Bước tới nội dung

Nước Mỹ và sự xung đột/8

Tủ sách mở Wikibooks

Lincoln, Douglas và Brown

Abraham Lincoln từ lâu đã coi nạn chiếm hữu nô lệ là một tội ác. Ngay từ năm 1854 trong một diễn văn nổi tiếng ông đã tuyên bố rằng toàn bộ các cơ quan lập pháp quốc gia phải được thiết lập theo nguyên tắc mà theo đó chế độ nô lệ phải được hạn chế và cuối cùng bị phế bỏ. Ông cũng căm phẫn cho rằng nguyên tắc về chủ quyền nhân dân là giả dối, vì nạn chiếm hữu nô lệ ở các vùng lãnh thổ miền Tây đã là mối lo ngại không chỉ của dân chúng địa phương, mà cả của toàn bộ nước Mỹ.

Năm 1858, Lincoln đối kháng với Stephen A. Douglas trong cuộc bầu cử vào chức Thượng nghị sỹ bang Illinois. Trong đoạn diễn văn mở đầu chiến dịch tranh cử ngày 17/7, Lincoln đã đề cập với tư tưởng chủ đạo của lịch sử nước Mỹ trong bảy năm kế tiếp:

Một gia đình bị chia rẽ chống lại nhau thì không thể đứng vững được. Tôi tin rằng nhà nước này không thể chịu đựng mãi được tình trạng nửa nô lệ, nửa tự do. Tôi không muốn liên bang giải thể – Tôi không muốn gia đình sụp đổ – mà tôi mong muốn gia đình liên bang chấm dứt bị chia rẽ.

Lincoln và Douglas đều tham gia vào một loạt bảy cuộc tranh luận vào những tháng sau đó trong năm 1858. Thượng nghị sỹ Douglas được mệnh danh là người khổng lồ bé nhỏ có một uy tín đáng ghen tị với tư cách một nhà diễn thuyết tài ba, nhưng ông đã gặp tay kỳ phùng địch thủ Lincoln, người đã dùng tài hùng biện thách thức quan điểm về chủ quyền nhân dân theo lối mà Doughlas đã định nghĩa. Cuối cùng, Douglas đã đắc cử với tỉ lệ sát nút nhưng Lincoln lại đoạt được vị thế của một nhân vật tầm cỡ quốc gia.

Vào lúc đó thì các sự kiện đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Vào đêm ngày 16/10/1859, John Brown, một người chủ trương chống chế độ nô lệ đã từng bắt và giết năm người dân định cư ủng hộ chế độ nô lệ ở Kansas ba năm trước, đã chỉ huy một nhóm người ủng hộ tấn công vào kho vũ khí liên bang ở bến phà Harper’s (nằm ở vùng Tây Virginia ngày nay). Mục tiêu của Brown là sử dụng các vũ khí chiếm được để dẫn dắt chỉ huy cuộc nổi dậy của nô lệ. Sau hai ngày đánh nhau, Brown và những chiến sỹ của ông còn sống sót đã bị lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ do đại tá Robert E. Lee chỉ huy bắt làm tù binh.

Đối với nhiều người miền Nam thì những gì Brown làm đã khẳng định những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của họ. Ngược lại, những nhà hoạt động chống chế độ nô lệ lại chào đón Brown như một chiến sỹ tử vì đạo nhằm một mục tiêu cao cả. Brown đã bị bang Virginia xử án vì tội âm mưu phản nghịch và giết người. Ngày 2/12/1859 ông bị treo cổ. Mặc dù hầu hết người miền Bắc lúc đầu đều lên án ông, nhưng ngày càng có nhiều người chấp nhận quan niệm của ông cho ông là một công cụ trong tay của Chúa.