Bước tới nội dung

Wikibooks:La-tinh

Tủ sách mở Wikibooks
(Đổi hướng từ Thảo luận:La-tinh)

Một số từ được dịch

[sửa]

Các từ được dịch dưới đây được xếp theo mục. Trong mỗi mục, từ in đậm là từ được chọn để dịch.

Latin

[sửa]
Từ này có thể dịch thành Latin, Latinh, La-tinh, La Tinh hoặc La tinh.

Các từ tiếng Việt đều có vần, như nằm có vần ăm, nhà có vần a. Do đó, tôi loại bỏ cách dịch thành Latin hoặc Latinh, do chúng không có 'vần' gì, chúng không thể là từ tiếng Việt được.

Các từ tiếng Việt không nhất thiết phải có nghĩa, ví dụ như từ nắc nẻ, cả từ nắc và từ nẻ đều không có nghĩa gì. Cho nên từ La Tinh hoặc La tinh vẫn có thể được coi là từ tiếng Việt, dù từ La hay từ tinh tách ra có nghĩa không liên quan gì đến từ La tinh.

Nhưng rốt cuộc, tôi chọn từ La-tinh vì mấy lý do sau đây:

  1. Nó có vần - dấu gạch nối giúp tách ra thành một từ vần a và một từ vần inh.
  2. Dấu gạch nối giúp xác định rõ đây là một từ, trách sự hiểu nhầm nếu có trong các câu văn.
Nên có các trang Latin, Latinh và La tinh chuyển hướng đến trang La-tinh
AmieKim (thảo luận) 13:10, ngày 20 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Nắc hay nẻ trong nắc nẻ không phải là các từ, mà là các chữ, còn cả 2 chữ này ghép lại mới gọi là một từ (tức là mới có nghĩa) tính từ nắc nẻ (cười như nắc nẻ). Tương tự La tinh, một danh từ. Còn l, a, t, i, n, h là các chữ cái (với 2 loại nguyên âm và phụ âm)
Thành viên:Doãn Hiệu(Thảo luận Thành viên:Doãn Hiệu


Cảm ơn bạn đã sửa sai dùm tôi :) Quả thực, tôi không chọn cách dịch 'Latin', hay 'Latinh' vì nếu vậy, trong câu nó sẽ có vai trò là một từ nước ngoài (theo tôi thì bất cứ từ tiếng Việt nào cũng phải có vần). Dùng một từ 'không phải tiếng Việt' trong văn bản tiếng Việt thì cũng được, ví dụ như tên người, địa danh... Nhưng nếu ta có thể Việt hóa nó được thì nên Việt hóa. Do đó, 3 cách dịch 'La Tinh', 'La tinh' hoặc 'La-tinh' có thể được chấp nhận.
Tuy nhiên, tôi chọn cách 'La-tinh' vì nó cho thấy rõ đây là một từ, và vì nó theo quy tắc 'dấu nối'. Tiếng La-tinh tuân theo một quy luật rất chặt chẽ, và vì thế, tôi muốn tên của nó cũng phải thể hiện được màu sắc 'chặt chẽ' như vậy, thông qua dùng quy tắc dấu nối.
AmieKim (thảo luận) 11:01, ngày 22 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Tôi cũng dịch La-tinh thành La ngữ, tương tự như Anh ngữ, Pháp ngữ, .v.v...
thảo luận blog 12:59, ngày 31 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Thảo luận này đang mở

Subject, Object

[sửa]
Subject có nghĩa là chủ ngữ. Chủ ngữ có thể là 1 từ hoặc 1 cụm từ. Nếu nó là 1 từ thì trong câu sau, dịch subject thành chủ ngữ thì không hợp lý lắm:
An adjective is simply any word that describes a noun, such as an object or subject in a sentence.

Trong trường hợp này, một số người đã dịch thành chủ từ. Bản thân tôi không đồng ý lắm. Tôi muốn dùng từ từ cho các từ loại như động từ, danh từ, tính từ .v.v... Bản thân chủ từ không phải là 1 từ loại, nó chỉ là một 'dạng', một 'vai trò' của danh từ trong câu.

Do đó, tôi dịch Subject trong câu trên thành chủ thể. Tương tự với object, tôi không dịch thành bổ ngữ hoặc túc từ. Bổ ngữ thì bổ ngữ cho cái gì? Mơ hồ quá! Còn nếu dịch là túc từ thì cũng hợp lý, túc nghĩa là cái chân, cái chân với object cũng na ná nhau, nhưng e rằng sẽ khó nhớ cho người nào không rành từ Hán Việt. Trong triết học, đi kèm chủ thểkhách thể, nay tôi thấy từ khách thể xem ra cũng có chỗ phù hợp với object, do đó tôi dịch thành khách thể, nghe quen thuộc và dễ nhớ hơn.

Vậy ra, nếu dịch như thế thì câu trên sẽ là:

Tính từ là một từ mô tả cho một danh từ, danh từ này có thể làm chủ thể hoặc khách thể ở trong câu.
thảo luận blog 12:52, ngày 31 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Thảo luận này đang mở

Decline

[sửa]
Declension có 2 nghĩa, một là một tập hợp các từ biến đổi theo vai trò (decline), 2 là cái cách deline đó. Có lẽ do nghĩa thứ 2 mà người ta dịch declension thành biến cách - cách biến đổi.

Rồi người ta dịch decline cũng thành biến cách. Nhưng nếu dịch A noun declines thành Một danh từ biến cách thì dễ gây nhầm lẫn 'biến cách' là một tính từ. Dịch thành Một danh từ biến cách hóa cũng không ổn: danh từ đó đã được 'biến cách' đâu mà nói 'biến cách hóa'?

Xem ra, dịch thành Một danh từ có biến cách là hay nhất, ngụ ý danh từ này trong ngôn ngữ này sẽ thay đổi theo vai trò của nó ở trong câu, .v.v... Vậy, tôi dịch declinedeclined thành có biến cách'.

Decline còn có nghĩa khác là liệt kê các dạng thay đổi của một từ, vậy nên trong trường hợp nghĩa đó tôi dịch thành liệt kê các biến cách của'

VD: 'I decline a noun' dịch thành 'Tôi liệt kê các biết cách của danh từ'
thảo luận blog 13:31, ngày 31 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Thảo luận này đang mở

Bản 'Dấu nối' của La-tinh

[sửa]
Tôi rất thích cách đặt 'dấu nối' hồi xưa. Ví dụ như trong câu sau ở phần 'Biên tập đại ý' cuốn Việt-Nam văn-học sử-yếu in năm 1968:
Ai cũng biết rằng hiện nay không có quyển sách nào chép về văn-học lịch-sử nước ta, không nói gì những sách tham-khảo tinh-tường cho các học-giả dùng, ngay đến những sách tóm tắt các đại-cương cho học-sinh dùng cũng không có.

Cách đặt dấu nối này giúp làm rõ nghĩa của câu. Ví dụ như từ 'học sinh', nếu không có dấu nối thì một người sẽ có thể cố ý nghĩ đến việc sinh con cái, còn 'học-sinh' thì chắc chắn là một học trò.

Do đó, tôi sẽ lập một bản riêng của cuốn sách này, tên là La-tinh (dấu nối), trình bày theo cách tôi nêu ở trên.
AmieKim (thảo luận) 13:27, ngày 20 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Quy tắc đặt dấu nối đã được bỏ từ lâu, không còn sử dụng nữa. Cụ Phan Khôi trong bài Phép làm văn có giải thích về quy tắc này: Khi nào mình dùng một động từ mà nhân quả nó là động từ kép thì thế nào cũng phải cho một cái ngang nối (trait d’union) giữa hai tiếng. Nếu không có ngang nối thì nhiều khi có thể lầm được là hai động từ. Lại Nguyên Ân chú thích: Cách dùng gạch nối để làm rõ từ kép (gồm hai tiếng trở lên) là quy tắc được tuân thủ trong viết và in sách báo ở Việt Nam cho đến những năm 1960 ; sau đó người ta bỏ dần dần và nay đã bỏ hẳn.
Tranminh360 (thảo luận) 15:13, ngày 21 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Bạn Tranminh360 nhận xét rất đúng. Quy tắc 'dấu nối' là một quy tắc xưa. Nó có điểm lợi là làm rõ nghĩa của từ trong câu, từ nào ra từ nấy nhưng nó cũng điểm bất tiện là 'mệt', 'mắc công', tức là phải chèn thêm cái dấu nối, phải nhớ lúc nào thì chèn. Mình thấy hình như xã hội càng hiện đại thì con người càng lười đi thì phải. Người ta thấy cái dấu nối 'phiền phức', 'mắc công'... nên bỏ nó đi.

Không có ai dùng không có nghĩa là quy tắc này không hữu dụng và không có giá trị. Giống như quốc tế ngữ, không có ai dùng nhưng thật tế ra nó rất hay, rất logic. Mình nghĩ, cái dấu nối nên được dùng ở những văn bản chính thức, trang trọng, cần sự chính xác cao (formal) như luật, đơn từ, thư trao đổi công việc làm ăn .v.v... Còn những văn bản thường ngày, không cần chính xác cao (informal) thì có thể không dùng dấu nối.

Chia sẻ với bạn vài ý kiến của giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong phần 'Lời dẫn' quyển 'Danh-từ Khoa học' mà ông là tác giả:

Trong tập danh-từ này, tôi rất hay dùng cái gạch-nối. Vấn-đề cái gạch-nối đã có nhiều người bàn. Kẻ bảo nên bỏ vì sự in, sự viết lôi thôi. Kẻ bảo nên thông-dụng vì nó có lợi làm rời hẳn một nhóm chữ trong câu, cho nên nghĩa nó rõ ràng. Tôi cũng đồng ý với những người sau nấy. Tiếng nước mình còn vào trình-độ hàm-hồ, ví thế nên có nhiều câu có thể giảng ra nhiều nghĩa. Sự ấy đối với thơ không những không quan-ngại, mà còn làm cho câu thơ mình nhiều khi ngắn-ngủi mà hàm nhiều tứ. Nhưng đây là tôi nói đến việc thực-tế, như trong khoán-ước, trong văn-từ khoa-học. Có cách gì làm thêm rõ nghĩa câu văn thì ta nên làm; nào cách dùng chữ, nào cách đánh dấu, ta nên để ý tới. Chắc ai cũng biết rằng văn nôm ta khi trước, cũng như văn chữ Hán, không chấm câu, nên những người chưa thông khó lòng mà hiểu được. Nay ta dùng chữ la-tinh có cái lợi vô ngần là có thể dùng được tất cả các dấu của họ. Như vậy, không có lý gì mà ta không dùng dấu gạch-nối. Còn sự ấn-loát, hoặc viết, thì cũng có phiền-phức thực, nhưng dấu nào cũng gây ra điều phiền-phức như vậy. Dấu gạch-nối tuy nhiều hơn các dấu khác, nhưng thử xem các nước Trung-hoa và Nhật-bản họ còn bị nhiều điều bất-tiện bằng mấy ta nữa, mà họ cũng không bỏ lối chữ họ đi. Xin đừng tưởng họ dại hơn mình.
Còn có cách nữa là viết liền chữ lại. Tuy là có lợi lắm, nhưng sợ táo-bạo quá, ít người hưởng-ứng, nên tôi không dùng.

Về điểm 'viết liền lại', đây là một đoạn văn ví dụ:

Bản in lần thứ nhất, năm 1942, chỉ trong mấy tháng đã phát-hành hết. Anh em bạn và các nhà xuấtbản đã thúcdục tôi cho táibản ngay. Nhưng bấy giờ, tôi không muốn lợidụng lòng yêuchuộng của độcgiả mà làm sai ý-định của tôi. Ý-định ấy là đợi các độcgiả, sau khi dùng danhtừ trong sách sẽ cho tôi biết ýkiến nên sửachữa thế nào, trước lúc đem tái-bản.

Vậy nên, ý của mình là tạo thêm một bản 'dấu nối' nữa bên cạnh bản gốc. Bản dấu nối này là phần tự chọn, ai muốn xem thì vào. Thiết nghĩ, việc này cũng chẳng hại ai. Vừa giữ lại bản 'bình thường' mà ai cũng quen, vừa duy trì được một cách trình bày có ích.

Mình còn có ý định thêm cả bản 'viết liền' nữa :))
AmieKim (thảo luận) 10:49, ngày 22 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Bạn muốn nói đến cuộc vận động VNY2K? Xem Một số vấn đề của chữ viết tiếng Việt dính liền.
Tranminh360 (thảo luận) 13:53, ngày 22 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Rất cảm ơn bạn đã cho biết 2 trang trên! Mình thực sự không biết đến cuộc vận động VNY2K, nhưng sau khi xem lướt qua một lượt, mình có thể nói cuộc vận động ấy có nhiều điểm giống ý mình :)
AmieKim (thảo luận) 14:34, ngày 22 tháng 3 năm 2012 (UTC)[trả lời]


Thảo luận này đang mở