Sách Hàn Phi Tử/Chất vấn phần thứ nhất (Nạn nhất)

Tủ sách mở Wikibooks

1. Tấn Văn Công sắp đánh nhau với quân Sở. Gọi Cậu Phạm đến hỏi: “Ta sắp đánh nhau với quân Sở. Họ đông mà ta ít. Vậy nên làm như thế nào?”. Cậu Phạm thưa: “Thần nghe nói dùng lễ với người quân tử, không chán điều trung và tín. Nhưng trong việc chiến trận, không ngại việc lừa dối. Bệ hạ cứ dùng dối trá với họ mà thôi”. Văn Công từ giã Cậu Phạm, nhân đấy cho gọi Ung Quý mà hỏi: “Ta sắp đánh nhau với quân Sở, họ đông mà ta ít, nên làm như thế nào?”. Ung Quý đáp: “Nếu đốt rừng để săn thì bắt được nhiều thú, nhưng sau đó nhất định không có thú vật nữa. Dùng sự dối trá với dân thì thu lợi nhất thời nhưng lần sau nhất định không làm lại được”. Văn Công nói: “Phải đấy”. Văn Công từ giã Ung Quý, dùng mưu của Câu Phạm đánh nhau với quân Sở và đánh bại quân Sở. Khi trở về ban tước lộc, thưởng cho Ung Quý trước mà thưởng cho Cậu Phạm sau. Các bầy tôi nói: “Trận đánh ở Thành Bộc là mưu của Cậu Phạm, tại sao dùng lời của ông ta mà lại thưởng cho ông ta kém?”. Văn Công nói: “Điều đó các người không thể biết được. Lời nói của Cậu Phạm là cái quyền biến một lúc, lời nói của Ung Quý là cái lợi muôn đời. Trọng Ni nghe thế, nói: ” Văn Công làm bá là đúng thay! Đã biết cái quyền biến nhất thời, lại biết cái lợi muôn đời”. Có người nói: Câu trả lời của Ung Quý là không đúng vào câu hỏi của Văn Công. Nói chung, trả lời câu hỏi là phải nhận việc hỏi điều lớn, điều nhỏ, điều chậm, điều gấp mà trả lời. Điều hỏi cao và lớn mà câu trả lời lại thấp và hẹp thì vị vua sáng không nhận. Nay Văn Công hỏi cách dùng ít đối phó với nhiều, mà lại trả lời “Lần sau nhất định không làm được”, đó không phải là cái để trả lời câu hỏi. Vả lại, Văn Công không biết cái quyền biến nhất thời cũng không biết cái lợi muôn đời. Đánh giặc mà thắng thì nước yên mà thân vững, quân đội mạnh mà lập được cái uy thì tuy lần sau có làm lại cũng không có cái gì lớn hơn điều đó. Sợ gì không đạt được cái lợi muôn đời? Đánh giặc mà không thắng, thì nước mất, quân yếu đi, cái thân chết, cái danh hết. Tránh cái chết hôm nay còn chưa được, còn thì giờ đâu mà được cái lợi muôn đời? Đợi cái lợi muôn đời là ở cuộc thắng trận hôm nay. Sự thắng trận hôm nay là ở chỗ lừa kẻ địch. Lừa kẻ địch đó là lợi muôn đời đấy. Cho nên nói: câu trả lời của Ung Quý là không nhằm vào câu hỏi của Tấn Văn Công. Vả lại Văn Công lại không biết lời của Cậu Phạm. Cậu Phạm nói không ngại việc lừa dối, không phải là nói lừa dối dân mình, mà nói lừa dối quân địch. Kẻ địch là cái nước mình phải đánh, dẫu sau không làm lại được thì có hại gì đâu? Sở dĩ Văn Công đề cao Ung Quý phải chăng vì cái công của ông ta? Nhưng thắng được quân Sở, phá được quân nó là nhờ mưu của Cậu Phạm. Đó phải chăng vì lời nói của ông ta hay? Như vậy thì Ung Quý chỉ nói “sau này không làm lại được” câu này cũng chưa phải là lời nói hay. Lời nói của Cậu Phạm thì gồm cả hai. Cậu Phạm nói: “Dùng lễ với người quân tử, không chán việc trung và tín”. Trung là cái dùng để yêu kẻ dưới, tín là cái dùng để không lừa dối dân mình. Một khi đã yêu và đã không lừa dối thì còn lời nói nào hay hơn nữa? Thế nhưng phải nói dùng lối lừa dối là vì đó là cái mưu kế quân sự. Cậu Phạm trước có lời nói hay, sau có chiến thắng cho nên Câu Phạm có hai công mà lại bị để ra sau. Ung Quý không có công nào mà lại được thưởng trước. Nói “Văn Công làm bá là đúng thay” cho biết Trọng Ni không biết thưởng đúng đắn vậy. 2. Những người cày ruộng ở Lịch Sơn giành bò ruộng nhau. Thuấn đến đó cày. Được một năm thi những người cày nhường bờ ruộng. Những người đánh cá ở ba sông Hoàng Hà tranh nhau về bãi. Thuấn đến đấy đánh cá. Được một năm, họ nhường cho người lớn tuổi. Những người làm đồ gốm ở Đông Di làm đồ dùng xấu. Thuấn đến làm đồ gốm. Được một năm thì đồ gốm chắc. Trọng Ni than: “Cày ruộng, đánh cá, làm đồ gốm đều không phải là chức quan của Thuấn. Nhưng Thuấn đến làm là để sửa cái hư hỏng. Thuấn quả là người có nhân thay! Tự mình ở vào nơi khó nhọc mà dân theo ông ta. Cho nên nói: “Thánh nhân lấy đức để cảm hoá vậy”. Có người hỏi nhà nho: “Trong lúc đó thì Nghiêu ở đâu?”. Người kia đáp: “Nghiêu làm thiên tử”. Nhưng như vậy tại sao Trọng Ni lại cho Nghiêu là thánh? Bậc thánh nhân xét đoán sáng suốt ở trên, để khiến cho thiên hạ không có điều gian dối. Nay những người cày, những người đánh cá không tranh giành, những người làm đồ gốm không làm đồ xấu, Thuấn có đức gì mà cảm hoá họ? Thuấn mà sửa chữa cái hư hỏng thì đó là Nghiêu có chỗ kế. Cho Thuấn là hiền thì phải gạt bỏ cái sáng suốt của Nghiêu, cho Nghiêu là thánh thì phải gạt bỏ sự cảm hoá bằng đức của Thuấn. Không thể giữ cả hai điều đó được. Có người nước Sở bán thuẫn và mâu. Anh ta khoe cái thuẫn (cái khiên): “Cái thuẫn của tôi chắc, không có vật gì đâm nó thủng được”. Anh ta lại khoe cái mâu (cái dáo): “Cái mâu của tôi sắc, đâm cái gì cũng thủng”. Có người hỏi: “Nếu lấy cái mâu của anh mà đâm cái thuẫn của anh thì như thế nào?”. Người kia không có cách gì trả lời. Nói chung, cái thuẫn không có cái gì có thể đâm thủng với cái mâu đâm cái gì cũng thủng không thể cùng đứng trong đời được. Nay Nghiêu và Thuấn không thể khen cả hai người được. Đó là loại chuyện như mâu với thuẫn vậy. Vả tại, Thuấn sửa chữa điều hư hỏng, phải một năm mới chữa được một điều hư hỏng, phải ba năm mới chữa được ba điều hư hỏng. Sức Thuấn có hạn, tuổi thọ của Thuấn có hạn. Nhưng điều hư hỏng trong thiên hạ không bao giờ hết. Lấy cái hữu hạn để đuổi theo cái vô hạn, thì những điều sửa chữa được thực ít vậy. Việc thưởng phạt là cái khiến cho thiên hạ phải làm theo. Lệnh ban ra nói: “Người nào làm đúng phép thì thưởng, không đúng thì phạt”. Lệnh đến buổi sáng thì buổi chiều sẽ thay đổi. Trong mười ngày là trong bốn biển đều xong hết, cần gì phải chờ đợi đến trọn năm? Thuấn không biết lấy điều đó nói với Nghiêu để Nghiêu theo mình, lại tự mình làm chẳng phải là không có cái thuật trị nước đó sao? Vả lại, lấy thân mình làm điều khổ cực để sau đó giáo hoá nhân dân là điều Nghiêu và Thuấn làm còn khó thay. Còn dựa vào cái thế để sửa chữa kẻ dưới thì một vị vua tầm thường cũng làm được dễ dàng. Muốn cai trị thiên hạ, mà lại bỏ cái điều một ông vua tầm thường cũng cho là dễ làm, để nói cái mà Nghiêu và Thuấn đều cho là khó thì chưa có thể gọi là làm chính trị được. 3. Quản Trọng bị bệnh. Tề Hoàn Công đến thăm, hỏi: “Trọng phụ bị bệnh, nếu không mau, mệnh trời hết thì có điều gì dặn lại quả nhân?”. Quản Trọng nói: “Bệ hạ không hỏi thần cũng sẽ trình bày. Xin bệ hạ đuổi Thụ Điêu, trừ Dịch Nha, lánh xa công tử nước Vệ là Khai Phương. Dịch Nha là người lo việc ăn uống của nhà vua. Nhà vua chỉ còn thịt người là chưa nếm. Dịch Nha nấu đầu con mình để dâng cho nhà vua. Phàm tình cảm con người không ai không thương con mình. Nay không thương con mình làm sao có thể thương nhà vua được? Bệ hạ hay ghen và thích đàn bà, Thụ Điêu tự thiến mình để vào cai quản trong hậu cung. Con người không ai không yêu thân mình. Cái thân mình còn chưa yêu thì làm sao có thể yêu nhà vua? Thần nghe Khai Phương thờ bệ hạ mười lăm năm. Từ nước Tề sang nước Vệ không mất vài ngày đi đường, bỏ mẹ mình làm quan lâu mà không về. Mẹ mình còn không yêu, làm sao có thể yêu nhà vua được? Thần nghe nói: “Khoe cái dối trá thì không lâu dài, che sự hư nguỵ thì không bền được”. Xin bệ hạ gạt bỏ ba người kia”. Quản Trọng chết. Hoàn Công không làm theo lời ông ta. Dòi bò từ thây ra mà thây chưa chôn. Có người nói: Những điều Quản Trọng thấy và nói với Hoàn Công không phải là lời có pháp độ[57]. Lý do khiến ông ta đuổi Thụ Điêu. Dịch Nha là vì họ không yêu cái thân của mình mà chỉ làm theo ý muốn của vua. Quản Trọng nói: “Không yêu thân mình, làm sao có thể yêu nhà vua?”. Như vậy thì bầy tôi dốc hết sức mình để phục vụ vua chúa của mình, Quản Trọng sẽ không dùng vậy. Nói: “Họ không thương cái sức liều chết của mình làm sao có thể thương nhà vua?”. Như vậy thì nhà vua đuổi những trung thần vậy. Vả lại, lấy việc không yêu thân mình mà cho là không yêu vua mình, như vậy là có thể lấy việc Quản Trọng không thể chết cho công tử Củ để xét việc ông ta không thể chết cho Hoàn Công. Như vậy thì Quản Trọng cũng thuộc vào loại phải đuổi đi vậy. Cái đạo của vị vua sáng không phải thế. Lập nên cái dân muốn để đòi hỏi họ ra công, cho nên lập tước lộc để khuyến khích họ. Nêu lên cái dân ghét để cấm cái gian tà của họ, cho nên lập ra hình phạt để ra uy với họ. Sự khen thưởng thì dứt khoát mà hình phạt thì quyết đoán. Cho nên nhà vua dùng những bầy tôi có công mà những kẻ gian không được trên dùng. Tuy có Thụ Điêu cũng có thể làm gì được nhà vua? Vả lại, bầy tôi đem hết sức mình để bán cho nhà vua, nhà vua đưa tước lộc ra để cho bầy tôi. Giữa vua với tôi không có cái tình thân của cha với con, đều do việc tính toán mà ra cả. Nhà vua có đạo thì bầy tôi ở trên che lấp cái sáng suốt của nhà vua, và ở dưới làm việc riêng của mình. Quản Trọng không soi sáng cái phép tắc này với Hoàn Công. Ví thử đuổi được Thụ Điêu thì một Thụ Điêu khác lại đến. Đó không phải là cái cách cắt đứt sự gian dối vậy. Vả lại, sở dĩ Hoàn Công thân chết, dòi bò từ thây mà ra mà vẫn chưa được chôn[58] là vì bầy tôi mạnh. Bầy tôi sở dĩ mạnh là vì nắm lấy quyền của nhà vua. Nếu có bầy tôi nắm lấy cái quyền của nhà vua thì mệnh lệnh của nhà vua không ban được xuống dưới mà tình cảm của bầy tôi không thấu được lên trên. Sức của một người có thể ngăn cản được giữa vua với tôi khiến cho nhà vua không biết cái hay cái dở, không hiểu được cái hoạ cái phúc, cho nên mới có mối lo là chết không được chôn. Cái đạo của vị vua sáng là một người không được kiêm nhiều chức quan, một ông quan không được kiêm nhiều việc, người thấp hèn không cha có người sang và cao mới được tiến, khi bàn công lao các quan đại thần không phải nhờ những người chung quanh nhà vua mới được yết kiến. Trăm quan đều trau dồi và thông suốt, bọn bầy tôi xúm xít lại. Có kẻ được thưởng thì nhà vua thấy cái công của anh ta. Có kẻ bị phạt thì nhà vua biết cái tội của anh ta. Trong việc nhìn thấy và biết, nhà vua không bị làm trái ở đàng trước; trong việc thưởng và phạt, nhà vua không bị che đậy ở phía sau. Như thế làm gì có mối lo chết không được chôn? Quản Trọng không biết làm sáng tỏ lời nói đó với Hoàn Công, chỉ lo đuổi ba người. Cho nên Quản Trọng không có pháp độ vậy. 4. Triệu Tương Tử bị vây ở thành Tấn Dương. Khi khỏi vây, ông thưởng năm người có công. Cao Hách được thưởng trước hết. Trương Mạnh Đàm nói: “Trong chuyện Tấn Dương, Cao Hách không, có công lớn. Nay tại sao lại được thưởng trước hết?”. Tương Tử nói: “Khi xảy ra chuyện Tấn Dương nước của quả nhân bị nguy, xã tắc bị tai hoạ, các bầy tôi không ai không có ý kiêu căng khinh thường, chỉ có Hách Tử là không bỏ mất cái lễ vua tôi, cho nên thưởng ông ta trước hết”. Trọng Ni nghe chuyện này nói: “Tương Tử khéo thưởng thay! Thương một người mà những kẻ làm tôi trong thiên hạ không ai dám thất lễ”[59]. Có người nói: Trọng Ni không biết thưởng phạt cho đúng. Kẻ khéo thưởng phạt thì trăm quan không dám vượt chức mình, bầy tôi không dám thất lễ, người trên định ra pháp luật mà người dưới không có bụng gian trá. Như thế mới có thể nói là khéo thưởng phạt. Ví thử Tương Tử ở thành Tấn Dương mà mệnh lệnh không được thi hành, sự ngăn cấm không ngăn cản được, thì Tương Tử không có nước, thành Tấn Dương không có vua vậy. Còn biết lấy ai mà giữ? Nay Tương Tử ở thành Tấn Dương bị Trí Bá cho nước chảy vào ngập thành, rùa sinh trong cối trong bếp, nhưng dân chúng vẫn không có bụng làm phản. Như vậy là vua tôi thân nhau. Tương Tử có cái ơn đức làm cho vua tôi thân nhau, nắm được cái phép lệnh ban ra được thi hành, điều ngăn cấm cấm đoán được, nhưng vẫn còn có bầy tôi kiêu căng khinh mạn, đó là vì Tương Tử bỏ mất việc phạt vậy. Làm bầy tôi, đảm nhiệm công việc mà có công thì được thưởng. Nay Hách chỉ nhờ chỗ không khinh mạn kiêu căng mà Tương Tử thưởng cho ông ta, như vậy là thưởng không đúng. Bậc vua sáng việc thưởng không ban cho kẻ có công, việc phạt không thi hành với kẻ không có tội. Nay Tương Tử không trị bầy tôi kiêu căng khinh mạn, mà lại thưởng Hách là người không có công thì Tương Tử khéo thưởng ở chỗ nào? Cho nên nói Trọng Ni không biết khéo thưởng. 5. Tấn Bình Công cùng các bầy tôi uống rượu. Rượu say, Bình Công thở dài nói: “Không có gì vui trong việc làm vua: Chỉ có điều nói ra mà không ai dám trái!”. Sư Khoáng ngồi chầu ở phía trước, lấy cây đàn cầm đánh nhà vua[60]. Nhà vua vẫy tà áo để tránh, đàn cầm đập vào tường vỡ tan. Bình Công nói: “Quan thái sư đánh ai thế?”. Sư Khoáng nói: “Hôm nay có đứa tiểu nhân ngồi bên cạnh tôi cho nên tôi đánh hắn “. Bình Công nói: “Quả nhân đấy!”. Sư Khoáng nói: “Ôi chao! Đó không phải là lời của người làm vua người ta!”. Những người chung quanh xin trừng trị ông ta. Bình Công nói: “Tha cho ông ta, để làm điều răn quả nhân”. Có người nói: Bình Công bỏ mất cái đạo làm vua. Sư Khoáng bỏ mất cái lễ của bầy tôi. Phàm chê bai việc làm và trừng trị con người đó là việc của nhà vua đối với bầy tôi. Chê bai việc làm thì nói thành lời, khéo can ngăn mà không nghe thì thân mình lánh xa. Đó là điều bầy tôi làm đối với nhà vua. Nay Sư Khoáng chê bai việc làm của Bỉnh Công, nhưng không đưa ra lời can ngăn, mà lại làm hành động trừng phạt của vị vua, cầm đàn cầm đánh vào người nhà vua, như vậy là làm trái ngược cái địa vị người trên kẻ dưới, và bỏ mất cái lễ của kẻ làm tối. Phàm kẻ làm bầy tôi, nếu nhà vua có sai lầm thì can ngăn, can ngăn không nghe thì coi nhẹ tước lộc mà bỏ đi. Đó là cái lễ nghĩa của bầy tôi. Nay Sư Khoáng chê bai điều sai lầm của Bình Công, giơ cây đàn đánh vào người nhà vua, tuy ông cha nghiêm cũng còn không đánh con mình như thế, mà Sư Khoáng lại làm thế đối với nhà vun, đó là cái thuật đại nghịch. Bầy tôi làm việc đại nghịch mà Bình Công lại vui vẻ nghe theo, như thế là bỏ mất cái đạo làm vua. Cho nên cách làm của Bình Công không thể nêu gương. Nó khiến cho vị vua sáng mắc sai lầm trong việc nghe và không hiểu được điều sai lầm của mình. Hành động của Sư Khoáng cũng không thể nêu gương, nó khiến cho kẻ gian thần mượn cớ ra sức can ngăn mà tô vẽ cho cái đạo giết vua. Không thể nêu gương hai hành động này, vì đó là hai hành động sai lầm. Cho nên nói: “Bình Công bỏ mất cái đạo làm vua, Sư Khoáng cũng bỏ mất cái lễ của bầy tôi:. 6. Trong thời Tề Hoàn Công có người ấn sĩ là Tiểu Thần Tác. Hoàn Công ba lần đến nhưng đều không được gặp. Hoàn Công nói: “Ta nghe nói kẻ sĩ áo vải không coi nhẹ tước lộc thì không có cách gì để coi thường ông vua có vạn cỗ xe. Ông vua có vạn cỗ xe nếu không ham nhân nghĩa thì không có gì để chiếu cố đến kẻ sĩ áo vải”. Do đó năm lần đến rồi mới được gặp ông ta. Có người nói: “Hoàn Công không biết nhân nghĩa”. Phàm nhân nghĩa là lo cái hại của thiên hạ, xông đến cái hoạn nạn của một nước, không tránh sự thấp hèn, nhục nhã, thế mới gọi là nhân nghĩa. Cho nên Y Doãn vì Trung Quốc có loạn, làm người nấu bếp cho Thành Thang. Bách Lý Hề vì nước Tần có loạn nên làm người tù của Tần Mục Công. Đó đều là lo đến mối lo của thiên hạ, xong đến chỗ hoạn nạn của một nước, không ngại sự thấp hèn nhục nhã, cho nên gọi họ là nhân nghĩa. Nay Tề Hoàn Công lấy cái thế có vạn cỗ xe, chiếu cố đến kẻ sĩ thất phu là muốn lo đến nước Tề, thế mà Tiểu Thần không đi. Điều đó cho biết Tiểu Thần quên dân chúng. Quên dân chúng không thể gọi là nhân nghĩa. Người nhân nghĩa là không bỏ mất cái lễ của bầy tôi, không làm hỏng cái địa vị giữa vua với tôi. Cho nên ở trong bốn cõi, những kẻ phân chia chức vụ nhận việc làm thì gọi là người có chức vụ. Nay Tiểu Thần ở trong đám dân có chức vụ, mà lại làm trái ý muốn của nhà vua, cho nên không thể gọi là có nhân nghĩa được. Ông ta đã là kẻ không có nhân nghĩa, Hoàn Công lại dùng lễ đối xử với ông ta. Ví thử Tiểu Thần khôn ngoan tài giỏi, nhưng lại trốn tránh Hoàn Công thì đó là kẻ ấn sĩ, cần phải dùng hình phạt. Còn nếu không khôn ngoan tài giỏi mà giả vờ kiêu căng với Hoàn Công thì, đó là kẻ dối trá, cần phải giết. Hành động của Tiểu Thần nếu không bị hình phạt thì bị giết. Hoàn Công không thể hiểu được cái lẽ giữa vua và tôi mà dùng lễ đối xử với kẻ đáng bị hình phạt và bị giết, như thế là Hoàn Công dạy cho dân nước Tề cái thói coi thường người trên, khinh mạn nhà vua vậy. Đó không phải là cai để trị nước. Cho nên nói: “Hoàn Công không biết nhân nghĩa”. 7. Trong trận Mỵ Kê, Hàn Hiến Tử sắp giết một người. Khước Hiến Từ nghe thế đi xe đến cứu anh ta. Nhưng khi đến anh ta đã bị chém. Khước Hiến Từ nói: “Sao không lấy hắn để ra lệnh?”. Người đầy tớ ông ta hỏi: “Chẳng phải hồi nãy ông định cứu anh ta sao?”. Khước Tử nói: “Ta dám đâu không chia sự chê bai?”. Có người nói: “Lời nói của Khước Tử không thể không xét. Đó không phải là sự chia sự chê bai. Người Hàn Hiến Tử chém, nếu như có tội thì không thể cứu, cứu người có tội là làm cho pháp luật hỏng. Pháp luật hỏng thì nước loạn. Còn nếu như anh ta không có tội thì không thể lấy làm hiệu lệnh. Khuyên Hiến Tử lấy anh ta làm hiệu lệnh là làm cho anh ta càng vô tội. Làm cho anh ta càng vô tội, đó là điều khiến cho dân sinh oán. Dân oán thì nước nguy. Lời của Khước Tử không nguy thì gây loạn, không thể không xét. Vả lại, nếu người Hàn Hiến Tử chém là người có tội, thì Khước Từ chia sự chê bai ở chỗ nào? Còn nếu người bị chém không có tội thì đã chém rồi. Lúc này Khước Từ mới đến, thì sự chê bai Hàn Hiến Tử đã thành và Khước Tử đến sau vậy. Khước Tử nói “Để ra lệnh” không đủ để chia sự chê bai về việc chém người mà lại làm nảy sinh sự chê bai, thế thì làm sao lại nói là chia sự chê bai được? Ngày xưa Trụ đặt ra hình phạt bào lạc. Sùng Hầu và Ác Lai lại nói: “Hãy chặt ống chân người lội nước!”. Thế đâu phải là sự chia sự chê bai đối với Trụ? Vả lại, dân chúng mong đợi rất nhiều ở người trên. Hàn Hiến Tử làm không phải thì hãy còn mong Khước Tử làm phải. Nay Khước Tử cũng làm không phải thì dân tuyệt vọng đối với người trên vậy, Cho nên nói: “Lời nói của Khước Tử không phải là chia sự chê bai mà là tăng sự chê bai”. Vả lại, Khước Tử đến cứu người bị xử tội là vì Hàn Hiến Tử làm sai. Không nói tại sao ông ta làm sai mà lại khuyên ông ta “lấy anh ta để ra lệnh”, như thế là khiến cho Hàn Hiến Tử không biết cái sai của mình. Khiến cho dân chúng tuyệt vọng đối với người trên lại khiến Hàn Hiến Tử không biết cái sai của mình, tôi không biết Khước Tử lấy cái gì để chia sự chê bai. 8. Tề Hoàn Công cởi trói cho Quản Trọng và cho ông ta làm tướng quốc. Quản Trọng nói: “Thần được yêu, nhưng địa vị thần thấp”. Hoàn Công nói: “Ta cho ông đứng trên họ Cao, họ Quắc”. Quản Trọng nói: “Thần sang rồi, nhưng thần còn nghèo”. Hoàn Công nói: “Ta cho ông có đài Tam Quy”. Quản Trọng nói: “Thần giàu rồi, nhưng thần còn là người sơ”. Hoàn Công bèn lập ông ta làm Trọng phụ. Tiêu Lược nói: “Quản Trọng vì cớ hèn không thể trị nước, cho nên xin ở địa vị ở trên họ Cao, họ Quắc; ông ta cho rằng mình nghèo không thể cai trị người giàu cho nên xin đài Tam Quy. Ông ta cho rằng mình sơ không thể cai trị người thân cho nên Hoàn Công cho ông làm Trọng phụ. Quản Trọng không phải là tham, mà để tiện cho việc trị nước”. Có người nói: Nay khiến một người tôi tớ phụng mệnh nhà vua đem lệnh đến cho các khanh tướng thì không ai dám không nghe. Đó không phải vì các khanh tướng thấp và kẻ tôi tớ cao mà vì có mệnh lệnh của vua, không ai dám không theo. Nay ví thử Quản Trọng trị nước mà không dựa vào Hoàn Công thì như thế là không có vua. Nước mà không có vua thì không thể xem là trị được. Còn nếu dựa vào cái uy thế của Hoàn Công, ra cái mệnh lệnh của Hoàn Công thì cái khiến cho kẻ tôi tớ có thể thi hành được có chờ đợi phải ở địa vị cao như họ Cao, họ Quắc, Trọng phụ rồi moi thi hành được đâu? Những người làm nhiệm vụ, những viên hoạn quan thấp hèn ngày nay khi thi hành mệnh lệnh không nể những người tôn quý, không xấu hổ về chỗ họ thấp hèn. Cho nên, nếu làm theo đúng pháp luật thì tuy kẻ hoạn quan cũng có quyền hơn khanh tướng. Nếu làm không đúng pháp luật thì tuy là quan to cũng bị thua người dân thường. Nay Quản Trọng không lo đề cao nhà vua, soi sáng pháp luật, mà lo mình được sủng ái thêm, được tước cao hơn, thì nếu không phải là Quản Trọng tham muốn giàu sang cũng là không hiểu cái thuật trị nước vậy. Cho nên nói: “Quản Trọng làm sai, và Tiêu Lược khen quá đáng”. 9. Hàn Tuyên Vương hỏi Cưu Lưu: “Ta muốn dùng hai người là Công Trọng và Công Thúc có được hay không?”. Cưu Lưu đáp: “Ngày xưa, nước Nguỵ dùng hai ông Lâu Hoãn và Địch Hoàn mà mất đất Tây Hà, nước Sở dùng hai ông Chiêu và Cành mà mất đất Yển, đất Sinh. Nay bệ hạ dùng Công Trọng và Công Thúc thì họ sẽ tranh giành quyền lực với nhau mà nhờ cậy nước ngoài. Như vậy thì nước thế nào cũng nguy”. Có người nói: ngày xưa Tề Hoàn Công dùng hai ông Quản Trọng và Bão Thúc, Thành Thang dùng hai ông Y Doãn và Trọng Huỷ. Nếu dùng hai bầy tôi là cái lo cho nước thì Hoàn Cống đã không thành được bá và Thành Thang đã không thành được vương. Mẫn Vương chỉ dùng một mình Trạc Xỉ mà thân chết ở Đông Miếu; Chủ Phụ chỉ dùng một mình Lý Đoái mà phải nhịn đói mà chết. Nay Cưu Lưu không có cái thuật trị nước để làm quy tắc cho người trên, lại khiến nhà vua bỏ hai người để dùng một người, thì tuy không có cái lo mất Tây Hà, Sinh. Yển, thế nào cũng có mối lo thân chết, bị nhịn đói. Vậy Cưu Lưu chưa có cái kiến thức giỏi để nói sự việc vậy.

Chú thích[sửa]

[56] Mục đích là bác lại các quan điểm chủ yếu của Nho giáo bằng cách vạch ra mâu thuẫn.

[57] Lúc đầu Quản Trọng giúp công tử Cù giành ngôi với công tử Tiểu Bạch (sau này là Tề Hoàn Công), Công tử Cù bị giết, Quản Trọng bị bỏ tù về nước Tề rồi được trọng dụng.

[58] Hoàn Công chết, Thụ Điêu và Dịch Nha làm loạn, không ai vào cung. Xác ông để nguyên, dòi bọ bò ra.

[59] Khi xảy chuyện Tấn Dương, Khổng Tử đã chết được 11 năm, do đó câu nói này không phải của Khổng Tử.

[60] Sư Khoáng mù, nên giả vờ không biết người nói là Bình Công.