Bước tới nội dung

Nước Mỹ và sự xung đột/7

Tủ sách mở Wikibooks

Một dân tộc bị chia rẽ

Trong thập niên 1850, vấn đề nô lệ đã làm chia rẽ các mối quan hệ chính trị vốn từng gắn kết nước Mỹ lại với nhau. Vấn đề này đã làm suy yếu hai đảng chính trị lớn của Mỹ, Đảng Whig và Đảng Dân chủ. Đảng Whig bị sụp đổ và Đảng Dân chủ bị chia rẽ không thể hàn gắn được. Vấn đề này cũng khiến cho các Tổng thống yếu thế hơn do họ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu quyết đoán trong đảng. Vấn đề này đương nhiên cũng làm mất thể diện của Tòa án Tối cao.

Tinh thần quyết tâm bãi bỏ chế độ nô lệ ngày càng lớn mạnh. Năm 1852, Harriet Beecher Stowe đã cho ấn hành cuốn Túp lều Bác Tôm, một cuốn tiểu thuyết được gây cảm hứng từ việc ban hành Luật Nô lệ bỏ trốn. Hơn 300.000 bản đã bán hết trong năm đầu tiên. Các cỗ máy in đã phải chạy suốt ngày đêm để cho kịp với yêu cầu của độc giả. Tuy đa cảm và có nhiều ý tưởng dập khuôn nhưng Túp lều Bác Tôm đã khắc họa một bức tranh với một sức mạnh không thể chối cãi về sự độc ác của chế độ nô lệ và các cuộc xung đột căn bản giữa xã hội tự do và xã hội có nô lệ. Nó đã kích động lòng nhiệt tình của động cơ đấu tranh chống chế độ nô lệ. Tác phẩm hấp dẫn được mọi người do nó đã động chạm đến những tình cảm bản năng của con người – đó là lòng căm phẫn đối với sự bất công và lòng thương xót đối với những nạn nhân bất lực trước sự bóc lột tàn nhẫn.

Vào năm 1854, vấn đề về chế độ nô lệ ở các vùng lãnh thổ đã được xới lên và cuộc tranh cãi trở nên gay gắt hơn. Khu vực mà ngày nay bao gồm các bang Kansas và Nebraska đã được người dân đến định cư nhanh chóng, điều này làm gia tăng áp lực đòi hỏi thiết lập những cơ quan chính quyền của lãnh thổ và sau đó là của bang.

Theo những điều khoản của thỏa hiệp Missouri năm 1820, toàn bộ vùng này không cho phép chế độ nô lệ. Những thành phần chiếm hữu nô lệ chính yếu ở Missouri phản đối việc cho phép Kansas trở thành khu vực lãnh thổ tự do vì khi đó bang của họ sẽ có ba bang láng giềng cấm nô lệ (Illinois, Iowa và Kansas) và bang Missouri cũng có thể sẽ bị bắt buộc trở thành bang tự do. Các đại biểu Quốc hội bang Missouri, được dân miền Nam ủng hộ, đã ngăn cản tất cả những nỗ lực nhằm tổ chức vùng này. Vào lúc đó, Stephen A. Douglas đã khiến những người ủng hộ phong trào bãi nô phải nổi giận. Douglas lập luận rằng Thỏa hiệp năm 1850 đã từng để cho các bang Utah và New Mexico tự do giải quyết cho chính mình về vấn đề nô lệ, nay thay thế cho Thỏa hiệp Missouri. Kế hoạch của ông hướng đến hai vùng lãnh thổ Kansas và Nebraska. Kế hoạch này cho phép dân định cư được mang nô lệ vào các lãnh thổ trên và sau đó tự thân các cư dân được quyết định họ sẽ gia nhập liên bang với tư cách bang tự do hay bang nô lệ.

Những người phản đối Douglas đã buộc tội ông nịnh hót miền Nam để thắng cử tổng thống năm 1856. Phong trào đòi tự do vốn đã lắng dịu nay lại bùng lên với động lực mạnh hơn trước. Tuy nhiên, vào tháng Năm 1854, kế hoạch của Douglas mang tên Đạo luật Kansas – Nebraska đã được Tổng thống Franklin Pierce ký ban hành sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Những người miền Nam đã bắn đại bác ăn mừng. Nhưng khi Douglas tới thăm Chicago sau đó để phát biểu biện hộ cho mình thì tất cả các con tàu trên cảng đã hạ cờ của họ xuống đến nửa cột cờ, các nhà thờ gióng chuông cầu hồn suốt một giờ và đám đông một vạn người đã hò hét to đến nỗi không ai có thể nghe được ông nói.

Những kết quả thật quan trọng ngay lập tức nảy sinh từ những biện pháp tai hại của Douglas. Đảng Whig, vốn dao động về vấn đề mở rộng chế độ nô lệ, đã bị xóa sổ và một tổ chức mới hùng mạnh đã xuất hiện thay thế đảng này, đó là Đảng Cộng hòa với nhu cầu tiên quyết là chế độ nô lệ phải bị loại bỏ khỏi tất cả các vùng lãnh thổ. Vào năm 1856, Đảng Cộng hòa đã chỉ định John Fremont ra tranh cử. Ông là người nổi tiếng nhờ có những cuộc thám hiểm tới miền Viễn Tây. Tuy Fremont thất cử nhưng Đảng Cộng hòa đã phát triển ra cả một vùng rộng lớn của miền Bắc. Các thủ lĩnh chống chế độ nô lệ như Salmon P. Chase và William Seward đã có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết. Cùng với họ đã xuất hiện một luật sư người Illinois cao lớn là Abraham Lincoln.

Trong khi đó, dòng người kể cả các chủ nô miền Nam và các gia đình chống chế độ nô lệ đổ tới Kansas đã làm nảy sinh xung đột vũ trang. Chẳng bao lâu sau vùng lãnh thổ này được gọi là miền Kansas đẫm máu. Tòa án Tối cao còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn với phán quyết Dred Scott quá nghiêm khắc vào năm 1857.

Scott là một nô lệ ở bang Missouri, gần 20 năm trước bị chủ đưa đến sống ở Illinois và vùng lãnh thổ Wisconsin, những nơi chế độ chiếm hữu nô lệ đã bị cấm. Khi trở về Missouri và vì bất mãn với cuộc sống của mình ở đó, Scott đã kiện đòi tự do trên cơ sở ông cư trú trên lãnh thổ không có chế độ nô lệ. Tòa án Tối cao do người miền Nam chiếm đa số đã quyết định rằng Scott thiếu tư cách hầu tòa vì ông không phải là công dân; rằng luật lệ của một bang tự do (Illinois) không có hiệu lực về thân phận của ông vì ông đã là người cư trú ở bang có chế độ nô lệ (Missouri); rằng các chủ nô có quyền mang tài sản của họ đi bất cứ đâu trên khắp lãnh thổ liên bang và rằng Quốc hội không thể hạn chế sự mở rộng của chế độ nô lệ. Như vậy quyết định của Tòa án đã vô hiệu hóa các Thỏa ước trước đó về chế độ nô lệ và khiến cho không thể đưa ra được những thỏa ước mới.

Phán quyết đối với Dred Scott đã dấy lên sự căm phẫn dữ dội ở khắp miền Bắc. Trước kia chưa bao giờ Tòa án lại bị kết tội ác liệt đến thế. Với phe Dân chủ miền Nam thì quyết định của Tòa án là một thắng lợi lớn vì nó đã đem lại sự bảo vệ pháp luật cho sự biện minh của họ về chế độ chiếm hữu nô lệ trên toàn bộ các vùng lãnh thổ.