Bước tới nội dung

Nước Mỹ và sự xung đột/3

Tủ sách mở Wikibooks

Chế độ chiếm hữu nô lệ và chủ nghĩa địa phương

Có một vấn đề đã làm trầm trọng hơn những khác biệt theo vùng và kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam: đó là chế độ chiếm hữu nô lệ. Một phần vì những món lợi to lớn do các doanh nhân miền Bắc tích luỹ được từ việc tiêu thụ bông, dân miền Nam liền quy sự lạc hậu của họ là do sự giàu có lên của dân miền Bắc. Trong khi đó, người miền Bắc tuyên bố rằng chế độ chiếm hữu nô lệ – một chế độ lỗi thời mà người miền Nam coi là thiết yếu đối với nền kinh tế của họ – lại là nguyên nhân chính dẫn đến sự tụt hậu về công nghiệp và tài chính của miền Nam so với miền Bắc.

Kể từ khi có Thỏa ước Missouri năm 1819 thì sự phân chia lãnh địa cũng đã ngày càng làm trầm trọng thêm vấn đề nô lệ. Ở miền Bắc, làn sóng ủng hộ chế độ bãi nô ngày càng mạnh mẽ. Người miền Nam thường hầu như chẳng thấy có lỗi với những người nô lệ và đấu tranh để duy trì chế độ nô lệ một cách mạnh mẽ. Ở một số vùng ven biển thì chế độ nô lệ đã tồn tại được hơn 200 năm tính tới năm 1850 và là một bộ phận không thể thiếu đối với nền kinh tế cơ bản của vùng.

Mặc dù điều tra dân số năm 1860 cho thấy có gần bốn triệu nô lệ trong tổng số 12, 3 triệu dân của 15 bang theo chế độ nô lệ nhưng nhóm người da trắng ở miền Nam sở hữu nô lệ lại thuộc nhóm thiểu số. Có khoảng 385.000 chủ nô trong tổng số ước chừng 1,5 triệu gia đình người da trắng. Một nửa số chủ nô này sở hữu không quá năm nô lệ. Mười hai phần trăm chủ nô sở hữu từ 20 nô lệ trở lên, con số này cho thấy chủ trang trại đang dần trở thành người quản lý đồn điền. Ba phần tư số gia đình người da trắng ở miền Nam, trong đó bao gồm cả người da trắng nghèo, những người có địa vị thấp nhất trong xã hội miền Nam, không sở hữu bất kỳ một nô lệ nào.

Chúng ta dễ dàng hiểu được lợi ích của chủ đồn điền khi họ muốn duy trì chế độ nô lệ. Nhưng ngay cả các tiểu điền chủ và người da trắng nghèo cũng ủng hộ chế độ nô lệ. Họ sợ rằng nếu người da đen được tự do thì người da đen sẽ cạnh tranh với người da trắng về mặt kinh tế và sẽ thách thức vị trí xã hội cao hơn của người da trắng. Người da trắng ở miền Nam bảo vệ chế độ nô lệ không chỉ vì lý do kinh tế mà còn là vì tư tưởng cho rằng người da trắng ưu việt hơn người da đen.

Vì đấu tranh với ảnh hưởng của công luận miền Bắc nên các nhà lãnh đạo chính trị của miền Nam, các tầng lớp trí thức và phần lớn giới tăng lữ giờ đây không còn thấy mặc cảm vì chế độ nô lệ nữa, mà còn đứng ra bảo vệ chế độ này. Chẳng hạn, các nhà báo miền Nam cho rằng mối quan hệ giữa tư bản và lao động trong hệ thống chiếm hữu nô lệ còn nhân đạo hơn trong hệ thống lương của miền Bắc.

Trước năm 1830, hệ thống gia trưởng cũ của quản lý đồn điền và việc giám sát cá nhân đối với các nô lệ do chủ của họ thực hiện vẫn còn rất đặc trưng. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của việc sản xuất bông ở quy mô lớn tại các bang miền Nam phía dưới, chủ chiếm hữu dần dần từ bỏ việc giám sát cá nhân chặt chẽ đối với nô lệ, họ thuê các nhân viên trông coi chuyên nghiệp mà thời hạn làm việc của họ phụ thuộc vào khả năng bắt buộc nô lệ phải làm việc ở mức độ cao nhất. Trong trường hợp này thì chế độ nô lệ đã trở thành một hệ thống tàn bạo và áp bức với việc đánh đập và chia cắt gia đình nông nô rồi mua bán nô lệ phổ biến. Tuy nhiên trong những trường hợp khác thì chế độ nô lệ cũng ít hà khắc hơn.

Tuy nhiên, cuối cùng thì việc phê phán đanh thép nhất đối với chế độ nô lệ không phải là hành vi của các chủ nô lệ và người quản lý nô lệ. Những người theo chủ nghĩa bãi nô chỉ ra rằng việc đối xử có hệ thống đối với người lao động da đen giống như đối xử với vật nuôi trong gia đình khiến cho chế độ nô lệ đã vi phạm quyền tự do bất khả xâm phạm của con người.