Bước tới nội dung

Chương 2 - Mục 2: Quá trình hình thành và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tủ sách mở Wikibooks

Thời kỳ trước năm 1911

[sửa]

Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Người, là một nhà nho cấp tiến, có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Tấm gương lao động cấn cù, ý chí kiên cường vượt qua gian khổ để đạt được mục tiêu, đặc biệt là tư tưởng thân dân, lấy dân làm hậu thuẫn cho các cải cách chính trị - xã hội của Cụ Phó bảng đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với quá trình hình thành nhân cách của Nguyễn Tất Thành.

Sau này, những kiến thức học được từ người cha, những tư tưởng mới của thời đại đã được Hồ Chí Minh nâng lên thành tư tưởng cốt lõi trong đường lối chính trị của mình. Cuộc sống của người mẹ - bà Hoàng Thị Loan – cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Sinh Cung về đức tính nhân hậu, đảm đang, sống nhan hòa với mọi người. Còn phải kể tới mối quan hệ và tác động qua lại giữa ba chị em Nguyễn Thị Thanh (Nguyễn Thị Bạch Liên), Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) về lòng yêu nước thương nòi.

Nghệ Tĩnh là vùng đất vừa giàu truyền thống văn hóa, vừa giàu truyền thống lao động, đấu tranh chống ngoại xâm. Nơi đây đã sản sinh ra biết bao anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, những lãnh tụ yêu nước thời cận đại như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu…, những liệt sĩ trong thời kỳ chống thực dân Pháp ngay trên mảnh đất Kim Liên như Vương Thúc Mậu, Nguyễn Sinh Quyến…

Từ thuở thiếu thời, Nguyến Tất thành đã tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột đến cùng cực của đồng bào mình. Khi vào Huế, Anh lại tận mắt nhìn thấy tội ác của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn của bọn phong kiến Nam triều. Thêm vào đó là những bài học thất bại của các nhà yêu nước tiền bối và đương thời. Tất cả đã thôi thúc Anh ra đi tìm một con đường mới để cứu dân, cứu nước. Quê hương, gia đình, truyền thống dân tộc…đã chuẩn bị cho Anh nhiều điều. Quê hương, đất nước cũng đặt niềm tin lớn ở Anh trên bước đường tìm đến trào lưu mới của thời đại.

Phát huy truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra hạn chế của những người đi trước. Người nhận ra rằng không thể cứu nước theo con đường của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám….Người từ chối Đông du không phải vì đã hiểu bản chất của đế quốc Nhật, mà chỉ cảm thấy rằng: không thể dựa vào nước ngoài để giải phóng tổ quốc. “Điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thức được và nó dẫn Người đi đúng hướng là: nguồn gốc những đau khổ và áp bức dân tộc là ở ngay tại “chính quốc”, ở nước đế quốc đang thống trị dân tộc mình”.

Cùng với việc phê phán hành động cầu viện Nhật Bản chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, tư tưởng “ỷ Pháp cầu tiến bộ” chẳng qua chỉ là việc “cầu xin Pháp rủ lòng thương”, Nguyễn Ái Quốc đã tụ định ra cho mình một hướng đi mới: phải tìm hiểu cho rõ bản chất của những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái của nước Cộng hòa Pháp, phải đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào mình.

Thời kỳ 1911 - 1920

[sửa]

Năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời tổ quốc sang Phương Tây tìm đường cứu nước.

Việc Hồ Chí Minh ra nước ngoài xuất phát từ ý thức dân tộc, từ hoài bão cứu nước. Qua cuộc hành trình đến nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc, tư bản, đế quốc, Người đã xúc động trước cảnh khổ cực, bị áp bức của những người dân lao động. Người nhận thấy ở đâu nhân dân cũng mong muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột.

Nhờ những bài học từ buổi thiếu niên về lý tưởng “bốn bể đều là anh em” và “năm châu họp làm một nhà”, Nguyễn Tất Thành không chỉ đau với nổi đau của dân tộc mình, Người còn xót xa trước nỗi đau vong nô của các dân tộc khác. Từ lòng yêu thương đồng bào mình, Hồ Chí Minh càng đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ trên toàn thế giới. Ở Người đã nảy sinh ý thức về sự cần thiết phải đoàn kết những người bị áp bức để đấu tranh cho nguyện vọng và quyền lợi chung. Có thể xem đây là biểu hiện đầu tiên của ý thức về sự đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc thuộc địa nhằm thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc.

Với lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh kiên trì chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Người chú ý xem xét tình hình các nước, suy nghĩ về những điều mắt thấy tai nghe, hăng hái học tập, tham gia các cuộc diễn thuyết của nhiều nhà chính trị và triết học. Năm 1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị Versaille đòi chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới và nhân dân Pháp phải chú ý tới tình hình Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc hành trình qua năm châu bốn biển đã không chỉ hình thành ở Hồ Chí Minh tình cảm và ý thức đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức, mà còn rèn luyện Người trở thành một người công nhân có đầy đủ phẩm chất, tâm lý của giai cấp vô sản. Thực tiễn trong gần 10 năm đi tìm đường cứu nước, nhất là khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin Người đã “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng…vui mừng đến phát khóc…”

Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào, đáp ứng những tình cảm, suy nghĩ, hoài bão được ấp ủ bấy lâu nay ở Người. “ Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”. Việc biểu quyết tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng Sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đã đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mac – Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản.

Việc xác định con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc là công lao to lớn đầu tiên của Hồ Chí Minh, trong thực tế, Người đã “gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân ta đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mac – Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.

Thời kỳ 1920 - 1930

[sửa]

Trong giai đoạn từ 1921 đến 1930, Nguyễn Ái Quốc có những hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận hết sức phong phú, sôi nổi trên địa bàn nước Pháp (1921 – 1923), Liên Xô (1923 – 1924), Trung Quốc (1924 – 1927), Thái Lan (1928 – 1229). Trong khoảng thời gian này, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản.

Người viết nhiều bài báo tố cáo chủ nghĩa thực dân, đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc, khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, giải phóng dân tộc thuộc địa là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới.

Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường kách mệnh (1927), Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (1930) và nhiều bài viết khác của Người trong giai đoạn này là sự phát triển và tiếp tục hoàn thiện tư tưởng cách mạng về giải phóng dân tộc. Những tác phẩm có tính chất lý luận nói trên chứa đựng những nội dung căn bản sau đây:

  • Bản chất của chế độ thực dân là “ăn cướp” và “giết người”. Vì vậy, chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
  • Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp công nhân.
  • Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ khắng khít với nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Ở đây, nguyễn Ái Quốc muốn nhấn mạnh đến vai trò tích cực, chủ động của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân.
  • Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi bọn ngoại xâm, giành độc lập, tự do.
  • Ở một nước nông nghiệp, lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế quốc, phong kiến bóc lột nặng nề. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành được thắng lợi cần phải thu phục, lôi cuốn được nông dân đi theo, cần xây dựng khối liên minh công nông làm động lực cho cách mạng. Đòng thời, cần phải thu hút, tập hợp rộng rãi các giai tầng xã hội khác vào trận tuyến đấu tranh chung của dân tộc.
  • Cách mạng muốn thành công trước hết cần phải có đảng lãnh đạo. Đảng phải theo chủ nghĩa Mac – Lênin và phải có một đội ngũ cán bộ sẵn sàng hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, vì lợi ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lý tưởng giải phóng giai cấp công nhân và nhân loại.
  • Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân chứ không phải việc của một vài người, vì vậy, cần phải tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp lên cao. Đây là quan điểm cơ bản đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc về nghệ thuật vận động quần chúng và tiến hành đấu tranh cách mạng.

Những quan điểm cách mạng trên đây của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ XX được giới thiệu trong các tác phẩm của Người, cùng các tài liệu Macxit khác, theo những đường dây bí mật được truyền về trong nước, đến với các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tạo ra một xung lực mới, một chất men kích thích, thúc đẩy phong trào dân tộc phát triển theo xu hướng mới của thời đại.

Thời kỳ 1930 - 1945

[sửa]

Vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Quốc tế cộng sản bị chi phối nặng bởi khuynh hướng “tả”. Khuynh hướng này đã trực tiếp tác động vào phong trào cách mạng Việt Nam. Biểu hiện rõ nhất là những quyết định được đưa ra trong hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng họp từ ngày 14 đến ngày 31 – 10 – 1930, tại Hương Cảng theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Hội nghị cho rằng, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930 vì chưa nhận thức đúng nên đặt tên Đảng sai và quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương; chỉ trích và phê phán đường lối của Nguyễn Ái Quốc đưa ra trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã phạm những sai lầm chính trị rất nguy hiểm, vì “chỉ lo đến phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh”. Do đó, đã ra nghị quyết “ thủ tiêu Chánh cương, Sách lược của Đảng” và phải dựa vào các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, chính sách và kế hoạch của Đảng “làm căn bổn mà chỉnh đốn nội bộ, làm cho Đảng được Bônsêvich hóa”...

Trên cơ sở xác định chính xác con đường cần phải đi của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì bảo vệ quan điểm của mình về vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa và cách mạng vô sản, chống lại những biểu hiện “tả” khuynh và biệt phái trong Đảng.

Thực tiễn đã chứng minh quan điểm của Người là đúng.

Tháng 7 năm 1935, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đã phê phán khuynh hướng “tả” trong phong trào Cộng sản quốc tế, chủ trương mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất vì hòa bình, chống chủ nghĩa Phát xít. Đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc, Đại hội VII bác bỏ luận điểm “tả” khuynh trước đây về chủ trương làm “cách mạng công nông”, thành lập “chính phủ Xô viết”... Sự chuyển hướng đấu tranh của Quốc tế Cộng sản đã chứng tỏ quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam, về mặt trận dân tộc thống nhất, về việc tập trung mũi nhọn vào chống chủ nghĩa đế quốc là hoàn toàn đúng đắn. Trên quan điểm đó, năm 1936, Đảng ta đã đề ra chính sách mới, phê phán những biểu hiện “tả” khuynh, cô độc, biệt phái trước đây.

Như vậy, sau quá trình thực hiện cách mạng, cọ xát với thực tiễn, vấn đề phân hóa kẻ thù, tranh thủ đồng minh... đã trở lại với Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là cơ sở để Đảng ta chuyển hướng đấu tranh trong thời kỳ 1936 – 1939, thành lập mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương (từ tháng 3 – 1938 đổi thành Mặt trận dân chủ Đông Dương) và tự năm 1939 đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Trước khi về nước, trong thời gian còn hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ nguyễn Ái Quốc vẫn luôn luôn theo dõi tình hình trong nước, kịp thời có những chỉ đạo để cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên. Người viết 8 điểm xác định đường lối, chủ trương cho cách mạng Đông Dương trong thời kỳ 1936 – 1939. Khi tình hình thế giới có những biến động mới, Người đã chủ động đề nghị Quốc tế Cộng sản cho về nước hoạt động. Người yêu cầu “đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”.

Được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, Nguyễn Ái Quốc từ Moskva về Trung Quốc (tháng 10 – 1938). Tại đây, Người đã có những quan điểm chỉ đạo sát hợp gửi cho các đồng chí lãnh đạo trong nước. Ngày 28 -1 -1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về tổ quốc. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, Nguyễn Ái Quốc từ Moskva về Trung Quốc (tháng 10 – 1938). Tại đây, Người đã có những quan điểm chỉ đạo sát hợp gửi cho các đồng chí lãnh đạo trong nước. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoàn chỉnh việc chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh các quyền cơ bản của các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bản tuyên ngôn nêu rõ: ‘Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, trong đó, độc lập, tự do gắn với phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chính trị cốt lõi, vốn đã được Hồ Chí Minh phác thảo lần đầu trong Cương lĩnh của Đảng năm 1930, nay trở thành hiện thực cách mạng, đồng thời trở thành chân lý của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới của dân tộc ta.

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là thắng lợi của chủ nghĩa Mac – Lênin được vận dụng, phát triển sát, đúng với hoàn cảnh Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh.

Thời kỳ 1945 - 1969

[sửa]

Mới giành được chính quyền chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chúng núp sau quân đội Anh gây hấn ở Nam Bộ. Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng kéo vào hòng thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, bóp chết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của dân tộc, Hồ Chí Minh đã lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở, tới bờ bến thắng lợi. Về đối nội, Người chủ trương củng cố chính quyền non trẻ, đẩy lùi giặc đói, giặc dốt, khắc phục nền tài chính thiếu hụt. Về đối ngoại, Người vận dụng sách lược khôn khéo, mềm dẻo, thêm bạn bớt thù, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tranh thủ thời gian để chuẩn bị thế và lực cho kháng chiến lâu dài. Chính nhờ đó, ngày 19 - 12 – 1946, với tư thế sẵn sàng và lòng tin sắt đá vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Từ đây, Người là linh hồn của cuộc kháng chiến, đề ra đường lối vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Người đặc biệt chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đấu tranh chống tệ quan liêu, mệnh lệnh, xây dựng đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phát động phong trào thi đua ái quốc...

Năm 1951, do yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Trung ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao Động Việt Nam. Đại hội đã chủ trương thành lập đảng riêng ở Lào và Campuchia, kịp thời lãnh đạo các nhiệm vụ cách mạng ở mỗi nước. Đại hội cũng thông qua Cương lĩnh và Điều lệ mới của Đảng, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, nhằm động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và chủ tịch Hồ chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi.

Đó là thắng lợi của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, bảo vệ thành quả của cách mạng Tháng Tám; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh: vừa kháng chiến vừa xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, kết hợp chặt chẽ và đúng đắn giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, vận dụng sáng tạo nguyên lý chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mac – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, kế tục và phát triển kinh nghiệm chống xâm lược lâu đời của cha ông, kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng lực lượng cách mạng với công tác xây dựng Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên mọi mặt của cuộc kháng chiến, vừa xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, vừa xây dựng mầm mống cho chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.

Sau hiệp nghị Genève năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng nhưng đất nước vẫn bị chia cắt bởi âm mưu gây chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Đứng trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã sớm xác định kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam, đề ra cho mỗi miền Nam, Bắc một nhiệm vụ chiến lược khác nhau, xếp cách mạng Miền Bắc vào phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa, còn cách mạng miền Nam thuộc phạm trù cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà, còn cách mạng Miền Nam giữ vị trí quan trọng, có tác dụng quyết định trực tiếp nhất đối với sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thực hiện hòa bình, thống nhất tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Xuất phát từ thực tiễn, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiều vấn đề đã tiếp tục được bổ sung và phát triển, hợp thành một hệ thống những quan điểm lý luận về cách mạng Việt Nam, đó là: tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân; tư tưởng và chiến lược về con người; tư tưởng về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền...