Hướng dẫn nuôi bò/Bệnh ở bò sữa

Tủ sách mở Wikibooks

Viêm vú trên bò sữa là bệnh thường gặp nhất trong chăn nuôi bò sữa. Bệnh thường gây hại trên bò trong giai đoạn khai thác sữa, làm giảm năng suất, sức sinh sản, thậm chí có trường hợp gây chết bò nếu không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân[sửa]

Có 3 nguyên nhân chính:

Thể trạng của bò
  • Hình dáng bầu vú: Nếu bầu vú chảy xệ xuống quá thấp sẽ dễ chạm sàn, dễ bị viêm.
  • Tuổi: Bò già thường dễ bị viêm vú do:
    • Cơ chế đóng của rãnh núm vú không hoạt động tốt.
    • Khả năng hồi phục sau bệnh ngày càng kém đi.
  • Pha tiết sữa: Thời kỳ nguy hiểm nhất cùa việc tiết sữa:
    • Đầu và cuối kỳ tiết sữa.
    • Tuần đầu của giai đoạn cạn sữa.
  • Thức ăn: chất lượng và số lượng thức ăn không đủ bò sẽ gầy yếu dễ bệnh: viêm vú, bệnh về trao đổi chất.
  • Tổn thương hoặc trầy da bầu vú, núm vú.
Môi trường bẩn
  • Bò và chuồng bò bẩn, ẩm thấp, vi sinh vật dễ sinh sôi phát triển.
  • Nông dân/dụng cụ vắt sữa/công nhân: móng tay dài, quần áo bẩn…
Các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, men...
  • Viêm khớp ngón có mủ;
  • Viêm khớp gối có abscess mủ;
  • Abscess u ngồi có mủ do bò quá ốm, cạ nền chuồng bị trầy khi đứng dậy.

Gồm: Streptococcus sp., Staphylococcus sp, Coliform, E. coli, Pseudomonas sp… gây viêm vú do khi bò viêm nhiễm cơ quan sinh sản và viêm nhiễm bộ máy tiêu hóa (tiêu chảy), phân và niêm dịch bẩn chảy ra từ âm hộ có thể gây nhiễm trùng bầu vú; hoặc do viêm móng, bệnh ngoài da bầu vú...

Triệu chứng[sửa]

Viêm vú lâm sàng và viêm vú cận lâm sàng (viêm vú tiềm ẩn, mãn tính).

Viêm vú lâm sàng (thể cấp): Có thể nhận thấy dấu hiệu bệnh qua khám lâm sàng.

  • Tình trạng chung: Bỏ ăn.
  • Triệu chứng viêm ở bầu vú: Bầu vú sưng, bò hơi sốt, bầu vú tấy đỏ, đau khi chạm vào và chức năng hoạt động của bầu vú thay đổi.
  • Sữa thay đổi:
    • Sữa bất thường, lỏng hoặc trông như đã được pha loãng.
    • Vón cục nhỏ li ti.
    • Màu sữa sẽ chuyển sang màu vàng, nâu sô-cô-la, màu xanh hoặc màu hơi đỏ.

Viêm vú cận lâm sàng (mãn tính): Viêm vú cận lâm sàng cũng gây viêm bầu vú nhưng nó không có biểu hiện lâm sàng ở bầu vú và sữa.

  • Tình trạng chung: bò vẫn khỏe mạnh, ăn uống và nhiệt độ cơ thể bình thường.
  • Triệu chứng viêm ở bầu vú: thấy bầu vú bình thường hoặc gần như bình thường hoặc hơi nhỏ hơn bình thường, sờ hơi cứng, núm vú nhỏ hơn bình thường.
  • Sữa thay đổi: Sữa không bị vón cục và không bị đổi màu. Tuy nhiên khi kiểm tra chúng ta có thể nhận biết qua:
    • Tổng các tế bào viêm tăng lên.
    • Phát hiện được các vi khuẩn gây bệnh.
    • Chất lượng sữa thấp hơn (hình thành các hạt nhỏ hoặc cục vón).

Điều trị[sửa]

Thực hiện theo các bước sau tùy mức độ nặng hay nhẹ:

Vắt sạch sữa: Sữa của bò bị viêm vú cần phải được vắt sạch để loại bỏ các chất độc, cặn bã của tế bào và các chất chuyển hóa của vi trùng trong bầu vú của bò. Với những trường hợp nặng nên vắt sữa 5 - 6 lần/ngày. Sau khi vắt sữa nhúng đầu núm vú vào dung dịch Vime-Iodine (10 ml pha 2 lít nước).

Bơm thuốc vào vú: Sau khi vắt sữa buổi chiều, cần bơm thuốc (kháng sinh) điều trị viêm vú vào bầu vú bò. Cần xét nghiệm loài vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn loại kháng sinh nào cho phù hợp.

  • huốc bơm vú: Có thể sử dụng Ceptifi for LC,... bơm vào vú, mỗi vú 1 ống.
  • Cách bơm: Sau khi bơm thuốc vào vú, rút ống tiêm ra, nắm chặt đầu núm vú, nhẹ nhàng vừa xoa vừa đẩy thuốc về phía trên bầu vú cho thuốc ngấm vào các nang sữa. Để yên như thế đến cữ vắt sau, tiếp tục làm như trên, liên tục khoảng 3 ngày (trung bình 6 cữ vắt). Sữa sẽ được để riêng, không nên trộn chung với các sữa khác vì sẽ có dư lượng kháng sinh.

Điều trị toàn thân: Trường hợp đã áp dụng quy trình điều trị mà bò vẫn bị viêm tiềm ẩn hoặc viêm lâm sàng nặng thì phải dùng biện pháp tổng hợp toàn thân. Cần chú ý:

  • Bò mẹ đang ở giai đoạn nào, có thai hay chưa cần cân nhắc các thuốc có thể ảnh hưởng đến thai, các kháng viêm corticoid.
  • Nên dùng biện pháp tổng hợp: vừa tăng cữ vắt, vừa bơm vú, vừa tiêm thuốc toàn thân.
  • Kháng sinh toàn thân: Có thể chọn một trong các loại kháng sinh sau :
    • Penstrep suspension: 1 ml/20 kg thể trọng, 48 giờ/liều, 3 - 5 liều, tiêm bắp (Ngưng sử dụng trước khi lấy sữa 3 ngày).
    • Hoặc Ceptifi: 1 ml/20 - 40 kg thể trọng, ngày/lần, 3 - 5 ngày, tiêm dưới da cổ (Ngưng sử dụng trước khi lấy sữa 0 ngày).
    • Hoặc Amogen: 1 ml/10 kg thể trọng, ngày/lần, 3 - 5 ngày, tiêm bắp (Ngưng sử dụng trước khi lấy sữa 72 giờ).
    • Hoặc Cequin 250: 1 ml/25 kg thể trọng, ngày/lần, 3 - 5 ngày, tiêm bắp (Ngưng sử dụng trước khi lấy sữa 1 ngày).
  • Kháng viêm:
    • Có thể dùng Ketovet: 1 ml/16 - 25 kg thể trọng, ngày 1 lần, 1 - 2 ngày, khi bò sốt, biểu hiện đau.
    • Hoặc Preso: 1 ml/20 kg thể trọng (Thú mang thai không dùng thuốc kháng viêm Preso).
  • Thuốc hỗ trợ:
    • Vime-Canlamin hoặc Canxi-Magne: 50 - 100 ml/bò/ngày, 2 - 3 ngày, dùng tiêm bắp, dưới da hoặc truyềm mạch.
    • Hoặc Vime ATP: khi bò quá suy kiệt: dùng 20 ml/bò.
    • Hoặc Vime-Lyte IV: 250 - 500 ml/bò/ngày, 2 - 3 ngày, truyền mạch.

Thuốc hỗ trợ nên dùng xen kẽ mỗi ngày một loại.

Kiểm tra sau điều trị: Kiểm tra sau trị xong 5 ngày. Nếu lượng tế bào soma và mức CMT vẫn cao, phải thực hiện thêm liệu trình điều trị mới.