Sách Hàn Phi Tử/Chất vấn phần thứ hai (Nạn nhị)
1. Tề Cảnh Công qua nhà Án Tử, nói: “Nhà của ông nhỏ và gần chợ. Xin dời nhà ông đến vườn Dự Chương”, Án Tử lạy hai lạy từ chối, nói: “Anh này nhà nghèo, nhờ vào chợ mà ăn, sáng chiều đều ra chợ không thể ở xa”. Cảnh Công dùng hình phạt nhiều, Án Anh trả lời: “Giày cho người cụt chân đắt, nhưng giày cho người thường rẻ”. Cảnh Công nói: “Tại sao thế?”, Án Anh đáp: “Hình phạt nhiều”. Cảnh Công giật mình thay đổi sắc mặt, nói: “Quả nhân hung dữ thế sao?”. Bèn giảm bớt ngũ hình. Có người nói: Án Tử nói giày người cụt chân đắt, không phải là thành thực. Ông muốn dùng lời nói để ngăn cản việc dùng hình phạt nhiều. Đó là cái hại của việc không xét tới chuyện trị nước. Nói chung, hình phạt mà đúng thì không phải là nhiều, không đúng thì không phải là ít. Nay lại nói hình phạt nhiều quá thì đó là cái lo của việc không có thuật trị nước. Giết quân đang thua trận đến hàng ngàn, hàng trăm người nó cũng vẫn cứ chạy không dừng lại. Dùng hình phạt để trị bọn làm loạn chỉ sợ không xuể, nhưng bọn gian vẫn không hết. Nay Án Tử không xét xem hình phạt đúng hay sai, mà lại nói chuyện nó quá nhiều, thế chẳng phải là sai sao? Ôi, tiếc cỏ tranh thì hại cho bông lúa, thương trộm cướp thì hại cho dân lành. Nay nhẹ hình phạt, thi hành khoan dung ân huệ, như thế là làm lợi cho bọn gian tà và làm hại đến người lương thiện vây. 2. Tề Hoàn Công uống rượu say, rơi cái mũ. Công lấy làm xấu hổ, ba ngày không ra triều. Quản Trọng nói: “Đó không phải là điều xấu hổ của con người có nước, bệ hạ tại sao lại không dùng chính trị để rửa cái xấu đó?”. Hoàn Công nói: “Phải, sao lại không làm thế?”. Bèn mở kho lúa, kho tiền cho những người nghèo khổ, xét lại các ngục, cho những người tội nhẹ được ra. Được ba ngày dân chúng ca tụng Công, nói: “Tại sao ngài không rơi mũ lần nữa?”. Có người nói: Quản Trọng rửa cái xấu của Hoàn Công đối với kẻ tiểu nhân, nhưng lại làm nẩy sinh cái nhục của Hoàn Công đối với người quân tử. Khiến Hoàn Công mở kho lúa, kho tiền cấp cho những người nghèo khổ, xét tù ngục để cho những người tội nhẹ được tha là trái nghĩa, không thể rửa được cái xấu khiến cho nó thành nghĩa được. Hoàn Công làm theo nghĩa mà đợi rơi mũ rồi sau đó mới làm thì Hoàn Công làm việc nghĩa không phải vì rơi mũ vậy. Như vậy thì dù có rửa cái xấu hổ đối với kẻ tiểu nhân về chỗ rơi mũ, nhưng vẫn có cái xấu đối với người quân tử là đã bỏ quên nghĩa. Vả lại, phát kho lúa, kho tiền để cấp cho những người nghèo khổ là thưởng những người không có công, xét tù ngục để cho những người có tội được thả là không trừng trị tội lỗi. Phàm thưởng nhưng người không có công thì dân chúng trông chờ sự may mắn mà chờ đợi ở người trên, không trị kẻ có tội thì dân không sợ mà dễ làm bậy. Đó là cái gốc của loạn sao lại có thể rửa cái xấu được? 3. Ngày xưa Văn Vương xâm lấn đất Mạnh đánh đất Lữ, chiếm đất Phong, ba lần hành động thi bị Trụ ghét. Văn Vương sợ, xin dâng đất ở phía tây Sông Lạc, nước Xích Nhưỡng, tất cả ngàn dặm vuông để bỏ hình phạt bào lạc, thiên hạ đều mừng rỡ. Trọng Ni nói: “Văn Vương nhân thay! Coi nhẹ cái nước ngàn dặm mà xin bỏ hình phạt bào lạc. Văn Vương khôn ngoan thay! Bỏ ra cái đất ngàn dặm mà được lòng thiên hạ!”. Có người nói: “Trọng Ni cho Văn Vương là khôn ngoan, chẳng phải là sai sao? Phàm kẻ khôn ngoan là biết cái họa và cái nạn ở đâu mà tránh cho nên thân mình không gặp điều lo lắng. Ví thử Văn Vương bị Trụ ghét là vì ông ta được lòng người chăng? Như thế thì ông ta có thể dựa vào lòng người để cởi bỏ cái ghét. Trụ cho rằng ông ta rất được lòng người nên ghét ông ta, sau đó ông ta lại coi nhẹ đất để thu nhân tâm, cho nên càng bị nghi ngờ gấp đôi. Vì vậy ông ta mới bị giam và bị xiềng xích ở ngục Dữu Lý”. Người trưởng giả nước Trịnh có nói: “Thể hội cái thực chất của đạo vô vi, không cho người ta thấy điều mình làm”. Câu này hết sức thích hợp với Văn Vương. Trọng Ni cho Văn Vương là khôn ngoan là chưa hiểu được lời bàn này vậy. 4. Tấn Bình Công hỏi Thúc Hướng: “Ngày xưa Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu, làm cho thiên hạ thống nhất theo một khuôn khổ chung, ta không biết đó là do sức của bầy tôi hay là do sức của nhà vua”. Thức Hướng đáp: “Quản Trọng giỏi cắt, Tân Tư Vô giỏi may, Thấp Bàng giỏi viền. Cái áo đã xong, nhà vua cầm mà mặc. Đó cũng là sức của bầy tôi, nhà vua có sức gì ở đấy đâu?”. Sư Khoáng đặt đàn cầm xuống cười ông ta. Tấn Binh Công hỏi: “Thái sư cười cái gì?”. Sư Khoáng đáp: “Thần cười câu Thúc Hướng trả lời bệ hạ. Phàm kẻ làm bầy tôi cũng như là người đầu bếp điều hoà năm mùi vị mà tiến dâng nhà vua. Nhà vua không ăn thì ai dám cưỡng ép? Thần xin đưa ra một thí dụ: Nhà vua là đất đai, bầy tôi là cây cỏ, đất đai phải tốt thì cây cỏ mới to lớn được. Đó là cái công của nhà vua, bọn bầy tôi có sức gì đâu?”. Có người nói: Những câu trả lời của Thúc Hướng và Sư Khoáng đều thiên lệch. Thống nhất thiên hạ theo một khuôn khổ chung, chín lần họp chư hầu, là một điều rất đẹp đẽ. Đó không phải chỉ nhờ sức của nhà vua, cũng không phải chỉ nhờ sức của bầy tôi. Ngày xưa, Cung Chi Ky ở nước Ngu, Hy Phụ Ky ở nước Tào, hai người đều khôn ngoan, nói thì đúng sự việc, làm thì nên công. Nhưng hai nước Ngu và Tào đều mất. Tại sao thế? Đó là vì có bầy tôi giỏi nhưng không có ông vua giỏi. Vả lại, Kiển Thúc ở nước Ngu mà nước Ngu mất, ở nước Tần mà nước Tần làm bá. Đó không phải là vì Kiển Thúc ở nước Ngu thì ngu mà ở nước Tần thì khôn mà đó là vì ông vua của nước này giỏi hay không giỏi. Thúc Hướng nói “Đó là sức của bầy tôi” là không đúng. Ngày xưa, Tề Hoàn Công đặt trong cung hai cái chợ, hai trăm cửa cho đàn bà, xoã tóc chơi với con gái. Ông có được Quản Trọng thì làm người đầu tiên trong số năm bá, ông mất Quản Trọng dùng Thụ Điêu thì thân mình chết, dòi bò trong thây ra mà thây chưa chôn. Nếu nói ông không nhờ sức của bầy tôi thì Hoàn Công làm bá không phải nhờ Quản Trọng, nếu nói đó là nhờ sức của nhà vua thì đã không để cho Thụ Điêu làm loạn. Ngày xưa, Tấn Văn Công say mê con gái nước Tề mà quên trở về nước. Cữu Phạm ra sức can ngăn, khiến cho ông ta trở về nước Tấn. Cho nên Tề Hoàn Công nhờ Quản Trọng. Tấn Văn Công nhờ Cữu Phạm mà thành bá. Thế mà Sư Khoáng nói “Đó là sức của nhà vua” lại không đúng nốt. Ngũ bá sở dĩ làm nên công danh trong thiên hạ nhất định là do vua tôi đều có sức. Cho nên nói: Những câu trả lời của Thúc Hướng và Sư Khoáng đều thiên lệch. 5. Thời Tề Hoàn Công có người khách nước Tấn đến. Quan phụ trách hỏi về công việc. Hoàn Công nói: “Hỏi Trọng phụ”. Như thế ba lần. Anh hề cười: “Làm vua thực dễ quá! Một hỏi Trọng phụ, hai hỏi Trọng phụ!”. Hoàn Công nói: “Ta nghe nói kẻ làm vua vất vả ở chỗ chọn người, rỗi rãi ở chỗ sai người. Ta có được Trọng phụ đã khó rồi. Một khi đã có được Trọng phụ tại sao lại không được sự dễ dàng?”. Có người nói: Lời Hoàn Công trả lời anh hề không phải là lời của bậc vua chúa. Hoàn Công cho rằng bậc vua chúa vất vả ở chỗ tìm người. Nhưng tìm người có khó gì đâu? Y Doãn tự mình làm đầu bếp cho Thành Thang. Bách Lý Hề tự mình làm tù đến gặp Tần Mục Công. Tù là điều người ta lấy làm nhục, đầu bếp là cái người ta lấy làm xấu hổ. Chịu xấu hổ, sỉ nhục để tiếp xúc với bậc vua chúa, người hiền lo đời hăng hái như thế đấy. Như vậy thì bậc làm vua chi lo bỏ sót người hiền mà thôi. Việc tìm người hiền không phải là cái khó của bậc làm vua chúa. Vả lại, quan chức là cái để dùng người hiền, tước lộc là cái để thưởng cho công lao. Đặt quan chức, bầy tước lộc thì kẻ sĩ tự khắc đến, nhà vua có gì mà phải vất vả? Việc sai khiến người ta lại không phải là chuyện rỗi rãi. Bậc vua chúa tuy sai khiến người ta nhưng thế nào cũng phải lấy quy tắc làm tiêu chuẩn, lấy hình phạt và tên gọi để tham khảo, lấy sự việc để kiểm tra. Nếu đúng với phép tắc thì làm, nếu không đúng phép tắc thì dừng lại. Công lao đúng với lời nói thì thưởng, không đúng với lời nói thì phạt. Lấy hình phạt và tên gọi thu dùng bầy tôi, lấy tiêu chuẩn để cân nhắc kẻ dưới. Những điều đó không thể bỏ qua được. Bậc vua chúa đâu có thể rỗi rãi? Tim người không phải là vất vả, sai khiến người không phải là rỗi rãi, thế mà Hoàn Công lại nói “Vất vả ở chỗ tìm người, rỗi rãi ở chỗ sai khiến người” là không đúng. Vả lại. Hoàn Công có được Quản Trọng cũng không khó. Quản Trọng không chết cho vua của mình mà lại theo về với Hoàn Công. Bão Thúc Nha xem nhẹ chức quan của mình mà nhường chức quan cho ông ta. Rõ ràng Hoàn Công có được Quản Trọng không khó khăn vậy. Sau khi đã có được Quản Trọng rồi, đâu có phải là dễ dàng ngay? Quản Trọng không phải là Chu Công Đán. Chu Công Đán làm quyền thiên tử trong bảy năm, khi Thành Vương lớn thì trao chính quyền lại cho Thành Vương, đó không phải là ông tính kế cho thiên hạ mà là làm chức vụ của mình. Con người không cướp ngôi của người con để cai trị thiên hạ thì nhất định không phản bội vị vua đã chết để tha kẻ thù của vị chúa này. Người phản bội vị vua của mình đã chết để tha kẻ thù của vua mình, thì thế nào cũng dễ dàng cướp ngôi của người con để cai trị thiên hạ. Người dễ dàng cướp ngôi của người con để cai trị thiên hạ thì thế nào cũng dễ dàng cướp cái nước của vua mình. Quản Trọng là bầy tôi của công từ Củ, ông ta mưu giết Hoàn Công nhưng không được. Vua ông ta chết, ông ta lại làm tôi Hoàn Công. Hành động của Quản Trọng không phải như Chu Công Đán, điều đó là rõ ràng vậy. Ví thử Quản Trọng là bậc đại hiền thì hãy làm như vua Thang, vua Vũ, là tôi của Kiệt và của Trụ. Kiệt, Trụ làm loạn; Thang, Vũ cướp ngôi của họ. Nay Hoàn Công coi nhẹ việc ở trên, như vậy là lấy cái hạnh của Kiệt và Trụ để làm hơn Thang và Vũ. Hoàn Công như thế là ngu vậy. Ví thử Quản Trọng là người hư hỏng, thì ông ta làm Điền Thường. Điền Thưởng là bầy tôi của Tề Giản Công, nhưng lại giết vua của mình. Nay Hoàn Công cho việc ở trên là dễ, như vậy là lấy cái dễ của Giản Công để ở trên Điền Thường. Như vậy Hoàn Công cũng nguy. Quản Trọng không phải là Chu Công Đán, cái đó rất rõ. Nhưng còn chuyện ông ta có làm Thang, Vũ, Điền Thường[61] hay không điều đó còn chưa biết được. Nếu ông ta làm Thang, Vũ thì Hoàn Công có cái nguy của Kiệt, Trụ. Nếu ông ta làm Điền Thường thì Hoàn Công có cái nguy của Giản Công. Như vậy sau khi đã có được Quản Trọng rồi Hoàn Công có gì là dễ đâu? Ví thử Hoàn Công dùng Quản Trọng ắt biết ông ta không lừa dối mình, tức là biết ông ta là bầy tôi không lừa dối vua. Thế nhưng tuy biết bầy tôi không lừa dối chúa, Hoàn Công lại đem cái quyền của Quản Trọng giao cho Thụ Điêu, Dịch Nha khiến cho dòi bò từ thây mình ra mà xác không được chôn. Rõ ràng Hoàn Công không biết bầy tôi có lừa dối chúa hay không lừa dối chúa vậy. Thế mà ông vẫn cứ tin dùng bầy tôi hoàn toàn như vậy. Cho nên nói: Hoàn Công là ông vua mà tối. 6. Lý Khắc [62] cai trị đất Trung Sơn. Quan lệnh là Khổ Hình trình bàn tính toán trong đó số thu nhập nhiều. Lý Khác nói: “Lời nói tuy hùng biện nghe vui tai nhưng không hợp với đạo nghĩa thì gọi là nói bậy. Không có cái lợi của núi rừng, đầm hang mà thu nhập nhiều thì gọi là của bậy. Người quân từ không nghe những lời nói bậy, không nhận của bậy. Người hãy thôi làm quan”. Có người nói: Lý Khắc đưa ra chủ trương: “Lời nói tuy hùng biện nghe vui tai nhưng không hợp với đạo nghĩa thì gọi là lời nói bậy”. Hùng biện là ở người nói, vui tai là ở người nghe; người nói không phải là người nghe. Cái gọi là không hợp với đạo nghĩa không phải là chỉ người nghe mà chỉ cái mà người ta nghe. Người nghe không phải là kẻ tiểu nhân thì là người quân từ. Kẻ tiểu nhân không có đạo nghĩa thì nhất thiết không thể lấy đạo nghĩa mà xét đoán họ. Người quân tử hợp với đạo nghĩa thì thế nào cũng không chịu thấy đó là vui tai. Nói là “Lời nói tuy hùng biện, nghe vui tai nhưng không hợp với đạo nghĩa” như thế là lời nói không thể đứng vững được. “Thu nhập nhiều là của cải bậy” cái thuyết ấy không thể thi hành được. Lý Từ không sớm cấm điều gian, đợi đến khi tính sổ, như vậy là làm cho cái sai được thực hiện. Ông ta không có biện pháp nào để biết tại sao lại thu nhập nhiều. Nếu thu nhập nhiều là do được mùa, thì dù có thu nhập gấp đôi cũng có hại gì đâu? Nếu làm việc mà chú ý tới sự hoà hợp của âm và dương, trồng cây mà chú ý đến chỗ thích hợp với thời tiết bốn mùa, không sai lầm về chỗ quá sớm hay quá muộn, không bị tai hại vì nóng hay lạnh, thì thu nhập sẽ nhiều. Không vì cái công nhỏ làm hại tới công việc lớn, không vì lòng ham muốn riêng mà làm hại tới việc công, đàn ông đều lo việc cày ruộng, đàn bà đều lo dệt vải thì sự thu hoạch sẽ nhiều. Nếu lo cách nuôi súc vật, xét đất đai nên trồng cái gì, thì lục súc sẽ dồi dào, ngũ cốc sẽ tốt, và thu nhập sẽ nhiều. Nếu hiểu rõ việc cân đo, biết rõ địa hình, biết cái lợi của thuyền và xe, biết dùng sức ít mà có được cái công lớn, thì thu nhập sẽ nhiều. Nếu làm cho việc đi lại ở chợ, cửa ải, cầu được dễ dàng, có thể là lấy cái mình có đổi lấy cái mình không có, khách buôn kéo đến, hàng hoá bên ngoài được giữ lại, tiết kiệm về ăn mặc, nhà cửa khí giới đều đủ dùng, không thích những chuyện vui chơi thì thu nhập sẽ nhiều. Thu nhập nhiều đều là do người ta làm ra. Còn như việc trời, gió mưa phải lúc, ấm lạnh thích hợp, đất đai không tăng thèm mà gặp năm được mùa thì thu nhập nhiều. Sức người và thời tiết của trời hai việc này đều làm cho thu nhập nhiều, chứ không phải cái lợi của núi rừng, dâm hang. Phàm không có cái lợi của núi rừng, đầm hang mà thu nhập nhiều rồi lại gọi đó là của cải hay là nói không có thuật cai trị. 7. Triệu Giản Tử vây thành ngoài của nước Vệ, ông cầm cái mộc da tê ngưu, cái thuẫn da tê ngưu đứng ở nơi tên đạn bắn không đến, đánh trống nhưng binh sĩ không tiến lên. Giản Tử ném dùi trống, nói: “Than ôi! Quân sĩ của ta nhanh chóng mệt mỏi”. Người hành nhân là Chúc Quá cất mũ trụ, trả lời: “Thần nghe nói: “Chỉ có ông vua không biết dùng quân sĩ mà thôi, chứ quân sĩ không mệt!”, Ngày xưa tiên quân của ta là Hiến Công thôn tính mười bảy nước, làm ba mươi tám nước phục theo, đánh thắng mười hai trận, đó là do chỗ dùng dân. Hiến Công mất, Huệ Công lên ngôi, dâm dật, bạo loạn, thân mình thích gái đẹp, quân Tần tự ý xâm nhập, đến cách thành Giáng mười bảy dặm, đó cũng là do chỗ dùng người. Huệ Công mất, Văn Công nhận quyền chính, vây nước Vệ, lấy đất Nghiệp, trong trận đánh ở Thành Bộc năm lần đánh thắng quân Kinh, giành được cái danh tiếng tôn quý trong thiên hạ cũng là do chỗ biết dùng dân. Vậy chỉ có nhà vua không biết dùng dân mà thôi, chứ binh sĩ không mệt”. Giản Tử bèn bỏ mộc, bỏ khiên đứng ở chỗ tên đạn bắn đến, đánh trống và quân sĩ xông lên, đánh thắng to. Giàn Tử nói: “Cho ta một ngàn cỗ xe bọc da cũng không bằng nghe một lời nói của hành nhân Chúc Quá”. Có người nói: Người hành nhân chưa có cái gì để thuyết, vẫn nói đến việc Huệ Công dùng những người ấy mà thua. Văn Công dùng những người ấy mà làm bá, chưa thấy nói đến cách dùng người. Giản Tử chưa có thể vội vàng bỏ mộc và khiên. Ông cha ở trong vòng vây, con liều lĩnh xông pha tên đạn, đó là cách đứa con hiếu thương cha. Đứa con hiếu thương cha mẹ trăm người mới có được một. Nay dấn thân ở vào chỗ nguy thì người ta mới có thể chiến đấu, như vậy là cho rằng đứa con của trăm họ đối với người trên đều như những đứa con hiếu thương cha mình vậy. Đó là người hành nhân nói dối. Ham lợi ghét hại, mọi người đều thế. Thưởng nhiều và chắc chắn, thì người ta coi thường kẻ địch, phạt nặng và dứt khoát thì người ta không bỏ chạy. Ra lệnh cho người trên, mấy trăm người không một người làm sai; ham lợi, sợ tội, không ai không thế. Người chỉ huy mọi người mà lại không dùng cái phép khiến mọi người đều theo, lại noi theo cái đức hạnh mà trong số trăm người không có một người làm được, người hành nhân vẫn chưa biết cái đạo dùng người vậy.
Chú thích
[sửa][61] Điền Thường cướp ngôi Tề Giản Công.
[62] Nguyên văn chép sai thành Lý Đoái.