Sách Hàn Phi Tử/Tám nguyên lý (Bát kinh)

Tủ sách mở Wikibooks
I.

Dựa theo tình cảm con người[78] Nói chung, muốn trị thiên hạ thì phải dựa theo tình cảm con người. Tình cảm con người có yêu có ghét, cho nên sự thường phạt có thể dùng được. Thưởng và phạt có thể dùng được thì lệnh ngăn cấm có thể thi hành mà cái đạo trị nước có đủ vậy. Nhà vua cầm cái quyền bính và giữ cái thế cho nên lệnh ban ra được thi hành và điều ngăn cấm khiến người ta thôi. Quyền bính là cái quyết định sự sống chết. Cái thế là cái cơ sở để thắng đám đông.

Nếu bãi bỏ và bổ nhiệm không có quy tắc thì cái quyền mất. Thường và phạt cùng chung làm với người dưới thì cái thế bị chia. Vì vậy cho nên bậc vua sáng không phải vì yêu mà nghe, người ta, không phải vì thích mà theo kế của người la. Cho nên nếu nghe lời nói mà không tham khảo những lời khác thì cái quyền bị bọn gian chia mất. Nếu không dùng cái trí khôn ngoan của mình thì thế, nào cũng bị bầy tôi làm cho khốn cùng. Cho nên bậc vua sáng thi hành pháp chế thì không thể lường được như trời, dùng người thì kín đáo như quỷ. Trời thì không thể chê bai, quỷ thì không thể nguy khốn. Cái thế được thi hành, việc giáo dục nghiêm thì dù có nghĩ khác cũng không làm trái lại. Việc khen chê thống nhất mà người ta không bàn tán. Cho nên việc thưởng người hiền, thưởng người bạo, phạt người hiền là ra sức nâng đỡ cái ác. Cái đó gọi là thưởng người cùng với mình, phạt kẻ khác với mình.

Thưởng thì không gì bằng thưởng hậu, khiến cho dân thấy đó là lợi. Khen thì không gì bằng khen đẹp để khiến cho dân thấy đó là vinh. Trừng phạt thì không gì bằng trừng phạt nặng, khiến cho dân sợ. Chê thì không gì bằng chê xấu xa, khiến cho dân thấy đó là nhục. Sau đó mới thi hành pháp luật một cách thống nhất, ngăn cấm và trừng phạt điều riêng, các gia đình lớn không làm hại tới việc thưởng công phạt tội, khen thưởng và trừng phạt thì nhà vua thế nào cũng biết. Biết được những điều đó thì hiểu tận cùng cái đạo trị nước vậy.

II. Đạo của vị vua chúa

Sức của một người không thể chống lại sức của đám đông, cái khôn ngoan của một người không thể biết hết được các vật. So với việc dùng một người không bằng dùng cả một nước. Cho nên cái khôn và cái sức một người dù lo chống đỡ vẫn bị các vật thắng. Nếu tính toán trúng thì riêng mình bị vất vả, còn không trúng thì mình phải gánh lấy cái lỗi.

Vị vua kém dùng hết tài năng của mình, vị vua trung bình dùng hết sức người, vị vua giỏi dùng hết trí khôn của người ta. Vì vậy khi có việc thì kết hợp các trí khôn, nghe riêng từng người rồi cho họp chung lại. Không nghe riêng từng người thì lời nói sau sẽ trái ngược lại lời nói trước, lời nói sau trái ngược lại lời nói trước thì không biết được kẻ khôn người ngu. Không họp chung lại thì phân vân không thể quyết định, phân vân không thể quyết định thì công việc ngưng trệ. Tự mình chọn lấy một ý kiến thì sẽ không rơi vào cái nguy bị sa hố. Cho nên nhà vua cho bầy tôi được bàn, bàn xong thì bắt làm điều anh ta nói. Vì vậy, ngày nói và trình bày ý kiến thì thế nào cũng ghi chép trong sổ. Kết hợp những người khôn lại, sau khi việc đã xẩy ra rồi thì sau đó xét nghiệm lại. Kết hợp những người có tài năng lại, sau khi có công thì căn cứ vào đó mà xét. Kế hoạch có thành có bại.

Thành hay bại đều có bằng chứng, và tuy theo đó mà thưởng hay phạt. Việc thành thì nhà vua thu lấy cái công, việc hỏng thì bầy tôi chịu lấy cái tội. Bậc vua chúa đến ngay việc ghép phù[79] còn chưa thân hành làm nữa là việc tự mình dốc sức? Việc đến trước mắt còn chưa tự mình làm nữa là việc còn treo? Cho nên nói dùng người thì không cốt họ phải cùng một ý, họ cùng một ý thì nhà vua giận. Khiến người ta dùng sức của nhau thì nhà vua sáng suốt như thần, nhà vua như thần thì những người dưới dốc hết sức mình. Người dưới dốc hết sức mình thì bầy tôi tiến lên không phải dựa vào nhà vua và cái đạo của nhà vua trọn vẹn vậy.

III. Gây loạn

Nếu biết rằng vua với tôi cái lợi khác nhau thì sẽ làm vương (thiên tử); nếu cho rằng vua với tôi cùng lợi như nhau thì sẽ bị uy hiếp; nếu cho rằng vua với tôi cùng làm một việc thì bị giết. Cho nên bậc vua sáng phân biệt rõ cái công với cái tư, phân biệt rõ cái lợi với cái hại, làm thế kẻ gian mới không có cách nào chen vào.

Có sáu loại người làm cho cái loạn sinh ra: Đó là: Mẹ của vua, hậu phi, con cháu, anh em, quan đại thần, những người nổi tiếng là hiền. Bổ nhiệm quan lại và giao trách nhiệm cho các quan thì bà mẹ của vua không thể phóng túng. Nghi lễ thi hành có thứ bực khác nhau thì hậu phi không so sánh địa vị của mình (với hoàng hậu). Quyền thế không chia hai thì con trưởng và con thì không tranh nhau. Quyền thế không bỏ mất thì anh em không lấn nhà vua. Những người dưới không theo về một cửa thì quan đại thần không che lấp được vua. Ngăn cấm và khen thưởng được thi hành quyết đoán thì những người nổi tiếng là hiền không thể làm loạn.

Bầy tôi có hai chỗ dựa là cái ở bên ngoài và cái ở bên trong. Cái ở bên ngoài là sự sợ hãi, cái ở bên trong là lòng thương yêu. Những điều những người nhà vua sợ yêu cầu thì nhà vua đều cho, những 1ờJ những người nhà vua thương yêu yêu cầu thì nhà vua đều nghe. Đó là cơ sa khiến cho bầy tôi gây loạn dựa vào. Nếu như các quan lại mà những nước ngoài đặt ở nước mình thì tra hỏi ai thân với họ và trừng phạt kẻ đút lót nhiều của cải cho họ. Làm thế thì các quan không dựa vào nước ngoài nữa. Nếu ban thường tước lộc tuỳ theo công lao, những kẻ xin xỏ đều bị trị tội thì hết nhờ bên trong. Không còn có thể dựa vào bên ngoài, không còn có thể cậy vào bên trong thì điều gian dối bị chặn lại. Quan cứ theo cấp bậc mà tiến dần lên cho đến chức vụ cao như thế là khôn.

Những người có chức vụ cao và có trách nhiệm lớn, nhà vua phải dùng ba cách ràng buộc để nắm lấy họ. Một là nắm con tin; hai là nắm tinh thần; ba là nắm chắc sinh mạng. Những người thân thích, vợ con của họ, đó là con tin. Tước lộc hậu, đó là nắm chắc tinh thần. Dùng từng nhóm ba nhà, năm nhà để xét và phạt, đó là nắm chắc sinh mạng. Đối với người gian thì chặn đứng cái gian bằng lối con tin. Đối với người tham thì cảm hoá bằng cách nắm tinh thần. Đối với bọn gian tà thì làm cho chúng khốn bằng cách nắm sinh mạng.

Người trên nếu nhịn mà không trừng trị thì người dưới sẽ phóng túng. Nếu cái lỏi nhỏ không trừ thì gặp tội lớn lại phải giết. Khi cái danh và cái thực của tội đều phù hợp với nhau thì phải làm mạnh. Những kẻ nếu cho sống thì hại đến công việc, nếu giết chết thì hại đến tiếng tăm thì dùng lối cho ăn uống (mà giết). Nếu không làm thì dùng cách trao cho kẻ thù của họ. Cái đó gọi là “ưu trừ khử cái gian kín đáo”. Che chở bọn gian là dối trá, dối trá tức là thay đổi pháp luật. Thấy công thì thưởng, thấy tội thì phạt thì việc dối trá sẽ chấm dứt. Nhà vua không tiết lộ điều phải điều trái, không cho người ta hay những lời bàn và những lời can gián thì bầy tôi không có cách nào thay đổi pháp luật.

Cha anh của những người tài giỏi sống lưu vong ở nước ngoài gọi đấy là “mối lo lưu chuyển” bởi vì các nước láng giềng hay lợi dụng họ. Những người bị hình phạt ở gần gọi là “bọn giặc gắn”, cái lo ở chỗ họ sinh lòng oán giận vì bị nghi hay bị nhục. Kẻ giấu tội, kẻ giấu cái giận, giữ tội mà không thực hiện gọi là “tăng loạn”, cái lo là ở chỗ những người này làm liều để cầu may. Các quan đại thần nếu nhà vua tôn trọng cả hai người, cân nhắc mà không thiên về bên nào thì gọi là “nuôi hoạ”, cái lo là ở chỗ các gia đình lớn tranh cướp, giết chóc sinh ra mối hoạ. Mộc mạc dễ dàng không tự làm cho mình như thần thì gọi là “mất uy. Cái lo là ở chỗ cái loạn đầu độc sẽ sinh ra. Năm mối lo ấy, vị vua chúa nếu không biết thì sẽ có chuyện ức hiếp và giết vua.

Việc bãi chức quan và bổ nhiệm nếu do từ bên trong ra thì trị an, nếu do từ ngoài đến thì có loạn. Vì vậy cho nên bậc vua sáng luận về công lao ở trong triều đình nhưng lấy lợi thì lấy ở nước ngoài, cho nên nước mình trị an, mà nước địch yếu đi. Cái con đường gây ra loạn là bầy tôi bị ghét thì gây việc từ bên ngoài để làm nhà vua mù quáng, bầy tôi được yêu thì gây việc từ bên trong để làm nhà vua bị đầu độc.

IV. Cái đạo tham khảo

Tiến hành việc tham nghiệm để cho mưu kế thành công. Tiến hành việc suy xét để bắt chịu trách nhiệm về sự thất bại. Khi thi hành việc tham nghiệm thì thế nào cũng phân tích những lời nói. Khi tiến hành việc suy xét thì thế nào cũng bắt họ chịu trách nhiệm. Không phân tích thì người dưới lờn người trên, không giao trách nhiệm thì bầy tôi bè đảng với nhau. Phân tích dấu hiệu thì có thể biết công nhiều hay ít, trước khi giao trách nhiệm không cho mọi người biết. Cái đạo để xem và để nghe là khi bầy tôi có dấu hiệu làm bè đảng với nhau thì thưởng người nào không bè đảng, người không tố giác kẻ gian thì cũng bị tội ngang với kẻ làm gian. Nghe nhiều người cùng nói thì phải căn cứ theo địa vị mỗi người mà xét, phải căn cứ vào thiên thời mà tính, căn cứ vào sự việc mà trắc nghiệm, căn cứ vào lòng người mà so sánh. Nếu bốn dấu hiệu này phù hợp với nhau thi có thể xem là được.

So sánh các lời nói để biết lời nào là thành thực, thay đổi chỗ nhìn để đổi việc chọn lựa, nắm lấy cái hiện có để biết những điều khác thường. Dùng người một cách chuyên nhất để cho người ta quen với công việc. Gọi hai lần để cho những người phải đi xa biết lo sợ. Nhìn những chuyện đã qua để biết tất cả tình hình trước mắt. Đến những người thân để biết nội tình của họ. Không thân với những viên quan mình đặt để biết bên ngoài của họ. Nắm lấy cái mình hiểu rõ để hỏi những điều mình chưa rõ. Giả vờ sai để chấm dứt sự khinh nhờn. Đảo ngược lời nói để thử kẻ mình nghi. Dùng lý luận trái ngược lại để biết được kẻ gian giấu mặt. Đặt một lưới gián điệp để sửa xét những người được tin dùng, sử dụng phép tắc để biết hành động gian dối. Nêu rõ ý kiến để cho người ta hiểu mà tránh được điều bậy. Khiến tuyên truyền cái đạo để cho những người chưa biết nghe mà thông suốt. Khiến cho những người có bè đảng đấu tranh với nhau để làm bè đảng họ tan rã. Biết sâu một việc để làm cho bụng mọi người sợ. Tiết lộ những việc lạ khiến người ta thay đổi điều lo lắng để quan sát.

Gặp những cái cùng loại thì gộp lại mà tham nghiệm. Vạch cái lỗi thì phải hiểu rõ nguyên nhân. Biết tội thì trị cái tội để chấm dứt cái uy. Ngầm cho người thỉnh thoảng đi tuần để xét lòng thành thực của bầy tôi. Dần dần thay đổi đế cho các quan bỏ chuyện bè đảng. Người dưới bị ước thúc không xâm lấn người trên: Quan tướng quốc ước thúc các quan trong triều, các quan trong triều ước thúc bọn thuộc hạ, các sĩ quan ước thúc các quân lại, các người được phái đi ước thúc những người dưới quyền mình, các huyện lịnh ước thúc các thuộc lai, các lang trung ước thúc những người chung quanh họ, hoàng hậu ước thúc cung viện. Đó gọi là cái đạo điều khiển. Nếu lời nói người ta biết, sự việc bị tiết lộ thì không thi hành được cái thuật trị nước. V. Tham khảo các lời nói[80]

Bậc vua sáng cốt sao cho kín đáo: vì vậy nếu nhà vua để lộ cái vui của mình thì cái đức của mình bị người ta lợi dụng. Nếu nhà vua để lộ cái giận của mình thì cái uy lực của mình đã bị người ta chia mất. Cho nên bậc vua sáng lời nói bị ngăn cách mà không lọt ra ngoài, được giữ kín không cho người ta biết. Cho nên lấy cái khôn của một người để biết được cái khôn của mười người là cái đạo kém; lấy cái khôn của mười người biết được cái khôn của một người là cái đạo cao. Bậc vua sáng thi hành cả hai cái đạo kém và cao này cho nên không bỏ sót kẻ gian.

Đúng chế độ năm nhà thành một ngũ, mười ngũ thành một lư, hai trăm nhà thành một liên, các liên thành một huyện và chịu trách nhiệm lẫn nhau. Người nào tố giác điều sai thì được thưởng, người nào bỏ qua lỗi người khác thì bị phạt. Cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới đối với cấp trên đều như thế. Vì vậy người trên kẻ dưới, người sang kẻ hèn đều lấy pháp luật mà đe doạ nhau, lấy cái lợi mà giáo dục nhau. Bản tính của dân là muốn có cái thực của sự sống và có cái danh trong cuộc sống. Bậc làm vua có cái danh là hiền và khôn ngoan, có cái thực là sự thưởng phạt. Cả danh lẫn thực đều có, cho nên cái phúc và cái thiện thế nào cũng vang dội.

VI. Cách nghe

Nếu nghe mà không tham bác thì không có cách gì để bắt kẻ dưới phải chịu trách nhiệm. Nhà vua nghe lời nói của họ mà không nhằm vào cái công dụng làm tiêu chuẩn thì các tà thuyết sẽ mê hoặc nhà vua. Nói về một sự việc gì thì người ta lấy nhiều người nói làm tin. Một vật không có, nhưng nếu mười người nói thì người ta nghi, một trăm người nói thì người ta cho là có thể có, đến một ngàn người nói thì người ta cho là không thể bỏ được. Người cà lăm nói thì người ta nghi, người hùng biện nói thì người ta tin. Bọn gian muốn lợi dụng nhà vua thì dựa vào số đông, dùng lôi hùng biện để phát huy nó, và dùng những hành động tương tự để tô điểm cho cái riêng tư của mình. Bậc vua chúa nếu không chịu kiên nhẫn để chờ tham khảo, thì cái thế của mình sẽ làm lợi cho kẻ dưới Bậc vua chúa có đạo, khi nghe lời nói thì xét cái công dụng của nó, xét cái kết quả nó đem đến. Khi kết quả đã thực hiện thì có thưởng và có phạt. Cho nên lời hùng biện vô dụng không giữ nó ở triều đình. Nếu biết kẻ giao công việc không đủ sức để làm nhiệm vụ của mình thì cắt chức. Những kẻ nói chuyện lớn và khoác lác thì xét đến cùng đầu mối của nó cho nên nắm được cái gian mà trừng phạt. Những lời nói không có lý do và không thích đáng thì đó là vu khoát, vu khoát thì bị trị tội. Bầy tôi đã nói thì phải báo lại kết quả của việc làm, đã đưa ra cái thuyết thì phải đòi hỏi có chỗ ứng dụng. Cho nên những lời phe cánh không lên đến tai người trên.

Nói chung, cái đạo nghe lời nói là bầy tôi phải bàn luận một cách trung thực để cho nhà vua biết cái gian, phải bàn luận rộng để đưa ra một kết luận duy nhất. Nhà vua không khôn ngoan thì bọn gian sẽ lợi dụng. Đạo của bậc vua sáng là sau khi mình đã thích cái thuyết gì thì tìm người nào dâng cái thuyết ấy, sau khi đã giận cái thuyết nào thì xét kỹ kẻ đưa ra cái thuyết ấy. Nhưng phải sau khi mình đã thay đổi (tức là không thích, không giận), thì mới xét điều biện luận để có thể nắm được cái dấu hiệu của việc khen hay chê, công hay tư. Bầy tôi đưa ra nhiều thuyết để khoe sụ khôn ngoan của mình khiến nhà vua tự chọn lấy một thuyết, còn mình thì tránh được tội. Cho nên họ đưa ra nhiều thuyết để khi có thất bại thì nhà vua chịu lấy trách nhiệm. Nhà vua không chấp nhận những lời nói phụ vào để xen vào lời nói chính, lại xét xem kết quả sau này có phù hợp với lời nói không để biết đó là nói ngoa hay thành thật. Theo cái đạo của bậc vua sáng thì bầy tôi không được đưa ra hai ý kiến, thế nào cũng chịu trách nhiệm về một ý kiến mà thôi. Nhà vua không cho ai được quyền hành động mà thế nào cũng kết hợp những điều mình tham bác. Cho nên bọn gian không có cách nào tiến lên được.

VII. Nghe theo pháp luật

Quan lại có quyền lớn là vì không có pháp luật. Pháp luật chết là vì nhà vua hôn ám. Nhà vua hôn ám không có pháp độ thì các quan chuyên quyền. Các quan chuyên quyền thì sự cung phụng cho họ nặng. Nếu không cắt bỏ đi thì trưng thu của dân nhiều, trưng thu của dân nhiều thì quan lại giàu. Quan lại giàu và chuyên quyền, cái loạn do đó sinh ra.

Cái đạo của bậc vua sáng là những người làm được nhiệm vụ thì được dùng, những người hiền được làm quan, thưởng những người có công. Nếu giới thiệu người đúng quy tắc, nhà vua vừa lòng thì người giới thiệu lẫn người được giới thiệu đều có lợi; nếu chúa giận, thì cả hai đều bị nguy. Làm thế thì người ta không dám thiên vị đối với cha anh mà tiến cử kẻ thù của mình.

Cái thế của các quan là đủ để thi hành pháp luật, sự cung cấp cho họ là đủ để làm nhiệm vụ thì cái riêng tư không có cách nào sinh ra. Cho nên dân chịu vất vả mà việc quan là nhẹ[81] Kẻ làm chức vụ không được có quyền lớn, khiến họ được vua yêu chỉ là ở tước vị. Những kẻ làm quan không được tính chuyện riêng tư khiến cho cái lợi của họ chỉ là do bổng lộc. Như vậy thì dân sẽ đề cao tước mà coi trọng lộc. Tước và lộc là cái dùng để thưởng, dân nếu tôn trọng cái dùng để thưởng thì nước trị an. Hình phạt sở dĩ rắc rối là vì tên gọi sai lầm. Việc khen không đúng thì dân ngờ vực. Dân trọng danh cũng ngang với trọng thưởng. Kẻ được thưởng mà lại bị chê bai thì cái thưởng không đủ để khuyến khích. Kẻ bị phạt nhưng lại được khen thì không đủ để ngăn cấm. Cái đạo của vị vua chúa sang, việc thưởng thế nào cũng phải xuất phát từ cái lợi chung, cái danh thế nào cũng phải ở chỗ phục vụ người trên. Thưởng và phạt cùng đi theo một đường, cho và trừng phạt cùng đi với nhau. Như vậy thì dân sẽ không thấy cái thưởng do cầu xin là vinh. Bị phạt nặng thì thế nào cũng bị cái tiếng xấu, cho nên dân sợ. Hình phạt là cái để ngăn cấm. Dân sợ cái dùng để ngăn cấm thì nước trị yên.

VIII. Cái uy của nhà vua

Nếu làm việc nghĩa được xem là vinh[82] thì cái uy của chúa bị chia sẻ. Nếu nghe theo ân huệ nhân đức thì pháp chế bị hỏng. Dân do pháp chế mà sợ người trên, còn bề trên lấy cái thế để đè nén người dưới. Vì vậy cho nên nếu như ở dưới buông thả, xúc phạm và cho cái tục coi nhẹ nhà vua là vinh thì cái uy của nhà vua bị chia. Dân vì pháp luật khó thì hành mà phạm đến bề trên, còn bề trên lại lấy nhân từ mà cho pháp luật rối loạn, cho nên ở dưới phơi bày việc thích biếu xén và chuộng cái chính sách đút lót. Vì thế pháp lệnh bị hỏng. Đề cao cái hành động riêng để chia cái uy của vua, thi hành việc đút lót để làm cho pháp luật bị ngờ vực. Nếu nhà vua nghe theo thì chính trị rối loạn, nếu không nghe thì việc chê bai nẩy sinh. Cho nên địa vị của nhà vua bị xem nhẹ mà quan lại làm rối loạn pháp luật. Đó gọi là cái nước không có cái đạo bất biến.

Cái đạo của bậc vua sáng là: bầy tôi không được làm lối nghĩa hiệp để được vinh, không được lấy cái lợi của nhà mình làm lợi chung; việc công danh có được đều do phép công mà có; những điều nằm ngoài pháp luật thì dù có khó làm cũng không làm cho người ta vinh hiển. Cho nên dân không được phép có cái danh tiếng riêng. Đặt pháp luật, chế độ để cai trị dân như nhau; dùng thưởng phạt một cách chắc chắn để dùng hết khả năng của họ: làm sáng tỏ sự khen chê để khuyến khích người tốt; phối hợp ba cái là danh hiệu, thưởng phạt, pháp lệnh. Cho nên các quan đại thần có làm là đề cao nhà vua, trăm họ có công là để làm lợi cho người trên, cái đó gọi là cái nước có đạo vậy.

Chú thích[sửa]

[78] Các nhan đề trong nguyên bản nằm ở cuối. Chúng tôi đưa lên trên cho dễ đọc

[79] Cái phù làm bằng trúc khi sai việc gì thì người thay mặt nhà vua cầm lấy một nửa, nhà vua cầm giữ một nửa. Ghép hai nửa lại khớp nhau thì mới chắc là người do nhà vua phái đi.

[80] Tên gọi của mục này không hợp. Nhiều nhà chú giải đổi nó là: Kín đáo hay cái uy của ông vua

[81] Vì dân không làm phiền đến quan

[82] Đây là dân tự ý làm việc nghĩa.