Sách Ki tô giáo/Lịch sử Hình thành và phát triển Kitô giáo
Ki tô giáo thuộc tôn giáo nhất thần thuộc nhóm Tôn giáo Abrahamm. Hầu hết Kitô hữu tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất hiện hữu trong 3 thân vị (tiếng Hy Lạp: hypostasis) gọi là Chúa Ba Ngôi.- Chúa cha, Chúa con và Chúa thánh linh
Kitô giáo bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo với các dị biệt văn hóa, cũng như các xác tín và hệ phái khác nhau. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự hình thành nên ba nhánh chính là Công giáo La mã, Chính thống giáo Đông phương và Tin Lành. Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất với 2,2 tỉ tín hữu, chiếm khoảng 32% dân số thế giới. [ Đọc tiếp ]
Hình thành
[sửa]Vào thuở Kitô giáo sơ khởi, một tín hữu có thể vẽ một cung trên đất khi gặp một người khác, nếu chia sẻ cùng niềm tin, người này sẽ vẽ tiếp một cung nữa để hoàn chỉnh hình con cá (Ichthys), một biểu trưng của Kitô giáo.
Vào thời kỳ ban đầu, Hội thánh bao gồm hai cộng đồng: Do Thái và Hy Lạp. Trong khi cộng đồng Do Thái, phần đông là các tín hữu gốc Do Thái, muốn duy trì một số tập tục và nghi thức của Do Thái giáo (Judaism) như phép cắt bì và một số kiêng cữ khác thì cộng đồng Hy Lạp, những người chịu ảnh hưởng từ thế giới nói tiếng Hy Lạp, tin rằng thông điệp của Kitô giáo nên được truyền bá theo các phương pháp thích hợp hơn với thế giới Hellenistic bên ngoài.
Một trong những nhà trước tác quan trọng đầu tiên của Kitô giáo, Tertullianus, đã viết cho một quan tổng đốc Đế chế La Mã về sự phát triển của Kitô giáo tại Carthago rằng mới hôm qua họ chỉ là một nhóm nhỏ, "nay có mặt khắp mọi nơi – các đô thị, hải đảo, trong thành lũy, thị trấn, chợ, ngay cả trong trại lính, tại các bộ tộc, lâu đài, nghị viện; chúng tôi chẳng để lại gì cho quý vị ngoại trừ các nơi thờ phụng các thần linh của quý vị mà thôi." (Bài biện giáo viết tại Carthago, năm 197).
Trong vòng vài thế kỷ đầu tiên, các Giáo Phụ, là các nhà thần học và triết học khoa bảng, như Justinô Tử đạo, Origenes và Augustinus đã phát triển nền thần học và triết học Kitô giáo.Trong suốt ba thế kỷ đầu tiên, Kitô giáo lan truyền nhanh chóng trong khu vực Địa Trung Hải và được truyền bá ra cả bên ngoài Đế quốc La Mã: thông qua Syria tới Armenia, Gruzia, Lưỡng Hà, Ba Tư và Ấn Độ, thông qua Ai Cập đến Libya, Sudan và Ethiopia, thông qua Tiểu Á, Hy Lạp và La Mã đến các vùng khác của Âu châu cũng như tới tây bắc Phi châu
Khó khăn
[sửa]Suốt thời kỳ này, trong khi đang phát triển mạnh mẽ, Hội thánh cũng phải trải qua các cơn bách hại. Ngay từ những ngày đầu tiên, Kitô giáo là mục tiêu của những sự bách hại, dẫn đến sự tử đạo của Stêphanô và Giacôbê, con của Zêbêđê. Những đợt bách hại ở quy mô lớn hơn, dù không thường xuyên nhưng dữ dội, xảy ra dưới thời trị vì của các hoàng đế La Mã như Nero, Valerianus, Diocletianus và Galerius. Cuộc đời của những người tử đạo, thà chết chứ không chối bỏ đức tin, trở nên biểu trưng cho đức hạnh cao quý nhất. Các bản dịch Kinh Thánh sớm nhất bắt đầu xuất hiện, danh sách quy điển Tân Ước được đồng thuận. Hệ thống phẩm trật được củng cố: các giám mục thành Roma, Alexandria và Antiochia đều được công nhận danh hiệu Trưởng phụ.
Hoàng đế La Mã Galerius, trước khi chết, ban chiếu chỉ Galerius ngưng mọi hoạt động bách hại. Hoàng đế Constantinus I gặp thị kiến năm 312 và một năm sau đó ban hành chiếu chỉ Milano hợp pháp hóa Kitô giáo.
Dù vậy, các cuộc bách hại được tái lập dưới triều Julianus Kẻ bội giáo (361-363), người muốn phục hồi cựu giáo trên lãnh thổ đế quốc. Tuy nhiên, vào năm 380 dưới triều hoàng đế Theodosius I, Kitô giáo được công nhận làm quốc giáo với chiếu chỉ Thessalonica.
Trước đó, điều tương tự đã xảy ra tại các xứ láng giềng Armenia và Gruzia, cũng như tại Ethiopia. Nhưng tại Đế quốc Ba Tư vốn luôn đối nghịch với Đế quốc La Mã, Kitô hữu phải chịu nhiều áp bức từ Nhà Sassanid muốn củng cố lại địa vị của Hỏa giáo.Tại Đế quốc Ba Tư, vào năm 410 giám mục thành Seleucia-Ctesiphon miền Assyria đã thay thế Thượng phụ thành Antiochia để giữ thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội Phương Đông (Cảnh giáo). Trong thời kỳ ly giáo Nestorian, giáo hội này cắt đứt quan hệ với phương Tây. Trong suốt một thiên niên kỷ đã trở thành giáo hội có nhiều ảnh hưởng tại châu Á với các giáo phận được thành lập tại những nơi xa xôi như Trung Á, Ấn Độ, Java và Trung Hoa.