Nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai/9
Nền kinh tế Mỹ thời hậu chiến (1945-1960)
Trong thời gian 15 năm sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Hoa Kỳ đã có sự tăng trưởng kinh tế phi thường và củng cố được vị thế của mình với tư cách là quốc gia giàu có nhất thế giới. Tổng thu nhập quốc dân (GNP), đơn vị đo lường toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ở Hoa Kỳ đã nhảy vọt từ 200 tỉ đô-la năm 1940 lên 300 tỉ đô-la năm 1950 và 500 tỉ đô-la năm 1960. Ngày càng có nhiều người Mỹ tự coi mình thuộc tầng lớp trung lưu.
Sự tăng trưởng này bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau. Động lực kinh tế từ những khoản chi tiêu lớn của Chính phủ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai là cú hích đầu tiên cho sự tăng trưởng này. Hai nhu cầu cơ bản của tầng lớp trung lưu đã góp phần đáng kể vào việc duy trì sự tăng trưởng đó. Số lượng ôtô được sản xuất hàng năm đã tăng lên gấp bốn lần từ năm 1946 tới năm 1955. Việc bùng nổ trong xây dựng nhà cửa được kích thích phần nào nhờ những khoản vay mua nhà thế chấp có thể trả được dễ dàng dành cho các quân nhân giải ngũ, đã kích thích nền kinh tế phát triển. Sự gia tăng chi tiêu cho quốc phòng vì Chiến tranh Lạnh leo thang cũng đóng một vai trò nhất định trong phát triển kinh tế.
Sau năm 1945, các công ty chủ chốt ở Mỹ đã phát triển mạnh mẽ với quy mô thậm chí còn lớn hơn trước. Trước đây, đã xuất hiện những làn sóng hợp nhất các công ty thương mại vào những năm 1890 và 1920, và một làn sóng tương tự cũng đã diễn ra vào thập niên 1950. Các công ty nhượng quyền kinh doanh như những nhà hàng ăn nhanh của McDonald’s đã cho phép các doanh nhân nhỏ trở thành chi nhánh của những doanh nghiệp lớn, hoạt động có hiệu quả. Các công ty lớn của Mỹ cũng phát triển các chi nhánh ở nước ngoài nơi thường có chi phí lao động thấp hơn.
Người lao động thấy cuộc sống của họ cũng đang thay đổi cùng với sự thay đổi của một nước Mỹ được công nghiệp hóa. Càng ngày càng có ít người tham gia sản xuất hàng hóa, và càng có nhiều người tham gia vào các ngành dịch vụ. Ngay từ năm 1956, phần lớn những người lao động Mỹ đều tìm được những công việc trí óc như quản lý, giáo viên, bán hàng và nhân viên văn phòng. Một số công ty đã bảo đảm cho người lao động một khoản tiền lương ổn định hàng năm, ký hợp đồng dài hạn với người lao động, cùng với các hình thức phúc lợi khác. Cùng với những thay đổi này, những người lao động không còn phải đấu tranh đòi quyền lợi nữa và sự phân hóa giữa các tầng lớp cũng bắt đầu mờ nhạt dần.
Trong nông nghiệp, các chủ nông trại, ít nhất cũng là các chủ trại nhỏ, lại phải đối mặt với một thời buổi gian nan. Năng suất tăng lên đã dẫn tới sự hợp nhất trong nông nghiệp và nghề nông trở thành một nghề kinh doanh lớn. Số chủ trại rời bỏ đất đai ngày càng nhiều hơn.
Những người Mỹ khác cũng di cư. Miền Tây và miền Tây Nam đang phát triển nhanh chóng – xu thế này tiếp diễn cho đến cuối thế kỷ. Các đô thị vùng SunBelt như Houston, bang Texas; Miami, bang Florida; Albuquerque, bang Mexico; Tucson và Phoenix, bang Arizona được mở rộng rất mau chóng. Thành phố Los Angeles của bang California đã phát triển vượt Philadelphia, Pennsylvania, trở thành thành phố lớn thứ ba nước Mỹ, và sau đó còn vượt cả Chicago, thủ phủ của khu vực Trung Tây. Cuộc điều tra dân số năm 1970 cho thấy California đã thay thế vị trí của bang New York, trở thành bang lớn nhất Hoa Kỳ. Đến năm 2000, Texas đã vượt lên trên NewYork và chiếm vị trí thứ hai.
Một hình thái di cư còn quan trọng hơn đã khiến người Mỹ rời khỏi các khu vực nội thị tới các vùng ngoại ô mới nơi họ hy vọng tìm được nhà ở với giá cả phải chăng cho những gia đình lớn đã trở nên đông đúc do sự bùng nổ sinh con thời hậu chiến. Những nhà thầu xây dựng như William J. Levitt đã xây dựng những cộng đồng dân cư mới – với những căn nhà trông giống hệt nhau – bằng cách sử dụng kỹ thuật xây dựng hàng loạt. Những ngôi nhà của Levitt được chế tạo sẵn – một phần được lắp ghép tại nhà máy chứ không lắp tại công trường. Các ngôi nhà này trông rất bình dân nhưng phương pháp của Levitt đã làm giảm giá thành và cho phép những chủ nhân mới được sở hữu một phần giấc mơ của người Mỹ.
Vì các khu ngoại ô phát triển mạnh nên các doanh nghiệp đã chuyển tới các khu vực mới. Những trung tâm mua bán lớn hơn bao gồm đủ các loại cửa hàng khác nhau đã làm thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng. Con số những trung tâm mua sắm này đã gia tăng từ tám trung tâm vào cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai lên tới 3.840 trung tâm vào năm 1960. Với các bãi đỗ xe thuận tiện và thời gian bán hàng tiện lợi vào buổi tối, khách hàng hoàn toàn có thể tránh được việc chạy đi mua bán trong thành phố bận rộn như trước kia.
Các xa lộ mới khiến giao thông tới các khu ngoại ô và những cửa hàng lớn trở nên dễ dàng hơn. Đạo luật Đường Cao tốc năm 1956 đã cung cấp 26.000 triệu đô la, một khoản chi tiêu dành cho các công trình công cộng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, để xây dựng hơn 64.000km đường liên bang, nối kết tất cả các khu vực trên khắp đất nước.
Truyền hình cũng có một ảnh hưởng mạnh mẽ tới các mô thức hoạt động kinh tế và xã hội. Tuy đã ra đời từ thập niên 1930, nhưng chỉ sau chiến tranh, máy thu hình mới được bày bán rộng rãi. Vào năm 1946, cả nước chỉ có dưới 17.000 máy thu hình. Ba năm sau, người tiêu dùng đã mua 250.000 chiếc trong một tháng, và cho tới năm 1960, ba phần tư các hộ gia đình đã có ít nhất một chiếc máy thu hình. Vào giữa thập niên 1960, một gia đình bình thường xem truyền hình từ bốn đến năm tiếng một ngày. Những chương trình phổ biến cho trẻ em bao gồm Howdy Doody Time và The Mickey Mouse Club; người lớn thì thích những vở hài kịch nhiều tập như I love Lucy và Father Knows Best. Người Mỹ thuộc tất cả các lứa tuổi đã trở thành đối tượng của các chương trình quảng cáo được thiết kế ngày càng tinh vi, công phu hơn, giới thiệu những sản phẩm mà người ta nói là cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp.