Bước tới nội dung

Nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai/13

Tủ sách mở Wikibooks

Những căn nguyên của phong trào đòi quyền công dân

Những năm sau chiến tranh, người Mỹ gốc Phi đã trở thành vấn đề ngày càng căng thẳng. Trong chiến tranh, họ đã đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuyển dụng lao động, và họ đã đạt được những thành quả nhất định. Hàng triệu người Mỹ da đen đã rời bỏ các nông trại miền Nam lên các thành phố miền Bắc nơi họ hy vọng sẽ tìm được công ăn việc làm tốt hơn. Thay vì những gì mơ ước, họ chỉ tìm được một chỗ ở chật chội, chen chúc trong các khu nhà ổ chuột tại các đô thị. Giờ đây các quân nhân người Mỹ da đen đã trở về quê nhà, và nhiều người trong số họ kiên quyết không chấp nhận thân phận công dân hạng hai của mình.

Jackie Robinson đã khuấy động vấn đề chủng tộc vào năm 1947, khi anh phá vỡ ranh giới màu da trong bóng chày và bắt đầu chơi cho các giải đấu bóng chày lớn hơn. Khi là thành viên của đội bóng Brooklyn Dodgers, anh thường phải đối mặt với những rắc rối do đối thủ cũng như các cầu thủ cùng đội gây ra. Những mùa thi đấu đầu tiên xuất sắc đã dẫn tới việc người ta phải thừa nhận tài năng của anh và khiến sự nghiệp thi đấu của những cầu thủ da đen khác trở nên dễ dàng hơn. Những cầu thủ này bắt đầu rời khỏi các đội bóng chày của người da đen mà trước kia, họ buộc phải thi đấu ở đó.

Các quan chức chính phủ và nhiều người Mỹ khác đã phát hiện thấy mối quan hệ giữa các vấn đề chủng tộc và các vấn đề chính trị trong Chiến tranh Lạnh. Với tư cách là người lãnh đạo thế giới tự do, Hoa Kỳ đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của châu Phi và châu Á. Nạn phân biệt chủng tộc trong chính nước Mỹ đã làm cản trở những nỗ lực lôi kéo đồng minh ở những khu vực khác trên thế giới.

Harry Truman đã ủng hộ phong trào đòi quyền công dân đầu tiên. Cá nhân ông tin vào quyền bình đẳng về chính trị, tuy ông không tin vào quyền bình đẳng xã hội, và ông đã công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của cử tri người Mỹ gốc Phi ở các đô thị. Năm 1946, khi được thông báo về những vụ hành hình không hề xét xử của đám người phân biệt chủng tộc da trắng đối với người da đen và những hình thức bạo lực chống lại người da đen ở miền Nam, ông đã yêu cầu ủy ban Quyền Công dân có nhiệm vụ điều tra sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Bản báo cáo có nhan đề là Để đảm bảo những quyền con người này, được công bố vào năm sau đó, đã minh chứng rõ ràng địa vị hạng hai của người da đen trong đời sống xã hội Mỹ và đã khuyến nghị rất nhiều biện pháp mà Chính phủ Liên bang cần thực hiện nhằm bảo đảm những quyền vốn được dành cho tất cả công dân.

Truman đã phản ứng bằng việc gửi tới Quốc hội một chương trình 10 điểm về quyền công dân. Các thành viên thuộc Đảng Dân chủ miền Nam trong Quốc hội đã cản trở việc thông qua chương trình này. Một số người giận dữ nhất, đứng đầu là Strom Thurmond, Thống đốc bang Nam Carolina, đã thành lập nên Đảng Bang quyền năm 1948 để phản đối Tổng thống. Truman đã cho ban hành một sắc luật cấm kỳ thị chủng tộc trong việc tuyển dụng nhân viên cho các cơ quan Liên bang, ra lệnh đối xử bình đẳng trong các lực lượng vũ trang và yêu cầu một ủy ban có nhiệm vụ chấm dứt nạn chia rẽ sắc tộc trong quân đội. Cuối cùng, nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội cũng đã chấm dứt vào thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Trong những năm 1950, người Mỹ da đen ở miền Nam được hưởng rất ít (nếu không nói là không được hưởng) quyền công dân và quyền chính trị. Nhìn chung, họ không có quyền bầu cử. Những người cố gắng ghi tên vào danh sách cử tri đều có thể bị đánh đập, mất việc làm, mất tín nhiệm hoặc bị trục xuất ra khỏi nơi cư trú. Các cuộc hành hình không xét xử vẫn tiếp diễn. Các luật Jim Crow đã thực hiện sự chia rẽ sắc tộc trên ôtô, tàu hoả, khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, những cơ sở giải trí và trong công ăn việc làm.