Bước tới nội dung

Hướng dẫn sửa đổi cơ bản Wikipedia/Trang thảo luận

Tủ sách mở Wikibooks
Lời nói đầu Sửa đổi Định dạng Liên kết
trong Wikipedia
 Chú thích
nguồn gốc
 Trang thảo luận Điều cần nhớ Đăng ký
tài khoản
 Tổng kết  
Video hướng dẫn về các trang thảo luận và cách sử dụng chúng, giao diện Wikipedia tiếng Anh

Trang thảo luận là một tính năng quan trọng của Wikipedia, giúp mọi người có khả năng thảo luận về bài viết và các vấn đề với những thành viên Wikipedia khác. Các trang thảo luận không được dùng như một phòng chat, bục diễn thuyết, chiến trường, hay diễn đàn bàn tán về đề tài bài viết.

Nếu bạn có một câu hỏi, một sự quan tâm hay nhận xét liên quan đến mục đích cải thiện bài viết, hãy viết những ghi chú này trong trang thảo luận chứ không phải trong bài viết đó. Bạn làm việc đó bằng cách nhấn tab "Thảo luận" ở đầu trang. Đừng lo lắng nếu liên kết đến trang này có màu đỏ; bạn được tự do tạo ra một trang thảo luận nếu nó chưa tồn tại.

Nếu bạn đang trả lời nhận xét của ai đó, hãy đặt bình luận của bạn bên dưới dòng của họ. Bạn nên tăng lề đúng cách (xem mục dưới). Nếu bạn không đang trả lời ai đó, nhưng muốn đăng thảo luận về một vấn đề mới, hãy nhấn tab "Đề mục mới" (hay đôi khi là dấu "+") ở đầu trang thảo luận để tạo một đề mục mới, sẽ tự động được xếp ở cuối trang.

Bạn phải luôn nhớ ký tên sau khi bình luận bằng cách gõ ~~~~ như mã dùng để hiện tên đăng nhập của bạn. Sau đó, khi bạn nhấn "Xem thử" hay "Lưu trang", chứ ký của bạn sẽ được tự động chèn. Nếu không làm như vậy, bình luận của bạn vẫn sẽ hiện ra nhưng không kèm theo chữ ký, và đó là điều hoàn toàn không nên (xem Wikipedia:Chữ ký để biết thêm công dụng của nó). Để cho thuận tiện, bạn có thể nhấn vào biểu tượng Chữ ký có ngày trên thanh công cụ sửa đổi, phần mềm sẽ tự động chèn "--~~~~" vào cuối câu bình luận, sau vị trí con trỏ chuột. Nhớ đừng bao giờ ký tên vào trang bài viết, việc này chỉ làm ở các trang thảo luận.

Nếu bạn chưa mở một tài khoản, hay nếu bạn có tài khoản rồi nhưng chưa đăng nhập, địa chỉ IP trong máy vi tính của bạn sẽ hiện ra thay vì một tên đăng nhập, khi bạn gõ ~~~~ và lưu sửa đổi. Và trong những trường hợp như vậy, dù có hay không việc ký tên sau bình luận, địa chỉ IP của bạn sẽ được ghi nhận vĩnh viễn (trong lịch sử trang) là đã tham gia sửa đổi trang đó. Nếu không muốn địa chỉ IP của bạn bị lưu giữ trong Wikipedia và mọi người đều có thể nhìn thấy nó, bạn hãy dùng một tên đăng nhập bằng cách tạo một tài khoản miễn phí.

Trang thảo luận người dùng

Mỗi biên tập viên đều có một trang thảo luận riêng để những cộng tác viên khác có thể gửi tin nhắn cho họ. Ngay cả những người dùng chưa đăng ký cũng có trang này. Nếu có ai đó nhắn tin cho bạn, bạn sẽ thấy xuất hiện một lưu ý màu cam trên đầu mỗi trang Wikipedia mà bạn truy cập (chỉ khi đã đăng nhập) với thông điệp "Bạn có tin nhắn mới", kèm theo liên kết đến trang thảo luận của bạn.

Bạn có thể trả lời bằng một trong hai cách. Cách thứ nhất là nhắn tin vào trang thảo luận của người vừa gửi tin nhắn cho bạn. Cách thứ hai là trả lời trực tiếp trong trang thảo luận của bạn, bên dưới tin nhắn của người đó. Hai cách này đều rất phổ biến trong Wikipedia; tuy nhiên, cần lưu tâm rằng việc trả lời tin nhắn trong trang thảo luận của bạn sẽ dẫn đến nguy cơ là người đó không hề biết về câu trả lời này, nếu như họ không quay lại xem trang thảo luận của bạn lần nữa. Nếu bạn vẫn giữ ý định trả lời theo cách thứ hai này, tốt nhất là viết một dòng thông báo dạng như "Tôi sẽ trả lời mọi tin nhắn tại đây" ở trên cùng trang thảo luận của bạn và làm cho nó nổi bật lên bằng cách in đậm hay in hoa toàn bộ, như vậy họ sẽ biết là cần theo dõi trang thảo luận của bạn để đợi câu trả lời, thay vì trông chờ bạn trả lời trong trang thảo luận của họ.

Tăng lề

Việc tăng lề (hay thụt lề) sẽ cải thiện đáng kể bố cục của một trang thảo luận, giúp nó trở nên dễ đọc hơn. Phương pháp đúng theo tiêu chuẩn là tăng lề câu trả lời của bạn sâu hơn câu trước đó của người mà bạn đang trả lời.

Có nhiều cách tăng lề trong Wikipedia:

Tăng lề thông thường

Cách đơn giản nhất để tăng lề là đặt dấu hai chấm (:) ở đầu dòng. Càng nhiều dấu hai chấm thì câu trả lời của bạn tăng càng sâu. Để tạo một dòng mới, hãy nhấn Enter hay Return ở cuối dòng vừa tăng lề.

Ví dụ:

Đây là dòng đầu tiên, dòng này không tăng lề.
: Dòng này trả lời cho dòng đầu tiên, tăng một lề.
:: Dòng này trả lời cho dòng thứ hai, tăng hai lề.

sẽ hiện ra thế này:

Đây là dòng đầu tiên, dòng này không tăng lề.
Dòng này trả lời cho dòng đầu tiên, tăng một lề.
Dòng này trả lời cho dòng thứ hai, tăng hai lề.

Bạn cũng có thể nhấn vào biểu tượng Tăng lề trên thanh công cụ sửa đổi (trước tiên nhấn "Nâng cao" để hiện), phần mềm sẽ tự động chèn dấu hai chấm này giúp bạn.

Danh sách dấu chấm đầu dòng

Bạn cũng có thể tăng lề bằng cách dùng dấu chấm đầu dòng, thường dùng khi tạo một danh sách. Để chèn dấu chấm đầu dòng (khi bạn đã lưu sửa đổi), hãy gõ dấu hoa thị (*) ở đầu dòng. Như tăng lề thông thường, càng nhiều dấu hoa thị đầu dòng thì dòng đó tăng lề càng sâu.

Ví dụ:

* Mục đầu trong danh sách
* Mục hai trong danh sách
** Mục con của mục hai trong danh sách
* Mục ba trong danh sách

sẽ hiện ra thế này:

  • Mục đầu trong danh sách
  • Mục hai trong danh sách
    • Mục con của mục hai trong danh sách
  • Mục ba trong danh sách

Bạn cũng có thể nhấn vào biểu tượng Danh sách không đánh số trên thanh công cụ sửa đổi (trước tiên nhấn "Nâng cao" để hiện), phần mềm sẽ tự động chèn dấu hoa thị này giúp bạn.

Danh sách đánh số

Bạn cũng có thể tạo một danh sách đánh số. Để làm điều này, hãy gõ dấu thăng (#) ở đầu dòng. Cách làm này thường chỉ dùng trong các cuộc thăm dò hay đếm phiếu, và nhìn chung là khá thường gặp ở Wikipedia tiếng Việt. Một lần nữa, dòng của bạn sẽ tăng lề sâu đến đâu phụ thuộc vào số lượng dấu # mà bạn gõ.

Ví dụ:

# Mục số một
# Mục số hai
## Mục con của mục số hai
# Mục số ba

sẽ hiện ra thế này:

  1. Mục số một
  2. Mục số hai
    1. Mục con của mục số hai
  3. Mục số ba

Bạn cũng có thể nhấn vào biểu tượng Danh sách đánh số trên thanh công cụ sửa đổi (trước tiên nhấn "Nâng cao" để hiện), phần mềm sẽ tự động chèn dấu thăng này giúp bạn.

Ví dụ một cuộc thảo luận

Dưới đây là ví dụ về một cuộc thảo luận cũng như các định dạng thảo luận, vấn đề đang bàn ở đây không có thật:

Xin chào mọi người. Tôi có nghi vấn về bài viết này. Tôi biết chắc rằng voi màu tím chỉ sống ở New York! JayRandumWikiUser 09:51, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)

Vâng, tôi đã ở New York trong thời gian qua, những con voi tôi trông thấy đều có màu xanh cả mà. — try2BEEhelpful 09:18, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)
Tôi nghĩ bạn cần tìm một nguồn dẫn cho ý kiến này của bạn. Living × Skepticism 09:25, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)
OK, các tạp chí chuyên về voi này viết đúng như tôi nói đấy:
  • Elephants Monthly
  • Elephants World
try2BEEhelpful 09:50, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)
Ồ, những quyển tạp chí này không đáng tin cậy. Theo tờ New York City Animal Control, không có con voi nào, dù màu tím hay màu khác, sống ở New York bên ngoài sở thú. IloveNYC&elephants 09:58, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)
Tôi sống ở Úc, những con voi ở đây y hệt chuột túi! Những thành viên này đều đồng ý với tôi: -DontGdayMateMe 10:15, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)
  1. ElefantLuvr 01:26, ngày 12 tháng 1 năm 2012 (UTC)
  2. AisleVoteOnAnything 05:41, ngày 15 tháng 2 năm 2012 (UTC)
  3. alittlebehindthetimes 18:39, ngày 25 tháng 4 năm 2012 (UTC)
Tôi nghĩ rằng bạn cần phải dẫn nguồn cho thông tin này. Hãy nhớ chúng phải đáng tin cậy. IloveNYC&elephants 10:24, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)

Kết thúc ví dụ về một cuộc thảo luận.


Lưu ý rằng nếu bạn muốn bao gồm một danh sách trong bình luận của mình, cần thêm dấu hai chấm trước mỗi dấu chấm, ví dụ:

::: OK, các tạp chí chuyên về voi này viết đúng như tôi nói đấy:
::: * ''Elephants Monthly''
::: * ''Elephants World''
::: ~~~~

Xin nhắc lại lần nữa, bạn nhớ ký tên cuối bình luận bằng cách:

  • Gõ ~~~~ để hiện tên đăng nhập và ngày tháng (try2BEEhelpful 09:18, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC))

Bạn cũng có thể chỉ ký tên không kèm ngày, hay chỉ ký ngày không kèm têm, nhưng thông thường thì không nên làm vậy. Cách ký như sau:

  • Viết ~~~ để hiện tên đăng nhập (try2BEEhelpful), hay
  • Viết ~~~~~ để chỉ hiện ngày (09:18, ngày 19 tháng 6 năm 2012 (UTC)). Chỉ dùng trong các thành viên vô danh để tránh lộ địa chỉ IP của bạn.

Trong các cuộc bỏ phiếu, chỉ cần ký tên là đủ, không cần kèm theo ngày tháng.

Thực hành

Thực hành đi nào, còn chờ gì nữa! Lần này, thay vì sửa chỗ thử, hãy viết một vấn đề trong trang thảo luận của chỗ thử bằng cách nhấn tab "Thảo luận". Nhớ ký tên đấy nhé. Bạn cũng có thể gửi tin nhắn cho thành viên khác mà bạn quen thử xem. Hãy nhớ: luôn dùng nút "Xem thử" để kiểm tra định dạng thảo luận của bạn đã hiện ra theo ý muốn chưa trước khi lưu trang.

Nên nhớ bạn phải đăng nhập mới có thể thực hành, và tài khoản của bạn đã tồn tại được 4 ngày.

Thực hành thảo luận ở thảo luận chỗ thử

Các trang dự án khác

Ngoài các trang thảo luận, có một số trang hậu trường khác giúp những thành viên Wikipedia giao tiếp với nhau, và phục vụ nhiều vai trò khác nhau để xây dựng Wikipedia. Những khu vực khác nhau này thường gọi là không gian tên — tức là ở đây chúng ta đang nói về "không gian tên Trang thảo luận".

Các trang thuộc không gian tên Wikipedia (thường gọi là "không gian tên dự án") cung cấp thông tin về Wikipedia và cách sử dụng dự án này. Sách hướng dẫn mà bạn đang đọc cũng thuộc không gian tên Wikipedia, tất nhiên rồi.

Nội dung được viết trong các trang Bản mẫu sẽ hiện ra ở tất cả những bài viết có sử dụng bản mẫu tương ứng. Ví dụ: nội dung trong Bản mẫu:Khóa sẽ xuất hiện trong bất kỳ bài viết nào có gắn thẻ {{khóa}}. Xem Trợ giúp:Bản mẫu để biết thêm thông tin. Bạn có thể sử dụng bản mẫu trong các bài viết, bạn cũng có thể tạo ra một bản mẫu mới. Tuy nhiên những việc này đòi hỏi bạn đã làm quen với các mã wiki, vậy nên tạm thời đừng quan tâm đến.

Toàn bộ các trang dự án đều có những trang thảo luận riêng.

Tiếp tục đọc sách hướng dẫn: Những điều cần ghi nhớ