Sách Hàn Phi Tử/Tám thuyết sai lầm (Bát thuyết)

Tủ sách mở Wikibooks
1.

Vì người quen cũ mà làm việc riêng thì gọi là không bỏ bạn, kẻ lấy của công ra phân phát thì gọi là người có nhân. Kẻ coi nhẹ lộc vua coi trọng thân mình thì gọi là người quân tử. Kẻ bẻ cong pháp luật, thiên lệch đối với người thân thì gọi là người có hạnh. Kẻ bỏ chức quan thích chơi với bạn thì gọi là người hào hiệp. Kẻ lánh đời, trốn người trên thì gọi là người cao ngạo. Kẻ tranh giành nhau làm trái mệnh lệnh thì gọi là người cương nghị. Kẻ thi hành ân huệ để lấy lòng người ta thì gọi là người được lòng dân.

Nhưng kẻ không bỏ bạn cũ nếu được làm quan thì sẽ làm gian. Kẻ có nhân làm tổn hại tới tài sản cổng, Người quân tử là loại dân khó sai bảo. Người có hạnh làm cho pháp luật, chế độ bị hỏng. Người nghĩa hiệp bỏ trốn chức quan. Người cao ngạo là loại dân không phục vụ ai. Người cương nghị không thi hành mệnh lệnh. Người được lòng dân làm nhà vua bị cô lập.

Tám điều trên là cái danh tiếng riêng của kẻ thất phu nhưng lại là điều tổn hại lớn cho bậc vua chúa. Bậc vua chúa không xét kỹ điều lợi và điều hại của nước nhà, mà lại dùng cái tiếng khen riêng của kẻ thất phu. Như vậy mà muốn cho nước không nguy, không loạn là điều không thể được!

2.

Dùng công việc để sử dụng người, đó là cái then chốt của sự còn hay mất, trị hay loạn. Nếu không có cái thuật để bổ nhiệm người thì dùng người nào cũng hỏng. Những người nhà vua dùng nếu như không phải là những kẻ nói giỏi khôn ngoan thì là những người trau giồi thân mình và liêm khiết. Dùng người ta là khiến cho người ta có thế lực. Kẻ sĩ khôn ngoan không nhất định là những người giữ chữ tín. Vì nhà vua khen cái khôn ngoan của họ cho nên hiểu lầm về chữ tín của họ. Lấy cái mưu kế của kẻ sĩ khôn ngoan, ở vào cái thế của kẻ có chức vụ mà làm việc riêng thì nhà vua thế nào cũng bị lừa dối.

Vì những kẻ khôn ngoan không thể tin, cho nên nhà vua dùng những kẻ sĩ trau giồi thân mình, cho họ quyết định công việc. Những kẻ sĩ trau giồi thân mình không nhất thiết là những người khôn ngoan. Vì nhà vua hiểu lầm về chỗ thần mình họ trong sạch cho nên nhà vua tường họ là khôn ngoan. Lấy sự hôn ám của người ngu, mà ngồi ở chức quan trông coi công việc thì thế nào công việc cũng phải rối loạn. Cho nên nếu không có cái thuật để dùng người mà dùng người khôn thì người khôn sẽ lừa nhà vua, nhưng nếu dùng người trau giồi thân mình thì công việc của nhà vua sẽ rối loạn. Đó là cái lo của tình trạng không có thuật!

Cái đạo của vị vua sáng là người hèn được phép bàn về người sáng, kẻ dưới được phép nói cái sai của người trên, dùng lối tham khảo nhiều người để quyết định về sự thành thực, và không phải chỉ nghe một cửa mà thôi. Cho nên những người khôn ngoan không thể lừa dối. Tính công mà ban thưởng, dựa vào khả năng mà giao việc, xét kỹ đầu cuối để xem sự sai lầm. Kẻ có lỗi thì bị tội, kẻ có tài thì được thưởng. Cho nên người ngu không giữ chức quan, người khôn không thể lừa dối, người ngu không được phép quyết định thì công việc không sai lầm.

3.

Những điều mà những kẻ sĩ sâu sắc mới có thể hiểu được thì không thể đưa ra làm lệnh, vì dân không phải tất cả đều sâu sắc. Những điều chí có những người hiền mới có thể làm được thì không thể dùng làm pháp luật, vì dân không phải tất cả đều hiền. Dương Chu, Mặc Dịch là những người sâu sắc trong thiên hạ, gặp thời loạn họ không quyết định được. Tuy họ sâu sắc nhưng không thể làm mệnh lệnh của viên quan. Bão Tiều, Hoa Giác, thiên hạ đều cho là hiền. Nhưng Bão Tiều ôm cây khô mà chết, Hoa Giác nhảy xuống sông. Tuy họ hiền nhưng không thể dùng họ để cày ruộng, chiến đấu. Cho nên kẻ vị vua chúa cho là sâu xa là kẻ sĩ đem hết tài hùng biện, kẻ bậc vua chúa tôn quý là kẻ sĩ có năng lực đem hết sức mình đi làm. Các vị vua chúa đời nay coi trọng lời hùng biện vô dụng, đề cao những việc làm xa công dụng. Làm thế mà muốn cho nước được giàu có, hùng mạnh thì không thể được.

Học rộng, khôn ngoan, biện luận giỏi thì như Khổng Tử, Mặc Tử là nhất. Nhưng Khổng Tử, Mặc Tử không lo cày bừa thì nước được lợi cái gì? Trau giồi chữ hiếu, ít ham muốn thì như Tăng Sâm, Sử Thu là nhất. Nhưng Tăng Sâm, Sử Thu không đánh giặc thì nước được lợi cái gì? Kẻ thất phu có cái tiện riêng của mình, bậc vua chúa có cái lợi chung, Không làm gì mà đủ sống, không làm quan mà nổi danh, đó là cái tiện riêng. Chấm dứt văn học để nêu rõ pháp luật và quy tắc, chặn cái tiện riêng để làm cho các công lao thống nhất lại. Đó là cái lợi chung. Lập pháp luật để hướng dẫn dân mà lại còn quý văn học thì dân tuy theo pháp luật, nhưng vẫn còn ngờ vực. Thưởng công để khuyến khích dân nhưng lại để cao việc trau giồi đức hạnh, thì dân sẽ lười biếng trong việc làm ra cái lợi. Quý chuộng văn học đề cho dân nghi ngờ pháp luật, đề cao việc trau giồi đức hạnh cho nó ngang với công lao mà lại muốn nước mạnh, dân giàu thì không thể được.

4.

Cầm hốt cầm khiên để múa không bằng cầm cờ, mang giáo sắt. Lên xuống tới lui trong triều không bằng một ngày đi trăm dặm. Bắn vào đầu con cầy hương làm đích không bằng nhiều cây nỏ cứng cùng bắn. Khiên, thành chống lại việc tấn công không bằng núi đất, đường hào. Người xưa tranh nhau về đức, đời giữa tranh nhau về khôn ngoan, đời nay tranh nhau về sức. Đời xưa, việc ít và việc đề phòng đơn giản, thô sơ mà không đầy đủ, cho nên có kẻ trang sức bằng vỏ sỏ và dùng người để đẩy xe. Đời xưa người ít mà thân yêu nhau, đồ vật nhiều nên coi thường cái lợi mà dễ nhường cho nhau, cho nên có chuyện vái nhau mà truyền thiên hạ. Như vậy thì làm việc vái nhường đề cao chuyện nhân từ và ân huệ và chủ trương nhân đức trọng hậu đều là do cái chính trị xưa. Một khi đã ở vào cái thời buổi lắm việc mà lại dùng những đồ dùng của cái thời có ít việc, đó không phải là cách phòng bị của con người khôn, ở vào thời buổi ra sức tranh giành nhau mà lại theo cái khuôn phép vái nhường đó không phải là cách cai trị của bậc thánh nhân. Cho nên người khôn thì không ngồi trên cái xe do người ta đẩy, bậc thánh nhân thì không thi hành chính sách nhường nhịn.

5.

Pháp luật là để điều khiển sự việc, sự việc là cái để gọi tên công lao. Pháp luật lập ra mà có cái khó thì cân nhắc cái khó. Công việc có kết quả thì lập thành pháp luật. Công việc thành mà có hai, cân nhắc cái hại nhưng công lao nhiều thì làm. Pháp luật mà không có cái khó, công lao mà không có cái hại, cái đó trong thiên hạ không hề có. Cho nên nhổ cái kinh đô tường cao ngàn trượng, đánh bại một đạo quân mười vạn người, dù những người chết và bị thương đến một nửa số quân, binh khí gãy hỏng, sĩ tốt bị thương và chết, nhưng vẫn chúc mừng chiến thắng, được đất, vì chịu cái hại nhỏ mà tính cái lợi lớn. Phàm gội đầu thì có tóc rụng, chữa bệnh thương tổn đến máu và thịt. Làm người thấy cái khó mà bỏ công việc làm đó là mối lo không có cái thuật làm việc. Bậc tiên thánh có nói: “Cái quy có sai, nước trong thước đo có sóng, ta muốn sửa nó, nhưng không thể làm gì”. Đó là nói chuyện quyền biến.

Vì vậy có những thuyết đứng vững nhưng xa sự thực hành, có những lời vụng về nhưng cần thiết cho công dụng. Cho nên bậc thánh nhân cần tìm lời nói vô hại, mà ham những việc không dễ. Người ta không thích cái cân và cái thạch không phải người ta liêm khiết, trung thực và xa cái lợi mà vì cái thạch không thể vì người mà thành nhiều hay ít, không thể vì người mà thành nặng hay nhẹ. Đòi hỏi nhưng không được, cho nên người ta không thích. Nước của bậc vua sáng, quan không dám bẻ cong pháp luật, lại không dám làm việc riêng tư, việc hối lộ không thi hành, những việc trong bờ cõi đều như cái cân cái thạch cà. Bởi vì bầy tôi nếu gian dối thì thế nào trên cũng biết. Cho nên vua chúa có đạo không đòi phải có quan lại liêm khiết mà cốt phải có cái thuật biết chắc chắn.

6.

Bà mẹ hiền đối với đứa con cưng, yêu con không ai hơn được. Thế nhưng nếu đứa con nuông có tính hạnh kém thì cho nó đi theo thầy học. Nó có bệnh nặng thì cho nó đến thầy thuốc. Nếu nó không theo thầy học thì nó sẽ bị trừng phạt, nếu nó không đến thầy thuốc thì không khéo sẽ chết. Bà mẹ hiền tuy yêu con nhưng không ích gì trong việc tránh hình phạt và cứu con khỏi chết. Như thế tức là cái bảo tồn được đứa con, đó không phải là tình yêu vậy. Bản tính của bà mẹ là tình yêu, cái cân nhắc giữa tôi và vua là sự tính toán. Bà mẹ đã không thể lấy tình yêu mà bảo tồn nhà mình, vậy thì ông vua làm sao có thể dùng tình yêu để giữ nước mình được?

Vị vua chúa sáng hiểu rõ cái thuật làm cho nước mạnh dân giàu thì có thể đạt được điều mình muốn. Vì vậy cho nên cần thận trong việc nghe nói cách trị nước là cái phép làm cho nước được giàu mạnh. Hiểu rõ những phép tắc và những điều ngăn cấm, xem xét những mưu kế. Pháp luật sáng rõ thì bên trong không có cái lo sinh biến loạn. Mưu kế hay thì bên ngoài không phải cái nguy là bị hết và bị cầm tù. Cho nên cái bảo tồn nước không phải là nhân nghĩa. Người có nhân thì làm ơn huệ mà coi nhẹ tài sản. Kẻ tàn bạo là kẻ trong lòng cứng rắn và coi nhẹ việc giết người. Nhưng thương người, làm ơn huệ thì không đành lòng, coi nhẹ của cải thì thích cho. Bụng dạ cứng rắn, bụng ghen ghét biểu lộ đối với người dưới, coi nhẹ việc giết người thì giết người ta bừa bãi. Không đành lòng thì những người bị phạt nhiều người được tha, thích cho thì thưởng nhiều người không có công. Bụng ghét để lộ thì người dưới oán người trên. Giết bừa bãi thì dân sẽ phản lại. Cho nên kẻ có nhân làm vua thì ở dưới ngông cuồng, coi nhẹ việc phạm pháp, làm điều cấm, trông mong nhà vua ban thưởng bất ngờ. Người tàn bạo làm vua thì pháp luật, mệnh lệnh bậy bạ và quan hệ giữa vua và tôi sai lệch dân oán và bụng làm loạn nẩy sinh. Cho nên nói: “Người nhân hay người tàn bạo đều là những người làm cho nước mất”.

Không có đủ cơm canh mà mời người chết đói ăn thì không thể cứu sống anh tạ được. Không phải quang cỏ, trồng lúa để cho nhà vua có cái mà ban thường, tăng cấp, thì không thể làm cho dân giàu được. Những điều bọn học giả đời nay nói đến không lo tới cái gốc mà thích những việc ngọn, chỉ biết nói chuyện ông thánh suông để làm cho dân được vừa lòng. Đó là cái thuyết “mời người chết đói ăn cơm”. Cái thuyết “mời người chết đói ăn cơm” vị chúa sáng không chấp nhận.

7.

Sách nói tóm tắt thì bọn học trò hay biện luận, pháp luật gọn thì việc kiện tụng của dân ít đi. Vì vậy cho nên sách của thánh nhân thế nào cũng lý luận rõ ràng, pháp luật của vị chúa sáng thế nào cũng xét sự việc rõ ràng. Hết sức suy nghĩ, suy xét điều đúng điều sai, kẻ khôn ngoan còn cho là khó làm. Không suy nghĩ, nắm lấy lời nói trước mà xét công việc làm sau thì người ngu dại cũng cho là dễ. Bậc vua sáng nghĩ đến những điều người ngu cho là để mà bất người khôn phải làm những việc họ thấy là khó. Cho nên nhà vua không phải mất công nhọc sức mà nước được trị an.

Các vị chua, ngọt, mặn, nhạt, nếu nhà vua không lấy miệng mình để quyết định mà dựa vào anh đầu bếp, thì những người nấu bếp sẽ coi thường nhà vua mà trọng anh đầu bếp. Âm thanh cao, thấp, trong, đục, nếu nhà vua không lấy tai mình để quyết định mà dựa vào ông quan nhạc chính thì các nhạc công mù sẽ coi thường nhà vua mà coi trọng ông nhạc chính. Việc trị nước đúng hay sai, nếu không dùng thuật trị nước để quyết định mà quyết định ở những người nhà vua yêu, thì bầy tôi ở dưới sẽ coi nhẹ nhà vua và coi trọng những người nhà vua yêu. Ông vua nếu không tự mình nhìn và nghe, mà lại để cho người dưới quyết định thì chỉ là một kẻ ăn gửi nằm nhờ ở trong nước mà thôi.

Ví thử con người không ăn không mặc, nhưng cũng không đói không rét, lại không sợ chết thì người ta sẽ không có ý thờ người trên. Nếu họ không muốn để cho nhà vua cai quản thì nhà vua cũng không thể sai khiến họ được.

Nay quyền sinh quyền sát là ở các quan đại thần mà mệnh lệnh của vua được thi hành thì đó là điều chưa hề có. Con hổ con báo nếu không dùng răng và vuốt thì cũng như là con chuột, không có uy lực gì. Cái nhà có vạn cân vàng nếu không dùng đến sự giàu có của mình, thì cũng như người giữ của mà thôi. Ông vua có đất thích người ta mà không làm cho người ta được hưởng lợi, ghét người ta mà không làm hại được họ thì không thể đòi hỏi người ta phải sợ và trọng mình.

8.

Bầy tôi buông thả theo ý riêng của mình, thì người ta gọi là hào hiệp. Ông vua buông thả theo ý riêng của mình thì gọi là loạn. Bầy tôi coi khinh người trên thì gọi là kiêu; ông vua coi khinh kẻ dưới thì gọi là bạo. Cái nguyên lý của hành động ở hai bên thực tế là một, nhưng người dưới thì được khen còn nhà vua thì bị chê. Bầy tôi được lợi to, nhà vua thua mất lo.

Trong nước của bậc vua sáng có bầy tôi sáng nhưng không có bầy tôi nắm quyền lớn. Bầy tôi sáng đó là bầy tôi được hưởng tước cao và làm quan to. Bầy tôi nắm quyền lớn, đó là bầy tôi nói thì được nghe, có nhiều thế lực. Trong nước của vị vua sáng thì quan tước là do công lao mà có, cho nên có bầy tôi sang. Lời nói nếu không đúng quy tắc, việc làm dối trá thì thế nào cũng bị phạt, cho nên không có bầy tôi nắm lấy quyền.

Chú thích[sửa]

[77] Nguyên văn là “tám thuyết”, chỉ tám quan điểm của đạo Nho.