Hình tượng con hổ trong văn hóa/Trong nghệ thuật/Múa

Tủ sách mở Wikibooks

Trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn, Long Hổ hội là điệu múa được nhiều thế hệ nghệ nhân cung đình Huế sáng tạo dựa trên cơ sở điệu múa tứ linh, là điệu múa được sáng tạo nhằm biểu hiện những sinh hoạt của hai loài vật Điệu múa được chia làm ba phần, trong đó phần "Hổ độc diễn" đã được các nghệ nhân cung đình mô phỏng theo những nét đặc trưng nhưng rõ ràng và dễ hiểu. Trên sân khấu, ngoài hình tượng con Long (Rồng) oai nghiêm mềm mại, thì hình tượng con Hổ đã được các nghệ nhân sáng tạo thông qua sự quan sát tinh tế những thuộc tính của con vật được coi là chúa tể sơn lâm. Long và Hổ vờn nhau thể hiện cuộc sống thanh bình, đất trời hòa hợp và cái đẹp chân thật của bản năng.

Nghệ thuật múa Hổ độc diễn được miêu tả bằng chuỗi hành động từ chậm đến nhanh và đạt đến cao trào với cách tạo hình động như: bắt đầu Hổ lăn một vòng 3600, tiếp đến Hổ quan sát xung quanh, đào đất, nhảy ngồi trên 2 chân sau, nín thở, đại tiện, lấp đất, ngửi, lăn đất, cọ lưng, giỡn bóng nắng, ngủ... Chuỗi hành động của Hổ độc diễn được các nghệ nhân tái hiện cực kỳ độc đáo. Cũng như hành động đẻ trong điệu múa cung đình Lân mẫu xuất lân nhi, hình ảnh Hổ đại tiện được miêu tả không hề trùng lặp với một điệu múa cung đình nào nhưng đã gây bất ngờ và thú vị cho khán giả. Khi miêu tả Hổ đại tiện, các nghệ nhân cho rằng, Hổ là giống lớn nhất trong họ nhà mèo và chỉ duy nhất họ này biết che giấu khi đại tiện, đấy là sự khôn ngoan đặc biệt hơn hẳn các loài khác, kể cả con người. Chính vì vậy, khi sáng tạo nên nhân vật Hổ, những người nghệ nhân cung đình xưa đã miêu tả chi tiết này.

Khi biểu diễn hình tượng Hổ, người nghệ sĩ phải mang bộ lốt màu vàng đất vì Hổ ở đây chính là Hoàng Hổ tượng trưng cho đất. Do đó khi biểu diễn, Hổ có những động tác như: ngồi trên hai chi sau, hai chi trước chống đất, lạy ba lạy với ý nghĩa Đất phải chịu Trời. Khi người nghệ sĩ biểu diễn, hình tượng con Hổ trong điệu múa đã được nâng cao về mặt nghệ thuật, các thuộc tính của loài vật này chẳng những không làm cản trở, trói buộc sự sáng tạo mà càng khiến cho điệu múa thêm sinh động, uyển chuyển, mang nét đặc trưng riêng biệt, độc đáo và hết sức tinh tế.[1] Điệu múa được kết thúc bằng hình ảnh Long đứng tấn, Hổ nhảy chân phải đứng trên chân trái Long, tay phải ôm vào cổ Long, tay trái đưa lên đối xứng với tay phải của Long. Đây chính là cách tạo hình mà nhiều thế hệ nghệ sĩ trước đây thường biểu diễn trong các ngày Gia Long khai quốc, Hưng quốc khánh niệm và những ngày khánh hỷ trong cung để cầu mong đất trời hòa thuận, người dân được hưởng thái bình an lạc.


Chú thích
  1. Hình tượng chúa sơn lâm trong điệu múa cung đình "Long Hổi hội"