Bước tới nội dung

Nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai/12

Tủ sách mở Wikibooks

Văn hóa Mỹ thập niên 1950

Trong suốt thập niên 1950, nhiều sự kiện văn hóa đã chứng tỏ rằng tư tưởng đồng nhất đã thâm nhập khắp xã hội Mỹ. Tính tuân theo chuẩn mực là rất phổ biến. Mặc dù cả nam giới lẫn phụ nữ đều buộc phải theo những mô thức nghề nghiệp trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nhưng khi chiến tranh kết thúc, thì vai trò truyền thống liền được phục hồi. Đàn ông là chủ gia đình, còn phụ nữ thì coi vị trí thích hợp nhất của mình là tề gia nội trợ, thậm chí cả khi họ là người làm công ăn lương. Trong cuốn sách gây ảnh hưởng mạnh của mình – cuốn Đám đông cô đơn – nhà xã hội học David Riesman đã gọi xã hội mới này là một xã hội bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối, mà đặc trưng của nó là tính tuân theo chuẩn mực, nhưng đồng thời cũng có tính bình ổn. Truyền hình, vẫn còn có ít các chương trình để lựa chọn, cũng đã đóng góp vào xu hướng đồng hóa văn hóa này thông qua việc cung cấp cho thanh niên và người già những khuôn mẫu xã hội chung dễ được chấp nhận.

Nhưng không phải tất cả những người Mỹ đều thích ứng với những chuẩn mực văn hóa này. Nhiều nhà văn, những thành viên của Thế hệ lập dị đã phản kháng những giá trị quy ước, thách thức các tôn ti trật tự đang được tôn trọng và do đó gây ra một cú sốc về văn hóa. Nhấn mạnh vào tính tự phát và tâm linh, họ thích dùng trực giác hơn là lý trí, thuyết thần bí phương ông hơn là tôn giáo kinh viện của phương Tây.

Các tác phẩm văn chương của họ đã diễn tả cảm xúc về sự cách biệt và nhu cầu được công nhận bản thân. Jack Keronac đã đánh máy cuốn tiểu thuyết ăn khách nhất của ông, cuốn Trên đường, trên một băng giấy dài 75 mét. Bằng thủ pháp bỏ dấu chấm câu và không tuân theo quy tắc chung về cấu trúc đoạn văn, cuốn sách ca ngợi cuộc sống tự do. Nhà thơ Allen Ginsberg cũng trở nên nổi tiếng nhờ bài thơ Tiếng gào rú – một tác phẩm phê phán cay độc nền văn minh hiện đại được cơ khí hóa. Khi cảnh sát buộc tội tác phẩm này là suy đồi và tịch thu các bản in đã phát hành, Ginsberg đã đối chất thành công tại tòa án.

Các nhạc sỹ và các họa sỹ cũng nổi loạn. Ca sỹ Elvis Presley, bang Tennessee là người da trắng thành công nhất trong việc phổ biến thứ âm nhạc Mỹ gốc Phi đầy cảm xúc và rộn ràng với tên gọi nhạc Rock and Roll. Trước hết, ca sỹ này đã làm tầng lớp trung lưu Mỹ sửng sốt với kiểu tóc đuôi vịt và cách đánh hông uốn lượn của anh khi biểu diễn. Nhưng một vài năm sau, các buổi biểu diễn của anh đã phần nào ít gây sốc hơn cùng với sự ra đời của những ca sỹ và ban nhạc sau đó, như ban nhạc Rolling Stones của Anh. Tương tự, trong thập niên 50, các họa sỹ như Jackson Pollock đã loại bỏ giá vẽ và xếp đặt các toan vẽ trên sàn, sau đó dùng sơn dầu, cát và những chất liệu khác để tạo thành những vệt màu hoang dại mãnh liệt. Tất cả những họa sỹ và những nhà văn, nhà thơ đó, cho dù họ dùng phương tiện nào đi chăng nữa, thì đều đã đưa ra những mô hình mới cho một cuộc cách mạng xã hội rộng rãi và có ảnh hưởng sâu sắc của thập niên 1960.