Bước tới nội dung

Trẻ em:Châu Phi/Madagascar

Tủ sách mở Wikibooks
Quốc kỳ

Madagascar, tên chính thức Cộng hòa Madagascar, là một quốc đảo ở phía đông nam châu Phi. Thủ đô của nước này là Antananarivo còn đơn vị tiền tệ là ariary.

Lịch sử

[sửa]

Vương quốc Madagascar được thành lập vào năm 1540 và tồn tại đến năm 1897, khi quốc gia này bị Pháp xâm chiếm. Ngày 14 tháng 10 năm 1958, Madagascar đã giành độc lập.

Địa lý

[sửa]
Vị trí của Madagascar (xanh đậm) tại châu Phi

Madagascar có diện tích tương đối lớn, khoảng 587.041 km2. Ngọn núi cao nhất của nước này là Maromokotro, trên độ cao 2.876 m so với mực nước biển. Các con sông chính tại Madagascar là Mananara, Mangoro, Maningory, Bemarivo và Ivondro.

Madagascar có hệ động thực vật độc đáo bậc nhất thế giới. Nhiều loài động vật đặc trưng của châu Phi như voi, sư tử, tê giác, ngựa vằn hay hươu cao cổ không tồn tại ở đất nước này. Thay vào đó, hòn đảo có những loài đặc hữu như vượn cáo đuôi vòng. Các loài thực vật phổ biến ở Madagascar là phong lan, cây chuối, cây xoài, cây dừa và vani.

Madagascar có một số tài nguyên thiên nhiên bao gồm than chì, cromit, than đá, bôxít, đất hiếm, muối, thạch anh, cát, đá quý và mica.

Con người

[sửa]

Theo số liệu thống kê năm 2018, Madagascar có 26.262.313 cư dân. Những dân tộc chính ở nước này là Merina, Betsileo, Betsimisaraka, Tsimihety, Antaisaka, Sakalava và người nước ngoài. Madagascar có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Malagasy và tiếng Pháp.

Moraingy, môn võ truyền thống của Madagascar

Người dân địa phương theo nhiều tôn giáo khác nhau như Thiên Chúa giáo (85%), tín ngưỡng truyền thống (4,5%) và Hồi giáo (3%).

Thể thao

[sửa]

Các thể thao phổ biến nhất ở Madagascar là bóng đá, bóng bầu dục, điền kinh, bóng rổ, quần vợt, quyền Anh, judo và moraingy (một loại võ thuật truyền thống). Madagascar đã bắt đầu tham dự Thế vận hội từ năm 1964 nhưng chưa giành được tấm huy chương nào.

Điểm tham quan

[sửa]
Cảnh quan bên trong vườn quốc gia Isalo
  • Vườn quốc gia Isalo. Khu vực rộng 815 km2 này có hồ bơi tự nhiên, khối đá, hẻm núi, động vật hoang dã cùng nhiều đặc điểm khác.
  • Khu bảo tồn thiên nhiên Tsingy de Bemaraha. Là di sản thế giới được UNESCO công nhận, công viên này nổi tiếng với các khối đá vôi ấn tượng.
  • Cung điện Andafiavaratra. Nơi ở của thủ tướng Madagascar Rainilaiarivony (1828– 1896) hiện là một bảo tàng.
  • Bảo tàng Dân tộc học và Cổ sinh vật học. Nằm ở thủ đô Antananarivo, bảo tàng trưng bày lịch sử tự nhiên thời tiền sử của hòn đảo và nếp sống của cư dân nơi đây.