Sách Hàn Phi Tử/Ba điều phải giữ (Tam thủ)

Tủ sách mở Wikibooks
1.

Bậc làm vua có ba điều phải giữ. Ba điều phải giữ ấy nếu trọn vẹn thì nước yên, thân vinh hiển. Ba điều phải giữ ấy nếu không trọn vẹn thì nước nguy, thân chết. Ba điều phải giữ đó là những gì?

1) Khi bầy tôi bàn đến sai lầm của những người có quyền lực, khuyết điểm của những người được tin dùng, tình hình của các quan mà bậc vua chúa không giữ kín được trong lòng lại cho những người thân cận biết. Làm thế bầy tôi dù có muốn nói cũng không dám không làm vừa lòng những kẻ thân cận rồi sau đó mới nói lên cho nhà vua nghe. Như vậy thì những người nói ngay thẳng, chính trực không thế yết kiến nhà vua mà những người trung trực ngày càng bị xa dần.

2) Nếu nhà vua yêu ai mà không tự mình làm lợi cho người ấy, chờ đợi anh ta được khen rồi mới làm lợi. Nếu nhà vua ghét ai mà không tự mình làm hại phải chờ đợi anh ta bị chỗ rồi mới làm hại. Như vậy thì nhà vua không có uy mà quyền là ở bọn chung quanh.

3) Nhà vua ghét việc tự mình cai trị vất vả mà khiến cho bọn bầy tôi kéo đến thay đổi. Do đó mà cái quyền bị chuyển sang người khác, khiến cho việc cho sống và giết chết, cái chủ yếu của việc cho và cướp lấy lại nằm trong tay các quan đại thần. Như vậy là bị xâm lấn.

Cái đó gọi là ba điều phải giữ. Ba điều phải giữ mà không trọn vẹn thì đó là triệu chứng vua bị hiếp, bị giết vậy.

2.

Nói chung, việc hiếp nhà vua cũng có ba cách: có cách dùng sự sáng suốt, có cách dùng sự việc, có cách dùng hình phạt.

1) Bầy tôi có được cái tôn quý của vị đại thần, khiến cho việc nội trị và ngoại giao nếu không qua tay ông ta thì không thi hành được. Như vậy dù có người tài giỏi nhưng chống lại ông ta thì bị hoạ mà theo ông ta thì được phúc. Nhu vậy thì quần thần thực không ai dám trung với vua, lo cho nước để bàn về việc có lợi và có hại cho xã tắc.

Nhà vua tuy giỏi cũng không thể một mình quyết định, đã thế, bầy tôi lại không dám trung với vua thì nước thế nào cũng mất. Tình trạng đó gọi là nước không có bầy tôi. Nước không có bầy tôi đâu phải là vì không có người làm lang trung và triều thần thiếu? Bầy tôi hưởng lộc nuôi cha, làm việc riêng mà không nghĩ đến trung với việc chung, như thế gọi là hiếp nhà vua.

2) Bầy tôi mua lấy ân sủng, nắm lấy quyền chính, trau giồi cái thế bên ngoài để thắng ở bên trong, nói tình hình hoạ và phúc, được và mất khiến người ta sợ để a dua theo ý nhà vua thích và ghét. Nhà vua nghe họ, hạ thấp thân mình coi nhẹ nước để vun đắp cho họ. Việc nếu thất bại thì họ cùng vua chia cái hoạ, việc nếu thành công thì một mình họ hướng. Những người được dùng đều một lòng một miệng tán dương cái hay của họ thì nhà vua không tin những người nói xấu họ. Đó gọi là hiếp nhà vua bằng công việc.

3) Còn như việc coi các tù ngục, cấm đoán, hình phạt mà bầy tôi chuyên nắm lấy thì cái đó gọi là cướp bằng hình phạt. Ba điều phải giữ nếu không trọn vẹn thì ba điều ức hiếp nẩy sinh. Ba điều phải giữ đầy đủ thì ba điều ức hiếp bị ngừng lại. Ba điều ức hiếp bị chặn lại thì làm vương vậy.