Bước tới nội dung

Nước Mỹ với cuộc nội chiến và sự tái thiết/1

Tủ sách mở Wikibooks

Ly khai và nội chiến

Tổng thống đắc cử Abraham Lincoln

Việc Lincoln thắng cử tổng thống tháng 11/1860 đã khiến cho việc bang Nam Carolina ly khai khỏi liên bang ngày 20/12 là một kết quả có thể đoán trước. Bang này đã chờ đợi sự kiện này từ lâu, một sự kiện sẽ liên kết được miền Nam chống lại các lực lượng chống chế độ nô lệ. Cho tới ngày 1/2/1861, năm bang khác nữa đã ly khai. Vào ngày 8/2, sáu bang này đã thông qua hiến pháp tạm thời cho các bang ly khai. Tuy nhiên, các bang miền Nam còn lại vẫn ở trong liên bang cho dù bang Texas đã bắt đầu chuẩn bị ly khai.

Chưa đầy một tháng sau đó, ngày 4/3/1861 Abraham Lincoln đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ. Trong diễn văn nhậm chức ông tuyên bố sự ly khai không có hiệu lực về mặt pháp luật. Bài diễn văn của ông kết thúc bằng việc kêu gọi phục hồi những mối liên kết của liên bang, nhưng miền Nam đã bưng tai giả điếc. Ngày 12/4, súng phe ly khai đã nổ nhằm vào các binh đội liên bang đồn trú ở Đồn Sumter tại hải cảng Charleston, bang Nam Carolina. Chiến tranh đã bắt đầu, một cuộc chiến mà trong đó số người Mỹ tử trận nhiều hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trước đây và về sau.

Trong bảy bang đã ly khai, dân chúng tích cực đáp lại hành động và lãnh đạo của tổng thống mới của các bang ly khai, ông Jefferson Davis. Cả hai phe lúc này đều căng thẳng chờ đợi hành động của các bang duy trì chế độ nô lệ mà khi đó vẫn rất trung thành. Bang Virginia ly khai ngày 17/4; các bang Arkansas, Tennessee và Bắc Carolina cũng nhanh chóng làm theo.

Không có bang nào rời liên bang lại miễn cưỡng hơn bang Virginia. Các chính khách của bang này đã tham gia lãnh đạo trong chiến thắng của Cách mạng và khởi thảo Hiến pháp và bang này cũng cung cấp năm tổng thống cho đất nước. Đại tá Robert E. Lee đi theo bang Virginia, ông này đã khước từ mệnh lệnh của Quân đội Liên bang để giữ lòng trung thành với bang của mình.

Giữa các bang ly khai đã được mở rộng và các bang tự do miền Bắc là các bang nô lệ ở sát biên giới gồm Delaware, Maryland và Kentucky và Missouri. Các bang này cho dù có đôi chút cảm thông với miền Nam nhưng vẫn trung thành với liên bang.

Mỗi bên đều tham chiến với niềm hy vọng rất cao vào chiến thắng nhanh chóng. Miền Bắc có được những lợi thế rõ ràng về các nguồn lực vật chất. Hai mươi ba bang với số dân 22 triệu người dàn trận chống lại 11 bang với 9 triệu dân gồm cả nô lệ. Sự vượt trội về công nghiệp của miền Bắc thậm chí còn quan trọng hơn cả ưu thế về dân số khi cung cấp được cho miền Bắc lượng dồi dào các thiết bị để chế tạo vũ khí và đạn dược, quần áo và các đồ cung cấp khác. Mạng lưới đường sắt ở miền Bắc cũng có ưu thế vượt trội.

Miền Nam cũng có những lợi thế nhất định. Lợi thế quan trọng nhất là địa lý, miền Nam đang tiến hành chiến tranh tự vệ trên lãnh thổ của mình. Miền Nam có thể dành được độc lập khi đánh bại đội quân miền Bắc. Miền Nam cũng có truyền thống quân sự mạnh hơn và có những thủ lĩnh quân đội có nhiều kinh nghiệm hơn.