Hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam/Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới/Cấu trúc rừng/Cấu trúc tầng thứ

Tủ sách mở Wikibooks

Những hệ sinh thái rừng thuộc kiểu thảm thực vật này có nhiều tầng, cao từ 25-30 m, tán kín rậm bởi những loài cây gỗ lớn lá rộng thường xanh.

Cấu trúc tầng thứ có 5 tầng:

  • Tầng vượt tán A1: hình thành bởi những loài cây gỗ cao đến 40-50 m, phần lớn thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Đậu (Leguminosae)... Phần lớn là loài cây thường xanh nhưng cũng có loài cây rụng lá trong mùa khô rét. Tầng này thường không liên tục, tán cây xoè rộng hình ô, hình tán.
  • Tầng ưu thế sinh thái A2: Đây còn gọi là tầng lập quần bao gồm cây gỗ cao trung bình từ 20 - 30 m, thân thẳng, tán lá tròn và hẹp, tầng tán liên tục, phần lớn là những loài cây thường xanh thuộc các họ Dẻ (Fagaceae), họ Re (Lauraceae), họ Vang (Caesalpiniaceae), họ Trinh nữ (Mimosaceae), họ Cánh bướm (Papilionaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Mộc Lan (Magnoliaceae), họ Trám (Burseraceae)...
  • Tầng dưới tán A3: cao từ 8-15 m, mọc rải rác dưới tán rừng, tán hình nón hoặc hình tháp ngược. Tổ thành loài cây thuộc các họ Bứa (Clusiaceae), họ Du (Ulmaceae), họ Máu Chó (Myristicaceae), họ Na (Annonaceae), họ Mùng quân (Flacourtiaceae)... Ngoài ra còn có cây con, cây nhỡ của các loài cây ở tầng A1 và tầng A2 có khả năng chịu bóng.
  • Tầng cây bụi B: cao từ 2-8 m. Tổ thành loài cây thuộc các họ Cà phê (Rubiaceae), họ Trúc đào (Apocynaceae), họ Cam quýt (Rutaceae), họ Na (Annonaceae), họ Mua (Melastomaceae), họ Nhân sâm (Araliaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)... Ngoài ra còn có những "cây gỗ giả" thuộc họ Dừa (Palmae), họ phụ Tre nứa (Bambusoideae), họ Sẹ (Scitaminaceae)... Trong tầng này còn có những loài quyết thân gỗ, chịu được bóng rợp. Tham gia tầng này còn có những cây con, cây nhỡ của những loài cây gỗ lớn ở tầng A1, A2, A3.
  • Tầng cỏ quyết C: cao không quá 2 m. Tổ thành loài cây thuộc các họ Ô rô (Acanthaceae), họ Gai (Urticaceae), họ Môn ráy (Araceae), họ Gừng (Zingiberaceae), họ Hành tỏi (Liliaceae) và những loài dương xỉ... Tham gia tầng này còn có những cây tái sinh của những loài cây gỗ lớn ở tầng A1, A2, A3.

Ngoài 5 tầng trên, còn có nhiều thực vật ngoại tầng, chúng tham gia vào tất cả các tầng trong hệ sinh thái rừng như dây leo, thực vật phụ sinh, thực vật kí sinh. Thực vật ngoại tầng đa dạng phong phú là một đặc điểm điển hình của rừng mưa nhiệt đới.

Dây leo có thể là thân gỗ hoặc thân cỏ thuộc các họ Đậu (Leguminosae), họ Na (Annonaceae), họ Trúc đào (Apocynaceae), họ Gắm (Gnetaceae)... Ngoài ra còn có những loài dây leo điển hình của rừng nhiệt đới thuộc họ Cọ dừa dài hàng trăm mét thuộc các chi Calamus, Daemonorops đặc hữu của vùng Đông Nam Á.

Thực vật phụ sinh (loài thực vật sống nhờ vào những loài cây khác) gồm những loài cây thuộc họ Phong Lan (Orchidaceae), họ Môn Ráy (Araceae), những loài quyết thuộc các chi Asplenium, Drynaria, Platycerium, đặc biệt là những loài cây sống nhờ cây kí chủ như loài đa (Ficus), chân chim (Schefflera) và một loài Fragraea obovata trong họ Loganiaceae.

Thực vật kí sinh bao gồm những loài cây thuộc chi Loranthus trong họ Tầm Gửi (Loranthaceae), chi Balanophora trong họ Cu Chó (Balanophoraceae) sống bám trên cành lá và rễ cây.