Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong tín ngưỡng/Sùng kính và tôn thờ

Tủ sách mở Wikibooks
Người Trung Hoa cho rằng những vệt vằn trên trán hổ có hình chữ Vương (王), có nghĩa khi sinh ra hổ là vua của muôn thú[1]

Người Trung Hoa quan niệm rằng những vết sọc trên trán của hổ liên tưởng đến chữ (chữ Vương), theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là vua do đó người dân nước này tin rằng con hổ sinh ra vốn dĩ đã là vua, chữ vương trên trán hổ được hội họa Trung Hoa cũng như Hàn Quốc khai thác rất nhiều. Bên cạnh đó, trong văn hóa Trung Hoa, hổ là loài vật có thực được tôn lên ngang hàng với rồng (long) một con vật trong tưởng tượng biểu tượng cho sức mạnh của trời đất, người Trung Hoa có câu mô tả sự sóng đôi giữa hai loài này. Ở Trung Quốc rồng là biểu tượng cho vua chúa, vương quyền, phượng hoàng biểu tượng cho hoàng hậu thì hổ biểu tượng cho các vị tướng và đại diện cho quân đội Người Trung Quốc coi hổ là biểu tượng của sự can đảm, người Trung Quốc cổ xưa tôn sùng đấu sĩ dữ tợn, không biết sợ hãi này và coi đây là biểu tượng chống lại ba đại họa của một gia đình như hỏa hoạn, trộm cắp và ma tà. Người Trung Hoa cũng suy tôn con vật linh Hổ gọi là: Thần Thái Tuế cứu nhân độ thế: Hổ cứ Sơn Lâm phù xã tắc, vật linh Hổ từ đó được lan truyền vào các ngôi đình, đền, chùa, miếu, thể hiện thế lực, sức mạnh, áp đảo.

Hổ thường dùng để chỉ những nhân vật xuất chúng, những người mạnh mẽ, còn trẻ tuổi thường được gọi là những chú hổ nhỏ (hổ nhi) để thể hiện sự kỳ vọng của mọi người. Hổ là một mãnh thú dữ tợn và thường được coi là nguy hiểm với con người, tuy nhiên, theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, hổ cũng là biểu tượng của sự may mắn. Hổ, cùng với những con vật mang lại may mắn khác như Long (rồng) và Kỳ Lân có yếu tố bảo vệ cho người Trung Quốc. Trong khi hầu hết những con vật may mắn trong văn hóa Trung Quốc đều là giả tưởng thì con hổ là con vật có thật trong cuộc sống. Theo truyền thống, người ta tin rằng trẻ em đội mũ, đi giày có hình đầu hổ vào năm mới sẽ được bảo vệ khỏi ma tà.[2] Long Hổ Tông ở Trung Quốc là một đạo giáo lấy hổ cùng với rồng làm biểu tượng. Trong tiếng Trung Hoa, chỉ có chuột và hổ mới được gọi tên một cách kính cẩn bằng cách gắn thêm từ "lão" phía trước: lão thử (cụ chuột) và lão hổ[3].

Trong lịch sử và văn hóa Hàn Quốc, hổ vừa được dân gian xứ Hàn tôn làm thần giám hộ, hổ vừa là biểu tượng của uy dũng và quyền lực, giúp con người tránh được vận hạn và đem đến cho họ nhiều phúc lộc, dân tộc Hàn Quốc đã có lịch sử lâu dài gắn bó với hình ảnh con hổ[4] tại đây con hổ là giống vật thiêng biểu tượng cho điềm lành và là loài vật gần gũi theo như câu ngạn ngữ Hổ thắp lửa mở lối trên chặng đường leo núi. Theo quan niệm dân gian Hàn Quốc thì khi trời mua to đó chính là lúc hổ đang đánh nhau quyết liệt với rồng Hình hổ còn được in lên bùa. Tấm bùa thường mang hình hổ vì đây là con vật biểu trưng của tinh thần dũng mãnh tạo cho người ta niềm tin tâm linh về sự an lành, được bảo vệ khỏi mọi điềm gở trong đời sống. Người Hàn Quốc xưa quan niệm rằng trong ngày vui hôn lễ, để tránh cho cô dâu khỏi gặp họa vì lòng người đố kỵ khó lường, nên phủ lên kiệu hoa một tấm da hổ hay tấm chăn có họa tiết hình hổ. Nếu cô dâu ngồi kiệu phủ trướng da hổ thì chú rể luôn phải giữ móng hổ bên mình. Ngày xưa, người ta thường treo chuỗi xương hổ trước cửa hay cổng nhà để xua đuổi khí xấu.

Cũng ở Hàn Quốc, Khu lăng mộ của vua cũng là nơi người ta nhận ra sự hiện hữu của hổ, linh vật hộ vệ, che chở cho con người khỏi mọi tai ương. Tượng hổ tạc bằng đá Nằm ngay phía trước mộ xuất phát từ quan niệm xưa cho rằng hổ có thể bảo vệ lăng mộ, chốn yên nghỉ cho linh hồn vua chúa, điều này cũng có nét tương đồng với văn hóa Việt Nam. Tính chất linh thiêng của hổ còn được thể hiện trong lễ cầu mưa. Sử liệu thời Joseon ghi lại rằng vào thời Taejong (Triều Tiên Thái Tông), Sejong (Triều Tiên Thế Tông), Munjong (Triều Tiên Văn Tông) và Danjong (Triều Tiên Đoan Tông), đầu hổ đã được dùng để cúng thần khi hành lễ cầu mưa Seokcheokgiuje (Tích dịch kỳ vũ tế) Hoạt động khởi sự việc nhúng đầu hổ xuống nước, nơi rồng náu ẩn trước bến cây liễu, cây phác.[5] Trong nghi lễ cầu mưa của hoàng gia, đầu hổ được ném xuống sông, nơi được coi là chốn ngự trị của rồng bởi quan niệm chỉ có hổ mới trị được Long thần, kẻ cai quản nguồn nước.

Ở Việt Nam, theo quan niệm thông tục, người ta cho rằng, hổ là chúa tể của muôn loài muông thú, thậm chí uy lực của hổ còn trấn ngự được cả những linh hồn người đã chết do nó ăn thịt. Trong văn hóa, hổ xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, năm Dần mang cầm tinh cọp, là một hình tượng đa nghĩa vừa phức tạp trong tâm linh người Việt, vừa là ác thú, vừa là thần hộ mệnh. Có hình hổ trấn giữ ở ngưỡng cửa là tà ma không dám xâm nhập. Hổ là ác thú được người kinh sợ đến độ lập đền thờ, hy sinh nhân mạng để tế lễ mỗi cuối năm, như tục thờ Thần Hổ, làng Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương mà Phạm đình Hổ (1768-1839) đã kể lại kỹ càng trong Vũ Trung tùy bút, đến năm 1800, tục mới chấm dứt. Mặt khác, hổ lại là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái. Tranh Hổ còn được bày nơi nhiều đền chùa, nhất là các đền thờ Thánh Mẫu, như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội. Ngày nay, tại miền Bắc Việt Nam, từ đồng bằng lên Mạn Ngược, nhiều nhà còn sùng tín vào Tranh Hổ.

Hổ là con vật linh thiêng và là kẻ gác đền trong những khu rừng già ở Ấn Độ

Việc tồn tại dai dẳng tục thờ thần Bạch Hổ trong người Việt cũng như nhiều dân tộc sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam một mặt phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy từ rất xa xưa, đồng thời phản ánh tàn dư tôn sùng loài vật này gắn với sự phát triển của Đạo Giáo vốn xuất hiện ở Việt Nam chậm nhất là vào khoảng đầu công nguyên.[6] Từ rất lâu trong tín ngưỡng dân gian Việt, hổ được coi là con vật linh thiêng, bởi thế mà danh xưng của nó cũng được thần thánh hóa bằng những cái tên như ngài, ông... Rất nhiều gia đình có tục thờ ông ba mươi như một cách để cầu công danh, mang lại sự may mắn. Tranh Ngũ hổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống đất Thăng Long trở thành dòng tranh thờ nổi tiếng. Theo Phạm Đình Hổ thì qua tục giết người tế Thần Hổ nhắc đến thần Xương Cuồng có ghi vào sử sách như Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tục tế Thần Hổ này có từ xa xưa trước Tây Lịch, khi quân nhà Tần của Nhâm Ngao và Triệu Đà mới lấn chiếm và đô hộ đất Văn Lang.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam con Hổ được gắn với tục thờ Mẫu. Dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Trên phương diện này hổ đã hoá thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa Sơn Lâm, ông Ba Mươi trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần Bạch Hổ... Bùa ông Hổ còn được dán và ếm ngay trước cửa cái ra vào nhà để trừ tà. Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này, các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy… Nhưng mẫu tranh được biết đến nhiều nhất là tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội) xưa.

Thần Hổ vừa là huyền thoại vừa là hiện thân của vẻ đẹp dũng mãnh, hiểm ác vì thế hổ linh được chạm trổ trên các lăng mộ, nhang án, nó được in trên hoa văn gạch ở các móng chùa, đền, miếu cổ xưa với một mô típ đẹp uyển chuyển, nhẹ nhàng và có tính thiêng liêng. Hổ đã hoá thân thành vật linh như: Long Hổ hội tượng trưng cho sự quần tụ của giới trí thức nho học (Bảng rồng: Tiến sĩ, bảng hổ: Cử nhân). Trong tín ngưỡng dân gian tục thờ Mẫu người ta thường vẽ tranh ngũ hổ để tượng trưng cho ngũ phương. Ngoài việc mô tả chạm trổ đá, gỗ và in hoa văn Thần Hổ trên gạch, không ít ở các cổng đền, miếu, bệ thờ, án gian trong gia đình đều chạm khắc, hoặc đắp Hổ phù nhô ra, miệng há to dữ tợn xung quanh răng nanh đâm ra như một cái hang. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt Thần Hổ trắng còn là biểu tượng của thần chữa bệnh và thần tài của một số gia đình hiện nay đang buôn bán phát lộc, thường tôn thờ ông Hổ. Hàng ngày đèn nhang, lễ vật bằng trứng sống đều đặn, coi đó như linh vật trong tâm thức, tín ngưỡng dân gian. Việc thờ Thần Hổ gắn với việc thờ Mẫu trong dân gian là một lệ tục tín ngưỡng văn hoá tâm linh đã trải qua nhiều mốc thời gian cho đến ngày nay vẫn đang tồn tại bóng dáng ở những ban thờ Mẫu, ở chùa, đền và miếu.[7] ở những nơi này, Ngôi đền nào cũng có đắp tượng hổ ở cửa vào, coi như Thần tướng gác đền và thần tướng này cũng được khách đi lễ thắp hương, khấn vái, chẳng hạn như người dân lập miếu thờ hổ ở vùng Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang, Việt Nam.[8][./Hình_tượng_con_hổ_trong_văn_hóa/Trong_tín_ngưỡng/Sùng_kính_và_tôn_thờ#cite_note-vanhoanghean.com.vn-8 [8]]

Vào những ngày rằm, mùng một hoặc lễ chạp, ngoài hương hoa, những người lớn tuổi còn cúng một miếng thịt heo sống trên bàn thờ ông hổ. Trong tục thờ, có gia đình thờ tranh ngũ hổ, có gia đình chỉ thờ một ông. Những người thờ phụng ông hổ đều tin rằng có một sức mạnh siêu nhiên phù hộ cho gia trạch bình an, loại trừ tai nạn. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: tục thờ này bắt nguồn từ một cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm hoặc giai đoạn đầu của cuộc sống nông nghiệp, thì hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người, do đó phải thờ hổ. đặc biệt là do khiếp sợ oai linh thần hổ, người dân miền sơn cước luôn thờ cúng chúa sơn lâm.[9][10][11] Một ví dụ cụ thể là người dân Tiên Cảnh có phong tục cúng thần rừng, vị thần họ tin rằng nắm giữ bổn mạng của cả vùng đất này, đại diện cho thần rừng, không phải loài nào khác mà chính là hổ dữ - vị chúa sơn lâm đầy quyền uy, do nỗi sợ hãi đã khiến người dân Tiên Cảnh tôn sùng loài ác thú này như thần thánh.[12] hay người dân Mường Mõ bao đời nay thờ hổ, tôn kính hổ như thần linh, ở đây núi cao vực sâu thêm huyền bí vì những truyền kỳ về hổ.

Con hổ luôn đe doạ đến đời sống con người nên một số địa phương đã có tục thờ thần hổ. Tục này xuất xứ từ làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đến thế kỷ XVI, XVII, khi lưu dân đến khai phá đất Nam Bộ, một vùng hoang dã mà có thời dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua, thì việc thờ hổ được xem như một nhu cầu thiết thực đối với đời sống tâm linh, nên thời bấy giờ ở Nam Bộ có rất nhiều miếu thờ hổ. Có nơi thì đúc thành tượng hổ uy nghi, có nơi thì thờ tranh ngũ hổ, quanh năm khói hương nghi ngút. Đối với người miền Tây thì những câu chuyện về hùm beo, rắn khổng lồ vẫn luôn là đề tài hấp dẫn, loài cọp dữ, loài vật hấp dẫn chỉ đứng sau rắn hổ mây khổng lồ trong những câu chuyện đường rừng, nhằm khắc họa lại một phần cuộc sống sông nước miền Tây thời xưa. Ở vùng sông nước miền Tây, lại có đình, đền, miếu thờ ông cọp hay ông cả cọp và thay vì thờ thần thánh, người ta lại khói hương nghi ngút, khấn vái thành kính loài vật được cho là thú dữ, sợ hãi và tôn kính cọp, nên người dân lập đình, miếu thờ cọp hằng năm làm heo cống nạp, cầu được bình an, không bị loài hổ trả thù,[13][14] một số dòng họ còn đổi cả họ vì kinh sợ hổ bắt người để trả thù mà lập miếu thờ phụng cầu an.[15] Người miền Tây còn quan niệm rằng rừng thiêng nước độc luôn có chủ nhân của rừng núi và hổ là Chúa sơn lâm, thợ săn nên tránh nó nếu không cần thiết.[16]

Không chỉ người Việt, một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng có tục thờ hổ, trong đó có người Khơ mú sống ở khu vực Tây Bắc và miền tây Nghệ An. Một tập quán ăn sâu vào tình cảm và tiềm thức của người Khơ Mú thuộc họ Rvai (hổ), đó là nghi lễ cúng ma nhà (Hrôigang). Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ mú thuộc họ hổ đã diễn lại các động tác của hổ, vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Với quan niệm hổ là tổ tiên của mình, người Khơ mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết, ăn thịt hổ. Trong các hội hè, các nghi lễ người hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, người Khơ mú thuộc họ Rvai phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời. Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ. Khi còn sống, người ta kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết, người ta đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông hổ bên cạnh người chết để hồn được siêu thoát và trở về với hổ, có nghĩa là về với tổ tiên. Với người Thái, khi được nghe tiếng hổ gầm vang trên đồi cao là niềm hân hoan, sảng khoái nhất của bản mường.[17]

Người Tà Ôi cũng có tục thờ Thần hổ (Giàng avó). Trong hệ thống thú rừng của người Tà Ôi, con hổ được coi là con vật có sức mạnh nhất. Hổ được người Tà Ôi coi như vị thần bảo hộ cho làng, việc bắt được hổ theo quan niệm của người Tà Ôi được ví như món quà tặng của thần rừng. Việc thờ đầu hổ xuất phát từ niềm tin rằng hổ sẽ báo mộng cho người ta biết làng sắp gặp chuyện chiến tranh, mất mùa, có dịch bệnh. Các điềm báo xấu đó thông qua giấc mộng đến với người trong làng. Hàng năm người ta vẫn đến tiến hành thăm nhà mồ có đầu hổ. Trong các thôn của xã Nhâm chỉ có làng Nhâm I còn có tục thờ thần hổ, làng Ka Linh, Tà Kêu trước đây ở Lào cũng có tục này. Hàng năm khi người Tà Ôi tiến hành tổ chức ăn năm mới, hay cúng khánh thành nhà rông, thần hổ đều được chia phần, khi tuốt lúa mới phải thổi cơm dành phần cho thần hổ ăn.

Người dân địa phương ở Trà Bồng cũng có lập am thờ con hổ, họ thờ Bạch Hổ sơn quân hay còn gọi là ông hổ đi tu, Bạch Hổ sơn quân là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na, tương truyền khi có giặc đánh tới, hổ cùng nữ chúa xung trận, tùy tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây đa trong vùng. Khi hết giặc, Bạch Hổ sơn quân vào núi đi tu. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, người dân ở Trà Bồng còn lập miếu thờ riêng. Người ta cho biết, vào dịp lễ cúng Thiên Y A Na, cứ đến khoảng 2 đến 3 giờ sáng, cũng là lúc Bạch Hổ sơn quân xuất hiện, có niềm tin hoang đường rằng cứ mỗi lần khấn xin hiện hình là đêm đó Bạch Hổ sẽ xuất hiện. Những ai muốn Bạch Hổ sơn quân hiện hình thì rải cát ở căn nhà phía sau điện thờ. Sáng hôm sau, vào căn nhà này sẽ thấy dấu chân Bạch Hổ to lớn hiện lên theo hướng đi vào đại điện thờ.[18]

Con hổ còn là con vật tổ của những dân tộc khác nhau, Hổ là con vật tổ theo tín ngưỡng Bái vật tổ (Tôtem) của dân tộc miền tây Trung Quốc thời xa xưa, vùng đất Sở Hùng, Xuyên, Điền ở Vân Nam Trung Quốc từ xưa đã thịnh hành tín ngưỡng Tôtem thờ vật tổ là con hổ, là nơi tập trung tín ngưỡng thờ hổ của Trung Quốc. Dân tộc ở những vùng này phần lớn là hậu duệ của người Nhung Địch cổ (người Phương cổ) như: Di tộc, Bạch tộc, Thổ gia tộc, Na-xi tộc, La Hủ tộc, Li-su tộc, hiện họ vẫn còn giữ lại tín ngưỡng và tập tục thờ hổ. Vào thời hoang sơ cổ, người Phương cổ thờ hổ ở vùng Thanh Hải, Cam Túc, Thiểm Tây sống bằng chăn nuôi du mục khi vào đến Trung Nguyên, bộ tộc hổ của vùng Hoa Bắc đã chung sống với các bộ tộc thờ rồng. Hổ nguyên là tín ngưỡng của dân tộc miền tây, theo từng bước chân di cư, hòa hợp dân tộc, dần dần lan truyền đến phương đông. Lộ Sử - Quốc danh kỷ có ghi chép: Vào thời Thương Chu, Hổ tộc là một tộc lớn, họ phân bố ở khắp vùng Giang Hoài, Hồ Nam, Tứ Xuyên. Nước Hổ Phương lúc đó là nước Từ phương, nay là vùng giao hội giữa Giang, Hoài, Tô, Hoản ở phía nam Từ Châu, đó là người Từ - vùng đất chủ yếu của Hổ tộc thời xưa. Những chạm trổ chủ yếu trên đồ đồng thời kỳ Thương chu là đầu hổ và mặt thú.

Ở góc độ cá nhân, tại nước Mỹ có một người tên là Dennis Avner có sở thích kỳ lạ là sống trong hình hài loài hổ và đã qua nhiều lần phẫu thuật, chỉnh sửa cơ thể nhất thế giới để cho giống một con hổ, ông luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt của những con mèo cái hung ác hoặc những con hổ, sau đó, ông đã mất một thời gian dài theo đuổi nỗ lực biến mình thành người hổ (hóa hổ), cơ thể trở nên giống với hổ, từ răng nanh, mái tóc dài, ria mép, tai, đuôi giả. Ông còn thích hàng ngày ăn thịt sống và leo trèo cây rất cừ đồng thời ông thỉnh thoảng xuất hiện trên truyền hình với biệt danh Con hổ đi săn[19][20][21][22][23][24] nữ diễn viên người Mỹ Angelina Jolie có hình xăm con hổ rất độc đáo trên eo lưng mình, tác phẩm ấn tượng này được thực hiện tại Thái Lan năm 2004, góp phần làm nên thành công của cô trong bộ phim Truy sát (Wanted). Một công ty ở Trung Quốc đã chế ra ấm trà hổ với trên vỏ ấm được chạm vẽ hình 99 con hổ rất tỉ mỉ với nhiều tư thế khác nhau, tạo nên một bức tranh hổ vô cùng sống động, hấp dẫn. Bảo vật này không lớn hơn ấm trà thường nhưng được làm ra từ đất sét trộn lẫn với những hạt vừng nghiền nát để tạo nên vẻ đẹp đặc biệt.


Chú thích
  1. Cooper, JC (1992). Symbolic and Mythological Animals. London: Aquarian Press. 226-27. ISBN 1-85538-118-4. 
  2. Con hổ trong quan niệm của người Trung Quốc
  3. CHUỘT TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI
  4. Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số urltitle phải được chỉ định. {{{publisher}}}. Truy cập 6 tháng 10 năm 2013.
  5. Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số urltitle phải được chỉ định. {{{publisher}}}. Truy cập 6 tháng 10 năm 2013.
  6. Những con Hổ trên mặt trống đồng Đông Sơn | Thể thao & Văn hóa
  7. Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số urltitle phải được chỉ định. {{{publisher}}}. Truy cập 6 tháng 10 năm 2013.
  8. Chú thích có lỗi Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên vanhoanghean.com.vn; $2
  9. Phanh xác hổ dữ, báo thù cho thiếu nữ bạc mệnh - VTC News
  10. Giận chúa sơn lâm, đập tan miếu cổ - VTC News
  11. Bí ẩn miếu thờ thần hổ bên bờ suối Vó Ấm - VTC News
  12. Hổ dữ bắt người và ký ức kinh hoàng về cuộc huyết chiến "ông ba mươi" ngay trước sân nhà | giadinh.net.vn
  13. Bí ẩn chuyện cọp 3 chân tha mạng nhà sư - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
  14. Bí ẩn chuyện cọp 3 chân tha mạng nhà sư - VTC News
  15. Cả họ kinh sợ vì cọp bắt người - VTC News
  16. Tuổi Trẻ Online - Tuổi trẻ cười:
  17. Chuyện xưa kỳ bí: Săn hổ dữ hại dân bằng… thần chú! - VTC News
  18. Những miền đất huyền sử - Kỳ 4: Thiên Y A Na và tùy tướng Bạch Hổ
  19. Take the 'Guinness World Records 2009' pop-culture quiz! | PopWatch | EW.com. Popwatch.ew.com. Truy cập 2012-05-28.
  20. The World's... and Me – Series 3 – Episode 1 – The World's Strangest Plastic Surgery and Me. Channel 4. Truy cập 2012-05-28.
  21. It's a weird world of world records. The Courier-Mail (2008-09-21). Truy cập 2012-05-28.
  22. "Người mèo" Mỹ chết bí ẩn
  23. 'Người mèo' Mỹ chết bí ấn
  24. "Người mèo" Mỹ chết bí ấn | Thời sự quốc tế | Người Lao động Online