Bước tới nội dung

Nước Mỹ bước sang thế kỷ 21/8

Tủ sách mở Wikibooks

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2000 và cuộc chiến chống khủng bố

Al Gore, ứng cử viên tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ đại diện cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử năm 2000

Đảng Dân chủ đã chỉ định Phó Tổng thống Al Gore làm ứng cử viên tranh cử chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2001. Đối thủ của ông này là ứng cử viên Đảng Cộng hòa George W. Bush, Thống đốc bang Texas và là con trai của cựu Tổng thống George H. W. Bush.

Gore ra tranh cử với tư cách là một người theo trung thành với quan điểm tự do, tập trung chủ yếu vào bảo vệ môi trường và đem lại nhiều hỗ trợ hơn cho những tầng lớp dân chúng ít được ưu ái trong xã hội Mỹ. Có vẻ như ông chọn cho mình một lập trường chính trị nghiêng về cánh hữu hơn so với Clinton.

George W. Bush (Bush con) là ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng Hòa và cũng là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2000

Bush thì lại chọn cho mình quan điểm chính trị gần với lập trường của Ronald Reagan hơn là với quan điểm của cha mình. Ông thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến giáo dục và tự gọi mình là một người bảo thủ nhiệt thành. Đức tin của ông đối với đạo Thiên Chúa – mà ông đã tuyên bố rằng đức tin này đã làm thay đổi cuộc sống của ông sau một thời trai trẻ nhiều sai lầm – đã trở thành một ưu thế đặc biệt quan trọng. Đức tin này khiến ông ủng hộ các giá trị văn hóa truyền thống, trái ngược hẳn lại với quan điểm kỹ thương hiện đại của Gore. Ralph Nader, với tư tưởng nghiêng về cánh hữu hơn so với Gore, cũng tham gia tranh cử với tư cách là đại diện của Đảng Xanh. Còn Patrick Buchanan – một người thuộc phái Cộng hòa bảo thủ – cũng tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên tự do.

Vòng bỏ phiếu cuối cùng gần như chỉ phụ thuộc vào các khu vực đại cử tri. Nòng cốt là bang Florida nơi mà các ứng cử viên chỉ chênh nhau rất ít phiếu bầu và hàng nghìn lá phiếu bị đặt vấn đề nghi vấn. Sau hàng loạt các cuộc kiểm tra của Tòa án bang và Tòa án Liên bang, cũng như sau khi xem xét các điều luật liên quan, Tòa án Tối cao đã ra quyết định rằng phần thắng thuộc về Bush. Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát ở cả hai Viện trong Quốc hội với số phiếu chênh lệch rất ít.

Tổng số phiếu cuối cùng đã phản ánh kết quả rất sít sao của cuộc bầu cử: Bush đã thắng cử với 271 phiếu bầu của đại cử tri, trong khi Gore đạt 266 phiếu. Nhưng Gore lại dẫn đầu trong tổng số phiếu bầu phổ thông với 48,4% trong khi Bush đạt 47,9%, Nader đạt 2,7% và Buchanan đạt 4%. Gore được các bang vùng Đông Bắc và bờ Tây ủng hộ – các vùng này được tô màu xanh trên các bản đồ truyền thông. Ông cũng được tín nhiệm ở các bang công nghiệp chủ chốt vùng Trung Tây. Bush chiếm ưu thế ở các bang miền Nam, các bang còn lại vùng Trung Tây và các bang miền núi – khu vực ủng hộ ông được tô màu đỏ. Các bình luận viên trên khắp nước Mỹ đều hồi hộp theo dõi sự cách biệt giữa vùng màu đỏ và màu xanh trên bản đồ nước Mỹ – một sự phân chia có nguồn gốc sâu xa từ sự khác biệt về văn hóa và xã hội hơn là về kinh tế, và do đó càng mang tính chất tình cảm. George Bush đã nhậm chức tổng thống trong một không khí bè phái cay đắng.

Ban đầu, Bush dự tính sẽ tập trung chủ yếu vào chính sách đối nội. Ông muốn cải cách giáo dục. Trong cuộc vận động tranh cử của mình, ông đã tuyên bố về việc cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội. Ông cũng muốn đi theo chương trình cắt giảm thuế của Reagan.

Tổng thống nhanh chóng nhận thấy rằng ông cần phải đối phó với một nền kinh tế đang bắt đầu đi xuống sau khi đã đạt mức tăng trưởng cao trong những năm cuối của thập niên 90. Điều này đã khiến chương trình cắt giảm thuế của ông được thông qua vào tháng 5/2001. Cuối năm đó, ông cũng đã được Quốc hội thông qua Luật Không có trẻ em nào bị tụt hậu, có nội dung yêu cầu các trường công lập phải tổ chức kiểm tra hàng năm khả năng cơ bản của học sinh về đọc và làm toán. Luật này cũng quy định các biện pháp phạt đối với những trường học không đạt tiêu chuẩn về giáo dục. Những khoản thâm hụt được dự đoán trong quỹ tín thác bảo hiểm xã hội vẫn chưa được giải quyết.

Nhiệm kỳ tổng thống của Bush đã có một sự xáo động lớn lao vào ngày 11/9/2001, khi nước Mỹ bàng hoàng trước một cuộc tấn công khốc liệt nhất từ bên ngoài vào lãnh thổ nước Mỹ. Buổi sáng hôm đó, những tên khủng bố Trung Đông đã đồng loạt bắt cóc bốn máy bay dân sự của Mỹ và sử dụng hai chiếc máy bay trong số đó làm phương tiện liều chết phá hủy tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới. Chiếc thứ ba đâm vào Lầu Năm góc – trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ nằm ngay tại ngoại ô thủ đô Washington. Chiếc máy bay thứ tư, có thể là để đâm vào nhà Quốc hội Mỹ nhưng đã đâm xuống vùng ngoại ô Pennsylvania do các hành khách trên máy bay đã đánh trả lại bọn không tặc.

Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã làm chao đảo nước Mỹ.

Đa số người thiệt mạng là các công dân đang làm việc tại Trung tâm Thương mại, ước tính khoảng gần 3.000 người, nhiều hơn số thương vong mà Nhật Bản đã gây ra cho nước Mỹ trong trận chiến Trân Châu Cảng năm 1941. Tổn thất về kinh tế cũng rất nặng nề. Trung tâm thương mại bị phá hủy kéo theo một vài tòa nhà bên cạnh cũng bị đổ sụp và các thị trường chứng khoán thì ngừng hoạt động trong nhiều ngày. Hậu quả là cuộc suy thoái kinh tế vốn đã xuất hiện nay lại bị kéo dài lâu hơn nữa.

Ngay sau khi nước Mỹ vừa bước ra khỏi tấn thảm kịch ngày 11/9, một người hoặc một nhóm người nặc danh đã gửi đi các bức thư chứa đầy vi khuẩn bệnh than. Một số bức thư được gửi đến các thành viên trong Quốc hội và các viên chức chính phủ, các bức thư khác thì được gửi đến dân thường. Không có quan chức nào bị nhiễm bệnh, nhưng đã có năm nạn nhân bị chết và một số người khác bị ốm nặng. Vụ gửi thư này đã gây ra một làn sóng hỗn loạn trên toàn nước Mỹ, sau đó, nó đột ngột ngừng lại như đã đột ngột xảy ra, và đến giờ vẫn là một điều bí hiểm.

Sự kiện này đã buộc Quốc hội phải thông qua Đạo luật Yêu nước ngày 26/10/2001. Đạo luật này được đưa ra nhằm chống lại nạn khủng bố nội địa và trao cho Chính quyền Liên bang quyền được truy bắt, bắt giữ và bỏ tù những tên khủng bố. Các nhân vật thuộc phái chống đối thì cho rằng đạo luật này đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người theo Hiến pháp. Những người ủng hộ thì đáp lại rằng đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và nó cần phải có các biện pháp để tự vệ.

Sau một thời gian do dự, Chính quyền Bush đã quyết định ủng hộ việc thành lập một Bộ An ninh Nội địa mới có quy mô khổng lồ. Được phép thành lập vào tháng 11/2002, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động chống lại các cuộc tấn công khủng bố trên nước Mỹ, Bộ An ninh Nội địa mới này là tổ chức hợp nhất của 22 cơ quan Liên bang.

Ở nước ngoài, chính quyền đã lập tức trả đũa lại thủ phạm gây ra các cuộc tấn công ngày 11/9. Cho rằng cuộc tấn công này là do tổ chức al -Qaida tiến hành, nước Mỹ đã mở một cuộc tấn công quân sự ồ ạt chống lại Osama bin Laden và chính phủ Hồi giáo ở Afganistan. Nước Mỹ đã hợp tác với Liên bang Nga, thiết lập quan hệ với các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có chung biên giới với Afganistan, và trên hết, nối lại liên minh vốn bị sao lãng từ lâu với Pakistan, là quốc gia đã ủng hộ Mỹ về mặt chính trị và cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ không quân ở đây.

Nhờ sử dụng các lực lượng quân sự đặc biệt và các hoạt động bán quân sự của Cơ quan Tình báo Trung ương, chính quyền Mỹ đã liên kết với quân nổi dậy Afganistan vốn từ lâu không còn đóng vai trò quan trọng. Được hậu thuẫn hiệu quả bằng không quân, Liên quân đã lật đổ chính phủ Afganistan trong vòng hai tháng. Bin Laden, những kẻ cầm đầu quân Taliban và nhiều binh lính khác của chúng đã trốn thoát ra vùng ngoại ô – là khu vực bán tự trị nằm phía Đông Bắc Pakistan. Từ đây, chúng đã tập hợp lại với nhau và tìm cách tấn công Chính phủ Afganistan mới còn đang non yếu.

Trong thời gian đó, Chính quyền Bush đã xác minh được nguồn gốc những kẻ thù khủng bố khác. Trong bản Thông điệp Liên bang năm 2002, Tổng thống đã nêu ra một trục tam giác có khả năng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia: đó là Irắc, Iran và Bắc Triều Tiên. Trong ba quốc gia này, theo nhận định của Tổng thống và của các cố vấn thì Irắc có vẻ như là mối đe dọa sát sườn nhất. Saddam Hussein đã thành công trong việc trục xuất các thanh tra vũ khí của Liên Hợp Quốc. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Irắc đã được gỡ bỏ và mặc dù chính quyền nước này có vẻ như không dính líu gì đến vụ tấn công ngày 11/9 nhưng Irắc hình như vẫn có các mối liên hệ với al Qaida – Hoa Kỳ tin rằng không chỉ trên đất Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới, Irắc vẫn đang tàng trữ những vũ khí hóa học và sinh học, đồng thời vẫn đang tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân. Vậy tại sao lại không tiếp tục gửi đến đây các đoàn thanh tra và tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt?

Trong năm đó, Chính quyền Bush đã gây sức ép để Liên Hợp Quốc ra nghị quyết yêu cầu thanh tra vũ khí hàng loạt và các thanh tra viên được quyền ra vào tự do tất cả các địa điểm trên lãnh thổ Irắc. Tháng 10/2002, Bush đã được Quốc hội cho phép sử dụng quân đội – với số phiếu ủng hộ là 296/133 tại Hạ viện và 77/23 tại Thượng viện. Quân đội Mỹ bắt đầu gửi người và phương tiện đến Kuwait.

Tháng 11/2002, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết số 1441 yêu cầu Irắc cho phép vô điều kiện các thanh tra của Liên Hợp Quốc tìm kiếm vũ khí bị cấm tại bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Irắc. Năm ngày sau, Irắc tuyên bố đồng ý. Tuy nhiên, các thanh tra phàn nàn rằng chính quyền Irắc đã không giữ lời hứa. Tháng 1/2003, Trưởng đoàn thanh tra Hans Blix đã trình bày bản báo cáo trước Liên Hợp Quốc. Bản báo cáo tuyên bố rằng Irắc không tàng trữ vũ khí phá hủy hàng loạt, nhưng cũng khuyến cáo rằng nhóm thanh tra cần phải nỗ lực kiểm tra nhiều hơn nữa trước khi rút khỏi Irắc.

Bất chấp sự hợp tác không thỏa đáng của Saddam với các thanh tra vũ khí, kế hoạch của Mỹ nhằm lật đổ ông đã gặp phải sự phản đối dữ dội bất ngờ từ các quốc gia châu Âu. Pháp, Nga và Đức và nhiều nước nữa đều phản đối việc sử dụng quân đội, khiến cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể thông qua một Nghị quyết an ninh mới cho phép sử dụng quân đội chống lại Irắc. Ngay cả tại các quốc gia mà chính phủ ủng hộ Mỹ thì dân chúng cũng lên tiếng phản đối rộng rãi kế hoạch này. Anh trở thành đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến sau đó; Australia và đa số các quốc gia mới độc lập ở Đông Âu cũng tham gia hỗ trợ. Chính phủ Tây Ban Nha và Italia cũng gửi quân đội đến tham chiến. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh đáng tin cậy lâu nay của Mỹ, đã từ chối không tham gia liên quân.

Vào ngày 19/3/2003, các toán quân Anh – Mỹ, được các toán quân đến từ một số quốc gia khác hậu thuẫn, đã bắt đầu xâm lược Irắc từ phía Nam. Các toán không kích nhỏ ở miền Bắc phối hợp với quân đội của người Kurd. Trên cả 2 mặt trận, quân đội Irắc đều chống trả rất quyết liệt nhưng đều nhanh chóng bị đánh bại. Thủ đô Bát- đa đã thất thủ ngày 9/4. Ngày 14/4, các quan chức Lầu Năm góc tuyên bố chiến dịch quân sự đã kết thúc.

Xâm chiếm Irắc là một công việc dễ dàng hơn nhiều so với việc quản lý đất nước này. Ngay ngày đầu tiên sau khi chiến dịch quân sự kết thúc, trên toàn lãnh thổ Irắc xảy ra các vụ cướp bóc. Các cuộc tấn công du kích vào liên quân diễn ra liên tiếp và sau đó, trở thành một hoạt động có tổ chức, mặc dù Saddam Hussein đã bị bắt giữ và hai con trai cùng người kế nhiệm của ông đã bị giết. Trong thời gian này, nhiều bè phái khác nhau trên đất nước Irắc đã quay sang gây chiến tranh chống đối lẫn nhau.

Các đội thanh tra vũ khí mới cũng không thể tìm ra được các kho vũ khí hóa học và sinh học. Mặc dù điều này được lý giải theo cách nào đi chăng nữa thì người Mỹ vẫn cứ cho rằng có nhiều khả năng vũ khí đã được chuyển tới một quốc gia khác.

Sau khi Bát-đa thất thủ, Anh và Mỹ, với sự hợp tác chặt chẽ hơn của Liên Hợp Quốc, đã tiến lên thành lập một chính phủ lâm thời nhằm bảo đảm một chính thể mới trên toàn Irắc. Nỗ lực này diễn ra giữa tình trạng bạo lực ngày càng tăng, nhưng vụ bạo lực không chỉ nhằm vào các toán quân đồng minh mà còn vào những người Irắc có bất cứ quan hệ nào với chính phủ mới. Đa số các vụ tấn công này là do những người trung thành với Saddam gây ra, còn lại là do các phần tử Hồi giáo. Không rõ là một quốc gia mới liệu có thể được thành lập trong cảnh hỗn loạn này hay không, nhưng chắc chắn rằng nước Mỹ không thể áp đặt một chính phủ mới nếu chính người dân Irắc không mong muốn điều đó.