Bước tới nội dung

Sách Hàn Phi Tử/Hỏi về sự nguỵ biện (Vấn biện)

Tủ sách mở Wikibooks

1. Có người hỏi: “Việc Nguỵ biện do đâu mà ra?”. Thưa rằng: “Do chỗ người trên không sáng suốt”. Người hỏi nói: “Tại sao người trên không sáng suốt lại sinh ra Nguỵ biện?”. Thưa rằng: “Trong cái nước của ông vua sáng suốt thì mệnh lệnh là lời nói quý nhất, pháp luật là việc làm thích hợp nhất. Hai lời nói ngược nhau không thể cùng quý, hai pháp luật không thể cùng thích hợp. Cho nên những lời nói và những hành vi nào không hợp với pháp lệnh thì đều nhất thiết bị cấm. Nếu như người trên không có pháp lệnh để đối phó với bọn dối trá, ứng phó với sự biến đổi, để mưu lợi, dò xét sự việc thì thế nào người trên cũng chọn lời nói và đòi hỏi nó phải có công dụng thực tế. Nếu lời nói mà đúng thì họ được lợi lớn; nhưng nếu không đúng thì họ bị tội nặng. Do đó, những kẻ ngu sợ tội không dám nói, những người khôn không có gì để tranh cãi nhau, vì vậy không có chuyện Nguỵ biện. Đời loạn thì không thế. Nhà vua ra lệnh thì dân lấy văn học để chê bai, cơ quan có phép tắc thì dân lấy hành động riêng của mình để làm trái lại. Nhà vua coi thường pháp lệnh của mình mà coi trọng sự khôn ngoan của bọn học giả. Điều đó khiến cho ở đời có nhiều kẻ thiên về văn học. 2. Phàm lời nói và việc làm là đều phải lấy công dụng làm tiêu chuẩn. Mài mũi tên rồi bắn bừa bãi thì cái mũi của nó có khi bắn trúng sợi lông mùa thu. Nhưng thế vẫn không thể gọi là bắn giỏi. Vì nó không có cái đích nhất định. Dựng lên cái đích năm tấc, đứng xa trăm bước mà bắn thì nếu không phải là Hậu Nghệ, Bàng Mông không thể nhất định bắn trúng được. Bởi vì có cái đích nhất định. Cho nên nếu có cái đích nhất định thì Hậu Nghệ và Bàng Mông còn cho cái đích năm tấc là khó bắn. Còn nếu không có cái đích nhất định thì dù có bắn bừa đúng cái lông mùa thu cũng là vụng. Nay nghe lời nói, xét việc làm mà không lấy công dụng làm đích thì tuy lời nói hết sức sâu sắc, việc làm hết sức vững chắc, nhưng đó đều là chuyện bắn bừa. Vì vậy cho nên đời loạn nghe lời nói thì lấy chuyện khó hiểu làm sâu sắc, lấy việc văn vẻ nhiều làm hùng biện, còn trong việc làm thì lấy chuyện khác mọi người làm giỏi, lấy việc xúc phạm người trên làm oai. Nhà vua thích những lời hùng biện, sâu sắc, đề cao những hành động bướng bỉnh. Vì vậy cho nên mặc dầu có những người lập pháp luật và thuật trị nước, dựng lên những việc nên làm và những việc nên bỏ, phân biệt việc tranh cãi bằng lời lẽ, thế nhưng không ai sửa chữa được. Vì vậy cho nên những kế mặc lo nhà nho, những kẻ mang kiếm thì nhiều, nhưng những kẻ sĩ lo cày ruộng và chiến đầu thì ít. Những lời từ chương “cứng trắng”[73] vô ích sinh ra nhưng phép tắc mệnh lệnh bị chấm dứt. Cho nên nói: “Người trên không sáng suốt thì sinh ra Nguỵ biện”.

Chú thích

[sửa]

[72] Chữ biện của Hán Phi có nghĩa là biện luận, nhưng ở đây chỉ đơn thuần chỉ cách ngụy biện vẫn lưu hành trong các thuyết khách.

[73] Đây chỉ thuyết ngụy biện của Công Tôn Long