Bước tới nội dung

Sách luận ngữ/Học Nhi

Tủ sách mở Wikibooks

16 bài


1.11.1

子曰: 學而時習之、不亦說乎?

有朋自遠方來、不亦樂乎?

人不知而不慍、不亦君子乎?

Tử viết: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?

Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?

Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?

Khổng tử nói: Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?

Có bạn hữu nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao?

Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế chẳng phải người quân tử ư?

(Lời bàn: Bài học đầu tiên, Khổng tử nói về niềm vui “học và hành”, niềm vui đón “bạn phương xa” và…nhắc đừng buồn khi có người hiểu lầm ta)

1.2

有子曰: 其為人也孝弟、而好犯上者、鮮矣;不好犯上、而好作亂者、未之有也。君子務本、本立而道生。孝弟也者、其為仁之本與!

Hữu tử viết: Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả, tiển hĩ; bất hiếu phạm thượng, nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã. Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ!

Hữu tử nói: Người biết hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi hơn mà lại thích cãi cọ xung đột mạo phạm cấp trên là hiếm có; Người không thích mạo phạm cấp trên mà lại thích làm loạn là không có. Quân tử chuyên tâm lo cái gốc tu thân thì đạo lập thân tự nhiên phát sinh. Hiếu và đễ là cái gốc của đạo Nhân.

(Chú thích: Hữu tử tức Hữu Nhược, tự Tử Hữu người nước Lỗ, là học trò Khổng tử. Hiếu: hiếu thảo với cha mẹ, đễ : tôn trọng anh, chị, các bề trên)

1.3

子曰:巧言令色,鮮矣仁!

Tử viết: Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân!

Khổng tử nói: Người ưa dùng lời nói khéo hay, làm vẻ mặt hiền lành, như vậy chưa hẳn là người có lòng nhân.

(Chú thích: Chữ “lệnh sắc” nghĩa là “làm ra vẻ mặt theo ý muốn”, “giả bộ”, thay vì vẻ mặt thể hiện tự nhiên tâm trạng bên trong. Theo mạch câu văn, tạm dịch là “làm vẻ mặt hiền lành”).

1.4

曾子曰: 吾日三省吾身:為人謀而不忠乎?與朋友交而不信乎?傳不習乎?

Tăng tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?

Tăng tử nói: Tôi mỗi ngày xét mình ba điều. Mưu việc cho người khác thành tâm chưa? Kết giao bạn bè đã giữ chữ tín chưa ? Kiến thức thầy truyền dạy, đã luyện tập chưa?

(Chú thích: Tăng tử tức Tăng Sâm, học trò giỏi của Khổng tử, sau này viết ra sách “Đại học”. Phần cuối có người dịch là: Kiến thức ta sắp đi truyền dạy, đã luyện tập chưa?)

1.5

子曰: 道千乘之國:敬事而信,節用而愛人,使民以時。

Tử viết: Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhân, sử dân dĩ thời.

Khổng tử nói: Lãnh đạo quốc gia có nghìn cỗ xe, phải giữ điều tín mọi việc, tiết kiệm chi tiêu, yêu mến dân, sử dụng sức dân theo thời gian thích hợp.

(Chú thích: Vua quan sử dụng sức dân cần phải nghĩ tới mùa vụ, tránh sai khiến tùy tiện khiến nông dân lỡ thời vụ)

1.6

子曰: 弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛眾,而親仁。行有餘力,則以學文。

Tử viết: Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.

Khổng tử nói: Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.

1.7

子夏曰: 賢賢易色,事父母能竭其力,事君能致其身,與朋友交言而有信。雖曰未學,吾必謂之學矣。

Tử Hạ viết: Hiền hiền dịch sắc, sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực, sự quân năng trí kỳ thân, dữ bằng hữu giao ngôn nhi hữu tín. Tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hĩ.

Tử Hạ nói: Tôn trọng hiền tài hơn nữ sắc; đối đãi với cha mẹ tận lực; thờ vua liều chết quên thân, giao lưu bạn hữu nói lời tin cậy. Người như vậy tuy không đi học, ta coi là người có học.

(Chú thích: Tử Hạ là học trò của Khổng tử. Người có học (trí thức), là người có bốn phẩm chất trên, không cần bằng cấp học vị)

1.8

子曰: 君子不重則不威,學則不固。主忠信,無友不如己者,過則勿憚改。

Tử viết: Quân tử bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ ‎‎trung tín, vô hữu bất như kỷ giả, quá tắc vật đạn cải.

Khổng tử nói: Quân tử thiếu thái độ trang trọng thì không uy nghiêm; học cũng không củng cố được kết quả. Quân tử lấy chữ tín và trung làm chủ. Không kết bạn với người không giống mình. Có sai lầm không ngại sửa chữa.

(Lời bàn: Bạn đọc thử nghĩ xem có nên “kết bạn với người không giống mình” ?)

1.9

曾子曰:慎終追遠,民德歸厚矣。

Tăng tử viết: Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ.

Tăng tử nói: Cẩn thận lo tang lễ cha mẹ, thường tưởng nhớ tổ tiên xưa, dân chúng cảm đức mà theo về.

(Lời bàn: “truy viễn” (nhớ người xưa) rất đa nghĩa. Tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nhớ họ hàng nơi xa, nhớ lời dạy của bậc thánh nhân thời trước… Đây là lời khuyên dành cho vua chúa, quan chức)

1.10

子禽問於子貢曰:夫子至於是邦也,必聞其政,求之與?抑與之與?

子貢曰: 夫子溫、良、恭、儉、讓以得之。夫子之求之也,其諸異乎人之求之與?

Tử Cầm vấn ư Tử Cống viết: Phu tử chí ư thị bang dã, tất văn kỳ chính, cầu chi dự? Ức dữ chi dự?

Tử Cống viết: Phu tử ôn, lương, cung, kiệm, nhượng dĩ đắc chi. Phu tử chi cầu chi dã, kỳ chư dị hồ nhân chi cầu chi dự?

Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng: Thầy Khổng đi qua các nước đều được tham dự chính sự ở các nước ấy. Là do thầy cầu xin hay do người ta yêu cầu?

Tử Cống đáp: Thầy Khổng có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường nhịn nên được như vậy. Cách cầu việc của thầy khác với lối xin việc của người khác.

(Chú thích: ôn: ôn hòa, lương: hiền dịu, cung: cung kính, kiệm: tiết kiệm, nhượng: nhường nhịn. Tử Cầm và Tử Cống có tên là Đoan Mộc Tứ đều là học trò Khổng tử)

1.11

子曰: 父在,觀其志;父沒,觀其行;三年無改於父之道,可謂孝矣。

Tử viết: Phụ tại, quan kỳ chí; phụ một, quan kỳ hành; Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ.

Khổng tử nói “Khi cha còn tại thế, chú ý quan sát chí hướng của cha, khi cha mất đi thì suy ngẫm về cách hành sự của cha. Nếu ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi lời dạy của cha thì gọi là có hiếu”.

1.12

有子曰: 禮之用,和為貴。先王之道斯為美,小大由之。有所不行,知和而和,不以禮節之,亦不可行也。

Hữu tử viết: Lễ chi dụng, hòa vi quí. Tiên vương chi đạo tư vi mĩ, tiểu đại do chi. Hữu sở bất hành, tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã.

Hữu tử nói: Giữ lễ mà đạt được sự hài hòa là quí. Đạo trị nước của vua chúa thời trước, việc lớn nhỏ đều tuân theo sự hài hòa. Nhưng nếu chỉ biết hài hòa, không lấy chữ “lễ” để ràng buộc thì việc nào cũng không xong.


1.13


有子曰: 信近於義,言可復也;恭近於禮,遠恥辱也;因不失其親,亦可宗也。

Hữu tử viết: Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã; Cung cận ư lễ, viễn sỉ nhục dã; Nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã.

Hữu tử nói: Giữ được chữ tín là gần với nghĩa, lời hứa có thể thực hiện được. Cung kính là gần với chữ Lễ, vậy tránh xa được điều sỉ nhục; Vì không mất đi sự thân cận lễ nghĩa đó nên giữ được tông pháp.


'1.14

子曰: 君子食無求飽,居無求安,敏於事而慎於言,就有道而正焉,可謂好學也已。

Tử viết: Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ.

Khổng tử nói: Quân tử ăn không cầu no, chỗ ở không cầu an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, là kẻ có đạo chính đáng, có thể gọi là người hiếu học.

(Lời bàn: “an cư” nghĩa rất rộng: nơi ở an toàn, nghiêm mật lại thoải mái rộng rãi, cầu kỳ, ở được lâu, ít thay đổi chỗ… Quan điểm “cư vô cầu an” của quân tử trái với phương châm thông thường “an cư lạc nghiệp”)

1.15

子貢曰: 貧而無諂,富而無驕,何如?

子曰: 可也。未若貧而樂,富而好禮者也。

子貢曰: "詩" 云:"如切如磋,如琢如磨。" 其斯之謂與?

子曰:賜也,始可與言詩已矣!告諸往而知來者。

Tử Cống viết: Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như?

Tử viết: Khả dã. Vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ giả dã.

Tử Cống viết: "Thi" vân: "Như thiết như tha, như trác như ma." Kỳ tư chi vị dư?

Tử viết: Tứ dã, thỉ khả dữ ngôn thi dĩ hĩ! Cáo chư vãng nhi tri lai giả.

Tử Cống hỏi “Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được chưa?”. Khổng tử đáp “Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu mà chuộng học lễ nghĩa”.

Tử Cống hỏi “Kinh Thi viết: như cắt như gọt (xương, sừng), như mài như giũa (đá ngọc) để tạo ra vật quí, là nói điều này phải chăng?”.

Khổng tử nói “Tứ này, có thể bắt đầu bàn luận Kinh Thi được rồi, bởi vì nói cho ngươi việc quá khứ, ngươi đã hiểu việc tương lai”.

(Lời bàn: “Nghèo lạc quan” nghĩa là vẫn ước mơ, phấn đấu làm giàu chứ không phải lạc quan chịu nghèo. “Như cắt như gọt, như mài như giũa” ý nói việc học hành rèn luyện phải kiên trì và khéo léo).

1.16

子曰: 不患人之不己知,患不知人也。

Tử viết: Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã.

Khổng tử nói: Không sợ người không hiểu ta, chỉ sợ (ta) không hiểu người.