Nước Mỹ với bất mãn và cải cách/6

Tủ sách mở Wikibooks

Một dân tộc của nhiều dân tộc

Không có một quốc gia nào trên thế giới lại có lịch sử gắn bó chặt chẽ với những dòng người nhập cư nhiều như Hoa Kỳ. Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ XX, hơn 13 triệu người đã đến Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ nhập cư vào nước Mỹ thông qua đảo Ellis – trung tâm nhập cư của Liên bang, được mở cửa năm 1892 tại cảng New York (Mặc dù không còn hoạt động nữa, song đảo này đã được mở cửa lại năm 1992 để làm đài tưởng niệm hàng triệu người đã từng bước qua ngưỡng cửa của nước Mỹ tại đây).

Cuộc thống kê dân số đầu tiên năm 1790 đã ước tính dân số Mỹ là 3.929.214 người. Gần một nửa dân số của 13 bang đầu tiên có nguồn gốc từ nước Anh; phần còn lại là người Scotlen, Ai-len, người Đức, người Hà Lan, người Pháp, người Thụy Điển, người xứ Wales và người Phần Lan. Những người châu Âu da trắng này phần lớn đều theo đạo Tin Lành. Một phần năm dân số Mỹ là những nô lệ châu Phi.

Từ rất sớm, người Mỹ đã coi những người nhập cư như một nguồn lực cần thiết để mở rộng biên giới. Kết quả là chỉ có rất ít quy định hạn chế dòng người nhập cư vào Mỹ cho tới tận thập niên 1920. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều dân nhập cư tới nước Mỹ thì một số người Mỹ lại lo ngại rằng nền văn hóa của họ đang bị đe dọa.

Những người lập quốc, đặc biệt là Thomas Jefferson, đã tỏ ra mâu thuẫn trong quan điểm về việc nước Mỹ có nên chào đón dòng người nhập cư từ mọi nơi trên trái đất hay không. Tổng thống Jefferson đặt câu hỏi liệu nền dân chủ có được an toàn trong bàn tay của những con người mới tới nước Mỹ từ những xứ sở vốn vẫn duy trì chế độ quân chủ hoặc luật lệ hoàng gia hay không. Tuy vậy, ít người ủng hộ việc đóng cửa hoàn toàn đối với lực lượng lao động nhập cư từ nước ngoài.

Phong trào nhập cư có xu hướng chậm lại vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX vì các cuộc chiến tranh đã ngăn cản giao thông xuyên Đại Tây Dương và các chính phủ châu Âu đã ngăn cấm di cư để giữ lại thanh niên trong độ tuổi tòng quân. Sau đó, dân số châu Âu tăng lên. Việc có nhiều người hơn trên một vùng đất cũ đã khiến nông dân phải thu hẹp các khoảnh đất canh tác, đến nỗi gia đình họ chỉ đủ để tồn tại. Hơn nữa, các ngành công nghiệp nông thôn đang trở thành nạn nhân của cuộc Cách mạng Công nghiệp mà thực chất chính là việc hoạt động sản xuất được cơ khí hóa. Ở châu Âu, hàng ngàn thợ thủ công đã bị thất nghiệp vì họ không muốn hoặc không thể tìm được việc làm trong các nhà máy.

Giữa thập niên 1840, hàng triệu người nhập cư đã tìm đường tới Mỹ vì ở Ai-len, khoai tây bị phá hại do côn trùng và ở Đức, các cuộc cách mạng cứ xảy ra liên miên. Đồng thời, một số người nhập cư từ miền Đông Nam Trung Quốc nghèo khổ cũng đến các bang ở bờ Tây nước Mỹ.

Vào những năm từ 1890 đến 1921, gần 19 triệu người nhập cư đã đến Mỹ. Đây cũng chính là năm mà Quốc hội Mỹ lần đầu tiên thông qua các quy định hạn chế số lượng người nhập cư. Phần đông những người nhập cư này tới từ Italia, Nga, Ba Lan, Hy Lạp và các nước vùng Ban-căng. Những người không phải từ châu Âu cũng đến nước Mỹ: người Nhật đến nước Mỹ từ phía đông, người Canada từ phía nam và người Mexico từ phía bắc.

Cho tới đầu thập niên 1920, một liên minh đã được hình thành giữa những người làm công ăn lương có tổ chức và những người ủng hộ nhập cư hạn chế vì lý do chủng tộc hay tôn giáo – đó là Liên đoàn Ku Klux Klan và Hạn chế Nhập cư. Bộ luật Nhập cư Johnson – Reed năm 1924 đã khiến lượng người nhập cư bị cắt giảm vĩnh viễn bằng các hạn ngạch nhập cư căn cứ trên quốc tịch gốc của họ.

Cuộc Đại suy thoái những năm 1930 đã khiến dòng người nhập cư ngày càng giảm. Nói chung, công chúng phản đối các dòng người nhập cư, thậm chí đối với cả những người thiểu số đến từ châu Âu. Do đó, chỉ có ít người tị nạn tìm được nơi trú ẩn ở nước Mỹ sau khi Adolf Hitler lên cầm quyền năm 1933.

Trong suốt nhiều thập niên sau chiến tranh, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hạn ngạch dựa vào quốc tịch gốc của những người nhập cư. Những người ủng hộ Đạo luật Mc Carran – Walter năm 1952 cho rằng sự nới lỏng hạn ngạch có thể khiến nước Mỹ chịu nguy hiểm khi quá nhiều người theo tư tưởng Mác-xít đến Mỹ từ Đông Âu.

Năm 1965, Quốc hội đã thay thế hạn ngạch dựa trên nguồn gốc nhập cư bằng các hạn ngạch dựa trên việc người đó đến từ bán cầu Nam hay bán cầu Bắc. Họ hàng của các công dân Mỹ sẽ được ưu tiên, cũng như những người nhập cư có trình độ tay nghề cao – lực lượng mà nước Mỹ đang thiếu. Năm 1978, hạn ngạch theo bán cầu đã được thay thế bằng mức trần áp dụng cho toàn thế giới là 290.000 người nhập cư mỗi năm. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Tị nạn năm 1980 thì con số này đã giảm xuống 270.000 người mỗi năm.

Từ giữa thập niên 1970, nước Mỹ đã phải đối mặt với một làn sóng nhập cư mới từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Những cộng đồng dân cư này đã làm biến đổi đáng kể các cộng đồng dân cư khác trên khắp nước Mỹ. Ước tính hiện nay dự báo rằng tổng số người nhập cư vào Mỹ một cách hợp pháp hằng năm chừng 600.000 người.

Tuy nhiên, hạn ngạch về người nhập cư và người di tản đã khiến cho nhu cầu về lao động không được đáp ứng đầy đủ. Do đó, nạn nhập cư bất hợp pháp vẫn là một vấn đề nghiêm trọng. Hàng ngày, người Mexico và người châu Mỹ La-tinh vẫn vượt qua biên giới tây nam nước Mỹ để tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn và được hưởng một nền giáo dục cùng chăm sóc y tế tốt hơn cho gia đình họ. Tương tự, dòng người di cư bất hợp pháp vẫn đến Mỹ từ Trung Quốc và các nước châu Á khác. Các ước tính là khác nhau, nhưng nhiều ước tính cho rằng có tới 600.000 người nhập cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ hàng năm.

Làn sóng nhập cư khổng lồ này gây ra những căng thẳng về xã hội cùng với những lợi ích về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, một điều đã ăn sâu trong tiềm thức của người Mỹ là niềm tin vào Tượng Nữ thần Tự do đang đứng sừng sững như một biểu tượng cho nước Mỹ khi bà giương cao ngọn đuốc trước chiếc cổng vàng chào đón những con người đang nóng lòng được hít thở bầu không khí tự do. Niềm tin ấy, và sự hiểu biết chắc chắn rằng, tổ tiên của người Mỹ đã từng là những người nhập cư, đã khiến cho nước Mỹ vẫn là một dân tộc của nhiều dân tộc.