Hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam/Rừng tràm

Tủ sách mở Wikibooks


Phân bố[sửa]

Hệ sinh thái này phân bố tập trung ở 7 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hình thành nên ba vùng sau đây:

  • Vùng Đồng Tháp Mười thuộc ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.
  • Vùng Tứ Giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
  • Vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau và Hậu Giang.

Điều kiện sinh thái[sửa]

Cấu trúc rừng[sửa]

Tái sinh và diễn thế rừng[sửa]

Tràm là loài cây ưa sáng mạnh ngay khi giai đoạn còn nhỏ. Vì vậy, tràm tái sinh nhiều ở nơi đất trống, sau khi rừng tràm bị cháy.

Một đặc điểm khác thường của cây tràm tái sinh, kể cả cây mạ tái sinh dưới một tuổi, là bị chìm ngập trong môi trường nước nhiều ngày nhưng vẫn sống và tồn tại lâu dài. Điều này chứng tỏ cây tràm tái sinh vẫn có khả năng quang hợp và hô hấp trong môi trường nước (nước trong, ánh sáng có thể lọt qua được). Đặc tính sinh thái đặc biệt này đã được hình thành trong một quá trình chọn lọc tự nhiên lâu dài. Đây cũng là đặc điểm chung của những loài cây sống trong môi trường ngập nước, nhưng nét độc đáo của loài tràm là sống được trong môi trường nước mặn. Tuy nhiên cũng chỉ nên coi đây là khả năng chống chịu của loài tràm trong môi trường ngập nước vì trong điều kiện đất ẩm, không bị ngập nước quanh năm, tràm vẫn sinh trưởng tốt và sinh trưởng mạnh trong mùa mưa. Tràm sinh trưởng bình thường trên đất phèn ngập nước nông dưới 50 cm và thời gian ngập hàng năm không kéo dài quá 5 - 6 tháng. Trong môi trường ngập nước trên 70 cm và thời gian ngập nước hàng năm kéo dài trên 8 tháng, sinh trưởng của tràm bắt đầu bị ức chế. Sinh trưởng của tràm bị ảnh hưởng rõ rệt trong môi trường ngập nước sâu và ngập quanh năm. Tính chống chịu của tràm cũng có giới hạn.

Hạt tràm có thể nẩy mầm ngay trong môi trường ngập nước, yếm khí. Sự thành công của phương pháp gieo thẳng hạt (xạ hạt) trong điều kiện môi trường nước trong trên đất phèn mạnh là dẫn chứng tốt cho khả năng nẩy mầm của hạt tràm. Tuy nhiên, khả năng này cũng có giới hạn vì trong điều kiện môi trường nước đỏ đục thì phương pháp xạ hạt không thành công nà phải trồng rừng bằng cây con.

Độ mặn của môi trường nước cũng có ảnh hưởng rõ rệt đến tỉ lệ nẩy mầm của hạt tràm và tốc độ sinh trưởng của cây con. Theo Ngô Quế (2003), độ mặn dưới 0,7% hạt tràm nẩy mầm bình thường. ở độ mặn 0,7%, tỉ lệ nẩy mầm của hạt tràm bắt đầu giảm. ở độ mặn 1,5%, hạt tràm không có khả năng nẩy mầm. Nếu độ mặn từ 1,5 - 2,0% thì sinh trưởng của tràm bị giảm sút đáng kể. Nếu độ mặn trên 2% thì rừng tràm non dưới 4 tuổi bị chết.

Mức độ phèn hoá cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của tràm. Tràm sinh trưởng thuận lợi trên đất phèn hoạt động yếu và trung bình. Trên đất phèn hoạt động mạnh tràm sinh trưởng kém.

Hàm lượng chất hữu cơ trong đất cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của tràm. Nếu hàm lượng chất hữu cơ trong đất dưới 8% thì tràm sinh trưởng rất tốt. Tràm sinh trưởng tốt nếu hàm lượng chất hữu cơ từ 8 - 15%. Nếu hàm lượng chất hữu cơ trên 15%, dày 40 cm thì sinh trưởng của tràm bị hạn chế. (theo Ngô Quế, 2003)

Nếu ngăn chặn được lửa rừng và phá hoại của con người, khai thác rừng đúng kĩ thuật thì khả năng phục hồi tự nhiên lại rừng tràm là một khả năng thực tế, ít tốn kém.

Tràm cũng có khả năng tái sinh chồi rất mạnh. Mỗi gốc có 2 -3 chồi, sau này có thể nuôi dưỡng cho sản phẩm cừ 5 và cừ 7. Sau khi cháy rừng, tràm tái sinh rất mạnh, mật độ từ 50.000 - 100.000 cây/ha nhưng phân bố không đều.

Ý nghĩa[sửa]

Rừng tràm mang lại lợi ích kinh tế nhiều mặt. Rừng tràm cung cấp gỗ xây dựng, đặc biệt là dùng làm cừ để đóng nền móng vùng đầm lầy, xây đập đắp đê, cung cấp củi, than, than bùn dùng làm phân bón và nhiều lâm sản ngoài gỗ lớn như tinh dầu tràm, mật ong, thú rừng, khỉ, trăn, rắn,... nhiều sân chim với nhiều loài sếu, cò, vạc, diệc, quắm, bồ nông,... và đặc biệt là nguồn tài nguyên hải sản, thuỷ sản vô cùng phong phú. Đây là một mô hình tự nhiên kết hợp hữu cơ giữa lâm - ngư - nông có tính ổn định nếu không bị tác động phá hoại của con người. Tràm là loài cây rừng bảo đảm tốt yêu cầu "sống chung với lũ" ở đồng bằng sông Cửu Long.

Với diện tích hàng trăm ngàn hécta, rừng tràm giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái, phòng hộ nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Rừng tràm là một hệ sinh thái đặc biệt chứa đựng nhiều ý nghĩa khoa học mà cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Đây là một hệ sinh thái tổng hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau và là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa hệ sinh thái biển và hệ sinh thái lục địa cần được bảo tồn lâu dài. Vì vậy, hệ sinh thái này có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài thực vật động vật quý hiếm đang bị đe dọa diệt chủng. Với nhiều sân chim nổi tiếng, nơi đây còn điểm hẹn hấp dẫn cho khách du lịch sinh thái trong và ngoài nước.