Bước tới nội dung

Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong văn hóa Việt Nam/Người Việt cổ

Tủ sách mở Wikibooks

Hình ảnh có thể là của một con hổ đã được phát hiện trên một phiến đá mềm nằm trong tầng văn hóa gần 20 ngàn năm trước ở hang Xóm Trại. Cư dân thuộc văn hóa Hòa Bình đã rạch lên phiến đá này những đường khắc ngoệch ngoạc mang dáng hình giống một con hổ. Nhưng dấu tích hổ dường như ít hơn trong các làng xóm trồng lúa thời tiền sử và điều này cho thấy hổ không bao giờ là đối tượng săn bắt lấy thịt làm thức ăn của các cư dân tiền sử mà trái lại, với sự phát triển của những làng xóm nông nghiệp định cư hổ dần trở thành con vật huyền thoại được đề phòng và tôn thờ.[1] Hình tượng cọp, hổ đã từng xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn,[2] hình tượng hổ săn hươu và người săn hổ trên mặt và tang những trống đồng Đông Sơn ở các vùng Kur, Sangeang ở miền Đông Indonesia.

Hổ đánh nhau với cá sấu, gợi lại câu: Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua

Trên mặt trống Kur, hổ mình vằn đang đuổi theo một con hươu, trong khi chính nó là mục tiêu của một người cầm cung đang ngắm bắn. Trên tang chiếc trống này một con hổ mình vằn khác cũng đang trong tư thế đuổi theo một con hươu sừng. Trên phần tang của trống Sangeang có cảnh một người tay phải cầm khiên, tay trái cầm kiếm dạng tước (đốc tay cầm hình khuyên tròn) đang trong tư thế đánh nhau với một con hổ chồm lên đứng bằng hai chân sau. Một con chó đứng sau hình người cũng đang chồm lên sủa hỗ trợ cho chủ nhân đánh hổ.[2] Kiểu cách những con hổ như vậy còn xuất hiện ở trên thân một chiếc bình trang trí hoa văn Đông Sơn hiện được trưng bày tại phần Việt Nam của Bảo tàng Guimet (Pháp). Tại phần vai rộng của chiếc bình này có một băng hoa văn thể hiện cảnh những con hổ nhởn nhơ bên cạnh đàn hươu nai.[2] Một số trống đồng có vẽ chi tiết một con hổ quay ngược đầu với hướng truyền thống của đàn chim (ngược chiều kim đồng hồ) phản ánh sự phá vỡ quy chuẩn trang trí Đông Sơn. Hình hổ khá rõ ràng, một con quay đầu lại, mắt hổ được thể hiện bằng hình tròn có chấm ở giữa, trên thân có các chấm nhỏ tạo thành đường vằn ngang thân, bên trong vành chim và hổ này là một vành trang trí cảnh lễ hội mùa lúa.[1] Những chiếc trống có hình hổ kể trên đều thuộc loại trống Đông Sơn muộn (từ khoảng thế kỷ II trước Công nguyên trở về sau).

Ngoài những hình hổ trang trí trên mặt phẳng, người Đông Sơn còn thể hiện hình tượng hổ thông qua việc tạo ra những khối tượng kim loại. Chiếc thạp đồng Đông Sơn tại khu mộ Vạn Thắng, trên nắp thạp hiển hiện bốn khối tượng hổ cắp mồi rất sinh động. Ở chuôi một thanh kiếm đồng Đông Sơn được khai quật ở vùng miền núi Nghệ An - Thanh Hóa do một người Pháp là Gallery Hioco sưu tầm cũng có một bức tượng hổ trong tư thế đang rón rén lại gần con mồi. Tại một địa điểm khảo cổ khác thuộc tỉnh Bắc Ninh có tên là Lãng Ngâm (huyện Gia Bình), các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện nhiều tấm đồng trổ thủng mang hình hươu và hổ. Sự xuất hiện hình ảnh loài hổ trong nghệ thuật Đông Sơn có liên quan đến quan niệm tôn thờ sức mạnh và sự nguy hiểm của loài vật này. Sự tôn thờ này tồn tại khá đậm nét trong số các bộ lạc và tiểu quốc người Ba Thục và người Việt ở vùng đất Dạ Lang, Tây Âu, Âu Lạc.[1]


Chú thích
  1. 1,0 1,1 1,2 Chú thích có lỗi Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên thethaovanhoa.vn; $2
  2. 2,0 2,1 2,2 Những con Hổ trên mặt trống đồng Đông Sơn - 1000 Years Thang Long (VietNamPlus)