Bước tới nội dung

Sách Hàn Phi Tử/Rừng chuyện, phần trên (Thuyết lâm, thượng)

Tủ sách mở Wikibooks
1.

Thành Thang đánh Kiệt xong nhưng sợ thiên hạ bảo mình tham bèn nhường thiên hạ cho Vụ Quang. Nhưng lại sợ Vụ Quang nhận lấy. Bèn sai người đến thuyết Vụ Quang: “Thang giết vua nhưng muốn truyền cái tiếng xấu cho ông nên nhường thiên hạ cho ông”. Vụ Quang do đó nhảy xuống sông.

2.

Tần Vũ Vương sai Cam Mâu tự chọn chức mình muốn làm, làm quan bộc hay làm quan hành. Mạnh Mão nói: “Không bằng ngài làm quan bộc, ngài giỏi về việc đi sứ. Tuy ngài làm quan bộc, nhà vua cũng khiến ngài đi sứ. Ngài vừa cầm ấn của quan bộc mà lại làm công việc của quan hành như thế là kiêm hai chức quan vậy”.

3.

Tử Ngữ gặp Khổng Tử ở nhà quan thái tể nước Thương. Khổng Tử đi ra, Tử Ngữ vào hỏi khách là ai. Quan thái tể nói: “Ta đã gặp Khổng Tử thì xem nhà ngươi nhỏ như con rận. Nay ta sẽ đưa ông ta đến yết kiến nhà vua”. Tử Ngữ sợ Khổng Tử được nhà vua quý, nhân nói với quan thái tể: “Bệ hạ đã thấy Khổng Tử thì cũng sẽ xem ngài như chấy rận”. Quan thái tể bèn thôi không gặp lại Khổng Tử nữa.

4.

Vua Huệ Vương nước Nguỵ ăn thề ở Cựu Lý, muốn phục hồi lại uy quyền của thiên tử. Bành Hy nói với vua Trịnh: “Bệ hạ chớ nghe, nước lớn không thích có thiên tử. Chỉ nước nhỏ lợi về việc đó. Nếu bệ hạ cùng nước lớn không theo thì nước Nguỵ làm sao có thể cùng những nước nhỏ lập uy quyền của thiên tử được!”.

5.

Nước Tấn đánh nước Hình. Tề Hoàn Công sắp cứu. Bão Thúc Nhà nói: “Còn quá sớm, nước Hình không mất thì nước Tấn không mệt. Nước Tề chưa được trọng. Vả lại, cái công cứu một nước bị nguy không bằng cái đức bảo tồn một nước bị mất. Không bằng bệ hạ chậm cứu để làm cho nước Tấn mệt. Nước Tề mới thực có lợi. Đợi cho nước Hình mất, rồi bảo tồn nó, cái tiếng mới thực đẹp”. Hoàn Công bèn không cứu.

6.

Tử Tư bỏ nước trốn chạy, người canh ở biên giới bắt được. Từ Tư nói: “Bề trên bắt ta vì ta có hạt châu đẹp. Nay ta đã mất nó rồi. Ta sẽ nói nhà ngươi lấy, rồi nuốt lấy”. Người canh bèn thả ông ta.

7.

Khánh Phong làm loạn ở nước Tề và muốn chạy trốn sang nước Việt. Người họ của ông ta hỏi: “Nước Tấn gần, tại sao lại không sang nước Tấn?”. Khánh Phong đáp: “Nước Việt ở xa, lợi cho việc lánh nạn”. Người trong họ nói: “Biến đổi là ở cái lòng kia, ở nước Tấn cũng được. Còn không thay đổi cái lòng kia thì nước Việt tuy ở xa, nhưng có thể được yên sao?”.

8.

Trí Bá đòi Nguỵ Tuyên Tử cho đất. Nguỵ Tuyên Tử không cho. Nhiệm Chương nói: “Tại sao lại không cho?”. Tuyên Tử nói: “Vô cố xin đất, cho nên không cho”. Nhiệm Chương nói: “Vô cố xin đất thì những nước láng giềng thế nào cũng sợ. Kẻ kia lòng tham không chán, thiên hạ thế nào cũng sợ. Bệ hạ cho ông ta đất, Trí Bá thế nào cũng kiêu ngạo và khinh địch. Thiên hạ thế nào cũng sợ và thân với nhau. Lấy quân đội những nước thân với nhau để chống lại một nước khinh địch thì cái mạng của Trí Bá sẽ không dài.

Chu Tư nói: “Muốn đánh bại, thì hay giúp, muốn cướp lấy thì phải cho. Không bằng bệ hạ cứ cho để làm cho Trí Bá thành kiêu. Vả lại, bệ hạ tại sao không cùng thiên hạ mưu chống lại Trí Bá mà chi một mình làm con tin của họ Trí thôi?”. Nhà vua nói: “Phải”. Bèn cho Trí Bá một ấp có vạn nóc nhà. Trí Bá cả mừng. Nhân đấy đòi đất nước Triệu, nước Triệu không cho. Trí Bá bèn vây thành Tấn Dương. Nước Hàn, nước Nguỵ phản lại Trí Bá ở bên ngoài, họ Triệu hưởng ứng ở bên trong, họ Trí bị diệt.

9.

Tần Khang Công dựng lên cái đài ba năm. Người Kinh cất quân định đánh nước Tề, Nhiệm Vọng bảo: “Cái đói gọi binh đến, cái bệnh gọi binh đến, cái vất vả gọi binh đến, cái loạn gọi binh đến. Bệ hạ xây cái đài ba năm. Nay người Kinh cất quân đánh nước Tề, thần sợ họ lấy tiếng là đánh nước Tề nhưng thực ra là đánh úp nước Tần. Không bằng phải phòng bị”. Nước Tần đem binh giữ phía đông, người Kinh bỏ việc cất quân.

10.

Nước Tề đánh nước Tống, nước Tống sai Tang Tôn Tử đi về phía nam cầu cứu nước Kinh. Nước Kinh cả mừng hứa sẽ cứu, rất vui vẻ. Tang Tôn Tử lo lắng trở về, người đánh xe hỏi: “Nhờ người ta cứu mà được cứu. Tại sao nay ngài lại có vẻ lo?”. Tang Tôn Tử nói: “Nước Tống thì nhỏ mà nước Tề thì lớn. Phàm cứu nước Tống nhỏ mà bị nước Tề ghét là điều người ta vẫn lo. Nay nước Kinh cả mừng, chắc chắn là để làm cho ta kiên trì chiến đấu. Ta kiên trì chiến đấu mà nước Tề mệt. Đó là cái lợi của nước Kinh”. Tang Tôn Tử bèn trở về, quân Tề lấy năm thành của nước Tống mà quân cứu của nước Kinh không đến.

11.

Nguỵ Văn Hầu mượn đường nước Triệu để đánh Trung Sơn, Triệu Túc Hầu không nghe. Triệu Khắc thưa: “Bệ hạ lầm rồi. Nước Nguỵ tấn công Trung Sơn mà không lấy được thì nước Nguỵ thế nào cũng bãi binh. Bãi binh thì thế nào nước Nguỵ cũng bị coi nhẹ. Nước Nguỵ bị coi nhẹ thì nước Triệu được coi trọng. Nước Nguỵ lấy được Trung Sơn thì nhất định không thể nào vượt qua nước Triệu mà có được Trung Sơn. Như vậy thì nước Nguỵ dùng binh mà nước Triệu được đất. Xin bệ hạ cứ cho mượn. Cho mượn mà vui mừng quá thì nước Nguỵ biết là nhà vua sẽ lợi về việc đó, thế nào cũng sẽ ngừng việc xuất chinh. Bệ hạ chi bằng cho mượn đường nhưng làm ra vẻ bất đắc dĩ”.

12.

Xi Di Tử Bì thờ Điền Thành Tử, Điền Thành Tử rời khỏi nước Tề, chạy sang nước Yên. Xi Di Tử Bì mang tín bài đi theo. Đến Vọng Ấp, Tử Bì nói với Điền Thành Tử: “Ngài không nghe chuyện con rắn ở cái đầm khô sao? Cái đầm khô, rắn định dời đi, con rắn nhỏ nói với con rắn lớn: “Anh đi mà tôi đi theo, thì người ta chỉ cho là rắn đi mà thôi, thế nào cũng giết anh. Không bằng anh với tôi cắn miệng nhau và anh cõng tôi mà đi, người ta sẽ cho tôi là vua thần “. Hai con rắn bèn cắn miệng nhau, cõng nhau mà bò qua đường cái nước Việt. Người ta đều tránh và nói: Đó là vua thần. Nay ngài đẹp mà tôi xấu, nếu ngài làm thượng khách của tôi thì tôi sẽ là ông vua có vạn cỗ xe. Nếu ngài làm người hầu của tôi thì tôi là quan khanh của nước có vạn cỗ xe. Không bằng ngài làm xá nhân của tôi”.

Điền Thành Tử bèn mang tín bài đi theo ông ta. Đến quán, chủ quán đãi họ rất kính cẩn, dâng cho họ rượu thịt.

13.

Người nước Ôn sang nhà Chu. Người Chu không nhận khách, hỏi: “Ông là khách phải không?”. Người kia đáp: “Là chủ”. Khi hỏi những người cùng ngõ thì không biết. Viên lại bèn bỏ tù anh ta.

Nhà vua cho người hỏi anh ta: “Nhà ngươi không phải là người Chu nhưng lại bảo không phải là khách là tại làm sao?”. Người kia đáp: “Tôi lúc còn nhỏ đọc Kinh thi. Kinh thi nói: ‘Khắp dưới bầu trời không nơi nào không phải là đất của vua. Trên mặt đất cho đến ba biển không đâu không phải là bầy tôi của nhà vua’. Nay nhà vua là thiên tử thì tôi là bầy tôi của thiên tử. Có lý nào bầy tôi của thiên tử mà lại là khách của thiên từ sao?”. Nhà vua bèn thả anh ta ra.

14.

Hàn Tuyên Vương bảo Cừ Lưu: “Ta muốn dùng hai ông Công Trọng và Công Thúc có được không?”. Cừ Lưu đáp: “Không được. Nước Tấn dùng sáu quan khanh mà đất bị chia. Giản Công dùng hai người là Điền Thành và Hán Chi mà Giản Công bị giết. Nước Nguỵ dùng hai ông Trương Nghi và Tê Thủ mà mất đất ở phía ngoài Tây Hà. Nay bệ hạ dùng hai người. Con người có thế mạnh sẽ lập bè đảng của mình. Con người có thế yếu sẽ nhờ quyền lực nước ngoài. Các bầy tôi bên trong lập bè đảng để kiêu với nhà vua, bên ngoài giao thiệp với nước ngoài để cắt đất thì cái nước của bệ hạ sẽ nguy vậy”.

15.

Thiệu Tích Muội ngủ say mất áo cầu. Vua nước Tống nói: “Say đến nỗi mất áo cầu sao?”. Ông ta đáp: “Kiệt vì say mất thiên hạ, nên Khang cáo (trong Kinh thư) có câu: “Chớ mê rượu”. Thường ham rượu thì thiên tử bỏ mất thiên hạ, thất phu bỏ mất thân mình”.

16.

Quản Trọng, Thấp Bằng theo Tề Hoàn Công đánh nước Cô Trúc. Mùa xuân ra đi, mùa đông về, lạc lối mất đường. Quản Trọng nói: “Cái khôn của con ngựa già có thể dùng được”. Bèn thả con ngựa già đi trước và đi theo nó. Kết quả tìm được đường.

Đi vào núi không có nước, Thấp Bằng nói: “Loài kiến mùa đông ở phía núi có nắng, mùa hạ ở phía núi có bóng mát. Nơi nào ổ kiến cao một tấc thì ở dưới có nước”. Bèn đào đất ở chỗ ấy, kết quả có được nước. Bậc thánh như Quản Trọng, người khôn như Thấp Bằng nhưng gặp cái không biết thì không ngại học con ngựa già và con kiến. Ngay người không biết lấy cái lòng ngu dại của mình để thờ cái khôn của bậc thánh nhân làm thầy chẳng phải là sai sao?

17.

Có người dâng thuốc bất tử cho vua nước Kinh. Viên quan coi việc tiếp khách cầm lấy đưa vào. Một viên trung xạ sĩ hỏi: “Thuốc này ăn được không? ” Đáp: “Ăn được”. Anh ta bèn giành lấy mà ăn.

Nhà vua giận lắm sai người giết viên trung xạ sĩ. Viên trung xạ sĩ nhờ người nói với nhà vua: “Thần hỏi viên quan tiếp khách có ăn được không, ông ta bảo ăn được nên thần mới ăn. Như thế là thần không có tội mà tội là tội viên quan tiếp khách. Và lại, khách dâng thuốc bất tử, thần ăn mà nhà vua giết thần thì đó là cái thuốc chết. Như thế là người khách lừa dối nhà vua. Phàm giết bầy tôi vô tội lại nêu rõ việc người ta lừa dối nhà vua thì không bằng tha thần”. Nhà vua bèn không giết anh ta.

18.

Điền Tứ nói dối vua nước Trâu. Vua nước Trâu định sai người giết anh ta. Điền Tứ sợ, nói với Huệ Tử. Huệ Tử yết kiến vua nước Trâu nói: “Nay nếu như có một người yết kiến nhà vua mà nhắm một con mắt thì như thế nào?”. Nhà vua đáp ” Nhất định ta giết hắn”. Huệ Tử nói: “Người mù nhắm cả hai mắt thế sao nhà vua không giết?”. Nhà vua nói. “Vì anh ta không thế không nhắm mắt “. Huệ Tử nói: ” Điền Tứ phía đông lừa Tề Hầu, phía nam lừa vua Kinh. Tứ lừa người ta cũng như người mù nhắm mắt, tại sao bệ hạ oán ông ta làm gì?”. Vua nước Trâu bèn không giết.

19.

Lỗ Mục Công khiến các con hoặc làm quan ở nước Tấn, hoặc làm quan ở nước Kinh. Lê Sừ bảo: Nếu mượn người nước Việt để cứu đứa con đang chết đuối, người nước Việt tuy lội giỏi nhưng đứa con nhất định không sống được. Cháy nhà lấy nước ở ngoài biển thì nước ở ngoài biển tuy nhiều nhưng nhất định không dập tắt được ngọn lửa, vì nước ở xa không thể cứu được lửa ở gần. Nay nước Tấn và nước Kinh tuy mạnh nhưng nước Tề lại ở gần. Nước Lỗ gặp mối lo, sợ không cứu được chăng?”.

20.

Nghiêm Toại không tốt với Chu Quân. Chu Quân lo lắng. Phùng Thư nói: Nghiêm Toại là tướng quốc mà Hàn Khôi được vua nước Hàn quý. Chi bằng ám sát Hàn Khôi. Thế nào vua nước Hàn cũng cho rằng họ Nghiêm làm việc ấy.

21.

Trương Khiển làm tướng quốc nước Hàn, bị bệnh sắp chết. Công Thăng Vô Chính mang ba mươi lạng vàng đến hỏi thăm sức khoẻ. Được một tháng vua Hàn thân hành đến hỏi Trương Khiển: “Nếu như ông chết đi, thì ai sẽ thay ông?”. Trương Khiển đáp: “Vô Chính trọng pháp luật mà sợ người trên, tuy nhiên không bằng công tử Thực Ngã là người được lòng dân”. Trương Khiển chết, nhà vua bèn cho Công Thặng Vô Chính làm tướng quốc.

22.

Nhạc Dương làm tướng quốc nước Nguỵ đánh Trung Sơn. Con ông ta ở Trung sơn. Vua Trung Sơn nấu con ông ta và đem canh đến cho ông ta. Nhạc Dương ngồi ở trong trướng húp hết một bát. Văn Hầu nói với Đổ Sư Tán: “Nhạc Dương vì ta mà ăn thịt con mình”. Đổ Sư Tán đáp: “Thịt con ông ta mà ông ta còn ăn được, thì ai mà ông ta không ăn?” Nhạc Dương đánh Trung Sơn trở về, Văn Hầu thưởng công cho ông ta nhưng nghi ngờ bụng của ông ta.

23.

Mạnh Tôn săn được con nai con, sai Tần Tây Ba mang về. Con nai mẹ chạy theo mà kêu. Tần Tây Ba không nỡ, trả con nai con cho mẹ nó. Mạnh Tôn đến hỏi con nai con. Tần Tây Ba nói: “Tôi không nỡ nên trả cho mẹ nó”. Mạnh Tôn rất giận, đuổi anh ta đi.

Được ba tháng, Mạnh Tôn lại mời ông ta làm thầy học cho con mình. Người đánh xe hỏi: “Trước ngài muốn làm tội ông ta, bây giờ ngài lại mời ông ta làm thầy học cho con là tại làm sao?”. Mạnh Tôn đáp: “Con người không nỡ làm hại con nai con thì lẽ nào lại nỡ làm hại con ta?”. Cho nên có câu: “Xảo trá không bằng vụng về nhưng thành thật”. Nhạc Dương có công mà bị nghi ngờ, Tần Tây Ba có tội mà càng được tin.

24.

Tăng Tùng Tử là người giỏi xem kiếm. Vua nước Vệ oán giận vua nước Ngô. Tăng Tùng Tử nói: “Vua nước Ngô thích kiếm, thần xin xem kiếm ha cho vua Ngô. Thần sẽ tuốt kiếm chỉ cho ông ta thấy, sau đó vì bệ hạ mà đâm”. Vua nước Vệ nói: “Nước Ngô mạnh lại giàu, nước Vệ yếu lại nghèo. Ông đi đi. Tôi sợ ông vì vua Ngô thi hành điều ấy đối với tôi”. Bèn đuổi đi.

25.

Vua Trụ làm đôi đũa ngà mà Cơ Tử sợ, cho rằng có đũa ngà thì thế nào cũng không thể đựng canh ở trong bát sành, mà thế nào cũng phải dùng bát ngọc sừng tê. Bát ngọc đũa ngà thế nào cũng không dùng để ăn rau ăn đậu, mà phải ăn thịt voi, bao tử báo. Ăn thịt voi, bao tử báo thì thế nào cũng không mặc áo ngắn và không ở nhà tranh. Như vậy thì thế nào cũng phải mặc áo gấm, ở đài cao, nhà rộng. Làm thoả mãn những đòi hỏi đó thì thiên hạ cũng không đủ lòng tham cung cấp. Bậc thánh nhân thấy cái tối mà biết được cái sáng, thấy cái ngọn mà biết được cái gốc, cho nên nhìn thấy đôi đũa ngà mà biết cả thiên hạ cũng sẽ không đủ lòng tham.

26.

Chu Công Đán đã đánh thắng Ân, định đánh Thương, Cái. Tân Công Giáp nói: “Nước lớn khó đánh; nước nhỏ dễ phục theo. Không bằng ta bắt những nước nhỏ phục theo mà làm cho nước lớn phải sợ”. Bèn đánh Cửu Di mà các nước Thương, Cái đều thần phục.

27.

Vua Trụ uống rượu suốt đêm, quên mất ngày là ngày nào. Hỏi những người chung quanh, tất cả đều không biết. Bèn sai người hỏi Cơ Tử. Cơ Tử bảo với người theo mình: “Làm chủ thiên hạ mà cả nước đều không biết ngày thì thiên hạ nguy rồi. Cả nước đều không biết mà chỉ có ta biết thì ta nguy mất”. Bèn viện cớ say không biết.

28.

Có người nước Lỗ giỏi nghề bện dép, còn vợ anh ta làm nghề dệt lụa. Hai người muốn dời sang nước Việt. Có người bảo anh ta: “Anh thế nào cũng cùng khốn thôi”. Người nước Lỗ nói: “Tại sao?”. Người kia đáp: “Dép là để mang vào chân mà người Việt đi chân đất, lụa là để làm mũ mà người Việt bỏ tóc xoã. Lấy cái sở trường của anh mà đi đến cái nước không dùng sở trường ấy, lại muốn không bị cùng khốn thì làm sao được?”

29.

Trần Chẩn được vua nước Nguỵ quý trọng. Huệ Tử nói: “Thế nào cũng phải khéo phục vụ những người chung quanh nhà vua. Cây dương trồng nằm cũng mọc, trồng ngược cũng mọc, chặt mà trồng cũng mọc. Nhưng nếu mười người trồng mà một người nhổ thì không có cây dương sống. Lấy mười người trồng một giống cây dễ mọc mà không hơn được một người, tại sao thế? Bởi vì trồng thì khó nhưng nhổ thì dễ. Ông tuy khéo được nhà vua vun đắp nhưng nhiều người muốn gạt ông thì thế nào cũng nguy”.

30.

Quý Tôn nước Lỗ vừa mới giết vua của mình. Ngô Khởi làm quan với ông ta. Có người bảo với Ngô Khởi: “Người chết khi mới chết thì còn máu, sau đó máu sống thành máu khô, rồi máu khô thành tro và thành đất. Đến khi đã thành đất rồi thì không làm gì được nữa. Nay Quý Tôn mới làm chảy máu, sau này chưa biết ra rao”. Ngô Khởi nhân đấy rời nước Lỗ sang nước Tấn.

31.

Thấp Tử Di yết kiến Điền Thành Tử. Điền Thành Tử cùng ông ta lên đài nhìn bốn phía. Ba phía có thể nhìn ra xa, một phía bị cây ở nhà Thấp Tử che mất. Điền Thành Tử cũng không nói. Thấp Tử trở về sai người chặt cây. Chặt được vài cây thì Thấp Tử ngăn lại.

Bảo người nhà: “Xưa có câu tục ngữ nói: “Biết cá trong vực sâu là chuyện không lành”. Nay Điền Thành Tử sắp tính chuyện lớn nhưng ta cho ông ta biết rằng ta biết điều nhỏ kín thì thế nào cũng nguy, Không chặt cây chưa có tội, biết điều người ta không nói; cái tội ấy lớn”. Bèn không chặt.

32.

Dương Tử đi qua phía đông nước Tống vào quán trọ. Chủ trọ có hai người thiếp. Người xấu được yêu, người đẹp bị ghét.

Dương Tử hỏi tại sao, người chủ trọ nói: Người đẹp tự cho mình là đẹp cho nên tôi không thấy cô ta đẹp, người xấu tự biết mình xấu, cho nên tối không thấy cô ta xấu”. Dương Tử bảo người em: “Người làm việc hay mà bỏ cái bụng tự cho mình là hay thì đi đâu mà chẳng được người ta cho mình là hay“. 33. Người nước Vệ gả con gái, dạy con: “Phải gom góp của riêng. Làm vợ mà bị bỏ là chuyện thường. Nếu lập được nhà mới là chuyện may”. Cô con gái bèn về nhà lo gom góp. Mẹ chồng cho cô hay lo việc riêng nên đuổi cô ta.

Lúc về nhà, của cô ta nhiều gấp đôi so với khi về nhà chồng. Người cha không thấy mình có lỗi vì đã dạy con sai, nhưng tự cho mình khôn vì giàu thêm. Nay bọn bầy tôi làm quan đều thuộc loại này.

34.

Lỗ Đan ba lần thuyết phục vua nước Trung Sơn nhưng nhà vua không nghe. Bèn bỏ ra năm mươi lạng vàng cho những người chung quanh nhà vua, rồi lại yết kiến. Chưa nói năng gì, nhà vua đã cho ông ta ăn.

Lỗ Đan đi ra không quay trở về nhà trọ. Rồi rời khỏi Trung Sơn. Người đánh xe hỏi: “Tại sao ông lại rời bỏ?”. Lỗ Đan nói: “Vì người ta nói mà đối xử tốt với ta, thì thế nào cũng sẽ vì người ta nói mà làm tội ta”. Chưa ra khỏi biên giới mà công từ ghét Lỗ Đan đã nói: “Ông ta vì nước Triệu đến do thám Trung Sơn”. Nhà vua bèn cho tìm bắt ông ta để trị tội.

35.

Điền Bá Đỉnh yêu kẻ sĩ mà bảo tồn được, nhà vua. Bạch Công yêu kẻ sĩ mà làm loạn nước Hình. Việc yêu kẻ sĩ như nhau, nhưng lý do yêu thì khác. Công Tôn Chi chặt chân mình mà tôn quý Bách Lý Hề, Thụ Điêu tự thiến mình mà gièm pha với Tề Hoàn Công. Việc tự huỷ hoại mình là như nhau, nhưng lý do làm thì khác nhau.

Huệ Tử nói: “Người điên chạy về phía đông. Kẻ đuổi theo anh ta cũng chạy về phía đông. Việc chạy về phía đông là như nhau, nhưng lý do chạy về phía đông thì khác nhau”. Cho nên nói: “Thấy những người cùng làm một việc như nhau, ta không thể không xét lý do”.