Nước Mỹ bước sang thế kỷ 21/6

Tủ sách mở Wikibooks

Quan hệ ngoại giao của Mỹ trong hai nhiệm kỳ tổng thống của Bill Clinton

Bill Clinton không dự định trở thành một vị Tổng thống chú trọng nhiều đến chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, giống như người tiền nhiệm Bush, ông đã nhanh chóng nhận ra rằng mọi khủng hoảng quốc tế dường như đều xuất phát từ Washington.

Ông đã phải giải quyết những hậu quả rắc rối do Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 để lại. Thất bại trong việc lật đổ Saddam Hussein, Mỹ với sự hậu thuẫn của Anh, đã cố gắng kiềm chế ông. Chế độ trừng phạt kinh tế do Liên Hợp Quốc quản lý nhằm cho phép Irắc bán dầu mỏ đủ để chi cho các nhu cầu nhân đạo đã tỏ ra không mấy hiệu quả. Saddam đã chiếm dụng phần lớn tiền bán dầu mỏ cho lợi ích riêng của mình khiến nhiều người dân Irắc lâm vào cảnh bần cùng. Các vùng cấm bay quân sự, được thiết lập để ngăn không cho chính phủ Irắc triển khai lực lượng không quân chống lại quân nổi dậy Kurds ở phía Bắc và người Shiites ở phía Nam, đòi hỏi không quân của Anh-Mỹ phải tuần tiễu trên không, và những đợt tuần tiễu này thường phải ngăn cản các tên lửa tấn công máy bay.

Hoa Kỳ cũng cung cấp những phương tiện chủ yếu cho các đội thanh tra của Liên Hợp Quốc đến Irắc tìm hiểu về các kho vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ của các thanh tra này là phát hiện các chương trình nguyên tử, hóa học và sinh học của Irắc, xác minh sức tàn phá của các đầu đạn tên lửa hủy diệt hàng loạt và chấm dứt các kế hoạch sản xuất những vũ khí này. Càng ngày càng bị phía Irắc cản trở, cuối cùng, các thanh tra của Liên Hợp Quốc đã bị Irắc trục xuất năm 1998. Để trả đũa cho việc này và những lần khiêu khích trước đó, Mỹ đã sử dụng tên lửa hạn chế. Ngoại trưởng Mỹ Madeline Albright đã tuyên bố “Saddam vẫn còn đang trốn trong cái hộp của ông ta”.

Cuộc tranh cãi dường như bất tận giữa Israel và Palestin cũng đã là một nguyên cớ khiến Chính phủ Mỹ can thiệp, cho dù cả Tổng thống Clinton lẫn cựu Tổng thống Bush đã có nhiều việc với Hiệp định Oslo năm 1993 cho phép Palestin có quyền cai quản những người Palestine trong phạm vi Bờ Tây và dải Gaza đồng thời buộc Palestin công nhận quyền tồn tại của Israel.

Tuy nhiên, giống như với nhiều thỏa thuận trên nguyên tắc trước đây về Trung Đông, Hiệp định Oslo cuối cùng đã thất bại khi các bên bắt đầu đi vào đàm phán những nội dung chi tiết. Vị lãnh tụ Palestin Yasser Arafat đã bác bỏ các đề nghị cuối cùng do nhà lãnh đạo Israel, Ehud Barak, đưa ra vào năm 2000 và tháng 1/2001. Hàng loạt các cuộc nổi loạn của người Palestin, chủ yếu là các cuộc nổ bom liều chết, đã nổ ra. Barak mất chức và được thay thế bởi một nhân vật có lập trường cứng rắn hơn nhiều, Ariel Sharon. Sự gắn bó chặt chẽ của Mỹ đối với Israel được coi là một vấn đề lớn cần giải quyết cùng với các vấn đề khác trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ đã có thể làm được nhiều hơn là ngồi hy vọng hạn chế bạo lực. Sau khi Arafat qua đời vào cuối năm 2004, nhà lãnh đạo mới của Palestin tỏ ra sẵn sàng chấp nhận đàm phán hòa bình hơn, và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ lại tăng cường nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Tổng thống Clinton cũng trở nên đặc biệt quan tâm đến các rắc rối ở Bắc Ai-len. Một bên là Quân đội Cộng hòa Ai-len hiếu chiến, được các tổ chức Công giáo Ai-len hậu thuẫn, những người mong muốn sáp nhập các vùng đất thuộc Anh này vào Cộng hòa Ai-len. Bên kia là phái Liên minh, với sức mạnh quân sự và tính hiếu chiến tương đương, được hậu thuẫn bởi phần lớn dân cư gốc Ai-len-Scốt theo đạo Tin Lành, những người mong muốn đất nước của họ tiếp tục thuộc Vương quốc Anh.

Clinton đã dành cho những kẻ ly khai một sự công nhận nhiều hơn so với bất kỳ sự công nhận nào mà họ đã từng nhận được từ nước Mỹ. Nhưng đồng thời, ông cũng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Anh của Thủ tướng John Major và Thủ tướng Tonny Blair. Kết quả cuối cùng là Hiệp ước hòa bình Ngày Thứ sáu tươi đẹp đã được ký kết năm 1998, bước đầu xây dựng nên tiến trình chính trị nhưng cũng để lại nhiều vấn đề chi tiết cần phải tiếp tục giải quyết. Trong vài năm tiếp theo, trật tự mà Mỹ mong muốn đã được duy trì tốt hơn ở Bắc Ai-len so với ở Trung Đông, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đổ vỡ. Các nhà đàm phán vẫn chưa đạt được hiệp định cuối cùng.

Sự tan rã sau Chiến tranh Lạnh của Nam Tư (Yugoslavia) – một đất nước bị phân chia về tôn giáo và sắc tộc thành các quốc gia của người Serbia, người Sloven, người Croat, người Bosnia Hồi giáo và người Kosovo gốc Anbani – cũng tạo sự tham gia của Hoa Kỳ sau khi các chính phủ ở châu Âu thất bại trong việc tham gia thiết lập trật tự ở đây. Chính quyền Bush đã từ chối không can thiệp vào các vụ bạo lực ban đầu; nhưng cuối cùng, Chính quyền Clinton đã tham gia giải quyết xung đột. Năm 1995, nước Mỹ đã đàm phán xong Hiệp định ở Dayton, bang Ohio, nhằm thiết lập một bầu không khí mới ở Bosnia. Năm 1999, đứng trước các cuộc thảm sát của Serbia ở Kosovo, nước Mỹ đã dẫn đầu chiến dịch không kích ném bom của NATO kéo dài ba tháng chống lại Serbia. Cuộc không kích này cuối cùng cũng đã buộc Serbia ngồi vào bàn đàm phán.

Năm 1994, chính quyền Mỹ đã khôi phục lại chức vụ cho Tổng thống Haiti Jean-Bertrand Aristide đang bị trục xuất. Ông đã yên vị trên chiếc ghế tổng thống trong vòng chín năm trước khi lại bị trục xuất một lần nữa. Sự can thiệp này là kết quả của việc Aristide có được sự hậu thuẫn của Mỹ và cũng là vì người Mỹ rất lo ngại về làn sóng người nhập cư bất hợp pháp từ Haiti.

Nói tóm lại, Chính quyền Clinton đã luôn tìm kiếm các giải pháp mạnh để can thiệp vào các vấn đề quốc tế.