Nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai/8
Chiến tranh Lạnh tại nước Mỹ
Chiến tranh Lạnh không chỉ định hình cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà còn gây ảnh hưởng lớn lao tới mọi sự kiện trong nước Mỹ. ĐÃ từ lâu, người Mỹ lo sợ phái cấp tiến sẽ lật đổ chế độ. Những nỗi lo sợ này đôi khi đã bị lợi dụng thái quá để biện minh cho những hạn chế chính trị lẽ ra không thể chấp nhận được trong hoàn cảnh bình thường. Nhưng sự thật là các cá nhân thuộc Đảng Cộng sản và nhiều người theo chủ nghĩa cộng sản đã giành sự ủng hộ chính trị của họ không phải cho Mỹ mà là cho phong trào cộng sản quốc tế, cụ thể là cho Mat-xcơ-va. Trong thời kỳ Nỗi sợ Cộng sản vào những năm 1919 – 1920, Chính phủ Mỹ đã cố gắng loại trừ mối đe dọa đối với xã hội Mỹ. Những nỗ lực thậm chí còn mạnh mẽ hơn đã được thực thi sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai để triệt bỏ tận gốc chủ nghĩa cộng sản trong lòng nước Mỹ. Các sự kiện quốc tế, các vụ bê bối chính trị và những vụ tai tiếng về hoạt động gián điệp đã dấy lên một phong trào chống Cộng trên diện rộng.
Khi Đảng Cộng Hòa thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 1946 và sẵn sàng tiến hành điều tra hoạt động lật đổ chính phủ, Tổng thống Truman đã khởi xướng Chương trình Lòng trung thành của viên chức Liên bang. Chương trình này không có mấy ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của các công dân, nhưng đã có khoảng 100 viên chức liên bang bị cách chức, trong số đó, có những người bị cách chức một cách bất công.
Năm 1947, ủy ban Hoạt động phi Mỹ của Hạ viện đã điều tra ngành công nghiệp điện ảnh để xác định xem các tư tưởng cộng sản có được phản ánh trong những bộ phim nổi tiếng hay không. Khi một số nhà viết kịch bản (tình cờ họ lại là đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản) không chịu để bị kiểm tra, họ liền bị gọi ra hầu tòa và bị tống ngục. Sau sự kiện đó, các công ty điện ảnh đã từ chối không tuyển dụng bất cứ ai có một quá khứ đáng ngờ, dù chỉ là chút ít.
Năm 1948, Alger Hiss, người từng làm trợ lý Ngoại trưởng và Cố vấn cho cố Tổng thống Roosevelt ở Yalta đã bị Whitaker Chambers, cựu tình báo Liên Xô, buộc tội là gián điệp cho phe cộng sản. Hiss đã phủ nhận sự buộc tội đó, nhưng vào năm 1950, những chứng cứ tìm được sau đó đã cho thấy là đúng.
Năm 1949, Liên Xô đã cho thử quả bom nguyên tử của mình, một vụ nổ đã làm cho người Mỹ choáng váng. Vào năm 1950, chính phủ đã phát hiện ra một mạng lưới gián điệp Anh-Mỹ đã chuyển cho Liên Xô những tài liệu về chế tạo bom nguyên tử. Hai người hoạt động trong mạng lưới này là Julius Rosenberg và vợ của ông là Ethel đã bị kết án tử hình. Tổng Chưởng lý J. Howard McGrath đã tuyên bố rằng có rất nhiều người Mỹ theo cộng sản, và mỗi người trong số họ đều mang theo mình những vi trùng chết người cho xã hội”.
Người mang tư tưởng chống cộng gay gắt nhất là Thượng nghị sỹ Joseph R. Mc Carthy, đại biểu của Đảng Cộng hòa, bang Wisconsin. Ông này đã giành được sự chú ý của nước Mỹ vào năm 1950, sau lời tuyên bố rằng ông đang nắm trong tay một bản danh sách 205 đảng viên cộng sản nổi tiếng đang làm việc trong Bộ Ngoại giao. Tuy sau đó McCarthy đã vài lần thay đổi con số này và thất bại trong việc chứng minh bất cứ người nào trong danh sách đó là đảng viên cộng sản, song ông cũng đã đánh động được phản ứng của công chúng.
McCarthy đã giành được quyền lực khi Đảng Cộng hòa chiếm quyền kiểm soát Thượng viện năm 1952. Với tư cách là Chủ tịch ủy ban Thượng viện, Carthy đã có diễn đàn cho những tư tưởng chống cộng của mình. Dựa vào việc đưa tin rộng rãi trên báo chí và truyền hình, ông tiếp tục kết án các quan chức cao cấp trong chính quyền Eisenhower về tội phản bội. Ham mê vai trò của một kẻ hành động không thương xót, làm những công việc bẩn thỉu nhưng cần thiết, ông tiếp tục tích cực truy quét những kẻ mà ông coi là cộng sản.
McCarthy đã vượt quá giới hạn trách nhiệm của bản thân mình khi ông kiện quân đội Hoa Kỳ vì một trong những trợ lý của ông bị cưỡng bách quân dịch. Truyền hình đã truyền đi những phiên xử ở tòa án tới hàng triệu gia đình. Nhiều người Mỹ lần đầu tiên đã tận mắt nhìn thấy cách cư xử hung hãn của McCarthy, và sự ủng hộ của công chúng đối với ông bắt đầu suy giảm. Đảng Cộng hòa, trước kia đánh giá Carthy là hữu dụng cho việc thách thức Đảng Dân Chủ dưới thời Tổng thống Truman, nay lại coi ông như một điều hổ thẹn. Cuối cùng, Thượng viện đã lên án ông vì tư cách đạo đức.
Về nhiều mặt, McCarthy là đại diện cho những chính sách đối nội tồi tệ nhất của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh. Khi người dân Mỹ đã bác bỏ cách nhìn nhận của ông, thì cũng là lẽ tự nhiên khi họ cho rằng mối đe dọa Cộng sản bên trong và bên ngoài nước Mỹ đã bị thổi phồng quá mức. Vào thời điểm nước Mỹ đang chuyển mình bước sang những năm 1960, những người có tư tưởng chống cộng ngày càng trở nên hoài nghi hơn, đặc biệt là giới trí thức và những người có ảnh hưởng sâu rộng đến quan điểm của công chúng.