Sách Hàn Phi Tử/Những điểm nước mất (Vong trưng)

Tủ sách mở Wikibooks

1) Nói chung, khi nước của nhà vua thì nhỏ mà các nhà riêng thì lớn, quyền mình thì ít mà bầy tôi thế mạnh thì có thể mất.

2) Nếu coi nhẹ pháp luật và những điều ngăn cấm mà lo việc tính toán, mưu mô, bỏ việc bảo vệ bên trong mà nhờ cậy vào viện trợ bên ngoài thì có thể mất.

3) Các quan lo học, những người con em các nhà thích biện luận, những người đi buôn chứa chất của cải ở nước ngoài, dân đen khổ sở ở trong nước thì có thể mất.

4) Nhà vua ham cung thất, đài tạ, núi, ao, thích xe cộ, áo mũ, đồ chơi đều đẹp, làm cho trăm họ vất vả, hao tiền tốn của thì có thể mất.

5) Ông vua dùng bọn coi ngày, thờ quỷ thần tin bói toán, thích cúng tế thì có thể mất.

6) Nghe vì căn cứ theo tước mà không đợi tra xét, chỉ dùng một người làm vây cánh cho mình thị có thể mất.

7) Nếu kẻ quan chức có thể đòi hỏi lớn kẻ tước lộc có thể được của cải thì có thể mất.

8) Bụng dễ dãi không làm được việc gì nhu nhược không quyết đoán, không phân biệt được điều yêu điều ghét, không có lập trường xác định thì có thể mất.

9) Tham lam không biết chán, thích điều lợi ham vơ vét thì có thể mất.

10) Thích trừng phạt mà không noi theo pháp luật, thích lý thuyết mà không tìm công dụng, thiên về văn vẻ mà không chú ý đến công dụng, thiên về văn vẻ mà không chú ý đến công lao thì có thể mất.

11) Bụng hời hợt và dễ thấy, hay tiết lộ mà không che giấu, không thể giữ bí mật mà lại đem lời bầy tôi này nói với bầy tôi khác thì có thể mất

12) Cứng rắn mà không hoà hợp, chống lại lời can gián và hiếu thắng, không đếm xỉa đến xã tắc mà tự tin mình một cách dễ dàng thì có thể mất.

13) Cậy vào việc giao du viện trợ của nước xa mà coi nhẹ nước láng giềng ở gần. Dựa vào sự cứu giúp của nước lớn mà coi khinh những nước ở gần thì có thể mất.

14) Nếu những kẻ sĩ nước ngoài trú ngụ ở nước mình được dùng vẫn để tài sản ở nước ngoài. Nhà vua ở trên bàn mưu kế với họ, ở dưới cho họ can thiệp vào cóng việc của dân thì có thể mất.

15) Nêu dân chúng không tín nhiệm ông tướng quốc, kẻ dưới không tuân lệnh người trên mà ông vua cứ tin ông tướng quốc không phế truất ông ta thì có thể mất.

16) Không dung những người hào kiệt trong nước mà lại tìm những kẻ sĩ của nước ngoài, không kiểm tra bằng công lao mà lại thích đề cử bừa bãi căn cứ vào tiếng khen, những người nước ngoài trú ngụ được trọng hơn những người quen biết cũ thì có thể mất.

19) Nước nhỏ mà không chịu nhún nhường, sức yếu mà không sợ nước mạnh, vô lễ làm nhục nước láng giềng lớn; tham lam bướng bỉnh lại vụng giao thiệp thì có thể mất.

20) Thái tử đã lập mà vua lại lấy vợ ở một nước địch mạnh và lập làm hoàng hậu thì thái tử nguy.

21) Nhút nhát và tự vệ kém, thấy sớm nhưng trong bụng rụt rè, biết là phải làm nhưng không dám thi hành thì có thể mất.

22) Vua bị đuổi ra nước ngoài mà nước lập vua khác, thái tử làm con tin ở nước ngoài mà vua thay đổi người con kế vị thì nước sinh hai lòng, nước sinh hai lòng thì có thể mất.

23) Làm nhục quan đại thần mà lại cho ông ta ở gần mình, dùng hình phạt với dân hèn nhưng lại gần gũi họ. Những kẻ ôm ấp điều giận, nhớ đến điều sỉ nhục ở gần gũi thì bọn giặc sẽ xuất hiện; bọn giặc xuất hiện thì có thể mất.

24) Quan đại thần hai người được trọng, cha anh nhiều và mạnh. Bên trong lập bè đảng, bên ngoài dựa vào nước ngoài để giành nhau uy thế thì có thể mất.

25) Nghe lời của tỳ thiếp, dùng cái khôn của những kẻ mình yêu mà đùa bỡn, bên trong bôn ngoài oán giận mà lại hay làm những điều trái pháp luật thì có thể mất.

26) Coi khinh quan đại thần, vô lễ với cha anh làm trăm họ vất vả khổ cực, giết hại những người vô tội thì có thể mất.

27) Thích dùng trí khôn để bẻ cong pháp luật thường thay đổi phép công, pháp luật, cấm đoán thay đổi luôn, mệnh lệnh đưa xuống nhiều thì có thể mất.

28) Không có đất đai hiểm trở, thành quách kém, không có của chứa chất, không chuẩn bị đề phòng bị mà lại coi thường việc đánh và chinh phạt thì có thể mất.

29) Dòng dõi không thọ, nhà vua kế tiếp nhau luôn, con trẻ làm vua, đại thần chuyên quyền, nuôi những người nước ngoài đến trú ngụ làm bè đảng hay cắt đất để ngoại giao với nước ngoài thì có thể mất.

30) Thái tử được đề cao và vinh hiển, bè đảng đông và mạnh, coi trọng việc giao du với nước lớn và uy thế sớm có đầy đủ thì có thể mất.

31) Hẹp hòi và nôn nóng, khinh suất và dễ hành động, trong lòng giận dữ không nhìn trước nhìn sau thì có thể mất.

32) Nhà vua hay nổi giận lại thích dùng binh, coi thường cái gốc mà lại khinh suất tiến đánh thì có thể mất.

33) Bầy tôi sang ghen ghét nhau, các quan đại thần hưng thịnh, bên ngoài dựa vào nước địch, bên trong làm khốn khổ trăm họ gây oán thù mà nhà vua không trừng trị thì có thể mất.

34) Nhà vua kém cỏi mà con những người thiếp lại hiền; thái tử bị xem nhẹ mà con thì lại mạnh; quan lại yếu mà nhân dân hung bạo, như thế thì nước rối loạn. Nước rối loạn thì có thể mất.

35) Giữ điều giận mà không bộc lộ ra, treo tội nhưng không giết, khiến bầy tôi trong bụng ghét và lại càng lo sợ, mà lâu không biết thì có thể mất.

36) Tướng quân ra biên giới quyền to quá, quan giữ biên địa vị quá cao, chuyên quyền thi hành mệnh lệnh, tự mình làm mà không xin phép ai thì có thế mất.

37) Hoàng hậu dâm loạn, hoàng thái hậu làm điều nhơ bẩn, bên trong bên ngoài hỗn loạn, con trai con gái không phân biệt. Như thế gọi là hai vua, hai vua thì có thể mất.

38) Hoàng hậu và các bà vợ thì hèn mà các tỳ thiếp thì sang, thái tử thì thấp mà con thì thì tôn quý, tướng quốc bị khinh mà viên quan tiếp khách nước ngoài được trọng. Như thế là trong và ngoài sai lạc. Trong và ngoài sai lạc thì có thể mất.

39) Quan đại thần sang quá đáng, bè đảng đông và mạnh, che đậy cản trở sự quyết định của nhà vua và chuyên quyền trị nước thì có thể mất.

40) Các quan của các nhà riêng được dùng mà những người lập công không được dùng. Những người có tiếng trong làng xóm được cất nhắc mà những người chăm làm chức quan của mình thì bị bỏ. Coi trọng việc riêng mà coi nhẹ việc chung, thì có thể mất.

41) Kho nhà nước trống rỗng mà quan đại thần nhiều của cải. Các hộ dân trong nước nghèo mà dân trú ngụ giàu. Kẻ sĩ lo cày và chiến đấu thì nghèo mà dân làm nghề ngọn được lợi thì có thể mất.

42) Thấy lợi lớn mà không chạy theo, nghe hoạ bắt đầu mà không đề phòng; kém về mặt chiến đấu và phòng thủ mà lại chăm làm nhàn nghĩa để tự tô vẽ cho mình thì có thể mất.

43) Không làm cái hiếu của bậc làm vua mà lại làm cái hiếu của kẻ thất phu. Không nhìn đến cái lợi của xã tắc mà lại nghe theo mệnh lệnh của mẹ nhà vua, để cho đàn bà trị nước, những người bị hình phạt sống sót (những người thái giám) cầm quyền thì có thể mất.

44) Nói năng hùng biện nhưng không theo pháp luật, bụng khôn ngoan mà không có thuật trị nước, nhà vua lắm tài nhưng không làm việc theo phép tắc thì có thể mất.

45) Những bầy tôi thân được tiến cử mà những người cũ rút lui. Kẻ hèn kém được dùng mà những người hiền lương ấn nấp. Kẻ không có công được quý trọng mà những người vất vả khó nhọc bị nghèo hèn thì kẻ dưới oán. Kẻ dưới oán thì có thể mất.

46) Cha anh, các quan đại thần lộc và trật vượt quá công lao, y phục vượt quá cấp bậc, các cung thất được cung phụng nuôi dưỡng quá xa xỉ mà vua không cám. Như vậy thì bụng của bầy tôi sẽ không cùng. Bụng của bầy tôi không cùng thì có thể mất.

47) Con rể và cháu của nhà vua ở cùng lẫn lộn với nhân dân, bạo ngược kiêu ngạo với người láng giềng thì có thể mất.

Nêu những điểm mất nước trên không phải là nói rằng nước thế nào cũng mất. Mà là có thể mất. Hai Nghiêu không thể cùng làm cho nhau thành vương, hai Kiệt không thể làm cho nhau mất. Cái then chốt khiến cho nhà vua mất nước là ở chỗ nơi trị nơi loạn, nơi mạnh nơi yếu khác nhau xa.

Cây gỗ bị gãy thế nào cũng có mọt ở trong. Cái tường bị đổ thế nào cũng có lỗ hở ở trong. Thế nhưng cây gỗ tuy bị mọt nhưng không có gió mạnh thì không gãy. Cái tường tuy có chỗ hở nhưng không có mưa to thì không đổ. Bậc vua chúa có muốn cỗ xe, biết dùng thuật trị nước thi hành pháp luật để làm mưa làm gió đối với những ông vua có điềm mất nước thì việc thôn tính thiên hạ là không khó vậy.