Trẻ em:Châu Phi/Mali

Tủ sách mở Wikibooks
Quốc kỳ Mali

Mali là một quốc gia ở phía tây châu Phi. Thủ đô là Bamako; các thành phố lớn khác bao gồm Sikasso, Ségou và Kayes. Nước này sử dụng franc CFA Tây Phi làm đơn vị tiền tệ.

Lịch sử[sửa]

Lãnh thổ được cai trị bởi Đế quốc Ghana

Trong lịch sử, khu vực này là trung tâm của ba đế chế lớn: Ghana, Mali và Songhai. Các quốc gia này thịnh vượng nhờ hoạt động buôn bán muối và vàng trên tuyến đường xuyên sa mạc Sahara, đồng thời xây dựng nhiều nhà thờ và trường học của đạo Hồi.

Đến cuối thế kỷ thứ 19, Pháp xâm chiếm Mali và thành lập thuộc địa Sudan thuộc Pháp. Ngày 24 tháng 11, 1958, Mali chính thức giành độc lập, khi ấy mang tên Cộng hòa Sudan. Tháng 1 năm sau đó, Mali và Senegal hợp nhất để trở thành Liên bang Mali, nhưng nhà nước này chỉ tồn tại ngắn ngủi.

Năm 2012, xung đột xảy ra tại miền bắc Mali giữa chính phủ nước này và một số nhóm nổi dậy có vũ trang. Bất chấp việc ký kết hiệp định hòa bình tại thủ đô vào ngày 15 tháng 4 năm 2015, các cuộc xung đột lẻ tẻ vẫn tiếp diễn.

Địa lý[sửa]

Vị trí của Mali tại châu Phi

Mali là một nước nằm kín trong lục địa, không có đường bờ biển. Nó có chung biên giới với 7 quốc gia khác. Các sông chính tại đây là Niger, Bani và Senegal. Hồ nước lớn nhất Mali là Débo, nằm ở miền trung đất nước và được nhiều loài chim sử dụng làm điểm dừng chân khi di cư. Núi cao nhất của Mali là Hombori Tondo, cao 1.155 m và nằm gần thị trấn cùng tên. Đây là quê hương của nhiều loài thú như khi đầu chó, đồng thời là một địa điểm linh thiêng trong tín ngưỡng bản địa.

Mali có trữ lượng khoáng sản lớn và đa dạng, bao gồm đồng, kim cương, vàng, đá granit, thạch cao, quặng sắt, cao lanh và đá vôi. Nước này cũng có lượng thủy điện dồi dào.

Quốc gia Mali có ba kiểu khí hậu chính: sa mạc nóng ở miền bắc, bán khô hạn nóng ở miền trung và nhiệt đới xavan ở miền nam, với lượng mưa lớn hơn. Đây là một trong những nước có nhiệt độ cao nhất thế giới.

Con người[sửa]

Nhà thờ Hồi giáo Djenné

Theo ước tính năm 2020, dân số Mali là 20.250.833 người. Các dân tộc chính của nước này bao gồm Bambara, Fulani, Soninke, Senufo, Mandinka, Dogon và Songhai. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, được sử dụng bởi nhà nước từ thời thuộc địa. Người Mali theo Hồi giáo dòng Sunni (92,9%), Hồi giáo dòng Ahmadiyya (1,6%), tín ngưỡng truyền thống châu Phi (2,5%) và Thiên Chúa giáo (2,3%).

Thể thao[sửa]

Môn thể thao phổ biến nhất tại Mali là bóng đá, được giới thiệu bởi người Pháp khi họ cai trị khu vực. Có nhiều cầu thủ bóng đá quốc tịch Mali hiện đang thi đấu cho các câu lạc bộ châu Âu. Mặc dù đã tham dự tất cả các kỳ Thế vận hội từ năm 1980, Mali chưa từng giành được tấm huy chương nào.

Điểm tham quan[sửa]

Quang cảnh bên ngoài lăng mộ Askia
  • Lăng mộ Askia - nằm ở thành phố Gao, vùng Gao, Mali. Đây là nơi chôn cất Askia Muhammad I, một nhà cai trị nổi tiếng của Đế quốc Songhai (1443 – 1538). UNESCO đã liệt kê nơi này vào danh sách Di sản Thế giới năm 2004
  • Bảo tàng quốc gia - nằm ở thủ đô Bamako, trưng bày nhạc cụ, trang phục và các đồ thờ cúng của người dân Mali. Bảo tàng chính thức mở của vào ngày 14 tháng 2 năm 1953
  • Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber - đây là một địa điểm tôn giáo lớn, đồng thời là trung tâm giáo dục quan trọng tại thành phố sa mạc Timbuktu