Ấn Độ giáo/Tôn giáo Ấn Độ/Ấn giáo Tính lực

Tủ sách mở Wikibooks

Giữ vị trí trung tâm sùng bái của Tính lực giáo (śāktism) là Thiên nữ Tính lực (devī hoặc śakti). Chỉ Thiên nữ này nhận thức và hành động, tạo tác, gìn giữ và tiêu huỷ thế giới, làm toại nguyện, ban ân, giải thoát. Thiên nữ Tính lực (śakti) là sự tổng hợp của tất cả những năng lực, nghĩa là năng lực của tất cả các vị thần, đặc biệt là thần Thấp-bà và Tì-thấp-nô. Về mặt lịch sử thì Tính lực giáo xuất phát từ những trào lưu tôn giáo bộ tộc. Có thuyết cho rằng, Tính lực giáo có thể bắt nguồn từ việc tôn thờ Thiên nữ thời Văn minh lưu vực sông Ấn Độ nhưng thuyết này vẫn chưa được chứng minh một cách thuyết phục.

Từ những thế kỉ đầu CN, Tính lực giáo được hoà nhập vào Thấp-bà giáo, và khoảng từ thế kỉ thứ sáu lại đạt vị trí quan trọng qua sự hỗ trợ của truyền thống Bà-la-môn, sau lại được chủng tính Sát-đế-lợi (kṣatriya, chủng tính vua chúa và quân đội) tôn sùng vì được xem là nữ thần chiến tranh.

Nhưng chỉ từ thế kỉ thứ 10, Thiên nữ Tính lực mới vượt hẳn các vị thần nam tính khác, đặc biệt là Thấp-bà, và kể từ đây, mối quan hệ nam nữ được đảo ngược: Không có Thiên nữ Tính lực thì các vị thần khác không còn khả năng nhận thức và hoạt động. Với thời gian, Tính lực giáo đã hấp thụ nhiều truyền thống tôn sùng các nữ thần địa phương, hoà nhập họ vào truyền thống thờ phụng Thiên nữ Đỗ-nhĩ-ca hoặc Ka-li (durgā/kālī) và qua đó, đã góp phần rất lớn trong việc Ấn giáo hoá các trào lưu tín ngưỡng bộ tộc.

Hiện nay, Tính lực giáo vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo tại Ấn Độ. Song song với các bộ Đát-đặc-la (tantra) có cùng với Thấp-bà giáo, Tính lực giáo còn có những bộ thánh điển riêng, xuất hiện kể từ thế kỉ thứ 10. Việc sùng bái Thiên nữ Tính lực bao gồm việc cúng tế súc vật (cá, gà trống, dê, bò), thậm chí cả người cho đến thời đế quốc Anh. Công phu tu luyện bao gồm các nghi lễ Đát-đặc-la với chân ngôn (mantra) và những biểu tượng bí mật, thỉnh thoảng bao gồm sự giao hợp theo nghi thức Mật giáo.