Bộ môn nhân học/Tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội ở Việt Nam/Công giáo tại Việt Nam

Tủ sách mở Wikibooks

Khái lược về Công giáo[sửa]

Hoàn cảnh ra đời[sửa]

  • Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ I ở các tỉnh phía đông của đế quốc La Mã với chế độ chiếm hữu nô lệ. Đế chế La Mã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, tạo ra nhiều mâu thuẫn và xung đột gay gắt trong đời sống xã hội. Trong bối cảnh ấy đã làm nảy sinh những tư tưởng được giải phóng và tự do. Bên cạnh đó, vùng Trung Cận đông là nơi tiếp giáp 3 châu lục, dân cư ở đây vốn theo đa thần giáo, trong quá trình thống nhất của đế chế đã xuất hiện yêu cầu thống nhất về tư tưởng, trong đó có nhu cầu về tôn giáo độc thần, vì vậy Kitô giáo đã ra đời trên cơ sở của Do Thái giáo vốn đang tồn tại ở vùng này
  • Sự ra đời của Kitô giáo gắn với tên tuổi của Giêsu Kitô. Ông sinh ra vào đầu Công nguyên, theo truyền thuyết, bà Maria đã mang thai một cách màu nhiệm và sinh ra ông. Giêsu là người thông minh. Trên cở sở kinh thánh và những nghiên cứu hiện có, ta có thể biết được vài điểm về cuộc sống của Giêsu như sau: Giêsu là người Do Thái , sống ở đầu thế kỷ I sau Công nguyên. Khoảng 30 tuổi thì bắt đầu truyền, giảng đạo khoảng 3 năm ông đã thu nhận và đào tạo 12 người thành Thánh tông đồ. Phêrô là Thánh tông đồ cả. Giêsu bị sự ghen ghét của các phần tử Do Thái giáo, nhiều lần bị hãm hại, cuối cùng ông bị kết tội “mưu phản La Mã”. Sau khi bị kết tội “mưu phản La Mã”, bị đóng đinh chết trên thập tự giá – trở thành biểu tượng của nền Công giáo. Sau khi Giêsu qua đời, Kitô giáo được hình thành.

Sau khi hình thành và phát triển trong thời gian khá dài các cuộc ly giáo dần dần phá hủy khối hiệp nhất của Kitô giáo, dẫn đến sự xuất hiện của những giáo phái mới (ví dụ: Giáo phái Arianism ra đời năm 318), đặc biệt, hai sự kiện ly giáo lớn nhất đó là Ly giáo Đông - Tây (1054) cho ra đời Giáo hội Chính thống giáo Đông phương và Cải cách Kháng Cách (1517) cho ra đời các giáo phái thuộc khối Tin Lành. Cùng với đó là sự xuất hiện của Anh giáo (1534).

Kitô giáo hiện nay có tín đồ trên khắp thế giới khoảng 2,1 tỉ với 4 tông phái: Công giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính thống giáo Giáo hội Công giáo đã có những vai trò nhất định của mình trong những biến chuyển của thế giới bao gồm: cuộc truyền giáo ra khắp châu Âu và Mỹ Latinh, các vấn đề giáo dục, y tế, triết học, nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, kiến trúc và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu cuối thế kỷ 20.

Kinh thánh[sửa]

  • Kinh thánh theo quan niệm của giáo hội là “lời Chúa truyền dạy đời đời” là một bộ sách gồm 73 quyển được chia làm 2 bộ Tân ước và Cựu ước. Ban đầu Kinh thánh được truyền khẩu trong dân gian. Đến thế kỷ II thì bắt đầu được viết trên da dê, từ thế kỷ IV – VI được viết trên giấy Papêrút và đến thế kỷ VII mới viết thành sách. Kinh thánh là một kho tàng lịch sử và điển tích văn học. Trong Kinh thánh bao gồm toàn bộ toàn bộ quan điểm, tư tưởng của giáo lý và tín điều của các đạo Kitô. Tùy theo đạo mà số kinh này được chấp nhận theo yêu cầu của giáo lý các đạo. Ví dụ Đạo Chính thống chú trọng 5 cuốn đầu tiên của Kinh Cựu ước. Đạo Tin Lành lại lấy 4 cuốn Kinh Phúc âm làm giáo nghĩa cơ bản….
  • Kinh thánh chia làm 2 bộ:
    • Bộ Cựu ước: có 46 cuốn. Kể về những chuyện trước khi Chúa Giê su ra đời. Bộ này chia làm 4 tập.
      • Tập 1: Bao gồm 5 cuốn đầu tiên (Ngũ kinh) gồm Sáng thế ký, Xuất hành ký, Lê vi ký, Dân số ký, và Thân mệnh ký.
      • Tập 2: là bộ sử thư gồm 16 cuốn.
      • Tập 3: gồm 7 cuốn là những thi ca Triết học.
      • Tập 4: gồm 14 cuốn sách Tiên tri.
    • Bộ Tân ước: có 27 cuốn chia làm 4 tập.
      • Tập 1: có 4 quyển sách nổi tiếng gọi là sách Phúc âm. 4 cuốn sách này mô tả cuộc đời của Chúa Giêsu, nhất là 3 năm ông đi truyền đạo.
      • Tập 2: bao gồm 15 cuốn nói về Công vụ tông đồ. Ghi lại các tông đồ làm việc như thế nào khi Chúa về trời.
      • Tập 3: có 7 cuốn. Nói về hoạt động của 3 tông đồ giỏi nhất.
      • Tập 4: có tên là Khải huyền thư. Ghi lại việc con người không nghe lời nên bị Chúa trừng phạt

Một số nội dung cơ bản.

  • Mười hai tín điều cơ bản:

Tín điều là 1 đoạn văn ngắn viết về các giáo lý chủ yếu tạo ra cơ sở cho bất kỳ phong trào tôn giáo nào hay bất kỳ giáo hội nào. Tín điều phải được chấp nhận không điều kiện (không chứng minh).

Đối với Công giáo trong kinh Tin kính có 12 tín điều cơ bản. Trong đó 8 tín điều nói về bản chất Thiên Chúa, sự hiện thân của chúa Giêsu và ơn cứu độ, 4 tín điều còn lại nói về giáo hội, nhà thờ và cuộc sống vĩnh hằng.

Tín điều căn bản đầu tiên là niềm tin vào Thiên Chúa và sự màu nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa có ba ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần nhưng cùng một bản thể. Ba ngôi “đồng vinh, đồng đẳng, đồng quyền” nhưng có chức năng và vai trò khác nhau. Cha – tạo dựng, Con – cứu chuộc, Thánh thần – thánh hoá...

  • Bảy phép bí tích:

Phép Bí tích: Một nghi lễ của Thiên Chúa giáo, theo đó ơn Chúa sẽ được đem đến cho các tín đồ.

Trong các nghi lễ, phép bí tích là quan trọng nhất, thể hiện mối quan hệ giao tiếp giữa con người với Chúa. Có 7 bí tích:

  1. Bí tích rửa tội: nhằm xóa tội tổ tông và các tội bản thân. Hình thức là lấy nước lã đổ lên đầu kẻ lãnh bí tích rửa tội và đọc (tên thánh) tôi rửa tội nhân danh cha, con và thánh thần” còn kẻ lãnh bí tích thề hứa bỏ ma quỷ lánh tội lỗi, tin theo Chúa Kitô giữ lề luật của Người.
  2. Bí tích thêm sức : để củng cố đức tin kính Chúa
  3. Bí tích thánh thể: ăn bánh thánh, uống rượu nho với ý nghĩa đó là mình và máu của Chúa Giêsu để được tha tội.
  4. Bí tích giải tội: dành cho người sám hối tội lỗi.
  5. Bí tích truyền chức thánh: chỉ dành cho giám mục và linh mục đã được tuyển chọn để họ có quyền tế lễ chăn dắt dân chúa.
  6. Bí tích hôn phối: là bí tích kết hợp hai tín hữu 1 nam, 1 nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa.
  7. Bí tích xức dầu bệnh nhân: là bí tích nâng đỡ bệnh nhân về phần hồn và phần xác, giúp tín đồ chịu đựng đau khổ, dọn mình trước cái chết.
  • Mười điều răn của Chúa
  1. Phải thờ kính Thiên Chúa trên hết mọi sự.
  2. Không được lấy danh Thiên Chúa để làm những việc phàm tục, tầm thường.
  3. Dành ngày Chúa Nhật để thờ phụng Thiên Chúa.
  4. Thảo kính cha mẹ.
  5. Không được giết người.
  6. Không được dâm dục.
  7. Không được tham lam lấy của người khác.
  8. Không được làm chứng dối, che dấu sự giả dối.
  9. Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác.
  10. Không được ham muốn của cải trái lẽ.
  • Sáu điều răn của Hội Thánh
  1. Xem lễ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc.
  2. Kiêng việc xác ngày Chúa Nhật.
  3. Xưng tội một năm một lần.
  4. Chịu lễ ngày phục sinh.
  5. Giữ chay những ngày quy định.
  6. Kiêng ăn thịt những ngày quy định.

Công giáo Việt Nam thời kì trước 1945[sửa]

Đạo Công giáo là tôn giáo có mặt ở Việt Nam gần 5 thế kỷ (1533 - 2010), có số lượng tín đồ lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Phật giáo). Công giáo Việt Nam đến năm 1945 phát triển như sau :

Đạo Công giáo thời kỳ từ năm 1533 - 1884[sửa]

Đạo Công giáo truyền vào Việt Nam năm 1533, do giáo sĩ Tây dương tên là In-nê-khu đến làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định ngày nay). Đạo Công giáo vào Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị lâm vào giai đoạn khủng hoảng, nội chiến kéo dài giữa Nhà Trịnh – Nhà Mạc, Nhà Trịnh – Nhà Nguyễn, đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài. Về kinh tế, đời sống nhân dân khó khăn, quan hệ giữa các vua, chúa Việt Nam và các nước phương Tây như: Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan chủ yếu là trao đổi hương liệu quý và mua vũ khí phục vụ cuộc chiến tranh trong nước.

Trong giai đoạn này, Giáo hội Công giáo hoàn vũ đang phát động công cuộc truyền giáo vào châu Á và không ngừng gửi các thừa sai theo đoàn tàu buôn đến các nước ở khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Sau giáo sĩ In-nê-khu là các giáo sĩ thuộc dòng Đa Minh như: linh mục Gaspar Da Santa Cruz vào truyền giáo tại Hà Tiên năm 1550; linh mục Luis de Fonseca và linh mục Grégeire de la Motte tại Quảng Nam năm 1588... và thời gian này công cuộc truyền giáo mới ở mức thử nghiệm, thăm dò. Việc truyền giáo vào Việt Nam thực sự thu được kết quả từ năm 1615 với các thừa sai dòng Tên tại Cửa Hàn, Quảng Nam; Cửa Bạng, Thánh Hoá (1627). Tại những nơi đến, các thừa sai đã lập Hội Thầy giảng để trợ giúp việc truyền giáo (thành viên của Hội là người Việt), phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh để soạn thảo kinh dạy giáo dân. Nhờ những kinh nghiệm thích nghi văn hóa của các thừa sai truyền giáo tại Trung Hoa, Nhật Bản, khi đến Việt Nam truyền giáo các thừa sai đã quan tâm đến việc học ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục dân tộc Việt.

Việc truyền giáo giai đoạn này được thuận lợi hơn khi: Bộ Truyền giáo được thiết lập (1622), Bộ cung cấp các phương tiện truyền giáo như mở các nhà in đa ngữ, hỗ trợ tài chính, gửi các sách phụng vụ và giáo lý, mở chủng viện Urbano năm 1627 để đào tạo chủng sinh các miền truyền giáo, lập ra chức Đại diện Tông Toà cho các giám mục hoạt động tại các miền truyền giáo; chữ Quốc ngữ ra đời gắn với vai trò của linh mục Alexandre de Rhodes khi ông xuất bản cuốn từ điển Việt - Bồ - La (1651) tại Roma, phép giảng tám ngày... bằng chữ Quốc ngữ; Hội Thừa sai Paris được thành lập (1664) và sự bành trướng về thương mại của tư bản Pháp. Các sự kiện trên đã tạo điều kiện cho việc truyền giáo ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Kết quả truyền giáo được đánh dấu bằng sự kiện ngày 9/9/1659 Giáo hoàng Alexander VII với Tự sắc “Super Cathedram Principis” thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận đầu tiên và giao cho hai thừa sai thuộc Hội truyền giáo Paris làm đại diện Tông toà. Giáo phận Đàng Trong từ sông Gianh trở vào Nam gồm cả phần đất Chân Lạp, Chiêm Thành do Giám mục Lambert de la Motte cai quản và giáo phận Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra Bắc bao gồm cả Lào và 5 tỉnh miền Nam Trung Quốc do Giám mục Francois Pallu coi sóc (vì nhiều lý do Giám mục Pallu không nhận nhiệm sở, Giám mục Lambert kiêm luôn Giám quản Đàng Ngoài). Đến năm 1679 (sau 20 năm thiết lập hai giáo phận đầu tiên) giáo phận Đàng Ngoài được chia làm 2: Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài.

Cuối thế kỷ XVIII, với vai trò của Giám mục Pigneau de Béhaine (tên Việt Nam là Bá Đa Lộc) đại diện Tông toà Đàng Trong (1771 – 1799), người đã giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long mở đầu cho một triều đại mới của Việt Nam – triều đại Nhà Nguyễn (1802 – 1945); cũng là người mang lại nhiều "cơ hội" cho việc truyền giáo của các thừa sai nước ngoài tại Việt Nam. Đến năm 1844 Giáo hoàng Gregorius XVI chia giáo phận Đàng Trong thành 2: Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm 6 tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên do Giám mục Lefèbvre và Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) do Giám mục Quénot Thể cai quản. Đến năm 1846, giáo phận Tây Đàng Ngoài được chia làm 2: Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) do Giám mục Retord và giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) do Giám mục Gauthier cai quản. Năm 1848, giáo phận Đông Đàng Ngoài lại chia thành Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng) và Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu); tiếp theo là một loạt các giáo phận mới được chia tách.

Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam là tôn giáo hoàn toàn xa lạ với tín ngưỡng, phong tục và lề lối phong kiến Việt Nam thời đó, vốn lấy Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo trong trị nước yên dân. Nên trong qúa trình truyền giáo nhất là thời Nhà Nguyễn đạo Công giáo cũng bị cấm gay gắt, nhất là thời vua Minh Mạng, Tự Đức. Đến hoà ước Nhâm Tuất (ngày 5/6/1862) được ký kết giữa triều đình Nhà Nguyễn với Pháp và Tây Ban Nha, theo hoà ước triều đình phải nhượng 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp và các thừa sai hai nước được tự do ra vào truyền đạo. Đến hoà ước Giáp Tuất 15/3/1874 thì việc truyền giáo ở Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Có thể nói, đây là thời kỳ truyền giáo đầu tiên nhưng đạo Công giáo đã tìm được chỗ đứng ở Việt Nam, đặt nền móng cho các thời kỳ truyền giáo tiếp theo.

Đạo Công giáo thời kỳ từ 1884 - 1945[sửa]

Với hoà ước Giáp Thân 6/6/1884, Pháp bắt đầu thống trị toàn bộ Việt Nam, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của đạo Công giáo ở Việt Nam. Việc truyền giáo không còn phụ thuộc bởi các quốc gia thuộc địa mà thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Truyền giáo Vatican.

Toà Giám mục, nhà thờ, chủng viện, các dòng tu... được xây dựng ở nhiều nơi, số tín hữu tăng nhanh. Giai đoạn này cũng đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của Giáo hội Công giáo Việt Nam như: Ngày 3/12/1924, Toà thánh Vatican đổi tên các giáo phận Tông toà tại Việt Nam theo địa hạt hành chính, nơi đặt Toà Giám mục như ngày nay; năm 1925 Toà thánh Vatican thiết lập Toà Khâm Sứ ở Đông Dương và đặt tại Phú Cam (Huế); năm 1933 Toà thánh tấn phong linh mục Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục và đây cũng là Giám mục người Việt Nam đầu tiên của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam sau 400 năm truyền giáo; năm 1934 Cộng đồng Đông Dương với 19 Giám mục, 5 Bề trên dòng tu và 21 linh mục cố vấn đã họp tại Hà Nội, bàn về việc tiến tới thiết lập hàng giáo phẩm và đào tạo giáo sĩ... ở Việt Nam. Sau Công đồng Đông Dương, Giáo hội Việt Nam phát triển nhanh vì được định hướng rõ rệt, nhiều giáo phận mới được thành lập. Đến năm 1939 đạo Công giáo ở Việt Nam có 16 giáo phận, 17 Giám mục, 1.544.765 giáo dân.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công Việt Nam được độc lập, có sự ủng hộ của giáo dân và một số giáo hoàng công giáo Việt Nam bất chấp sự phản đối của các thừa sai ngoại quốc. Giám mục Nguyễn Bá Tòng đã nhân danh giám mục công giáo và dân công giáo Việt Nam gửi sứ điệp cho đức Giáo hoàng Piô XII (23/9/1945) “ Đứng trước những biến cố hết sức xúc động như thế này và bản thân chúng con cảm động đến tận đáy lòng, vì ý thức bổn phận thiêng liêng đối với tổ quốc chúng con, các giám mục người Việt Nam, chúng con nài xin Đức Thánh Cha, toà thánh Rô ma, các đức Hồng y, các đức Tổng giám mục, Giám mục và toàn thể anh chị em Công giáo khắp thế giới và đặc biệt là Công giáo Pháp, hãy hỗ trợ cho việc quyết định của tổ quốc yêu quý của chúng con”

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp nhiều linh mục đã tham gia kháng chiến như Phạm Bá Trực, Vũ Xuân Kỉ, Lương Minh Kí... nhiều linh mục đã hi sinh như Nguyễn Bá Luật, Vũ Ninh Khang... Đặc biệt, là sự đóng góp của linh mục Võ Thành Trinh làm nòng cốt cho phong trào người công giáo kính Chúa, yêu nước.

Ngay cả trong các giáo dân cũng có phong trào “ Hội Công giáo cứu quốc” là thành viên của mặt trận Việt Minh. Ở miền Nam có Liên đoàn Công giáo kháng chiến Nam Bộ - cho thấy sự ủng hộ không hề nhỏ của giáo hội công giáo để đi đến thành công của cách mạng Tháng 8.

Song Cách mạng tháng 8 đưa đến một tình thế “người Công giáo bị kẹt vào giữa hai cực, tiến thoái lưỡng nam : hoặc là hợp tác với Việt Minh cộng sản thì có nguy cơ phản bội giáo hội vào thời giáo hoàng Piô XII khi mà chủ nghĩa chống cộng được coi như là một tín điều, hoặc là liên hiệp với Pháp để phản bội tổ quốc một lần nữa.”

Tình huống trên đã dẫn đến một tình trạng là có một bộ phận hàng giáo phẩm lợi dụng thần quyền giáo lí, vũ trang quần chúng là tín đồ để chống phá cách mạng.

Công giáo Việt Nam thời kì sau 1945[sửa]