Nước Mỹ xây dựng chính phủ quốc gia/8

Tủ sách mở Wikibooks

Cuộc tranh luận giữa Hamilton và Jefferson

Đã có mâu thuẫn nảy sinh trong thập niên 1790 giữa các đảng phái chính trị đầu tiên ở Mỹ. Trên thực tế, phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang do Alexander Hamilton lãnh đạo, và phe chống chủ nghĩa liên bang do Thomas Jefferson đứng đầu, là những chính đảng đầu tiên ở thế giới phương Tây. Khác với các nhóm chính trị lỏng lẻo trong Hạ viện Anh, hay ở các thuộc địa Mỹ trước thời kỳ cách mạng, cả hai chính đảng này đều có cương lĩnh và nguyên tắc tương đối nhất quán, lực lượng ủng hộ tương đối ổn định và bộ máy tổ chức mang tính liên tục.

Phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang nhìn chung đại diện cho nhóm lợi ích thương mại và công nghiệp bởi lẽ họ cho rằng đây chính là những động lực thúc đẩy tiến bộ trên thế giới. Họ tin rằng thương mại và sản xuất chỉ có thể được thúc đẩy qua bàn tay của một chính quyền trung ương hùng mạnh, có đủ sức huy động vốn tín dụng và phát hành đồng tiền ổn định. Mặc dù công khai nghi ngờ chủ nghĩa cấp tiến đang âm ỉ trong quần chúng nhân dân, song họ lại thu hút được công nhân và thợ thủ công. Lực lượng chính trị hùng mạnh của họ nằm ở các tiểu bang vùng New England. Thấy nước Anh, xét trên nhiều góc độ, là một mô hình mà nước Mỹ nên chạy đua nên họ ủng hộ duy trì quan hệ hữu hảo với mẫu quốc trước đây.

Mặc dù Alexander Hamilton chưa bao giờ có thể có đủ sức tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng đối với việc lựa chọn các chức vụ qua bầu cử, song ông lại là bộ não của phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang về hệ tư tưởng và chính sách công. Ông cống hiến cho xã hội niềm đam mê hiệu quả, trật tự và tổ chức. Đáp lại lời kêu gọi của Hạ viện về kế hoạch huy động tín dụng công, ông đã đưa ra và ủng hộ các nguyên tắc không chỉ áp dụng với nền kinh tế quốc dân mà còn với một chính phủ hiệu quả. Hamilton đã chỉ rõ nước Mỹ phải có tín dụng hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại và hoạt động của chính quyền. Những bổn phận của chính phủ đòi hỏi phải có niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng. ĐÃ có nhiều người mong muốn chối bỏ các khoản nợ công hay chỉ trả một phần của khoản nợ ấy. Tuy nhiên, Hamilton đã cương quyết đòi thanh toán hoàn toàn và cũng yêu cầu có kế hoạch tiếp quản các khoản nợ phát sinh từ thời cách mạng nhưng các bang vẫn chưa trả được. Hamilton cũng bảo trợ một đạo luật của Quốc hội nhằm xây dựng Ngân hàng Trung ương Hợp chúng quốc theo mô hình Ngân hàng Trung ương Anh. Ngân hàng này vừa là thiết chế tài chính trung ương của quốc gia vừa có các chi nhánh hoạt động ở nhiều nơi khác khắp cả nước. Ông đã bảo trợ cho xưởng đúc tiền quốc gia, ủng hộ thuế quan, và nhấn mạnh việc bảo hộ tạm thời cho các công ty mới là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp quốc gia có sức cạnh tranh. Những biện pháp này – đặt nền tảng vững chắc cho các khoản tín dụng của chính phủ trung ương và cung cấp cho chính phủ tất cả nguồn lực cần thiết – đã khuyến khích thương mại và công nghiệp phát triển, đồng thời tạo ra mạng lưới những lợi ích tạo chỗ dựa vững chắc cho chính quyền liên bang.

Đảng Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Thomas Jefferson chủ yếu đứng về phía lợi ích và giá trị nông nghiệp. Họ nghi ngờ các nhà băng và hầu như không quan tâm tới thương mại và sản xuất. Họ tin rằng tự do và dân chủ sẽ đơm hoa kết trái tốt nhất trong một xã hội thuần nông, gồm những nông dân tự cung tự cấp. Họ cảm thấy không cần một chính phủ trung ương hùng mạnh. Thực ra, họ coi một chính phủ như vậy chỉ là nguy cơ gây đàn áp trong tương lai. Tóm lại, họ cổ xúy cho quyền của các tiểu bang. Họ có lực lượng hùng mạnh nhất ở miền Nam.

Mục tiêu cao cả của Hamilton là một bộ máy chính quyền hiệu quả hơn, trong khi đó Jefferson lại nói “Tôi không phải là người ủng hộ một chính phủ quá nhiệt huyết”. Hamilton lo sợ tình trạng vô chính phủ và luôn suy nghĩ đảm bảo an ninh, trật tự; trong khi đó Jefferson lại lo sợ tình trạng chuyên chế và luôn suy nghĩ đảm bảo quyền tự do. Nếu Hamilton coi nước Anh là một hình mẫu thì Jefferson – công sứ tại Pháp trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Pháp – lại coi việc lật đổ chế độ quân chủ ở Pháp là một hiện thân của những lý tưởng tự do của thời kỳ Khai sáng. Trái với bản năng bảo thủ của Hamilton, Jefferson lại thiên về chủ nghĩa cấp tiến dân chủ.

Một mâu thuẫn nảy sinh rất sớm giữa hai người ngay sau khi Jefferson nhậm chức ngoại trưởng đã dẫn tới một cách lý giải mới và rất quan trọng của Hiến pháp. Khi Hamilton trình dự luật thành lập ngân hàng quốc gia của mình thì Jefferson – đại diện cho những người cổ xúy quyền lực của các tiểu bang – đã lập luận rằng Hiến pháp đã liệt kê một cách rõ ràng toàn bộ những quyền lực thuộc về Chính phủ Liên bang và dành tất cả những quyền lực khác cho tất cả các tiểu bang. Không có quy định nào trong Hiến pháp cho phép chính phủ được thiết lập ngân hàng.

Hamilton đã phản bác lại rằng, vì đây có muôn vàn chi tiết cần thiết nên một bộ luật quy định về quyền phải được diễn giải từ những quy định chung, và một trong những quyền đó là cho phép Quốc hội ban hành tất cả các đạo luật cần thiết và phù hợp để thực thi những quyền lực khác đã được trao cụ thể. Hiến pháp đã trao quyền cho chính quyền liên bang đặt ra và thu các loại thuế, trả nợ và vay tiền. Ngân hàng quốc gia sẽ giúp đỡ về mặt vật chất trong việc thực hiện những chức năng này có hiệu quả. Vì vậy, theo những quyền lực được suy rộng ra, Quốc hội có quyền thành lập một ngân hàng như vậy. Washington và Quốc hội đã chấp nhận quan điểm của Hamilton – và như vậy đã tạo một tiền lệ mở rộng việc diễn giải quyền lực của Chính phủ Liên bang.