Nước Mỹ thời lập quốc/5
Những khu định cư đầu tiên
Làn sóng nhập cư ồ ạt từ châu Âu sang Bắc Mỹ đã bắt đầu vào đầu những năm 1600. Phong trào này kéo dài suốt hơn ba thế kỷ, bắt đầu từ nhóm nhỏ vài trăm người Anh tới sự xuất hiện ồ ạt của hàng triệu người nhập cư mới. Được thôi thúc bởi những động lực mạnh mẽ khác nhau, họ đã xây dựng một nền văn minh mới ở phần phía bắc của lục địa này.
Những dân nhập cư người Anh đầu tiên tới miền đất là Hoa Kỳ ngày nay đã vượt Đại Tây Dương rất lâu sau khi người Tây Ban Nha đã gây dựng được những thuộc địa giàu có ở Mexico, Tây ấn và Nam Mỹ. Cũng giống như tất cả những người đầu tiên đến Tân Thế giới, họ đã tới đây trên những con tàu nhỏ bé, chật chội. Suốt chặng đường kéo dài từ sáu tới 12 tuần lễ, họ chỉ được ăn rất ít và rất nhiều người đã chết vì bệnh tật. Tàu của họ thường xuyên bị đánh tơi tả trong các cơn bão và một số tàu đã mất tích ngoài khơi.
Phần lớn dân di cư châu Âu vượt biên để tránh các cuộc đàn áp chính trị và tìm đến những vùng đất được tự do hành đạo hoặc được hưởng những cơ hội luôn nằm ngoài tầm tay của họ ở cố quốc. Từ năm 1620 đến 1635, nước Anh nhanh chóng lâm vào cảnh khó khăn kinh tế. Nhiều người không thể tìm được việc làm. Thậm chí ngay cả những nghệ nhân cũng chỉ có mức thu nhập giúp họ sống trên mức thiếu thốn. Những đợt mất mùa càng làm tình cảnh khốn khó trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, cuộc cách mạng thương mại đã mở đường cho ngành dệt phát triển mạnh mẽ và đòi hỏi nguồn cung cấp lông cừu tăng nhanh chưa từng có nhằm duy trì hoạt động của những cỗ máy dệt. Địa chủ đã rào đất, đuổi nông dân để dành đất nuôi cừu. Do đó, việc mở rộng thuộc địa đã trở thành lối thoát cho những tá điền bị gạt ra ngoài lề xã hội như vậy.
Cảm nhận đầu tiên của những người dân di cư tới vùng đất mới là khung cảnh những cánh rừng bạt ngàn. Nhưng chắc hẳn họ đã không thể sống sót nếu như không có những người da đỏ tốt bụng giúp đỡ và dạy cách trồng những loài cây bản địa như bí ngô, bí, đậu và ngô. Ngoài ra, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn trải dài gần 2100 cây số dọc duyên hải phía đông cung cấp cho họ nguồn củi gỗ và những loài thú săn thật phong phú. Rừng cũng cung cấp cho họ gỗ để dựng nhà, đóng đồ, đóng thuyền và sản xuất những mặt hàng có giá trị để xuất khẩu.
Mặc dù lục địa mới được thiên nhiên ưu đãi, song việc buôn bán với châu Âu vẫn đóng vai trò quan trọng sống còn, giúp những người định cư có được những mặt hàng họ không thể tự sản xuất được. Khu vực duyên hải rất có ý nghĩa với những người nhập cư. Dọc theo toàn bộ chiều dài của bờ biển có vô số vịnh và hải cảng. Chỉ có hai khu vực Bắc Carolina và Nam New Jersey là thiếu các cảng cho tàu viễn dương tới neo đậu.
Những dòng sông hùng vĩ như Kennebec, Hudson, Delaware, Susquehanna, Potomac và rất nhiều con sông khác nối các vùng đất nằm giữa bờ biển và dãy núi Appalachian với đại dương. Tuy nhiên, chỉ duy nhất dòng sông St. Lawrence thuộc quyền kiểm soát của người Pháp ở Canada là tuyến đường thủy nối với vùng Hồ Lớn và trung tâm của lục địa. Những cánh rừng ngút ngàn, sự phản kháng của một số bộ lạc da đỏ và dãy núi Appalachian cao sừng sững đã làm nản lòng những người muốn lập khu định cư cách xa đồng bằng ven biển. Chỉ có những người đặt bẫy thú lấy da và những lái buôn mới mạo hiểm tiến vào vùng đất hoang vu. Trong một trăm năm đầu tiên, những người đi khai hoang đã xây dựng những khu định cư thật khăng khít bên nhau dọc theo bờ biển.
Có nhiều lý do chính trị thôi thúc người ta di cư sang Mỹ. Vào những năm 1630, chế độ cai trị chuyên quyền của vua Anh Charles đệ Nhất đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào di cư. Cuộc nổi dậy và những thắng lợi sau đó của những người chống đối Charles đệ Nhất dưới sự lãnh đạo của Oliver Cromwell trong những năm 1640 đã khiến những tên nịnh thần trong triều đình phải tha hương tới vùng đất Virginia. Ở những khu vực nói tiếng Đức tại châu Âu, các chính sách đàn áp của nhiều vị hoàng thân có tư tưởng hẹp hòi – đặc biệt về vấn đề tôn giáo – cùng với hậu quả nặng nề của hàng loạt các cuộc chiến đã tạo làn sóng di cư sang Mỹ cuối thế kỷ XVII và XVIII.
Mỗi chuyến đi đều đòi hỏi việc lập kế hoạch và quản lý thật cẩn trọng và phải tính tới chi phí cùng những rủi ro. Những người di cư đã phải vượt chặng đường dài gần 5000 km trên biển cả. Họ cần có những dụng cụ, quần áo, hạt giống, công cụ, vật liệu xây dựng, vật nuôi, vũ khí và đạn dược. Khác với các chính sách thực dân của các quốc gia vào những thời kỳ khác nhau, phong trào di cư từ nước Anh không trực tiếp do chính phủ hậu thuẫn, mà do các nhóm gồm những cá nhân riêng rẽ thực hiện với động cơ chủ yếu là lợi nhuận.