Sách Hàn Phi Tử/Nêu cao uy quyền (Dương quyền)

Tủ sách mở Wikibooks
1.

Trời có cái lẽ tự nhiên của nó, con người có cái lẽ tự nhiên của nó. Mùi thơm, vị ngon, rượu nồng, thịt béo làm ngon miệng nhưng sinh bệnh. Kẻ da mịn, răng trắng làm cho tình cảm thích nhưng hao phí tinh lực. Cho nên phải bỏ cái quá đáng, cái thái quá, thì thân mình mới khỏi bị hại. Cái quyền không nên lộ ra, bản chất nó là vô vi; Công việc làm ở bốn phương nhưng then chốt là ở trung ương. Bậc thánh nhân nắm lấy cái chủ yếu bốn phương đến phục dịch. Mình hư tâm đối xử người ta tự họ thi hành. Bốn biển đã đầy đủ, do âm mà thấy dương, những người chung quanh đã xác lập xong, mở cửa để đón tiếp. Không thay không đổi, nắm lấy hai cái (hình và danh) để xét, xét mãi không thôi. Đó gọi là cách cai trị đúng đắn vậy.

Nói chung, sự vật đều có chỗ thích hợp của nó, của cải đều có chỗ dùng của nó, mỗi người đều ở vào chỗ đúng của mình, cho nên trên dưới vô vi. Khiến con gà gáy sáng, khiến con mèo bắt chuột, mọi vật đều dùng cái tài của nó thì người trên vô sự. Bề trên nếu có sở trường của mình thì công việc không làm tròn. Bề trên khoe và thích trổ tài thì bị cấp dưới lừa dối. Bề trên thích làm ân huệ và hiếu sinh thì người dưới sẽ lợi dụng cái đó. Nếu người trên kẻ dưới thay đổi vai trò của mình thì nước sẽ vì thế mà không trị an.

2.

Cái đạo bất biến của việc cai trị là lấy cái danh (tên gọi) làm đầu. Cái danh đã chính thì sự vật được xác định. Cái danh là thiên lệch thì sự vật thay đổi.

Cho nên bậc thánh nhân nắm lấy cái duy nhất và giữ yên tĩnh, khiến cái danh tự nó ra lệnh, khiến sự việc tự nó được giải quyết. Nếu nhà vua không biểu lộ cái khéo léo của mình thì người dưới sẽ tỏ lòng ngay thực và đúng đắn. Nhà vua nhân đó mà dùng họ, khiến cho họ tự mình chọn việc. Nhân đó mà giao quyền cho họ khiến cho họ tự mình làm nhiệm vụ. Nhà vua lấy cái danh đó để cử họ. Nếu không biết cái danh thì theo dõi cái hình (tình hình thực tế). Nếu cái danh và cái hình đã phù hợp với nhau thì kết quả sẽ tự nó đến. Hai cái này đều thực đúng, thì người dưới sẽ bộc lộ tình thực của họ. Cẩn thận trau giồi công việc của mình cha mệnh ở trời, không bỏ mất cái chủ yếu, như thế mới là bậc thánh nhân.

Đạo của bậc thánh nhân là từ bỏ cái khôn ngoan và cái khéo léo. Nếu không bỏ cái khôn ngoan và cái khéo léo thì khó lòng giữ được cái nguyên lý bất biến. Nếu người dân dùng đến cái khôn ngoan và khéo léo thì thân sẽ bị điều tai ương. Nếu ông vua ở trên dùng đến cái khôn ngoan và khéo léo của mình thì nước sẽ nguy vong.

Dựa theo cái đạo của trời, theo cái danh mà xét sự thực, xem xét kỹ lưỡng điều đó. Cái gì có kết thúc thì có bắt đầu. Phải hư tâm, yên tĩnh, ở sau người ta, không bao giờ dùng cái khôn của mình. Nói chung, cái lo của người trên là ở chỗ mình hùa theo cái khôn của người ta. Giữ chữ tín nhưng không hùa theo người ta thì vạn dân đều theo mình.

3.

Nói chung, đạo rộng lớn nhưng vô hình, đức thâm nhập vào tất cả mọi vật và phổ biến mọi nơi, đến tận mọi sinh vật. Nếu châm chước đạo và đức mà dùng thì muốn vật đều phồn thịnh, nhưng đạo và đức không cùng yên ổn với vạn vật. Đạo có mặt trong mọi việc cho nên phái theo đạo mà làm, sống và chết theo đúng thời. So sánh cái danh và cái thực, dùng pháp thuật để xét cái tình thực.

Cho nên nói: “Đạo không trùng làm một với vạn vật, đức không trùng làm một với âm dương, cái cân không trùng làm một với sự nặng nhẹ, dây mực không trùng làm một với chỗ lồi chỗ lõm, cái kèn nhỏ không trùng làm một với sự nhanh chậm, nhà vua không trùng làm một với bầy lôi”. Cả sáu cái này đều do đạo mà ra. Đạo không có hai cho nên gọi nó là một.

Cho nên vị vua sáng lo lấy cái đạo làm nội dung. Vua và bầy tôi không cùng một đường. Kẻ dưới người trên phân loại theo cái danh. Nhà vua nắm lấy cái danh, bầy tôi làm ra sự thực (hình). Cái danh và sự thực phù hợp với nhau thì trên dưới hoà hợp.

4.

Nói chung, đạo nghe người dưới là nghe những điều họ nói để xét những điều họ làm. Phải lấy cái danh để quy định địa vị, phân biệt rõ ràng các chức phận để quy định công việc. Cái đạo nghe người ta nói là làm ra vẻ ngây ngất như người say rượu. Răng ta, môi ta, ta không hé trước. Răng ta, môi ta, ta càng giữ yên. Như thế thì ta để cho họ tự nói trước. Ta nhân đó mà biết ý muốn của họ. Những lời phải những lời trái đến dồn dập, nhưng nhà vua không hùa theo. Hư tĩnh, vô vi là cái bản chất của đạo; tham khảo, đối chiếu sự vật là thực tế của công việc. Tham khảo để so sánh mọi vật, làm cho nó phù hợp với cái hư tâm. Nếu gốc và rễ không bỏ thì việc làm hay nghỉ ngơi đều không sai lầm. Hành động nhưng vẫn nhàn nhã, lấy cái vô vi để sửa chữa.

Nhà vua tỏ ra ham thích thì sinh ra lắm việc, nhà vua tỏ ra ghét thì sinh oán. Cho nên bỏ mừng, bỏ oán, giữ cái hư tâm để làm nơi ở của đạo.

Người trên không chia quyền với kẻ dưới thì dân sẽ yêu quý nhà vua. Nhà vua không bàn bạc với họ, khiến họ tự làm lấy một mình. Nhà vua giữ chắc lấy cái then cài ở bên trong, ngồi ở trong nhà mà nhìn ra ngoài sân thì sự khác nhau một gang một tấc đều sẽ thấy rõ ràng và biết rõ chỗ đứng của từng người. Người nào đáng thưởng thì thưởng, người nào đáng trị thì trị. Cứ dựa vào việc làm của họ, người nào cũng tự làm nên cái kết quả của mình. Việc phải việc trái đều đối xử thích đáng. Như vậy ai dám không tin? Một khi cái quy cái củ đã xác lập thì nhìn một góc cả ba góc kia đều lộ rõ.

5.

Nếu ông vua ở trên không thần bí thì kẻ ở dưới sẽ có cách lợi dụng. Việc làm của nhà vua nếu không đúng thì kẻ ở dưới sẽ căn cứ vào cái nguyên lý bất biến (để sửa chữa). Như trời như đất cái đó gọi là xoá hết mọi điều lo lắng. Như đất như trời, có ai là kẻ sơ có ai là người thân đâu? Ai có thể bắt chước giống như trời đất, người ấy là bậc thánh nhân.

Muốn cai trị bên trong thì đặt người nhưng không thân với họ. Muốn trị bên ngoài thì mỗi việc đặt một chức quan, không cho họ tự tiện làm. Như thế làm sao có chuyện chuyên quyền lấn át kẻ khác được? Cửa các quan đại thần chí sợ có nhiều người. Nói chung, khi việc cai trị đến cực điểm thì người dưới không được có ân huệ riêng. Nếu làm cho cái sự thực (hình) phù hợp với tên gọi (danh) thì dân sẽ giữ chức vụ của mình. Nếu bỏ điều đó mà lại lo đến điều khác thì gọi là sự sai lầm lớn. Khi những bọn giảo hoạt nhan nhản thì bọn gian tà ở đầy bên cạnh mình. Cho nên nói: “Chớ làm cho người ta giàu đến mức họ cho vay. Chớ làm cho người ta sang đến mức họ ức hiếp. Chớ có tin riêng một người mà bỏ mất cái nước của mình”.

Bắp chân lớn hơn đùi thì khó mà chạy nhanh. Ông vua bỏ mất cái thần bí của mình thì hổ nó theo đằng sau. Nếu nhà vua không biết thì con hổ sẽ làm con chó[11]. Nếu nhà vua không sớm ngăn chặn thì chó này sẽ nhiễu thêm không kể xiết. Khi hổ đã thành bầy rồi thì chúng sẽ giết vua.

Làm vua mà không có bầy tôi thì làm sao mà có nước được. Nhà vua thi hành pháp luật của mình thì hổ lớn sẽ khiếp. Nhà vua thi hành hình phạt của mình thì hổ lớn sẽ tự yên. Nếu pháp luật và hình phạt được tin theo thì hổ sẽ hoá thành người và trở về bản tính của con người.

Muốn cai trị một nước thì phải phạt những kẻ tụ họp nhau lại. Nếu không phạt nhưng kẻ tụ họp nhau lại, thì họ sẽ quá đông. Muốn cai trị đất của mình thì phải ban cấp cho đúng. Nếu cho không đúng thì những kẻ làm loạn sẽ đòi thêm. Họ đòi ta cho thế là ta trao búa cho kẻ thù. Nếu ta không thể cho họ thì họ sẽ lấy cái búa mà đánh ta.

Hoàng Đế có câu: “Người trên kẻ dưới một ngày đánh nhau một trăm trận”. Người dưới che giấu cái riêng tư của mình, để thử bụng người trên. Người trên nắm lấy quyền cân nhắc xem xét để tước bót quyền lực kẻ dưới. Cho nên lập phép cân nhắc đo lường đó là cái quý của nhà vua. Có bè có đảng, đó là cái quý của bầy tôi. Bầy tôi sở dĩ không giết ông vua của mình là vì bè đảng chưa đủ.

Cho nên người trên bỏ mất một tấc thì người dưới được lợi một tầm, một thường. Nhà vua có nước không mở rộng thủ đô mình. Bầy tôi có đạo, không làm cho gia đình mình sang. Ông vua có đạo không làm cho bầy tôi được sang. Làm cho nó sang, nó giàu, nó sẽ thay thế mình đấy. Phải phòng cái nguy phải lo cái gấp, phải nhanh nhanh lập thái tử, thì hoá mới không có cách nào xẩy ra.

6.

Muốn xem xét bên trong, đề phòng bên ngoài thì thân mình phải nắm lấy sự cân nhắc. Ai dồi dào ta bớt đi. Ai ít ỏi ta thêm cho. Việc thêm hay bớt đều có mức độ, chớ khiến cho dân thành bè đảng, thông đồng nhau mà lừa gạt người trên. Hãy bớt đi như mặt trăng (cứ khuyết dần), hãy thêm vào như nhiệt độ (cứ lên dần trong ngày). Làm cho mệnh, lệnh đơn giản và cẩn thận trong việc trừng phạt. Sự trừng phạt phải dứt khoát. Chớ buông lỏng dây cung, nếu không, một cành sẽ có hai con chim trống. Một cành có hai con chim trống thì chúng sẽ đánh nhau mãi mãi. Chó sói ở trong chuồng dê thì dê sẽ không đông. Một nhà có hai người sang công việc sẽ không xong. Vợ chồng cùng cầm quyền thì con không biết theo ai.

7.

Kẻ làm vua người ta phải thường năng tỉa cây, chớ để cho cây nhiều cành quá. Cây nhiều cành quá thì sẽ che mất nhà công.

Nhà riêng phồn thịnh, thì sân công sẽ trống rỗng, và nhà vua sẽ bị bưng bít bao vây. Phải năng tỉa cây, đừng để cho cành cây chĩa ra ngoài. Cành cây chĩa ra ngoài thì sẽ xâm phạm tới nơi ở của nhà vua. Phải năng tỉa cây, chớ để cho cành lớn mà gốc nhỏ. Cành lớn mà gốc nhỏ thì sẽ không chịu nổi gió xuân. Không chịu nổi gió xuân thì cành cây sẽ làm hại tới cái lõi của cây. Có nhiều công tử (con trai vua nhưng không phải là thái tử) thì tôn thất sẽ phải lo lắng.

Cái đạo chấm dứt mối lo này là năng tỉa cây, đừng để cho cành rậm rạp. Khi cây đã bị tỉa thì bè đảng sẽ lìa. Đào gốc rễ lên thì cái cây sẽ hết thần. Hãy lấp nguồn đi đừng để cho nước chảy tràn. Phải xét bụng bầy tôi, cướp uy quyền của họ. Nhà vua mà làm thế thì mệnh lệnh ban ra sẽ như sét như chớp vậy.

Chú thích[sửa]

[11] Ý nói bọn gian thần nguy như hổ nhưng giả va ngoan ngoãn như chó.