Thời Lý

Tủ sách mở Wikibooks

Nhà Lý thành lập[sửa]

Năm 1005, Lê Hoàn mất, con là Lê Long Đĩnh nên nối nghiệp vua cha. Cuối năm 1009, Lê Long Đĩnh qua đời. Các con của Lê Long Đĩnh còn nhỏ, bản thân vua lúc còn sống nổi tiếng là tàn ngược. Nhân lòng người và triều thần đã chán ghét nhà Tiền Lê, sư Vạn Hạnh, đại thần Đào Cam Mộc cùng bầy tôi trong triều đã suy tôn Lý Công Uẩn, người đang giữ một chức vụ trọng yếu trong triều đình, lên làm vua thay nghiệp nhà Tiền Lê. Cùng năm đó, Lý Công Uẩn lên ngôi, thông cáo thiên hạ, lấy năm sau (1010) làm niên hiệu Thuận Thiên năm thứ nhất. Từ đây, nhà Lý thành lập.

Tượng đài Lý Thái Tổ

Dời đô và xây dựng kinh thành Thăng Long[sửa]

"... thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời." - trích trong Chiếu dời đô

Sau khi lên ngôi, năm 1010, Lý Thái Tổ - vị vua mờ nghiệp cho vương triều Lý đã có một quyết định hết sức quan trọng đối với vương triều Lý cũng như đối với toàn thể dân tộc Việt lúc bấy giờ là việc dời kinh đô của đất nước từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là kinh thành Thăng Long, chính là đất thuộc thủ đô Hà Nội ngày nay.

Khi đã định đô, vua Lý Thái Tổ bắt đầu ngay vào một công việc hết sức cần thiết đối với một triều đại mới là xây dựng kinh thành, bộ mặt của đất nước và cũng là nơi diễn ra mọi hoạt động của vương triều. Cũng vào mùa thu năm đó (1010), vua Lý đã cho xúc tiến luôn việc xây dựng những công trình lớn quan trọng trong kinh thành làm nơi thiết triều, nơi ở và làm việc cho vua, hoàng gia và các quần thần. Ngay trong năm này, một cụm các công trình kiến trúc quy mô, gồm tám điện và ba cung đã được hoàn thiện.

Thăng Long vào thế kỉ 11, đã dần trở thành một đô thị phồn thịnh, một kinh đô của nước Đại Việt cường thịnh.

Tổ chức bộ máy nhà nước[sửa]

Năm 1054, nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt. Đứng đầu nhà nước là vua, nắm giữ mọi quyền hành trong tay, tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Vua ở ngôi theo chế độ cha truyền con nối. Những chức vụ quan trọng nhà vua đều cử những người thân cận nắm giữ. Giúp vua lo việc nước có các đại thần, hai bên quan văn, võ.

Nhà Lý chia đất nước tất cả thành 24 lộ, phủ, vùng miền núi gọi là châu, đồng thời đặt các chức tri phủ, tri châu để cai quản và chỉ giao cho con cháu nhà vua hoặc các đại thần chức vụ này; dưới lộ, phủ là huyện, hương. Đơn vị hành chính cấp cơ sở là xã.

Kháng chiến chống Tống 1075 - 1077[sửa]

Nhà Tống có ý định xâm lược Đại Việt từ lâu. Ngay buổi đầu độc lập, quân dân nhà Tiền Lê, đứng đầu là Lê Đại Hành trọng cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất (năm 981) đã đánh tan đạo quân xâm lược này, giữ toàn vẹn nền độc lập của dân tộc, khiến nhà Tống phải giữ quan hệ thân thiện với nước ta trong suốt gần một thế kỷ.

Nhà Tống thất bại như vậy nhưng vẫn chưa từ bỏ âm mưu cũng như ý đồ thôn tính nước ta. Trong bối cảnh nước Tống lúc bấy giờ thường xuyên phải chiến tranh với hai nước Liêu - Hạ ở biên giới phía bắc, nếu đánh thắng và thôn tính được Đại Việt lần này thì nhà Tống sẽ thực hiện được "một công đôi việc" cả về đối nội lẫn đối ngoại đang đặt ra. Vua Tống bấy giờ là Tống Thần Tông nói rằng: "Nếu thắng được Đại Việt thì thế Tống sẽ tăng và các nước Liêu - Hạ sẽ phải kiêng nể".

Giai đoạn 1: Nhà Lý chủ động tấn công sang đất Tống[sửa]

Nhà Lý hiểu ra mưu đồ của kẻ thù, nghĩ sớm muộn nào quân Tống cũng đánh tới Đại Việt nên đã đi trước một bước, chủ động tiến hành các biện pháp chuẩn bị đối phó. Thái úy Lý Thường Kiệt được chọn làm người chỉ huy, tổ chức cuộc chiến chống lại quân Tống.

Trước tình hình nhà Tống đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt thực hiện chủ trương độc đáo "tiến công trước để phòng vệ", đi trước một bước để giành lợi thế về phía ta. Ông hay nói rằng: "Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân đánh trước để chặn thế mạnh của giặc". Do đó, ông đã gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công vào những cứ điểm quan trọng của nhà Tống gần biên giới Đại Việt.

Nhà Lý tính toán được rằng, quân Tống muốn tiến đánh Đại Việt, đường bộ ắt phải qua châu Ung, đường thủy ắt phải qua châu Khâm, châu Liêm. Chúng nằm gần biên giới Đại Việt và sẽ là địa điểm tập kết lợi hại của quân Tống. Lương thực và vũ khí cũng được tích trữ đầy đủ tại nơi này. Vì vậy, Lý Thường Kiệt quyết định chọn tiến công vào các cứ điểm này.

Tháng 10 năm 1075, Lý Thường Kiệt cùng Tông Đản chỉ huy hơn 10 vạn quân, chia làm hai đạo thủy - bộ cùng tấn công vào đất Tống. Quân bộ do Tông Đản, Thân Cảnh Phúc chỉ huy dân binh miền núi đánh vào châu Ung. Còn lại cánh quân đường thủy do Lý Thường Kiệt chỉ huy, độ bộ vào châu Khâm, châu Liêm. Sau khi tiêu diệt các căn cứ tập kết quân, phá hủy các kho tàng của giặc, quân Lý Thường Kiệt tiến về bao vây thành Ung Châu. Sau 42 ngày chiến đấu, quân nhà Lý hạ được thành Ung Châu, khiến tướng trấn thành Tô Giám của nhà Tống phải tự tử. Sau khi đạt được được mục tiêu, Lý Thường Kiệt chủ động rút quân, chuẩn bị phòng tuyến chặn địch ở trong nước.

Giai đoạn 2: Nhà Lý phòng vệ và phản công: trận phòng tuyến Như Nguyệt[sửa]

Khi vừa rút quân về nước, Lý Thường Kiệt đã nhanh chóng và khẩn trương bước vào cuộc chuẩn bị cho chiến đấu mới. Dự đoán thể nào quân Tống cũng kéo sang với ý chí phục thù và với mục đích được nung nấu sẵn từ trước, Lý Thường Kiệt một mặt đã cho quân lính ngày đêm tập luyện và chuẩn bị bố phòng tại các địa phương, một mặt đã bí mật tung người sang đất Tống do thám tình hình cho cuộc chiến sắp tới.

Nhà Tống do chủ quan, tưởng có thành trì kiên cố là thắng nên không đề phòng, dẫn đến thất bại thảm hại ngay từ tính toán ban đầu. Thế của nhà Tống tưởng rằng chủ động giờ đây đã chuyển sang bị động. Sau khi biết thành Ung Châu bị hạ, vua Tống vô cùng hoang mang và tức tối. Các công việc chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt được tiến hành.

Cuối năm 1076, đại quân Tống gồm 10 vạn bộ binh, một vạn ngựa chiến cùng 20 vạn dân phu do tướng Quách Quỳ chỉ huy chuẩn bị tiến vào Đại Việt. Bên cạnh đó, một đạo quân khác do Hòa Mâu dẫn đầu, theo đường biển vào tiếp ứng. Tháng 1 năm 1077, khoảng 30 vạn quân Tống vượt ải Nam Quan qua Lạng Sơn tiến vào nước ta và bị quân nhà Lý đánh những trận nhỏ cản bước. Quân Tống đông như kiến tiến như bão tố càn quét, đánh bại quân Đại Việt trên đường đi, nhưng lại gặp lúng túng khi đến bờ Bắc sông Như Nguyệt, khi mà phía trước là sông và bên kia bờ là cả một chiến lũy kiên cố. Và kể từ đây, quân Lý bước vào một trận phòng thủ vĩ đại hiếm có trong lịch sử.

Phòng tuyến rất kiên cố, mà quân Tống lại không có thuyền để qua sông, thủy quân tiếp viện từ biển thì chưa tới vì chúng đã bị quân của Lý Kế Nguyên đánh chặn. Chờ mãi không thấy thủy quân đến, quân Tống tìm cách tấn công ta ở bên kia bờ. Chúng đã hai lần tìm cách vượt sông, một lần bằng cách bắc cầu phao và một lần đóng bè đưa quân sang sông. Cả hai lần chúng đều bị quân ta đẩy lùi.

Trong lần sang sông thứ nhất, quân Tống đã thất bại nhưng quân Lý cũng lâm vào tình trạng nguy khốn. Để cổ vũ tinh thần binh sĩ, Lý Thường Kiệt đã cho người giả làm thần nhân nấp trong một ngôi đền bên bờ sông mà đọc thơ mắng giặc và động viên tinh thần quân sĩ bằng những lời lẽ bất hủ được truyền đến muôn đời.

Đó là những câu:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Nghĩa là:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Chiến thuật qua sông cùa quân Tống không thực hiện được. Chúng muốn qua sông lần nữa nhưng thuyền không có. Mộng tưởng tiến vào Thăng Long của quân Tống bị tiêu tan, thủy binh tiếp ứng càng đợi càng biệt tăm. Quách Quỳ phải cấm quân sĩ không được tiến công và ra lệnh "Ai bàn đánh sẽ chém". Trong lúc quân Tống chưa tìm ra cách qua sông thì quân nhà Lý bên bờ kia thỉnh thoảng dùng thuyền sang khiêu chiến, hai bên giằng co ác liệt.

Quân Tống trên đất Đại Việt đang trong tình thế vô cùng nguy khốn, tiến thoái lưỡng lan, tấn công thì không đủ sức, đóng quân cố thủ lại nguy cơ bị tiêu diệt, rút lui lại hổ thẹn mất thể diện. Quân nhà Lý qua một đợt chống trả quyết liệt, cũng đã hết sức và cần thời gian để củng cố, bảo toàn lực lượng. Do vậy và hơn nữa là để bảo toàn độc lập quốc gia, Lý Thường Kiệt đã chủ động kết thúc chiến tranh bằng thương lượng, "dùng biện sĩ để bàn hòa". Quách Quỳ chấp nhận ngay rồi vội vã rút quân về nước.

Cuộc kháng chiến chống Tống vĩ đại của quân dân nhà Lý, chỉ huy bởi vị tướng tài ba văn võ song toàn Lý Thường Kiệt đến đây đã thắng lợi hoàn toàn. Mộng tưởng đánh được Đại Việt, chiếm được Đại Việt và thôn tính Đại Việt thành một châu huyện của Tống bị chôn vùi vĩnh viễn.

Tình hình đất nước thời Lý[sửa]

Quân đội[sửa]

Để tăng cường bảo vệ nhà nước quân chủ cũng như bảo vệ đất nước non trẻ, nhà Lý đã xây dựng được một lực lượng quân đội khá hùng mạnh, thể hiện ở cách thức tổ chức quân đội. Quân đội thời Lý gồm hai bộ phận: cấm quânquân địa phương. Cấm quân luôn đóng ở trong thành và có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành. Quân địa phương đóng ở các phủ, lộ, châu. Thời Lý, cấm quân tinh nhuệ hơn quân địa phương, nhưng khi có chiến sự thì quân địa phương với số lượng lại là lực lượng đóng góp quan trọng.

Từ thời vua Lý Thần Tông, nhà Lý đã thi hành chính sách ngụ binh ư nông , cho quân lính các lộ chia nhau phục dịch mỗi phiên một tháng, hết hạn lại trở về làm ruộng, để phiên khác ra thay. Do lực lượng chính của quân đội địa phương thời Lý phần lớn đều xuất thân từ nông dân các làng xã, nên với chính sách ngụ binh ư nông của nhà Lý, những nông dân mặc áo lính khi có chiến sự họ sẵn sàng ra trận, khi hết chiến tranh, họ lại trở về với đồng ruộng của mình.

Luật pháp[sửa]

Bên cạnh việc xây dựng lực lượng quốc phòng, bảo vệ nước Đại Việt non trẻ và tăng cường sức mạnh cho nhà nước quân chủ, nhà Lý cũng đã chú ý tới nền pháp chế của đất nước. Nền pháp chế của nhà nước thời Lý được hình thành với việc ban hành bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử, đó là bộ Hình thư.

Bộ Hình thư được ban hành năm 1042, do vua Lý Thái Tông sai Trung thư san biên soạn dựa trên các luật lệnh cũ và châm chước thói tục trong dân gian. Việc đã được ghi cụ thể trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng:

"Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí nhiều người bị oan uống quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai Trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng"

Bộ Hình thư ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống pháp luật cùa đất nước. Khi bộ luật được ban hành giúp cho việc xử án trong nước được thuận lợi và rõ ràng. Tuy tính hiệu quả còn chưa cao nhưng chắc chắn nó mang tính tích cực nhất định vì kể từ khi bộ luật được ban hành thì "dân đều lấy làm tiện". Đó là tính ưu việt và tiến bộ hơn hẳn so với thời kỳ trước khi chưa có bộ luật.

Kinh tế[sửa]

Về nông nghiệp. Từ khi đất nước đi vào thế ổn định, nhà Lý bắt đầu chú trọng tới phát triển kinh tế nông nghiệp, mưu cầu cuộc sống cho người dân. Ruộng đất là cơ sở của nông nghiệp, dưới thời Lý, ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà nước, giao cho nông dân cày cấy và nộp thuế về triều đình. Nhà Lý đặc biệt quan tâm tới phát triển kinh tế nông nghiệp với tư tưởng "dĩ nông vi bản", coi trọng nông nghiệp là một trong những nội dung cơ bản của chính sách kinh tế. Vì coi nông nghiệp là gốc nên các vua nhà Lý thường về các địa phương thực hiện nghi thức lễ cày tịch điền.

Song song với việc bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp, triều đình thời Lý đã rất chú trọng tới việc làm những công trình thủy lợi như đắp đê giữ nước. Cùng với việc đắp đê chống lụt, nhà Lý đã cho làm hàng loạt công trình đào vét sông, đào kênh mương để dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với những việc làm trên của nhà Lý, nông nghiệp thời kỳ này đã có thêm nhiều điều kiện để phát triển và đời sống của người dân nhờ đó cũng được bảo đảm.

Những kết quả tích cực đạt được trong sản xuất nông nghiệp thể hiện sự cố gắng lớn của nhà Lý và sự nỗ lực của người dân. Các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp của nhà Lý đã góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp phát triển thêm một bước mới, đời sống nhân dân trong nước sớm đi vào ổn định và nhà nước quân chủ sớm được củng cố vững vàng tạo điều kiện tốt cho triều đình nhà Lý tiến hành cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi.

Về thủ công nghiệp. Sau nông nghiệp, thủ công nghiệp cũng là ngành kinh tế đóng vai trò không kém phần quan trọng, nó hỗ trợ đắc lực cho kinh tế nông nghiệp. Tuy vẫn còn nhỏ bé chưa tách khỏi nền kinh tế nông nghiệp, nhưng ngành kinh tế này đã góp phần bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống xã hội.

Nghề dệt và nghề gốm rất phát triển. Vào thời Lý, nước ta đã có nhiều thợ dệt tài hoa, khéo tay, thông minh, dệt được nhiều sản phẩm lụa, là, gấm vóc khá đẹp. Sử sách còn ghi rằng, nhà vua xuống chiếu "phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa". Nghề dệt lụa thời Lý cũng rất phát đạt. Năm 1044, nhà nước đã có Quyến khố ty để thu mua lụa trong dân gian. Các vua nhà Lý đã bắt đầu ban thưởng tơ lụa cho các quân thần bên cạnh tiền. Nghề làm gốm ở thời Lý cũng đã đạt đến một trình độ cao về kỹ thuật sản xuất cũng như nghệ thuật trang trí. Những đồ dùng bằng chất liệu gốm vào thời kỳ này được chế tạo không chi tinh xảo mà còn rất đa dạng và phong phú về thể loại.

Ngoài ra, nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc, nghề làm giấy, nghề in bản gỗ, rèn sắt, đúc đồng, nhuộm vải, đều được mở rộng. Có những công trình do bàn tay người thợ thủ công Đại Việt tạo dựng nên rất nổi tiếng như chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh,...

Một ngôi chùa làm bằng gốm có từ thời Lý

Về thương nghiệp. Việc buôn bán trao đổi dưới thời Lý khá phát đạt. Trong nước, hệ thống giao thông thủy bộ cùng các trạm dịch được mở mang hơn trước tạo điều kiện cho việc giao thông qua lại giữa các địa phương được thuận lợi, nhờ đó việc trao đổi buôn bán trong nước cũng được dễ dàng hơn trước. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện các chợ làm nơi trao đổi hàng hóa nông sản và thủ công được sản xuất thường trong nhân dân.

Về việc giao thương với nước ngoài, nhà Lý có thái độ thận trọng, nhưng vẫn duy trì các mối quan hệ giao thương với bên ngoài vốn đã có từ lâu. Tại vùng biên giới giữa Đại Việt và Trung Quốc lúc bấy giờ đã xuất hiện những trung tâm buôn bán lớn, thương nhân và dân hai nước được phép đem hàng hóa đến trao đổi và buôn bán với nhau. Ngoài việc buôn bán tại những khu chợ ở biên giới phía Bắc, vào thời Lý còn có một địa điểm buôn bán nổi tiếng tại Vân Đồn. Thời đó, Vân Đồn là nơi buôn bán tấp nập, sầm uất, có vị trí tự nhiên rất thuận lợi cho thuyền bè qua lại trên tuyến đường từ Trung Quốc xuống các nước vùng Đông Nam Á.

Tôn giáo[sửa]

Về Phật giáo. Văn hóa Phật giáo là một trong những thành tựu văn hóa đáng kể của nhà Lý còn để đại đến ngày nay. Phật giáo là một trong ba tôn giáo (Phật, Nho và Đạo) được du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, nhưng Phật giáo là tôn giáo được truyền bá rộng rãi nhất trong nhân dân. Ngay từ buổi đầu độc lập thời Ngô - Đinh - Tiền Lê, Phật giáo đã được coi trọng, nhưng đến thời Lý mới có nhiều điều kiện mở mang và phát triển, và đây được coi là thời kì phát triển huy hoàng nhất của Phật giáo.

Các vua nhà Lý rất sùng đạo Phật, rất nhiều nhà vua đã từng đi tu như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông,... Sư sãi và tín đồ đạo Phật ở thời Lý chiếm tỉ lệ khá lớn, khi mà sử cũ chép rằng thời kì này "dân chúng quá nửa làm sãi". Triều đình Lý rất quan tâm tới đạo Phật nên đã bỏ rất nhiều tiền vào việc đúc chuông, tạc tượng và xây dựng nhiều chùa tháp trong nước.

Vua Lý Thái Tổ, vừa dời đô về Thăng Long đã xuống chiếu phát hai vạn quan tiền thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức quê ông, rồi độ cho hơn nghìn người ở Thăng Long làm sư. Nhà vua còn xuống chiếu hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán đổ nát đều phải sửa chữa lại. Những điều ấy chưa hết, nhưng đã đủ để thấy các vua nhà Lý sùng đạo Phật tới mức nào.

Có thể nói vào thời Lý, Phật giáo đóng vai trò rất lớn trong hệ tư tưởng của nhà nước. Hay nói cách khác, Phật giáo được xem như là hệ tư tưởng chính trong đường lối trị nước của các vua nhà Lý. Mặc dù vào thời kỳ này, Nho giáo đã bắt đầu thâm nhập vào trong hệ tư tưởng nhà nước, song Phật giáo vẫn còn đóng vai trò khá quan trọng. Tầng lớp tăng ni vẫn còn giữ vai trò nhất định trong bộ máy chính quyền nhà nước.

Một tượng Phật có từ thời Lý. Vào thời Lý, Phật giáo đóng vai trò rất quan trọng, cả trong đời sống lẫn chính trị.

Về Nho giáo. Nho giáo đã bắt đầu thâm nhập vào thiết chế chính trị của nhà nước, mặc dù Phật giáo vẫn được nhà Lý lấy làm hệ tư tưởng chính. Càng về sau tầng lớp cao tăng không còn đóng vai trò quan trọng trong bộ máy chính quyền nhà nước nữa, nhà nước quân chủ tập quyền thời Lý được phát triển vững mạnh trên cơ sở mở mang Nho học.

Năm 1070, nhà Lý đã cho dựng Văn Miếu làm nơi thờ Khổng Tử, người sáng lập đạo Nho. Sáu năm sau, nhà Lý còn lập Quốc Tử Giám làm nơi học tập và đào tạo Nho sĩ. Đó là những viên gạch đầu tiên đặt cơ sở vũng chắc cho sự tiến triển của Nho học vào những thế kỉ sau. Mặc dù vào thời Lý, Nho giáo mới chỉ mở đầu, chưa chiếm vị trí quan trọng trong chế độ chính trị cũng như trong xã hội, nhung dù sao với việc đặt Quốc Tử Giám và việc mở mang Nho học thì trong xã hội đã bắt đầu xuất hiện một tầng lớp Nho sĩ được đào tạo theo ý thức hệ Nho giáo.

Về Đạo giáo. Đạo giáo bên cạnh sự phát triển của Phật giáo và bước khởi đầu mở mang của Nho giáo. Vào thời Lý, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo đồng thời tồn tại, có phần nào đó pha trộn với nhau, đã kết hợp với những tín ngưỡng dân gian cùa người Việt tạo nên một nền văn hóa dân tộc độc đáo.

Giáo dục, thi cử[sửa]

Nhà Lý đã bắt đầu chú ý tới việc đẩy mạnh học tập, thi luyện, tuyển chọn những người có năng lực qua con đường khoa cử, bổ sung vào bộ máy hành chính quốc gia.

Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước Việt

Năm 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu ở Thăng Long để thờ Khổng Tử, đồng thời là nơi dạy học cho các con vua. Năm 1076 nhà Lý tiếp tục cho lập Quốc Tử Giám ở kinh thành làm nơi học tập trước hết cho con em quý tộc, mở đầu nền đại học của nước ta. Về sau, nhà Lý mở rộng cho con em quan lại và những người giỏi trong nước vào đây học tập, tổ chức thêm một số kì thi.

Vào năm 1075, một năm trước khi lập Quốc Tử Giám, lần đầu tiên trong lịch sử, nhà Lý đã cho mở khoa thi để chọn người tài. Lê Văn Thịnh là người đỗ đầu khoa thi này và được vào hầu vua học. Năm 1086, nhà Lý lại mở khoa thi tuyển những người có văn học trong nước, lần này người đỗ đầu là Mạc Hiển Tích, được tuyển vào làm Hàn lâm học sĩ. Thi cử thời Lý còn được tiếp tục tổ chức vào các năm 1152, 1165, 1185, 1193 và 1195.

Giáo dục thi cử là hình thức tuyển chọn quan lại tốt nhất cho bộ máy chính quyền nhà nước, tuy nhiên ở thời Lý thi cử mới chỉ là bước đầu, chưa có quy củ và các khoa thi được mở khi nào nhà nước có nhu cầu, chưa theo định kì nhất định. Nhưng với việc bắt đầu cho mở các khoa thi và cho lấy người xuất thân từ Nho học đỗ đạt vào làm việc trong triều chính như trường hợp Lê Văn Thịnh, Mạc Hiển Tích,... là một bước tiến đáng kể so với thời Đinh và Tiền Lê trước đó. Văn học chữ Hán và Nho học cũng từ đây mà phát triển.