Sách Hàn Phi Tử/Minh hoạ Lão Tử (Dụ Lão)
- 1.
Thiên hạ có đạo, không có mối lo gấp thì yên tĩnh, không dùng việc truyền tin nhanh.
Thiên hạ không có đạo, tấn công chiến đấu không nghỉ, chống đỡ nhau mấy năm không thôi, đến nỗi mũ trụ, áo giáp sinh chấy rận, chim én chim sẻ làm tổ ở nơi màn trướng mà quân đội vẫn không trở về nhà. Cho nên nói: “Ngựa chiến đẻ con ở nơi ngoại ô” (Chương 46).
- 2.
Có người nước Địch dâng cho Tấn Văn Công da lông chồn lớn, báo đen, Văn Công nhận tấm da của khách mà than rằng: “Những con thú này vì bộ da đẹp mà tự làm khổ mình”.
Nói chung kẻ trị nước vì tiếng tăm mà bị tội là vua Yển Vương nước Từ, vì thành và đất bị tội là vua nước Ngu và nước Quắc. Cho nên nói “Tội không gì lớn bằng vâng theo điều ham muốn” (Chương 46).
- 3.
Trí Bá thôn tính đất của họ Phạm và họ Trung Hàng rồi lấn công nước Triệu không nghĩ Nước Hàn, nước Nguỵ làm phản, quân Trí Bá bị thua ở Tấn Dương. Ông ta bị chết ở phía đông đất Cao Lương. Cuối cùng đất đai ông ta bị chia, cái đầu ông ta bị sơn làm vật đựng rượu. Cho nên nói: ” Hoạ không gì lớn bằng không tự cho là đủ” (Chương 46).
- 4.
Vua nước Ngu muốn cỗ xe ngựa đất Khuất Sản và ngọc bích Thuỳ Cức, nên không nghe lời Cung Chi Kỳ. Kết quả nước mất, thân chết. Cho nên nói: “Không lỗi nào lớn bằng muốn được” (Chương 46).
- 5.
Nước lấy việc tự bảo tồn làm cái không thay đổi, thì có thể làm được bá vương. Thân mình lấy cái sống làm cái không thay đổi, thì có thể giàu sang. Không muốn tự hại mình thì nước không mất thân không chết. Cho nên nói: “Biết tự lấy làm đủ thì luôn luôn đủ (Chương 46).
- 6.
Sở Trang Vương sau khi đã thắng trận, đi săn ở Hà Ung, trở về thưởng cho Tôn Thúc Ngao, Tôn Thúc Ngao xin đất Hán Gian. Đó là một nơi cát và đá. Theo phép của nước Sở đất cấp làm lộc thì hai đời thu lại, chỉ có đất cấp cho Tôn Thúc Ngao là vẫn còn. Đất này không bị nước Sở thu lại vì nó xấu. Do đó chín đời tế tự vẫn không dứt. Cho nên nói: “Cái khéo trồng thì không thể nhổ được, cái khéo giữ thì không thể mất được”. Con cháu nhờ thế mà tế tự không dứt (Chương 53). Tôn Thúc Ngao là như thế đấy.
- 7.
Quyền chế ngự ở mình thì gọi là nặng, không dời khỏi địa vị thì gọi là tĩnh. Nặng thì có thể sai khiến nhẹ. Tĩnh thì có thể sai khiến nôn nóng. Cho nên nói: “Nặng là gốc của nhẹ, tĩnh là gốc của sự nôn nóng. Cho nên bậc quân tử suốt ngày đi không rời xe cộ”.
Nước là xe cộ của nhà vua. Chủ Phụ còn sống mà truyền nước của mình (cho người ta), như thế là người đã rời khỏi xe cộ. Cho nên tuy có cái vui được đất Đại và đất Vân Trung nhưng rõ ràng đã không có nước Triệu. Chủ Phụ là ông vua có vạn cỗ xe, nhưng coi cái thân mình là nhẹ ở trong thiên hạ. Không có thế thì gọi là nhẹ. Rời khỏi địa vị thì gọi là nôn nóng, kết quả là sống bị tù và chết. Cho nên nói: “Nhẹ thì mất bầy tôi, nôn nóng thì mất vua”. Chủ Phụ là như thế (Chương 26).
- 8.
Cái thế nặng là cái vực của nhà vua. Cái thế của kẻ làm vua phải nặng hơn bầy tôi. Bỏ mất nó đi thì không thể có lại được. Tề Giản Công bỏ mất nó cho Điền Thành. Tấn Công bỏ mất nó cho sáu quan khanh cho nên nước mất, thân chết. Cho nên nói: “Con cá không thể rời khỏi vực sâu” (Chương 36).
Việc thưởng và phạt là cái công cụ sắc bên của nước. Nó nằm trong tay nhà vua thì nhà vua chế ngự bầy tôi. Nó nằm trong tay bầy tôi thì bầy tôi thắng nhà vua. Nhà vua thi hành việc thưởng mà bầy tôi bớt đi để ban đức. Nhà vua thi hành việc phạt mà bầy tôi làm nặng thêm để ra uy. Thế là nhà vua thi hành việc thưởng mà bầy tôi dùng của thế của nhà vua. Nhà vua thi hành việc phạt mà bầy tôi lợi dụng cái uy của nhà vua. Cho nên nói: “Không thể trao cho người ta cái công cụ sắc bén” (Chương 36).
- 9.
Vua nước Việt vào làm quan ở nước Ngô, xui vua Ngô đánh nước Tề để làm cho nước Ngô bị mệt mỏi. Quân Ngô sau khi đã đánh thắng quân Tề ở Ngũ Lăng thì dàn quân ở sông Giang, sông Tế và khoe sức mạnh ở Hằng Trì nên có thể bị khống chế ở Ngũ Hồ. Cho nên nói: “Muốn làm cho nó co lại thì nhất thiết phải kéo nó ra, muốn làm cho nó yếu đi thì nhất thiết phải làm cho nó mạnh lên” (Chương 36).
Tấn Hiến Công muốn đánh úp nước Ngu, đem ngọc bích và ngựa cho nước ấy. Trí Bá muốn đánh nước Cừ Do, cho họ một cỗ xe lớn. Cho nên nói: “Muốn cướp của người ta thì phải cho người ta” (Chương 36). Khởi sự từ chỗ vô hình mà có được công lớn trong thiên hạ gọi là sáng suốt ở chỗ nhỏ bé. Ở chỗ nhỏ yếu mà trọng việc tự ti thì gọi là người yếu thắng người mạnh vậy.
- 10.
Tất cả những cái gì có hình thì cái lớn đều xuất phát từ cái nhỏ. Những vật có lâu thì cái đông thế nào cũng bắt đầu từ cái ít. Cho nên nói: “Những chuyện khó trong thiên hạ thì thế nào cũng phải làm ở chở nhỏ”. Cho nên muốn khống chế sự vật “phải làm ở chỗ nhờ của nó” (Chương 43).
Cho nên nói: “Lo việc khó ở chỗ dễ của nó, làm việc lớn ở chỗ nhỏ của nó” (Chương 43). Con đê dài ngàn trượng bị vỡ là vì hang kiến; cái nhà cao trăm trượng bị cháy vì lỗ hở ở ống khói! Cho nên nói: “Bạch Khuê đi xem đê thì lấp những lỗ hổng. Các cụ già để phòng cháy thì bịt những lỗ hở của các ống khói”. Vì vậy Bạch Khuê không bị nạn nước, các cụ già không bị hoả hoạn. Hai người này đều cẩn thận trong việc dễ để tránh được cái khó, cẩn thận cái nhỏ để tránh cái lớn vậy.
Biển Thước yết kiến Thái Hoàn Hầu, Biển Thước đứng một lát rồi nói: “Bệ hạ có bệnh ở giữa các lớp thịt, nếu không chữa thì sợ sẽ vào sâu”. Hoàn Hầu nói: “Quả nhân không có bệnh”. Biển Thước đi ra, Hoàn Hầu nói: “Thầy thuốc thích chữa người không có bệnh để lấy công”.
Được mười ngày, Biển Thước lại yết kiến nói: “Bệnh của bệ hạ ở da thịt, nếu không chữa sẽ sâu thêm”. Biển Thước đi ra, Hoàn Hầu lại không vui. Được mười ngày, Biển Thước lại yết kiến, nói: “Bệnh của bệ hạ ở ruột và dạ dày, nếu không chữa thì sẽ sâu thêm”. Hoàn Hầu lại không đáp. Biển Thước đi ra, Hoàn Hầu lại không vui.
Được mười ngày, Biển Thước ở xa nhìn thấy Hoàn Hầu mà bỏ chạy. Hoàn Hầu có cho người hỏi. Biển Thước đáp: “Khi cái bệnh ở các lớp da, thì có thể dùng nước nóng và sắt nung đỏ chạm đến. Khi nó ở da thịt thì có thể lấy kim châm, đá chạm đến được. Khi nó ở ruột và dạ dày thì có thể dùng thuốc nấu để chạm đến được. Khi nó ở xương tuỷ thì đã thuộc thần chết, không hỏi thăm nữa”. Được năm ngày, Hoàn Hầu thân thể đau nhức, sai người đi tìm Biển Thước thì ông ta đã trốn sang nước Tần rồi. Kết quả, Hoàn Hầu chết.
Cho nên bậc lương y trị bệnh thì chữa bệnh từ khi nó ở các lớp da. Đó là trị nó khi nó còn nhỏ. Nói chung, hoạ và phúc của sự việc cũng có cái chỗ ở các lớp da. Cho nên nói: Bậc thánh nhân sớm lo công việc” (Chương 63).
- 11.
Ngày xưa, công tử nước Tấn là Trùng Nhĩ chạy trốn, ra nước ngoài, đi qua nước Trịnh. Vua Trịnh đối xử vô lễ. Thúc Chiêm can nói: “Đó là vị công tử giỏi, xin bệ hạ hậu đãi, có thể chất chứa đức”. Vua Trịnh không nghe. Thúc Chiêm lại can: “Nếu bệ hạ đã không hậu đãi ông ta thì không bằng giết ông ta đi”. Vua Trịnh lại không nghe. Đến khi công tử lại trở về nước Tấn, cất quân đánh Trịnh, thu tám thành.
Tấn Hiến Công lấy ngọc Thuỳ Cức đưa cho nước Ngu để mượn đường nước Ngu đánh nước Quắc. Quan đại phu Cung Chi Ky can nói: “Không được. Môi ha thì răng lạnh. Nước Ngu nước Quắc cứu nhau không phải để đền ơn nhau. Nhưng hôm nay nước Tấn diệt nước Ngu thì ngày mai nước Ngu thế nào cũng theo đó mà mất”. Vua nước Ngu không nghe, nhân ngọc bích và cho nước Tấn mượn đường. Nước Tấn đã lấy nước Quắc xong quay về diệt nước Ngu.
Hai bầy tôi này đều can ngăn khi cái nguy ở các lớp da, nhưng hai ông vua không nghe. Như vậy thì Thúc Chiêm và Cung Chi Ky cũng là Biển Thước của nước Ngu và nước Trịnh, nhưng hai ông vua không nghe. Kết quả nước Trịnh bị mất đất, nước Ngu bị mất Cho nên nói: “Cái yên thì dễ nắm cái chưa hé lộ thì dễ tính toán” (Chương 64).
- 12.
Ngày xưa, vua Trụ làm đũa ngà, Cơ Tử lo. Ông ta cho rằng đũa ngà thì không dùng chung với bát đất. Thế nào cũng phải dùng với chén bằng sừng tê hay bằng ngọc. Đũa ngà chén ngọc sẽ không ăn rau, đậu, mà sẽ ăn thịt voi, bào thai báo. Ăn thịt voi, bào thai báo thì nhất định không mặc áo ngắn mà ở trong nhà tranh, thế nào cũng mặc áo gấm chín lớp, ở nhà rộng, đài cao. Ta sợ cái kết thúc cho nên lo cái đầu.
Được năm năm, Trụ làm vườn thịt, lập hình phạt bào lạc[24], bước lên gò men rượu, ngắm ao rượu. Kết quả Trụ chết. Cơ Tử thấy đũa ngà mà biết cái hoạ của thiên hạ. Cho nên nói: “Thấy từ cái nhỏ gọi là sáng” (Chương 52).
- 13.
Câu Tiễn vào làm quan ở nước Ngô, thân hành cầm giáo, khiên để đi trước ngựa vua Ngô, cho nên có thể giết Phù Sai ở đài Cô Tồ. Văn Vương nhục ở Ngọc Môn, sắc mặt không đổi, nên Y Vương bắt được vua Trụ ở Mục Dã. Cho nên nói “Giữ lấy cái mềm thì gọi là mạnh”. Việt Vương làm vương không xấu hổ về chỗ bị nhục. Cho nên nói “Bậc thánh nhân không xấu hổ, vì không xấu hổ cho nên không bị xấu hổ” (Chương 71).
- 14.
Có người nước Tống bắt được viên ngọc ở trong đá, đem dâng cho Tử Hãn. Tử Hãn không nhận, người nhà quê nói: “Cái này quý đáng làm đồ dùng cho người quân tử không nên làm đồ dùng cho kẻ hèn”. Tư Hãn nói: “Nhà người lấy ngọc làm quý, ta lấy việc không nhận ngọc của nhà ngươi làm quý”. Như vậy người nhà quê muốn ngọc, mà Tử Hãn không muốn ngọc. Cho nên nói: “Muốn cái không muốn mà không quý cái hàng hoá khó được” (Chương 44).
- 15.
Vương Thọ mang sách đi, gặp Từ Phùng ở đất Chu. Phùng nói: “Sự việc là hành động, hành động là theo thời mà làm. Cái khôn không theo một sự nhất định. Sách là lời nói, lời nói do cái khôn mà ra, cái khôn không nằm trong sách. Nay tại sao một mình ông lại mang sách?”. Vương Thọ bèn đốt sách của mình và nhảy múa.
Cho nên kẻ khôn không lấy lời mà dạy, và kẻ thông tuệ không chứa sách đầy rương. Đó là điều sai lầm ở đời, mà Vương Thọ chữa được. Đó là học cái không học. Cho nên nói: “Học cái không học, trà về cái người ta cho là sai” (Chương 64).
- 16.
Vật có cái hình dáng bất biến, phải dựa vào đấy mà dẫn dắt cho nó. Phải dựa theo cái hình dáng của sự vật. Cho nên yên tĩnh thì hợp với đức, khi động thì thuận với đạo.
Có người nước Tống vì nhà vua làm một cái lá giả bằng ngà. Làm ba năm mới xong. Nó có đủ vẻ nhọn và phẳng, có vân có gân nhỏ nhắn và trơn láng, để lẫn vào lá thật thì không thể phân biệt được. Người thợ nhờ công này mà được ăn lộc ở nước Tống.
Liệt Tử nghe vậy nói: “Ví thử trời đất ba năm mới sinh được một cái lá thì những vật có lá ít lắm vậy”.
Do đó nếu không dựa vào cái có sẵn của trời đất mà lại dùng cái thân của một người. Không theo cái nguyên tắc của đạo lý mà học cái khôn của một người, thì đều làm theo lối chạm lá cây cả. Cho nên nếu mùa đông cày ruộng và cấy thì dù có là Hậu Tắc cũng không thể làm cho lúa tốt được. Gặp năm được mùa lúa tốt thì đến bọn tôi tớ cũng không thể làm cho nó xấu được. Nếu dùng sức một người thi dù là Hậu Tắc cũng không đủ sức, nhưng nếu cứ theo tự nhiên thì kẻ tôi tớ cũng thừa sức.
Cho nên nói: “Nắm lấy cái tự nhiên của vạn vật mà không dám làm hành động riêng của mình (Chương 64).
- 17.
Chỗ hổng là cửa lớn và cửa sổ của sự sáng suốt. Tai và mắt kiệt sức vì âm thanh và màu sắc tinh thần đã kiệt sức vì cái vẻ bên ngoài, cho nên bên trong không có chủ. Bên trong đã không có chủ thì dù hoạ hay phúc có lớn như cái gò, như ngọn núi cũng không có cách mà biết được. Cho nên nói: “Không ra khỏi cửa lớn có thể biết thiên hạ, không dòm ra cửa sổ có thể biết đạo trời” (Chương 107). Câu này là nói sự sáng suốt không rời bỏ cái bên trong của mình.
- 18.
Triệu Tương Chủ học đánh xe với Vương Tử Kỳ, ít lâu sau ông ta cùng đánh xe thi với Tử Kỳ, ba lần ông đổi ngựa nhưng cả ba lần đều thua. Tương Chủ nói: “Ông dạy tôi thuật đánh xe nhưng chưa dạy hết”. Tử Kỳ đáp: “Thuật đã dạy hết rồi nhưng bệ hạ dùng nó sai. Phàm cái quý của việc đánh xe là thân thể con ngựa yên nơi xe, lòng con người hoà với con ngựa. Sau đó mới có thể tiến nhanh và đi xa. Nay bệ hạ chạy sau thì muốn vượt qua thần, chạy trước thì sợ thần vượt qua. Nói chung việc cùng nhau chạy đua trên đường, tranh nhau đi xa nếu không vượt lên trước, thì phải theo sau. Nhưng chạy trước hay chạy sau bụng bệ hạ đều nghĩ đến thần thì bệ hạ làm sao có thể hoà mình với con ngựa được? Vì vậy cho nên bệ hạ chạy sau”.
Bạch Công tên là Thắng lo mưu loạn. Lúc bãi chầu về cầm ngược cây gậy để chống, mũi nhọn của nó xuyên qua cằm, máu chảy xuống đất mà không biết. Người nước Trịnh nghe vậy, nói: “Cái cằm của mình mà còn quên thì vì cái gì mà quên đây?. Cho nên nói: “Càng đi xa thì càng biết ít, cái khôn càng kém đi”. Câu này nói rằng khi cái trí của mình nghĩ đến chuyện xa thì bỏ mất chuyện gần. Thánh nhân không câu nệ vào việc gì cho nên cái không bao gồm cả gần lẫn xa. Cho nên nói “Không đi mà biết” (Chương 64). Cái khôn bao gồm cả gần lẫn xa, cho nên nói “Không nhìn mà thấy rõ” (Chương 47). Theo thời mà hành động dựa vào cái mình có sẵn mà làm nên công, dùng cái khả năng của vạn vật mà thu được cái lợi, cho nên nói: “Không làm mà nên (Chương 47).
- 19.
Sở Trang Vương cầm quyền cai trị ba năm, không ban hành pháp lệnh, không có hành vi chính trị gì. Quan hữu tư mã ngồi hầu bên cạnh nói bóng gió với nhà vua: “Có con chim đỗ ở cái gò phía nam, ba năm không vỗ cánh, không bay, không kêu, im lặng không lên tiếng, con chim gì vậy?”. Nhà vua nói: “Ba năm không vỗ cánh là để cho lông cánh mọc dài, không bay không kêu là để quan sát phép dân. Tuy không bay, nhưng bay thì xông thẳng lên trời. Tuy không kêu, nhưng kêu thì thế nào cũng làm cho người ta kinh ngạc. Nhà ngươi cứ yên tâm, quả nhân biết rồi đấy”.
Được nửa năm bèn tự mình nghe chính sự, phế truất mười người, cất nhắc chín người, giết năm viên quan đại thần, cử sáu người ẩn sĩ, kết quả nước rất trị an. Đem binh đánh nước Tề, đánh bại quân Tề ở Từ Châu, đánh thắng quân Tấn ở Hà Ung, họp chư hầu ở nước Tống, làm bá chủ thiên hạ.
Vương không làm việc thiện nhỏ nên có danh tiếng lớn, không sớm cho thấy ý mình nên có công lớn. Cho nên nói: “Cái vật lớn làm xong muộn, cái âm lớn ít tiếng” (Chương 41).
- 20.
Sở Trang Vương muốn đánh nước Việt. Đỗ Tử can: “Tại sao nhà vua lại đánh nước Việt?”. Vua nói: “Chính sự loạn và binh nó yếu”. Đỗ Tử nói: “Thần ngu lo ngại điều đó. Cái trí khôn cũng như con mắt, nó có thể nhìn thấy ngoài trăm bước nhưng không thể tự nhìn thấy lông mi của mình. Quân đội nhà vua đã từng bị quân Tần, quân Tấn đánh thua, đã từng mất đất vài trăm dặm, như thế là quân đội yếu. Trang Kiều làm giặc cướp bên trong mà quan lại không thể cấm được, như thế là chính sự loạn vây. Nhà vua yếu và loạn không kém gì nước Việt mà lại muốn đánh nước Việt, như thế cái khôn cũng như con mắt vậy”. Nhà vua bèn thôi.
Cái khó của việc biết không phải ở chỗ nhìn thấy người ta mà ở chỗ tự nhìn thấy mình. Cho nên nói: “Tự nhìn thấy mình gọi là sáng” (Chương 33). , 21. Tử Hạ gặp Tăng Tử. Tăng Tử hỏi: “Tại sao ông béo thế?”. Tử Hạ nói: “Đánh giặc thắng cho nên béo”. Tăng Tử nói: “Như thế là thế nào?”. Tử Hạ đáp: “Tôi bước vào thấy cái nghĩa của các tiên vương thì thích. Đi ra thấy giàu sang thì thích. Hai cái đó đánh nhau ở trong lòng chưa biết cái nào thắng, cho nên gầy. Nay cái nghĩa của tiên vương đã thắng cho nên béo”. Đó là vì cái khổ của cái chí không phải ở chỗ thắng người ta mà là ở chỗ thắng mình. Cho nên nói: “Kẻ nào tự thắng mình thì mạnh” (Chương 33),
- 22.
Nước Chu có thẻ ngọc, Trụ sai Giao Cách đến hỏi thẻ ngọc, Văn Vương không cho. Sai Phí Trọng đến hỏi thì cho. Đó là vì Gia Cách hiền và Phí Trọng vô đạo. Nước Chu ghét người hiền đắc chí, cho nên giao cho Phí Trọng.
Văn Vương cất nhắc Thái Công ở bến sông Vị là quý ông ta, mà giao thẻ ngọc cho Phí Trọng là yêu (cái vô đạo) của ông ta. Cho nên nói: “Không quý thầy, không yêu cái của mình, tuy khôn ngoan nhưng làm như rất u mê, cái đó gọi là cái vi diệu chủ yếu” (Chương 27).
Chú thích
[sửa][24] Nung cột đồng đỏ bắt người ta trèo lên.