Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong văn hóa Việt Nam/Thời Đại Việt

Tủ sách mở Wikibooks

Con hổ là một đối tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam xưa nay cho nên các triều đại phong kiến coi hổ, rồng là những biểu trưng vương quyền, vì vậy hình ảnh hổ xuất hiện phổ biến và trang trọng nơi cung cấm. Từ thời nhà Đinh (968 - 979), hầu hết các vua chúa đều nuôi hổ để giải trí và làm đao phủ trừng phạt phạm nhân. Từ thời nhà Trần (1226 - 1400), những cuộc đấu giữa hổ với voi gọi là hổ quyền được tổ chức rầm rộ, đến thời Nguyễn được nâng lên thành lễ hội và tận năm 1904 mới chấm dứt.

Tranh Bạch Hổ của Hàng Trống

Hình tượng con Hổ cũng xuất hiện liên tục trong thời kỳ phong kiến Việt Nam qua các triều đại kế tiếp nhau. Trong lịch sử, Từ thời nhà Đinh (968-978), sử sách có ghi chép lại việc các vị hoàng đế đều cho nuôi hổ để giải trí và làm đao phủ để trừng phạt các phạm nhân. Đại Việt sử ký toàn thư có chép về sự kiện Vua Đinh Tiên Hoàng muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong chuồng cũi, hạ lệnh rằng: Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn thịt và cũng trong thư tịch cổ này có đoạn viết: Tiên Hoàng Đế ban hành nhiều luật lệ rất khắt khe. Ngài đặt vạc dầu ở trước điện, nuôi hổ trong vườn, dựng cột đồng nung đỏ để trừng trị những kẻ gian ác và phản bội.[1] Thời nhà Lý, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ có đề cập đến Đại La với thế rồng cuộn, hổ ngồi là nơi để dựng nghiệp đế vương muôn đời. Trong lịch sử phong kiến, có kể về Vụ án hoá hổ đây là một kỳ án còn có nhiều uẩn khúc và nhiều lý giải,[2] về sự kiện Lê Văn Thịnh hoá hổ mưu hại vua, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: "Việc nguy rồi!". Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang.

Thời nhà Trần so với thời Nhà Lý thì hình tượng con hổ hiện diện trong thời kỳ Nhà Trần (1226-1400) đậm nét hơn, dùng để phản ánh một xã hội, quốc gia thượng võ với lực lượng quân đội thiện chiến dũng mạnh đã từng lập nên nhiều chiến công hiển hách. Viên tướng Phạm Ngũ Lão đã so sánh quân đội nhà Trần đương thời khí thế như hổ báo qua bài thơ Thuật hoài với câu: Tam Quân tỳ hổ khí thôn ngưu (Ba quân khí thế mạnh như hổ báo nuốt trâu). Trước đó Hổ được nhắc đến trong bài hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo với điển tích Lấy thịt mà nuôi hổ đói chỉ về sự tham lam của quân Nguyên Mông. Đầu tập Lĩnh Nam Chích Quái cũng nói đến tương quan giữa Thần Hổ và Thần Mộc Tinh. Hổ chính thức đi vào nghệ thuật tạo hình sớm nhất vào thời nhà Trần với những tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, hổ chạm ở bệ đá tại chùa Quế Dương (Hà Tây cũ) được lưu truyền đến những con hổ đá thời Lê ở Nam Kinh (Thanh Hoá).

Cũng trong thời kỳ nhà Trần tinh thần thượng võ, chuộng bạo lực được thể hiện qua hành vi của các quý tộc thích đánh nhau để chứng tỏ sức mạnh, địa vị, tục xăm mình ngày càng thịnh hành, việc rèn luyện thao trường, các hội thề được phổ biến thì các vị hoàng đế cũng thích nuôi nhiều hổ để đấu với voi xem đó làm tiêu khiển, ở thời kỳ này thì các trận quyết đấu này chỉ giới hạn trong Hoàng thành. Sử cũ cho biết vua Trần Nhân Tông có một thú vui là được xem quân lính đấu với hổ vì thế ông đã cho làm chuồng đấu hổ ở Vọng Lâu. Và trong thời nhà Trần từng diễn ra sự kiện một con hổ đã gây kinh hoàng đến vị vua này, theo đó thì có tù trưởng vùng sơn cước dâng triều đình một con hổ lớn vằn đen vàng, lưng thẳng, bụng thon. Vua Trần Nhân Tông bèn cho tổ chức buổi đấu hổ trước Vọng Lâu với sự tham gia của Hoàng hậu, phi tần và các quan trong triều. Bảo Thánh Hoàng hậu thấy chuồng cũi không an toàn, vô cùng lo lắng nên gọi viên tổng quản nhắc nhở: Ông cho kiểm tra cái cũi này chưa? Con hổ to lớn dữ dằn đấy. Hôm nay, bệ hạ đến ngự xem, ông phải rất cẩn thận mới được. Viên tổng quản đáp: "Bẩm Hoàng hậu, đây là con hổ mới được đưa vào cung, thần đã lo liệu đầy đủ cả. Xin lệnh bề trên cứ yên tâm".

Một lúc sau, quân lính khiêng một cũi sắt nữa vào chuồng đấu. Nhưng sự thực thì con hổ đã bị bỏ đói mấy hôm, khi thấy đông người, hổ nhe nanh gầm gừ đe dọa. Trong khi tất cả đang hào hứng chuẩn bị xem màn đấu hổ thì bất ngờ con hổ thoát ra khỏi cũi rồi nhảy lên, lao về phía chỗ ngồi của vua Trần Nhân Tông cùng Hoàng hậu, phi tần và bá quan văn võ. Mọi người đứng chết lặng trong giây lát rồi hoảng sợ bỏ chạy, duy có Bảo Thánh tiến lên phía trước, xả thân che cho nhà vua, đối diện hổ dữ. Không hiểu vì khiếp sợ uy lực của bà hay vì lý do nào đó mà con hổ chỉ lúc lắc cái đầu, nhìn Hoàng hậu một lúc, rồi quay đi, nhảy xuống chuồng thú).[3]

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về chuyện này như sau: Thượng hoàng (tức Trần Nhân Tông) thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu rồi sai quân sĩ đánh nhau với hổ. Có lần Thượng hoàng ngồi xem, Thái hậu (tức Bảo Thánh) và phi tần đều theo hầu. Vì thềm lầu thấp, chuồng và thềm cũng thấp, con hổ bỗng nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, mọi người đều sợ chạy tan cả, duy chỉ còn có Thái hậu và bốn, năm người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho Thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu kêu gầm rồi vội vàng nhảy xuống, không vồ hại ai cả. Sử thần Ngô Sĩ Liên khi nhắc đến Bảo Thánh đã ca ngợi rằng: Voi và hổ là bậc hung dữ, ai cũng phải sợ, thế mà lúc voi, hổ hung tợn làm ngang, Hoàng hậu vẫn thản nhiên không sợ. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám nữ lưu vậy (Đại Việt sử ký tiền biên).[3]

Theo Đại Việt sử ký bản kỷ chép: Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu là vợ Trần Thánh tông thượng hoàng. Thượng hoàng thích xem đấu hổ. Một hôm, ngồi trên vọng lâu, sai quân sĩ tổ chức thả hổ ra đấu với voi. Thái hậu cùng các phi tần ngồi xem cùng thượng hoàng. Cửa chuồng hổ mới mở, hổ bất ngờ nhảy lên vọng lâu. Các quan văn võ đều sợ hãi, bỏ chạy tán loạn, chỉ còn trơ Thượng hoàng và hoàng thái hậu. Thái hậu không biết làm cách nào, vội vàng lấy tấm chiếu lót dưới chân vua bao quanh che cho Thượng hoàng và mình. Hổ trèo lên lầu nhìn chung quanh không thấy ai, gầm thét dữ dội và lao xuống. Thượng hoàng và thái hậu vô sự. Một lần khác, Thượng hoàng Trần Thánh Tông ngồi trên điện Thiên An xem đấu voi. Hôm ấy, con voi hung tợn này chưa gặp được hổ, nhưng đã hăm hở rống lên và xông lên điện, quần thần tả hữu một phen mất vía, may có đội ngự vệ binh cầm giáo chĩa ra che chở nên voi rút lui, thượng hoàng và thái hậu bình an.[4]

Đời hậu Lê, trường hổ quyền - đấu hổ - ở kinh đô Thăng Long, trước sân đấu võ. Các quan võ sợ hổ làm dữ có thể nguy hiểm đến tính mệnh mọi người và để bảo vệ loài voi quý có ích cho chiến trận nên cùng bàn với quan phủ liêu ngầm sai người dùng kìm cắt hết móng vuốt của hổ một tuần trước trận đấu. Vì vậy, chỉ đấu độ vài ba hiệp, hổ đã bị voi gục [5] Thời Nhà Lê có lưu truyền câu chuyện về một con hổ có nghĩa. Con hổ này được Nguyễn Hợp, cha của danh tướng Nguyễn Xí nuôi từ nhỏ, khi con hổ này lớn lên thì được giao nhiệm vụ canh giữ đơm tôm cá ở đập Hạng và lò muối để phòng chống ăn trộm, sau đó lúc đêm đó trời tối, trời chuyển mưa, khi ông trở về nơi đặt đó thì con hổ đang canh chừng ở đó phát hiện ra và lầm tưởng có kẻ gian đang ăn trộm cá của chủ mình, hổ liền lao thẳng vào vồ khiến ông Hội chết ngay tại chỗ. Sau khi vồ chết người, con hổ mới nhận ra đó là ông chủ của mình. Nó liền vác ông lên lưng cõng vào khu Đồng Lầm, thuộc làng Mượu Nậy rồi bới đất để an táng cho chủ. Ngày hôm sau, gia nhân và bà con làng xóm bủa đi tìm thì tìm thấy xác đã được hổ chôn lấp tại Đồng Lầm. Con hổ nằm canh giữ bên cạnh mộ và nhe răng và gầm gừ nhất quyết không cho mang xác chủ đi. Gia đình tìm cách đưa thi hài đến nơi khác an táng, nhưng ban đêm hổ lại mang xác cụ về vùi lấp ở chỗ cũ. Sau khi ông Hội chết được 100 ngày thì con hổ bỏ đi vào núi Riềng, thuộc xã Nghi Thiết ngày nay.[6] Tuy vậy vào giỗ đầu của ông, trước ngày làm giỗ 1 ngày, hổ tinh đã tha về một con lợn rừng khoảng 50 – 60 kg đặt giữa sân rồi chạy vào rừng. Cứ thế, đều đặn hàng chục năm trời năm nào cũng vậy trước ngày giỗ của ông Hội hổ tinh lại vác lợn rừng về để con cháu làm giỗ cho ông, cho đến khi con hổ già và chết mới thôi.[7]

Trong văn hóa người Việt còn lưu truyền câu chuyện trước đó về việc Phùng Hưng đánh hổ. Theo đó có một thời ở vùng Đường Lâm, Hà Tây có một con hổ dữ từ rừng về giết người, bắt gia súc, Phùng Hưng liền làm con bù nhìn bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Hổ đi qua thấy bù nhìn tưởng người, lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm. Vài lần như thế, hổ không còn chú ý tới bù nhìn rơm nữa. Một hôm trời chập choạng tối, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Khi hổ xuất hiện, hơi bùn non át hơi người nên hổ không phân biệt được, cứ rảo bước qua như mọi lần. Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt con mãnh thú, sau một hồi người hổ vật nhau, hổ đuối sức, Phùng Hưng giáng một cú đập vỡ sọ hổ.[8] Sau này, Những câu chuyện dân gian lưu truyền sau này chuyện hổ cõng lợn về góp giỗ tại đình Tổng, hàng năm, từ tờ mờ sáng mùng một tháng hai, dân làng lần nào cũng thấy giữa sân đình một con lợn to, đứng im một chỗ, và đồn lên về huyền thoại huyền thoại Hổ cõng lợn góp giỗ Phùng Hưng[9]