục. Còn những người trong hoàng tộc đã đầu hàng và hợp tác với quân Nguyên thì bị bắt buộc phải đổi họ khác. Ngoài ra để yên lòng dân chúng, vua và Thái Thượng hoàng cho đốt hết tất cả hàng biểu đi. Từ đó dân chúng yên tâm xây dựng lại đất nước.

Sự nghiệp củng cố đất nước, sự nghiệp chống xâm lăng của triều Trần đã để lại trong lòng dân chúng một niềm mến phục sâu xa. Cho nên khi Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, dù có nhiều cải cách quan trọng và tích cực, nhưng lòng người vẫn còn nhớ đến các vua Trần.