Chính trị nhà Trần/Bộ máy chính quyền/Tuyển quan/2

Tủ sách mở Wikibooks
Tuyển chọn qua khoa cử

Thời Trần, khoa cử để tuyển chọn quan lại thông qua các hình thức: thi Lại viên, thi Tam giáo và chủ yếu là thi Thái học sinh (tức thi Tiến sĩ). Tuy nhiên những khoa thi Tam giáo chủ yếu là lấy người nối nghiệp các nhà Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, nên không xếp vào hình thức thi tuyển chọn quan lại. Và trong hệ thống chức quan của nhà Trần cũng không thấy ghi chức quan dành cho những người chuyên trách tam giáo.

Thi Lại viên[sửa]

Sừ cũ chép về những sự kiện triều đình tuyển người qua các kỳ thi Lại viên: Đời Trần Thái Tông, năm 1228, tháng 2, thi Lại viên bằng thề thức công văn (bạ đầu sách). Người nào trúng tuyển thì sung làm thuộc lại ở các sảnh viện"[1]; Thánh Tông, năm 1261: "Thi Lại viên bằng các môn viết và tính. Người đỗ sung làm Duyện lại nội lệnh sử, các Ty Thái y, Thái chúc khảo thì người nào tinh thông nghề ấy thì bổ vào chức ấy"[2]. Những người làm việc trong Thái y ty chịu trách nhiệm chữa bệnh ở trong cung. Những người làm việc trong Thái chúc ty thì giữ việc lễ nhạc. Tháng 3 năm Quý Mão (1363) "thi các sĩ nhân bằng văn nghệ để sung vào các quán các. Thi Lại viên bằng viết chữ để sung làm thuộc viên các sảnh viện"[3]. "Duệ Tông, năm 1373, thi Lại viên để bổ nội lệnh sử và duyện lại"[4]. Chứng tỏ các quan viên làm việc trong các sành, viện thời Trần được triều đình chú trọng tuyển dụng với các hình thức khác nhau.

Sảnh, viện thời Trần gồm nhiều bộ phận nên các quan lại giúp việc không phải là ít. Ví dụ Sảnh thì gồm có: Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Thượng thư sảnh, Bí thư sảnh và Nội thị sảnh.

Trung thư sảnh thì có Trung thư lệnh, thị lang, tả hữu gián nghị đại phu, tả hữu chính ngôn, tả hữu tham nghị, giữ việc đề nghị các việc lên vua và vâng tuyên mệnh lệnh; Môn hạ sảnh vốn là Quan Triều cung hành khiển ty, đến đời Thiệu Phong thì đổi tên này, có các chức hành khiển, tả hữu ty lang trung, viên ngoại lang, giữ việc vâng theo lệnh chi của Thượng hoàng...

Viện thì gồm có Tuyên huy viện, Thẩm hình viện, Quốc sử viện, Tập hiền viện, Tam ty viện, Quốc học viện, Nội mật viện. Ví dụ, Tuyên huy viện có đại sứ và phó sứ; theo chế độ nhà Tống thì Tuyên huy viện giữ sổ sách các ty các ban trong cung, cùng việc tế tự triều hội; Thẩm hình viện (có chức đại lý chính, khi tụng án đã thành, viện này định tội, lệ vào Hình bộ); Quốc sử viện (có đề điệu, giám tu quốc sử); Tập hiển viện (có học sĩ, cũng có Tập hiền điện); Hàn lâm viện (có các chức học sĩ, học sĩ thừa chỉ)... Như vậy có thể hình dung được số người cần tuyển qua các kỳ thi không phải là nhỏ.

Những người làm ở quán, các, 10 năm mới được xuất thân. Người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân.

Thi Thái học sinh[sửa]

Trong quá trình kiện toàn bộ máy nhà nước, nhà Trần càng ngày càng chú trọng tuyển chọn quan lại thông qua các kỳ thi Thái học sinh. Những người nào thi đỗ được nhà vua cho vào chầu ở điện. Năm 1236, “chọn Nho sinh thi đỗ cho vào chầu, bàn làm định lệ"[5]. Nhà Trần đã tổ chức được 12 khoa thi Thái học sinh và một khoa thi Đình các tiến sĩ. Khoa thi đầu tiên năm 1232, đến khoa cuối cùng năm 1393.

Nhà Trần tuyển chọn nhân tài, quan lại thông qua khoa cử để phục vụ đất nước như Trương Hanh, Lưu Diễm, Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, Trần Chu Phổ (khoa thi năm 1232). Khoa thi năm 1247, triều đình lấy đỗ 48 người[6], trong đó có những người giỏi nổi tiếng như Nguyễn Hiền và Lê Văn Hưu. Đặng Ma La làm quan đến chức Thẩm hình viện. Khoa thi Thái học sinh năm 1256 lấy đỗ 43 người (Kinh 42 người, Trại 1 người), những người đỗ đạt đều được giao chức tước trong triều. Trong đó cỏ Trần Quốc Lặc đỗ Kinh Trạng nguyên, rồi còn được kết hôn với công chúa. Sau được phong phúc thần. Trương Xán đỗ Trại Trạng nguyên làm quan đến chức Thị lang, hàm Tự khanh. Chu Hinh đỗ Bảng nhãn, làm quan đến chức Hàn lâm viện thị độc. Trần Uyên đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Đại học sĩ.

Khoa thi năm 1304 lấy đỗ 44 người. Trong đó Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sung nội thư gia, là Trạng nguyên nổi tiếng khi đi sứ nhà Nguyên năm 1324. Ông từng làm quan và hoạt động dưới 4 đời vua Trần: Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 - 1329), Trần Hiến Tông (1329 - 1341) và Trần Dụ Tông (1341 - 1369) trong suốt gần 40 năm. Ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Hữu ty Lang trung, Tả ty Lang trung đòi vua Trần Minh Tông. Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp khi mới 16 tuổi, đương thời gọi là thần đồng. Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), còn có tên là Cốt, là một trong những nhân tài nổi tiếng của triều Trần, từng làm Đại doãn Kinh sư (nguyên trước ở Kinh sư đặt Đại An phủ sứ, đến đây đổi làm Đại doãn), tức là người đứng đầu cai quản Kinh đô Thăng Long. Ông cùng với Trương Hán Siêu biên định bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư. Sau, kinh qua các chức Kinh lược sứ trấn Lạng Giang, Nhập nội đại hành khiển, Thượng thư hữu bật kiêm tri Khu mật viện sú, thị Kinh diên đại học sĩ, Trụ quốc khai huyện bá...


  1. Toàn thư, quyển V, tập II, trang 9
  2. Toàn thư, quyển V, tập II, trang 33
  3. Toàn thư, quyển VII, tập II, trang 165
  4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, trang 565
  5. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, trang 565
  6. Toàn thư, quyển V, tập II, trang 21 có chép: "“Lấy đỗ Thái học sinh 48 người". Nhưng sách Lịch triều đăng khoa lục ghi đỗ chỉ có 40 người.