Bước tới nội dung

Nước Mỹ với chiến tranh, thịnh vượng và suy thoái/5

Tủ sách mở Wikibooks

Nền kinh tế thịnh vượng trong thập niên 1920

Tổng thống Wilson, quá bận tâm về những lo toan chiến tranh và sau đó lại bị đột quỵ, đã xử lý các vấn đề sau chiến tranh rất tồi. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ đã bắt đầu suy sụp vào giữa những năm 1920. Các đảng viên Đảng Cộng hòa tranh cử chức Tổng thống và Phó Tổng thống là Warren G. Harding và Calvin Coolidge đã dễ dàng đánh bại các ứng viên của Đảng Dân chủ đối lập là James M. Cox và Franklin D. Roosevelt.

Sau sự phê chuẩn Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 trong Hiến pháp Mỹ, lần đầu tiên, phụ nữ Mỹ đã được quyền tham gia bầu cử tổng thống.

Hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của Hardings là thời gian đất nước vẫn trong tình trạng suy thoái kinh tế vốn đã bắt đầu dưới thời Wilson. Tuy nhiên, năm 1923, sự thịnh vượng đã quay trở lại. Trong sáu năm sau đó, nước Mỹ đã có một nền kinh tế thịnh vượng nhất trong lịch sử, ít nhất là đối với các khu đô thị. Các chính sách kinh tế của chính phủ trong những năm 1920 vẫn mang tư tưởng bảo thủ rõ rệt. Những chính sách này dựa trên quan điểm cho rằng nếu chính phủ khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì hầu hết các tầng lớp dân cư khác đều sẽ được hưởng những lợi ích từ sự phát triển đó.

Đảng Cộng hòa đã cố gắng tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Đạo luật Thuế quan Fordney-McCumber năm 1922 và Đạo luật Hawley-Smoot năm 1930 đã đẩy các hàng rào quan thuế lên tới mức cao hơn nhằm đảm bảo cho các nhà sản xuất Mỹ một vị thế độc quyền hết trong lĩnh vực này tới lĩnh vực khác trên thị trường nội địa. Nhưng những đạo luật này cũng đã cản trở thương mại lành mạnh với châu Âu – một hoạt động thương mại lẽ ra đã có thể thúc đẩy kinh tế thế giới. Đạo luật Smoot – Hawley ra đời vào giai đoạn đầu của cuộc Đại suy thoái đã châm ngòi cho hàng loạt hành động trả đũa của các quốc gia công nghiệp khác, khiến thương mại quốc tế suy giảm nghiêm trọng và đẩy kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái sâu sắc hơn.

Chính phủ Liên bang cũng đã bắt đầu một chương trình cắt giảm thuế, điều này phản ánh chủ trương của Bộ trưởng Tài chính Andrew Mellon cho rằng mức thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp cao sẽ ngăn cản đầu tư vào các doanh nghiệp công nghiệp mới. Quốc hội đã ủng hộ những đề xuất của ông bằng hàng loạt các điều luật được thông qua trong khoảng thời gian từ 1921 đến 1929.

“Công việc chính của người Mỹ là kinh doanh” – ông Calvin Coolidge đã tuyên bố như vậy. Ông là vị Phó Tổng thống, sinh ra ở Vermont, đã kế nhiệm năm 1923 sau khi Tổng thống Harding qua đời. Sau đó, ông đã chính thức được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1924. Coolidge đã công kích các chính sách kinh tế bảo thủ của Đảng Cộng hòa, nhưng ông là một nhà quản lý có năng lực hơn so với Harding yếu kém, vì chính phủ của ông này đã bị buộc tội tham nhũng trong những tháng trước khi ông qua đời.

Trong suốt những năm 1920, các doanh nghiệp tư nhân đã nhận được sự khuyến khích lớn từ phía chính phủ, bao gồm các khoản vay xây dựng, các hợp đồng vận chuyển thư tín có lợi và những khoản trợ cấp gián tiếp khác. Chẳng hạn, Đạo luật Vận tải năm 1920 đã trao quyền quản lý hệ thống đường sắt quốc gia cho tư nhân vốn thuộc về chính phủ trong thời gian chiến tranh. Đội tàu buôn từng thuộc quyền sở hữu của chính phủ nay cũng được bán cho các nhà quản lý tư nhân.

Tuy nhiên, các chính sách của Đảng Cộng hòa trong nông nghiệp ngày càng bị phê phán vì nông dân ít được hưởng lợi từ sự hưng thịnh kinh tế trong thập niên 20. Giai đoạn từ 1900 đến 1920 là một trong những thời kỳ mà giá nông phẩm gia tăng, một phần là do nhu cầu lớn chưa từng có về sản phẩm nông nghiệp trong thời gian chiến tranh đã kích thích sản xuất. Nhưng đến cuối năm 1920, chiến tranh đã kết thúc kéo theo sự suy giảm trong tiêu thụ nông sản khiến thương mại nông nghiệp với các sản phẩm chính là lúa mì và ngô đã bị sa sút nghiêm trọng. Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra để giải thích cho tình trạng suy thoái của nông nghiệp Mỹ, nhưng nhân tố quan trọng nhất vẫn là do các thị trường nước ngoài của Mỹ không còn nữa. Hiện tượng này xảy ra một phần là do các phản ứng đối với chính sách quan thuế của nước Mỹ, nhưng đồng thời cũng là do sản lượng nông nghiệp đã tăng trưởng quá mạnh – một hiện tượng phổ biến trên thế giới vào thời điểm bấy giờ. Khi cuộc Đại suy thoái diễn ra trong những năm 1930, nó đã phá hủy nền kinh tế trang trại Mỹ trước đó vốn đã rất mong manh.

Nếu không tính đến những khó khăn trong nông nghiệp, có thể nói rằng thập niên 20 đã mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho đại đa số người Mỹ. Đây là thập kỷ mà những gia đình Mỹ bình thường có thể mua chiếc xe ôtô đầu tiên của họ, mua tủ lạnh, máy hút bụi, giải trí bằng radio và thường xuyên tới rạp chiếu bóng. Thịnh vượng là có thật và đã mang lại lợi ích cho đa số người dân Mỹ. Kết quả là Đảng Cộng hòa đã chiếm được lòng tin của dân chúng và do đó, có được những ủng hộ quan trọng về chính trị.