Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong tín ngưỡng/Huyền kỳ

Tủ sách mở Wikibooks
Những câu chuyện kể về hổ, loài thú gieo rắc nổi khiếp sợ cho làng bản ở miền sơn cước, khi hồ về làng, bản thì các gia súc, vật nuôi, đặc biệt là chó rất kinh sợ khi đánh hơi thấy mùi nồng nặc của hổ

Câu chuyện về loài thú đầy bí ẩn trong rừng xanh sâu thẳm và sự tinh quái, bí hiểm đã khiến hổ trở thành trung tâm của nhiều câu chuyện kể, kéo theo đó là những đồn thổi, truyền miệng về những khả năng, tập tính kỳ lạ của loài vật này đến mức trở thành những câu chuyện khá hoang đường và dị đoan. Theo quan niệm của những người dân sơn tràng thì trong rừng con hổ là loài vật hùng mạnh và rừng thiêng nhờ có hổ dữ. Hổ còn rất tinh ranh và rất thính hơi. Nó có thể phân biệt được mùi của voi, gấu, nai và cả hơi người và dường như là loài vật có linh tính.[1] Sự ám ảnh về loài hổ còn hằn sâu trong tâm khảm con người theo một cách vô thức, khi người ta đi vào một khu rừng, rú hoang vắng thì luôn có cảm giác sợ hãi, từ lâu hình ảnh loài hổ hung dữ, quật ngã, xé xác con người đã hằn sâu vào tâm trí nhiều người cho nên người ta một khi trông thấy hổ giữa rừng già, nếu không phải là người có kinh nghiệm đi rừng chắc chắn người ta sẽ hốt hoảng.

Vị chúa tể chí tôn của rừng xanh có uy quyền với những cú vồ chết chóc và tiếng gầm vang động, với dáng uyển chuyển và oai dũng, chậm rãi, đôi mắt hổ xanh biếc dữ dằn long lên sòng sọc với ánh mắt xanh lè quắc lên như nhiếp hồn, khi hổ xuất hiện thì một trận gió thổi qua mang theo mùi hôi thối lợm giọng, đi theo nó là mùi tanh tao chết chóc tạo ra không khí nặng nề, ngột ngạt, hổ xuất hiện giống như một cái bóng chớp nhoáng mờ ảo, trong làng gà không gáy, chó không sủa, trên rừng, dế, nhím, chồn, cáo đang kêu tự nhiên im như thóc.[2] Nhiều người thợ săn rất ngán sợ khi gặp hổ và truyền nhau kinh nghiệm đi rừng rằng nếu vào một khu rừng mà không nghe tiếng chim hót, không thấy bóng một con thú nào, thì khu rừng đó có hổ vừa đi qua, hổ có mùi đặc trưng là rất thối và tiếng gầm kinh hoàng của hổ, làm cho chim chóc cũng không dám hót. hoặc khi nghe tiếng chó săn sủa loạn xạ, kèm theo đó là tiếng chim kêu rít lên từng hồi thì đó là dấu hiệu có hổ dữ xuất hiện.[3] Thợ săn ai cũng tin rằng rừng thiêng có chủ nhân của nó và tốt nhất là nên tránh mặt hổ mỗi khi lỡ gặp.

Một số người Việt Nam tin rằng hổ có linh khí, một số người nuôi hổ cho biết linh khí của hổ có nhiều, nên trong bán kính gần 1 km, không có con vật nào dám bén mảnh đến, kể cả giống chó săn cũng không có con nào dám đến gần[4] những con chó săn khi đánh hơi thấy hổ là đã không dám đánh hơi tiếp nữa mà cứ quanh quẩn bên con người[5] Ở Miền Tây sông nước, khi đang đi rừng mà thấy đàn chó săn cụp đuôi, sợ sệt co cụm lại là dấu hiệu nhận biết con hổ đang ở gần và họ chọn giải pháp là lùa bọn chó xuống xuồng, rút êm để khỏi phải đối đầu.[6]

Người dân kể rằng hổ nhiều lần xâm nhập vào các bản, làng, khu dân cư để bắt trâu, bò, nghé, bê, heo, dê, gà và chó. Các loại gia súc, vật nuôi và cả người rất sợ hổ, khi nghe tiếng hổ gầm rung cả mặt đất, rung cả lán trại làm người ta rợn hết người, đàn bò thì sợ hãi đứng tụm vào nhau, đàn chó thì chạy chui hết vào gầm, dưới sàn nhà, các xó xỉnh mà không dám ló mặt ra, chúng im hơi và chẳng con nào dám sủa.[7] Hay khi hổ vào làng bản, nhà dân thì đàn chó nhà khép nép vì sợ hãi núp ở trong góc sân và hổ quá dễ dàng vồ bắt lấy một con chó rồi cắp lấy đem xác lên rừng, một số con hổ ở làng bản nhiều lần mò vào bắt chó ăn thịt nên bén mùi.[8]

Đồng bào còn kể lại rằng khi hổ về bản thì có nghĩa là sẽ mất lợn, mất trâu, mất cả đàn dê vì những con dê rất dốt, thấy hổ chúng không biết chạy mà chỉ đứng kêu khóc be be[9] còn đàn trâu bò thì nhớn nhác, có con vì sợ quá mà lăn cả xuống vực thẳm, có con thì chạy trốn mất tích,[10] hổ thậm chí có thể chỉ một nhát vồ chết con nghé rồi cắp theo con mồi nhảy phốc qua hàng rào cao 3m.[1]

Sự ám ảnh của hổ trong tâm trí nhiều người một cách vô thức dẫn đến tâm lý nhiều người khi đi vào một khu rừng vắng luôn có cảm giác ghê sợ

Một số người dân tộc còn quan niệm rằng hổ là có thiên tư linh mẫn, tai nghe thấy hết mọi sự người ta nói, óc cảm thấy hết những gì người ta nghĩ, nên hễ ai dám báng bổ, khinh nhờn hay hỗn xược, thì nó trừng trị cho khốc hại thì thôi, nhẹ thì hổ bắt đi con bò, con lợn để cảnh cáo, nặng hơn thì nó sẽ cắn cổ và hổ vốn thù dai.[11] hổ là con vật không chỉ mạnh khỏe, hung dữ, tham lam và kiên nhẫn trong việc rình mồi mà nó còn là một ông chúa thù dai và quyết trả thù bằng được[12] nó sẽ nhớ và tấn công người nào đã đánh nó,[13][./Hình_tượng_con_hổ_trong_văn_hóa/Trong_tín_ngưỡng/Huyền_kỳ#cite_note-chuyentrang.tuoitre.vn-13 [13]] nhất là thần hổ báo thù thì vô cùng khốc liệt,[14] nhiều con hổ được cho là hóa thân của những vong hồn hổ đã bị giết trước đó trở về báo thù dân làng.[1] Nhiều thợ săn tin rằng hổ là loài vật có tánh linh hay có linh tính có thể nhận biết hơi người, tránh các loại bẫy[15] Kenneth Anderson thì cho rằng hổ dường như có một giác quan thứ sáu thật sự sắc sảo và nó có thể phân biệt giữa một con người không có vũ khí và một người đàn ông có vũ trang đang theo đuổi nó[16]

Một quan niệm khác thì cho rằng hổ có một thói quen lạ, nếu vồ người, cắn cổ hoặc tát chết, nó tha vào rừng ăn thịt. Nhưng nếu cú vồ của nó chạm vào tai của con mồi thì nó sẽ bỏ đấy mà không ăn thịt.[17] Một kinh nghiệm khác thì hổ thường không dám chạm vào những cành lá nằm úp sấp (tức mặt dưới của lá nằm ngửa lên trời) do đó những người săn hổ hay bố trí các đám lá úp trái để ngăn hổ không đến gần những nơi bẫy chưa chắc chắn.[18] Hổ cũng có khả năng giả chết, nó có thể nằm lỳ cả ngày giống như chết.[19]

Bên cạnh đó, sự sùng bái đến mức mê tín hoang đường còn thể hiện qua việc người ta thường làm chiếc nanh hoặc vuốt hổ, hoặc răng hổ bịt vàng bạc hoặc chiếc vuốt làm bằng sứ, kim loại cho trẻ con đeo để trừ tà ma, hoặc người lớn cũng đeo cho đẹp và tỏ ra oai vệ, người Campuchia khi giết hổ thường lấy nanh hổ đánh bóng bán làm vật trừ tà,[20] Người Hoa ở Bắc Giang thường đeo vòng đeo tay bằng kim khí có đính móng hổ, vuốt gấu để hộ mệnh, trừ đuổi vía độc hay làm hại trẻ em.[21] Tuy nhiên, thần uy từ chiếc nanh hổ có thể hợp với người này nhưng lại không tốt đối với người khác, may mắn với người này nhưng lại là tai họa với người khác, rất khó biện chứng về tâm linh.

Nhiều người quan niệm rằng, hổ là chúa tể của rừng xanh nên hội tụ đủ sức mạnh thiên nhiên, chúng ăn toàn thực vật quý, uống nước rừng, sống trong rừng sâu nên hấp thụ được linh khí của đất trời. Hổ càng già thì nanh càng lớn và uy lực của nó càng mạnh. Người nào sở hữu được chiếc nanh hổ tinh đã ăn thịt nhiều người thì sẽ không sợ con vật hung dữ nào[22] và các loài chó sói, gấu, rắn hổ chúa khi nhìn thấy bóng vía là chúng sẽ quỳ xuống đồng thời việc đeo móng hổ còn giúp chủ nhân tránh bị tà đạo, ma quỷ làm hại, đạn bắn không trúng, tạo phong cách ngầu của người đeo.[23] Nhiều người khác lại cho rằng móng hổ là vật bùa là vì con hổ trước khi kết thúc sự sống của con mồi bằng bộ hàm thép thì nó cần những chiếc vuốt chụp và bấu chắc vào con mồi làm cho con mồi không còn cơ hội trốn thoát, những người khởi nghiệp muốn sở hữu những chiếc vuốt để nắm chắc hoặc tìm kiếm cơ hội chiến thắng trong cuộc sống cũng như trong thương trường. Tại tỉnh Cà Mau từng có thời kỳ đột nhiên nổi lên tin đồn những người tuổi Sửu, tuổi Ngọ, trong năm 2010 nếu không uống thuốc sẽ bị cọp vật, Tin đồn thất thiệt này khiến người dân hoang mang, đổ xô đi mua "thuốc" phòng ngừa, gây xáo trộn đời sống.[24]

Xương hổ nếu được dùng để gối đầu thì ngủ yên không chiêm bao thấy những sự ghê sợ, hoặc treo lên giữa cửa nhà sẽ trừ được ma quỷ.[25] Những người thợ trước khi nấu cao hổ thì người ta thường có nghi lễ cúng bái, có người còn mời thầy cúng về cúng vì nếu không sẽ bị lừa lọc, vỡ nợ, tán gia bại sản hoặc rơi vào vòng lao lý, đi tù vì ông hổ sẽ không cho sống đàng hoàng.[26] Người Sán Dìu thì đem bộ da Hổ đem phơi khô, nhồi trấu vừa làm vật trang trí trong nhà, vừa làm bùa hộ mệnh vì bộ da là dáng hình và linh hồn con Hổ còn quanh quẩn, vừa để bảo vệ mọi người may mắn về sức khoẻ và an toàn cho các thành viên trong gia đình, ít khi gặp ốm đau và bệnh tật[27]

Có giả thuyết cho rằng, râu cọp (hổ tu) cũng là một trong những thành phần chủ yếu của trò chơi ngải của các thầy phù thủy ma giáo đồng thời còn đó là quan niệm của một số người cho rằng râu hổ cắm vào búp măng tre có thể chế thành ma thuốc độc hại người để làm giàu,[28][./Hình_tượng_con_hổ_trong_văn_hóa/Trong_tín_ngưỡng/Huyền_kỳ#cite_note-vanhoanghean.com.vn-28 [28]] nhiều thợ săn tin rằng, chỉ cần đem một sợi râu cọp nhét vào trong thân một cây măng non đang mọc sau này nó sẽ biến thành một loài sâu có sức độc vô cùng khủng khiếp và người xưa tin rằng nếu để râu cọp rơi vào tay kẻ có ác tâm sẽ gây ra nhiều hậu họa chính vì vậy những người thợ săn sau mỗi lần hạ được hổ thì việc đầu tiên họ cần làm là đốt đuốc thiêu rụi hoàn toàn bộ râu hổ đi hoặc cắt râu đi trước khi xẻ thịt vì râu hổ có thể chế thành thuốc độc hại người.[13]


Chú thích
  1. 1,0 1,1 1,2 Một mình truy lùng cọp "chúa" thành tinh-danh nhau voi cop |Tin tuc
  2. Kỳ 1: Đối mặt chúa sơn lâm - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
  3. Rợn tóc gáy với kỳ nhân giết hổ, nuốt lửa, cắn sắt nung - VTC News
  4. “Những chuyện xung quanh "ông Ba Mươi"”. Báo Pháp luật & Xã hội. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  5. Xôn xao vụ "hổ sổng chuồng, chân dính máu" - Thời sự - Dân Việt
  6. “Săn thú rừng U Minh”. Báo Nông nghiệp Việt Nam. Truy cập 3 tháng 6 năm 2014.
  7. Rùng rợn đêm nghe tiếng hổ gầm ở đại ngàn Yên Bái - VTC News
  8. Chuyện săn hổ giữa đêm khuya trong thung lũng-Cop |Tin tuc trong ngay
  9. Chuyện xưa kỳ bí: Săn hổ dữ hại dân bằng… thần chú! - VTC News
  10. Thợ săn hổ giải nghệ và phát súng trượt đêm trăng xế - VTC News
  11. “Vào nơi từng là tâm điểm của ma trành, thần hổ”. VTC News. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  12. Nam con ho tan man ve ong Ba muoi
  13. 13,0 13,1 Chú thích có lỗi Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên chuyentrang.tuoitre.vn; $2
  14. Bi thảm số phận người sơn tràng giết hổ - VTC News
  15. “Cọp khổng lồ và mối thù phải trả với thợ săn U Minh Hạ”. VTC News. {{{publisher}}}. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2013.
  16. Perry, Richard (1965). The World of the Tiger. 260. ASIN: B0007DU2IU. 
  17. Thực hư chuyện hổ dữ vượt biên từ Lào - Sự kiện - Dân trí
  18. Làng bắt hổ và trận chiến "không tưởng" giữa người với mãnh thú - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
  19. Cuộc chiến sinh tử bắt sống "chúa sơn lâm" của phường săn huyền thoại | giadinh.net.vn
  20. Khi quý ông "tiền mất, tật mang" vì tin nhầm… pín hổ - VietNamNet
  21. Đôi nét về văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa ở Bắc Giang
  22. Thú chơi móng vuốt ngàn đô của đại gia - VietNamNet
  23. Cuộc chơi nanh vuốt: Bỏ ngàn đô săn lùng hàng giả - VietNamNet
  24. Xôn xao một tin đồn kinh dị-tin trong ngay |Tin tuc trong ngay 24h
  25. Nhân năm Dần nói chuyện... Hổ | Thể thao & Văn hóa
  26. Kỳ 2: Chúa sơn lâm vào... nồi - Phóng sự - Pháp Luật Xã hội
  27. Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số urltitle phải được chỉ định. {{{publisher}}}. Truy cập 6 tháng 10 năm 2013.
  28. Chú thích có lỗi Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên vanhoanghean.com.vn; $2